19 năm cuộc chiến Iraq: Kế hoạch loại bỏ Saddam Hussein được chuẩn bị "bài bản" thế nào?

Đại sứ Nguyễn Quang Khai |

Ngày 20/3 năm nay, người Iraq tưởng nhớ lại 19 năm ngày liên quân 49 nước do Mỹ cầm đầu xâm lược đất nước của họ vào năm 2003, lật đổ chế độ của Tổng thống Saddam Hussein.

Rạng sáng ngày 20/3/2003, cuộc tấn công mở màn bằng các cuộc không kích nhắm vào toà nhà chính phủ và bộ máy lãnh đạo Iraq. Tổng thống Mỹ George W. Bush tuyên bố chiến dịch "Tự do cho Iraq - Operation Iraqi Freedom" bắt đầu. Các lực lượng bộ binh của Mỹ và Anh được máy bay, xe tăng, đại bác... yểm trợ từ Kuwait vượt biên giới tràn vào lãnh thổ Iraq.

Iraq bị đánh hội đồng. Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc không có cuộc họp nào, không có lệnh trừng phạt được áp đặt, không có nghị quyết lên án Mỹ và đồng minh.

Mỹ và Anh đã chuẩn bị cớ để tiến hành chiến tranh chống Iraq như thế nào?

Ngày 4/9/2002, hãng truyền hình CBS của Mỹ cho biết họ đã thu được một tài liệu nói quyết định xâm lược Iraq được Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ lúc bấy giờ là Donald Rumsfeld đưa ra chỉ một giờ sau vụ tấn công khủng bố 11/9/2001 vào Washington và New York.

CBS nói thêm rằng, D. Rumsfeld đã đề nghị các trợ lý của mình xem liệu có thể tấn công Saddam Hussein cùng một lúc với Osama Bin Laden hay không, mặc dù tất cả các báo cáo của Mỹ đều khẳng định vụ khủng bố 11/9 là do tổ chức Al- Qaeda của Bin Laden tiến hành.

Hãng truyền hình CBS tung thông tin này ra vào thời điểm chính quyền Bush "con" chuyển trọng tâm từ Afghanistan sang Iraq và tìm mọi cách để thuyết phục Quốc hội cũng như dư luận nội bộ nước Mỹ và quốc tế ủng hộ kế hoạch xâm lược Iraq.

Mùa thu năm 2002, chính phủ Anh của Thủ tướng Tony Blair cũng công bố một báo cáo về "những nguy cơ của việc Iraq sở hữu vũ khí hủy diệt hàng loạt" nhằm tranh thủ sự ủng hộ của người dân và dư luận thế giới đối với cuộc tấn công Iraq.

19 năm cuộc chiến Iraq: Kế hoạch loại bỏ Saddam Hussein được chuẩn bị bài bản thế nào? - Ảnh 1.

Mặc dù lý do được công bố là vũ khí hủy diệt hàng loạt, còn có nhiều lý do khác về chính trị và kinh tế vẫn được đưa tin trên các phương tiện truyền thông thế giới.

Đứng đầu những lý do này là sự quan tâm của chính phủ Mỹ và Anh nhằm giành quyền kiểm soát nguồn tài nguyên dầu mỏ khổng lồ của Iraq. Các công ty dầu mỏ lớn, trong đó có tập đoàn Halliburton - nơi Phó Tổng thống Mỹ Dick Cheney từng giữ chức giám đốc điều hành trước khi từ chức để liên danh tranh cử cùng ông Bush.

Các tài liệu mật của chính phủ Anh cũng khẳng định có mối quan hệ chặt chẽ giữa các công ty dầu mỏ với cuộc xâm lược Iraq, đồng thời cho biết, kế hoạch khai thác dầu của Iraq đã được thảo luận giữa các quan chức chính phủ và các công ty dầu mỏ quốc tế lớn, đặc biệt là các công ty của Anh gồm Shell, BP và BG một năm trước khi tấn công Iraq.

Đầu tháng 1/2003, trong khi phát biểu tại Fort Hood, căn cứ quân sự lớn nhất của Mỹ ở bang Texas, Bush tuyên bố Mỹ đã sẵn sàng có hành động quân sự nếu Iraq từ chối giải giáp vũ khí hủy diệt hàng loạt. Ông nói thêm, Mỹ không muốn xâm lược Iraq, mà muốn giải phóng người dân Iraq. Ông bày tỏ tin tưởng vào "một chiến thắng quyết định bởi vì Mỹ có quân đội mạnh nhất thế giới."

G. Bush cáo buộc Saddam là mối đe dọa thực sự đối với Mỹ và các đồng minh của Mỹ vì trước đó ông đã từng sử dụng vũ khí hủy diệt hàng loạt chống lại chính người dân của nước mình. G. Bush cũng tố cáo Saddam không chịu đáp ứng yếu cầu của Liên hợp quốc nộp báo cáo về các chương trình vũ khí hạt nhân, sinh học và hóa học của mình cho các thanh sát viên của Liên hợp quốc đã nối lại hoạt động thanh sát của minh tại Iraq cuối tháng 11/2002.

Ngày 7/3/2003, chính phủ Anh đã đề nghị Tổng chưởng lý Lord Peter Henry Goldsmith chuẩn bị một quyết định về tính hợp pháp của việc tiến hành chiến tranh ở Iraq mà không cần đến một nghị quyết mới của Liên hợp quốc để hợp pháp hóa cuộc xâm lược. Như các tài liệu mật của Anh đã được chính phủ của Thủ tướng David Cameron công bố ngày 30/4/2010, trước đây, Lord P. H. Goldsmith đã từng bác bỏ đề nghị này thì nay đã đồng ý.

Cựu Tổng thống George W. Bush đã lôi kéo Mỹ vào cuộc chiến chống Iraq như thế nào?

Để hiểu rõ hơn kế hoạch của Mỹ tấn công Iraq, tờ The New York Times gần đây đã giới thiệu lại cuốn sách "Bắt đầu một cuộc chiến: Chính quyền Bush đưa nước Mỹ đến Iraq như thế nào? - To Start a War: How the Bush Administration Took America Into Iraq" của Robert Draper.

19 năm cuộc chiến Iraq: Kế hoạch loại bỏ Saddam Hussein được chuẩn bị bài bản thế nào? - Ảnh 2.

Cuốn sách này được viết dựa trên các cuộc điều tra và các tài liệu của chính phủ mới được giải mật và các cuộc phỏng vấn với một số cựu quan chức an ninh quốc gia Mỹ, đã hé lộ các biện pháp của chính quyền cựu Tổng thống Mỹ George W. Bush nhằm hạ bệ Saddam Hussein.

Cuốn sách này không chỉ đưa ra những thông tin mới bị rò rỉ, mà còn nêu rõ cách chính quyền Bush đưa ra quyết định lật đổ Saddam Hussein mà không ai có thể phản đối được. R. Draper viết rằng, cơ sở để tiến hành cuộc chiến đã được chuẩn bị vào cuối những năm 1990 bởi cái gọi là "tập hợp tư tưởng quân sự" ở Washington.

Năm 1998, có hai sự kiện lớn. Thứ nhất là Quốc hội Mỹ thông qua "Đạo luật giải phóng Iraq", do Tổng thống Bill Clinton ký. Đạo luật này được sự ủng hộ của Ahmed Chalabi, một nhân vật Iraq bất đồng chính kiến sống lưu vong ở nước ngoài và các nhân vật bảo thủ, trong đó có Paul Wolfowitz - người giữa chức Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ giai đoạn 2001-2005. Đây được coi là bước chính thức đầu tiên trong kế hoạch của Mỹ nhằm lật đổ Saddam.

Sự kiện thứ hai là việc Quốc hội Mỹ thành lập "Ủy ban Rumsfeld", tạo cho cựu Bộ trưởng Quốc phòng Donald Rumsfeld, Paul Wolfowitz và một số quan chức khác có một diễn đàn đặc biệt để có thể chỉ trích Cơ quan tình báo trung ương (CIA) thiếu tầm nhìn xa trông rộng trước những "nguy cơ tiềm ẩn" từ Triều Tiên, Iran và Iraq.

Ủy ban này đặc biệt tập trung vào một loạt các kịch bản, trong đó tố cáo Iraq có vũ khí hạt nhân có thể bắn tới lãnh thổ nước Mỹ trong một thời gian ngắn. Mọi thứ trở nên nghiêm trọng hơn sau sự kiện 11/9/2001 và dựa trên nhiều năm cảnh báo về các mối đe dọa từ bên ngoài, Rumsfeld và Wolfowitz đã hợp tác với Phó Tổng thống Dick Cheney để tuyên chiến và loại bỏ Ngoại trưởng Colin Powell khi đó.

R. Draper tiết lộ sức ép mạnh mẽ của Dick Cheney, cựu Chánh văn phòng Phó Tổng thống Mỹ Lewis Libby và quan chức Bộ Quốc phòng Douglas Feith, yêu cầu các cơ quan tình báo ủng hộ, thậm chí tìm cách bịa đặt việc Saddam sở hữu vũ khí hủy diệt hàng loạt, cũng như cáo buộc ông có quan hệ chặt chẽ với tổ chức khủng bố Al-Qaeda.

Trong cuốn sách của mình, Draper cũng nhắc tới cựu Giám đốc CIA George Tenet, sau khi bị Tổng thống B. Clinton sa thải, đã tìm mọi cách khẳng định mình trung thành với Bush và vai trò quan trọng của ông trong cuộc chiến chống khủng bố.

Vì vậy, khi được Chủ tịch Ủy ban Tình báo Thượng viện Bob Graham hỏi vào tháng 10/2002 liệu thực sự có mối liên hệ nào giữa Saddam và thủ lĩnh Al-Qaeda Osama Bin Laden hay không, Tenet đã trả lời rằng "có những báo cáo rất mạnh mẽ về các cuộc tiếp xúc cấp cao giữa Iraq và Al Qaeda". Đây chính là câu trả lời mà Cheney, Libby, Wolfowitz và Feith muốn nghe.

Cheney và những nhân vật khác đã mô tả Iraq là mối đe dọa đối với Mỹ, nhưng dựa trên bằng chứng nào? Tác giả cuốn sách cho biết, trong cuộc họp tại Phòng Bầu dục tháng 12/2002, Tenet đảm bảo với Bush rằng bằng chứng sẽ được Colin Powell đưa ra trong phát biểu của mình sắp tới tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc ủng hộ cuộc xâm lược là hết sức mạnh mẽ.

Cuốn sách "Kế hoạch tấn công - Plan of Attak" của Bob Woodward, một phóng viên điều tra người Mỹ được xuất bản năm 2004 cũng đã tiết lộ nhiều thông tin về kế hoạch của Bush tấn công Iraq.

Do B. Woodward được tiếp cận rộng rãi với Nhà Trắng và phỏng vấn các quan chức trong chính quyền, cuốn sách đã đưa ra một bức tranh thực tế được coi là một "bản tường trình về tất cả những gì đã xảy ra sau hậu trường, cách thức và lý do Tổng thống George W. Bush quyết định phát động cuộc chiến tranh chống Iraq" năm 2003.

19 năm cuộc chiến Iraq: Kế hoạch loại bỏ Saddam Hussein được chuẩn bị bài bản thế nào? - Ảnh 3.

Trong cuốn sách này, B.Woodward cho biết, ngay từ đầu nhiệm kỳ Tổng thống của mình, Bush đã lên kế hoạch loại bỏ Saddam Hussein khỏi chính quyền bằng vũ lực.

Ông mô tả một nhóm các quan chức tham gia vào kế hoạch này gồm Phó Tổng thống Dick Cheney, Bộ trưởng Quốc phòng Donald Rumsfeld, Cố vấn An ninh Quốc gia Condoleezza Rice, Ngoại trưởng Colin Powell, Tướng Tommy Franks, Giám đốc CIA George Tenet và các cố vấn khác của Nhà Trắng như Karen Hughes và Karl Rove, cũng như Thủ tướng Anh Tony Blair.

Đây là những nhân vật rất hăng hái thúc giục Tổng thống Bush phát động cuộc chiến chống Iraq ngay sau vụ khủng bố 11/9/2001. Tổng thống George W. Bush được mô tả là có ý định thay đổi chế độ tại Iraq ngay sau vụ 11/9, một quan điểm hầu như không thay đổi trong tất cả các cuộc tranh luận tại Nhà Trắng.

Ngoại trưởng Colin Powell và Tướng Tommy Franks được mô tả là có ý kiến khác với các thành viên trong chính quyền Bush, thậm chí còn bác bỏ một số bằng chứng đưa ra về vũ khí hủy diệt hàng loạt tại Iraq. Tuy nhiên, cuối cùng C. Powell đã buộc phải đồng ý với Tổng thống Bush vì nghĩa vụ.

Sau này, Colin Powell đã gọi bài phát biểu năm 2003 của mình trước Liên Hợp Quốc về Iraq là một "vết mờ" trong cuộc đời ngoại giao của ông. Ông thừa nhận rất nhiều thông tin của CIA đưa ra là sai, Iraq không có chương trình vũ khí hủy diệt hàng loạt.

19 năm cuộc chiến Iraq: Kế hoạch loại bỏ Saddam Hussein được chuẩn bị bài bản thế nào? - Ảnh 4.

Quan điểm của chính quyền Bush về cuốn sách "Kế hoạch tấn công" khá mâu thuẫn. Khi cuốn sách mới được xuất bản, chính quyền của Tổng thống G. Bush đã phủ nhận nhiều nội dung trong cuốn sách, nhưng trong chiến dịch tái tranh cử của G. Bush và D. Cheney ông lại liệt kê cuốn sách của B.Woodward vào danh sách khuyến khích nên đọc. John Kerry và John Edwards trong chiến dịch tranh cử Tổng thống năm 2004 cũng cho cuốn sách này là nên đọc.

Thiệt hại của cuộc chiến tranh chống Iraq

Cuộc xâm lược mà Washington và London gọi là "Chiến dịch Tự do cho Iraq - Operation Iraq Freedom" kéo dài 19 ngày kể từ khi bắt đầu cho đến khi chiếm được Thủ đô Baghdad. Mặc dù bị suy yếu nhiều sau 12 năm bị cấm vận, quân đội Iraq vẫn kháng cự quyết liệt.

Tuy nhiên, cuộc chiến không cân sức, trước cuộc tấn công ồ ạt của liên quân gồm 49 nước được trang bị các loại vũ khí hiện đại nhất, Baghdad đã không giữ nổi.

Đến nay vẫn chưa thống kê được đầy đủ con số thiệt hại của các bên tham chiến. Ước tính thiệt hại của cuộc chiến còn khác nhau. Thiệt hại về người ước tính lên tới hơn một triệu người chết và bị thương, hàng triệu người mất nhà cửa phải phiêu bạt khắp nơi.

Thiệt hại về vật chất cho cả hai bên đến nay ước tính lên tới hàng nghìn tỷ USD. Iraq, một đất nước thanh bình, một trong những nền văn minh cổ đại nhất thế giới rơi vào cảnh bạo lực không biết đến bao giờ mới chấm dứt.

19 năm cuộc chiến Iraq: Kế hoạch loại bỏ Saddam Hussein được chuẩn bị bài bản thế nào? - Ảnh 5.

Nạn nhân Iraq:Một nghiên cứu của viện thăm dò ý kiến Anh năm 2007 cho biết số nạn nhân Iraq tính đến mùa hè năm 2007 lên tới 1 triệu người trong trong tổng số 26 triệu dân Iraq lúc bấy giờ. Trong khi đó, báo cáo của tạp chí khoa học Anh "The Lancet" số ra tháng 10/2006 ước tính số người Iraq bị chết không dưới 655 nghìn người.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thì đưa ra số người chết ở Iraq dao động từ 104 nghìn đến 230 nghìn, gần với ước tính của các tài liệu WikiLeaks bị rò rỉ vào năm 2010, cho biết khoảng 109 nghìn người Iraq đã thiệt mạng kể từ khi bắt đầu cuộc xâm lược.

Trong khi quân đội Mỹ thừa nhận đã giết khoảng 77 nghìn người Iraq từ tháng 1/2004 đến tháng 8/2008, trong đó có khoảng 63 nghìn dân thường và số còn lại là quân nhân.

Các cuộc phỏng vấn thực địa và kết quả khảo sát do Trung tâm ORB thực hiện, cho thấy số người chết ở Iraq lên tới 1,33 triệu người kể từ cuộc xâm lược của Mỹ năm 2003. Trong khi đó, một nghiên cứu của đại học Johns Hopkins, Mỹ cho biết con số này là 654 nghìn người.

Theo "Cơ quan thống kê nạn nhân Iraq", số người Iraq thiệt mạng vì bom đạn Mỹ đã vượt quá 106.348 người, trong khi Phái bộ Hỗ trợ Iraq của Liên hợp quốc "UNAMI" tuyên bố số người Iraq bị chết từ đầu cuộc xâm lược của Mỹ đến năm 2016 lên tới 359.549 người.

Thiệt hại của Mỹ và liên quân: tờ The Daily Telegraph của Anh ngày 16/3/2013, nhân dịp kỷ niệm 10 năm cuộc chiến Iraq đã viết bài về chị phí của cuộc xâm lược cho biết Mỹ đã tiêu tốn hơn 801 tỷ USD và nếu tính cả lãi cho số tiền vay nợ của Mỹ để chị phí cho chiến tranh thì tổng số tiền chị phí cho cuộc chiến này vượt quá 3 nghìn tỷ USD.

19 năm cuộc chiến Iraq: Kế hoạch loại bỏ Saddam Hussein được chuẩn bị bài bản thế nào? - Ảnh 6.

Thực hiện thỏa thuận an ninh ký với Baghdad năm 2008, ngày 18/12/2011, Mỹ hoàn thành việc rút quân khỏi Iraq. Trước đó, ngày 22/5/2011, Anh cũng đã rút toàn bộ lực lượng của mình khỏi miền nam Iraq.

Mặt khác, cuộc xâm lược không phải là một chuyến dã ngoại đối với Washington. Liên minh 150 nghìn quân do Mỹ dẫn đầu đã chịu tổn thất nặng nề.

Theo số liệu của Lầu Năm Góc, số lính Mỹ bị giết tại Iraq kể từ khi tiến hành cuộc xâm lược Iraq năm 2003 đến 2011 lên tới 4.487 người, số người bị thương vượt quá 32.000 người.

Anh, đồng minh chính của Washington trong cuộc chiến, đã mất 179 binh sỹ và các nước còn lại trong liên minh mất tổng cộng 139 người. Theo một nghiên cứu của Đại học Brown thực hiện, thiệt hại vật chất mà Mỹ phải gánh chịu trong quá trình xâm lược lên tới 1,1 nghìn tỷ USD, vượt xa ước tính của chính phủ Mỹ.

Từ 2003 đến 2011, Mỹ mất tổng cộng 129 máy bay các loại, trực thăng giữa các máy bay chiến đấu hoặc tàu sân bay, với hơn 277 người thiệt mạng, trong khi trên mặt đất, nước này mất hơn 860 phương tiện, được phân bổ giữa xe tăng, bánh lốp và tàu sân bay chở quân.

Là đại sứ Việt Nam đã từng sống và làm việc tại Iraq trong thời gian từ 1995-1999 và 2001-2007, tôi đã chứng kiến tất cả những khoảnh khắc trước và sau cuộc chiến. Cuộc xâm lược được tiến hành hoàn toàn với các cớ giả tạo mà đến nay chính Washington và London đã thừa nhận. Một đất nước thanh bình đã bị tàn phá và bạo lực đến nay vẫn chưa chấm dứt.

19 năm đã trôi qua, đến nay Mỹ không tìm thấy bất cứ loại vũ khí hủy diệt nào tại Iraq và không có bằng chứng nào về việc Iraq có quan hệ với tổ chức khủng bố Al-Qaeda. Có thể nói, đây là một trong những cuộc chiến phi lý nhất của Mỹ và NATO trong lịch sử hiện đại.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại