2 quốc gia này 'ung dung' thu về cả tỷ USD khi thế giới chật vật với việc 'mất' hàng triệu thùng dầu mỗi ngày

Chi Lan |

Theo một phân tích, doanh thu từ dầu mỏ của 1 trong 2 quốc gia này có thể tăng thêm 2,8 tỷ USD trong quý II. Trong khi đó, thế giới đang lo ngại trước nguy cơ giá dầu vọt lên 100 USD/thùng.

2 quốc gia này ung dung thu về cả tỷ USD khi thế giới chật vật với việc mất hàng triệu thùng dầu mỗi ngày - Ảnh 1.

Ả Rập Xê ÚtNga đã thu về thêm hàng tỷ USD doanh thu từ dầu mỏ trong những tháng gần đây, dù họ xuất khẩu ít dầu hơn sau khi động thái cắt sản lượng khiến giá dầu thô tăng vọt.

Việc 2 quốc gia này cắt giảm sản lượng này là một chiến lược chịu nhiều áp lực. Tuy nhiên, bước đi này dường như đang mang lại lợi ích cho 2 thành viên quan trọng nhất trong OPEC+. Theo tính toán của công ty tư vấn Energy Aspects, việc giá dầu tăng đang bù đắp cho sản lượng dầu bị cắt giảm.

Khoản doanh thu “béo bở” từ bán dầu đang giúp Ả Rập Xê Út tiếp tục tài trợ cho các dự án tốn kém trong nước và các chiến dịch đầu tư ở nước ngoài.

Phân tích của Energy Aspects cho thấy, doanh thu từ dầu mỏ của Ả Rập Xê Út trong quý này có thể tăng gần 30 triệu USD/ngày so với quý II, tương đương tăng khoảng 5,7%. Trong khi đó, Nga có thể sẽ thu về thêm 2,8 tỷ USD.

Một số nhà quan sát thị trường cho biết, thành tích này có thể khiến OPEC+ tiếp tục cân nhắc về việc hạn chế nguồn cung dầu. Saad Rahim, nhà kinh tế trưởng của Trafigura, cho hay: “OPEC+ đang nắm rất nhiều lợi thế. Có thể nhiều điều hơn nữa sẽ sắp xảy ra.”

Trong nhiều tháng, nhóm này đã gây áp lực lên thị trường dầu mỏ toàn cầu. Tuy nhiên, hành động của họ lại không nhận được sự chú ý quá lớn khi xuất hiện những lo ngại về suy thoái kinh tế toàn cầu và tăng trưởng của Trung Quốc giảm tốc, khiến giá dầu vẫn chưa biến động mạnh.

Tháng 10 năm ngoái, các thành viên OPEC+ cho biết họ sẽ cắt giảm sản lượng 2 triệu thùng/ngày, mức lớn nhất kể từ khi đại dịch xảy ra. Vào tháng 5, một nhóm nhỏ hơn do Ả Rập Xê Út dẫn đầu tuyên bố cắt giảm hơn 1 triệu thùng/ngày.

Đến tháng 7, quốc gia này tiếp tục giảm hơn 1 triệu thùng/ngày. Sau đó, ngày 5/9, Ả Rập Xê Út và Nga thông báo kế hoạch tiếp tục cắt giảm sản lượng đến cuối năm nay.

Trong quý này, giá dầu thô Brent tăng 25% và giao dịch ở mức 95 USD/thùng trong những ngày gần đây.

2 quốc gia này ung dung thu về cả tỷ USD khi thế giới chật vật với việc mất hàng triệu thùng dầu mỗi ngày - Ảnh 2.

Các nhà dự báo ước tính mức thâm hụt dầu toàn cầu trong quý IV sẽ lên tới 3,3 triệu thùng/ngày và nhiều nhà phân tích kỳ cựu dự đoán giá dầu Brent sẽ sớm vượt 100 USD/thùng.

Theo WSJ, chiến lược cắt giảm sản lượng của Ả Rập Xê Út và Nga tiềm ẩn nhiều rủi ro vì nhà sản xuất dầu lớn có thể sẽ mất thị phần vào đối thủ. Hơn nữa, nếu tình trạng thiếu hụt không thể đẩy giá dầu tăng cao, thì doanh thu của họ cũng sụt giảm mạnh.

Theo ước tính của Rystad Energy, chi phí sản xuất dầu ở Ả Rập Xê Út và Nga ở mức thấp, khoảng 9,30 USD và 12,80 USD/thùng vào năm ngoái. Tuy nhiên, điều này cũng đồng nghĩa với việc phần lớn doanh thu từ xuất khẩu dầu sẽ trở thành lợi nhuận.

Đối với Ả Rập Xê Út, việc giá dầu cao mang lại cho họ lợi thế. Theo Capital Economics, quốc gia này đã thúc đẩy chi tiêu nhiều hơn tới 37% trong nửa đầu năm 2023 so với cùng kỳ năm trước. Họ đang chuẩn bị đổ tiền vào siêu dự án 500 tỷ USD là xây dựng thành phố mới Neom.

IMF hồi đầu năm nay ước tính, giá dầu giúp Riyadh có thể đạt điểm hoà vốn là 81 USD/thùng. Các nhà phân tích cho biết, nếu Ả Rập Xê Út tiếp tục gặp khó khăn trong việc thu hút đầu tư nước ngoài vào các dự án như Neom, thì mức hoà vốn có thể lên gần 100 USD.

Trong khi đó, Nga cũng đang chi tiêu mạnh cho chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine. Theo Oxford Economics, trong quý I, chi tiêu của Nga đã tăng 35%, gần 2 nghìn tỷ rúp (20,7 tỷ USD) so với năm trước. Từ giữa năm ngoái, chính phủ nước này đã thâm hụt ngân sách.

Loại dầu phổ biến nhất của Nga là Urals, đang giao dịch trên mức 75 USD/thùng. Giá này cao hơn so với mức trung bình trong quý II là 56 USD và cao hơn mức trần do G7 áp đặt là 60 USD.

Tuần trước, Điện Kremlin đã ra quyết định cấm xuất khẩu dầu diesel và xăng, khiến nguồn cung năng lượng thế giới càng gặp khó khăn. Giá dầu diesel toàn cầu cũng tăng vọt do lo ngại nguồn cung bị siết chặt trong bối cảnh thị trường vốn đã thiếu hụt.

Một số nhà kinh tế vẫn dự đoán tăng trưởng của Ả Rập Xê Út và Nga sẽ chậm lại do ảnh hưởng của việc cắt giảm sản lượng. Tuy nhiên, theo James Swanston, nhà kinh tế của Capital Economics, phần lớn sự thay đổi trên sẽ được phản ánh trong cách tính GDP hoặc được điều chỉnh theo lạm phát.

Ông nói: “Nếu chỉ nhìn vào giá dầu thì họ có nhiều lợi thế trong tương lai. Tuy nhiên, đây không phải là yếu tố khiến ‘thay đổi cuộc chơi’, chỉ là sẽ giúp họ tiếp tục chi tiêu.”

Tham khảo WSJ

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại