Học cách đa dạng thu nhập sau khi mua nhà
Trinh Dương (sinh năm 1996, làm trong lĩnh vực truyền thông) đã mua căn hộ 2 phòng ngủ diện tích 65m2 ở Quận 7, TP Hồ Chí Minh. Cô bạn mua căn hộ vào năm 2022, giá chuyển nhượng khoảng 3,4 tỷ đồng bao gồm 200 triệu làm nội thất.
“Mình mua để ở nên ưu tiên các dự án đã hoàn thiện và bàn giao toàn bộ, không chọn các dự án mới, đóng tiền theo tiến độ để đảm bảo an toàn. Vì là dự án đã hoàn thiện, hầu như căn hộ đã được bán hết, không thể mua từ chủ đầu tư. Giá mua chuyển nhượng sẽ cao hơn nhưng an toàn".
Trinh Dương
Mua nhà ở tuổi 26, Trinh Dương đã lên kế hoạch sở hữu nhà riêng từ năm 18 tuổi khi đến TP Hồ Chí Minh để học tập và quyết định ở lâu dài. Khi tích lũy được ⅓ giá trị căn nhà, cô bạn mới quyết định mua. Phần còn lại, cô chia làm 2 nguồn vay nợ từ ngân hàng và gia đình.
“Mình tính toán nếu tích luỹ ít hơn ⅓, gánh nặng trả nợ rất lớn, có thể gây ra áp lực tài chính. Song, nếu muốn tích luỹ nhiều hơn, mình sợ tốc độ gia tăng tài khoản tiết kiệm không thắng nổi mức tăng giá của căn hộ. Gia đình mình không quá khá giả nên không thể hỗ trợ mình hoàn toàn. Cá nhân mình cũng không thoải mái nếu dựa vào bố mẹ quá nhiều nên gia đình mình đã thống nhất chỉ hỗ trợ một khoản vay không lãi suất”.
Còn về phần vay ngân hàng, Trinh Dương chọn vay trả góp trong vòng 20 năm, dựa theo mức thu nhập hằng tháng để không quá áp lực trong trường hợp lãi suất thả nổi tăng cao. Sau khi mua nhà, thói quen tài chính của cô bạn của mình có nhiều sự thay đổi lớn.
Trách nhiệm từ những khoản nợ khiến cô bạn có thêm nhiều động lực để đa dạng hóa nguồn thu nhập. Trinh Dương nhận thêm nhiều công việc hơn, bắt đầu tìm hiểu các kênh đầu tư phát triển nguồn thu nhập thụ động ngoài những nguồn tiền chủ động chính. Bên cạnh đó, cô bạn sẽ ưu tiên cho việc trả nợ trước sau đó mới lên kế hoạch chi tiêu, tích lũy, tái đầu tư dựa trên khoản thu nhập còn lại.
“Lúc trước mình là người khá truyền thống về mặt tài chính, ưu tiên tiết kiệm hơn đầu tư. Tuy nhiên, tại thời điểm lãi suất tiết kiệm thấp kỷ lục như hiện tại, mình cảm thấy may mắn vì đã bắt đầu hành trình đầu tư - “điểm sáng” giúp mình giảm bớt áp lực về vấn đề trả nợ mua nhà”.
Cô bạn khá đầu tư cho nội thất căn nhà
Tìm kiến trúc sư và đơn vị thi công có tâm rất quan trọng
Đối với Trinh Dương, mua nhà phụ thuộc vào “cảm giác an toàn" cá nhân. “Mình rất sợ cảnh đi thuê nhà, không chủ động trong chính nơi mình ở, có thể bị chủ lấy lại nhà bất cứ lúc nào và phải loay hoay tìm chỗ thuê mới. Thêm vào đó, mình xác định sẽ sống và làm việc ở TP Hồ Chí Minh trong một thời gian dài, nên an cư lạc nghiệp vô cùng quan trọng".
Căn nhà đầu tiên có ý nghĩa rất lớn nên Trinh Dương đã lựa chọn rất cẩn thận. Trước khi quyết định chốt căn hộ hiện tại, cô bạn đã đi tham khảo không dưới 20 dự án, đủ các phân khúc với giá tiền cũng như vị trí khác nhau. Đi xem nhiều, cô bạn có thêm những dữ kiện cần thiết để hoàn thiện bức tranh về nhu cầu của bản thân một cách rõ ràng nhất.
Tiêu chí quan trọng hàng đầu để lựa chọn căn hộ là chất lượng sống. Một dự án với chất lượng sống tốt thể hiện ở lối thiết kế, các tiện ích chung, tính bền vững của môi trường, dân trí - an ninh ổn định. Những yếu tố này tác động trực tiếp đến bản thân trong cả tinh thần lẫn sức khỏe thể chất mỗi ngày. Sau đó, cô bạn cân nhắc giá bán, mức độ uy tín của chủ đầu tư, tình trạng pháp lý, thời hạn bàn giao để ra quyết định lựa chọn cuối cùng.
Trinh Dương thay đổi decor theo Giáng sinh và Tết
Sau khi mua nhà, Trinh Dương chi 200 triệu đồng để làm nội thất. Làm trong lĩnh vực sáng tạo nên cô bạn rất quan tâm đến việc thiết kế nội thất không gian sống. Ngay từ lúc lựa chọn nhà, cô đã ưu tiên những căn hộ trống, chưa có nội thất.
Việc thiết kế một căn hộ đáng sống thật ra không quá đắt tiền. Quan trọng nhất là bạn phải tìm được một đơn vị thiết kế, thi công nội thất có tâm và cùng tần số với mình. Không ít người “vấp" ngay đoạn này nên kết quả thu về một không gian sống không như ý muốn. Ban đầu, Trinh Dương không rõ về phong cách thiết kế nhà bản thân mong muốn. Tuy nhiên, may mắn gặp được kiến trúc sư thiết kế nội thất làm việc có tâm.
“Chị kiến trúc sư đã giới thiệu cho mình về phong cách tối giản kết hợp một chút Hàn Quốc, hiện thực hóa những ý tưởng có phần mơ hồ của mình thành hình một cách rõ ràng. Phong cách tối giản giúp căn hộ có vẻ rộng hơn rất nhiều so với diện tích thực tế vì tận dụng những gam màu sáng như trắng, be. Đồ nội thất sử dụng trong nhà cũng được tối ưu kích thước theo nhu cầu và diện tích sử dụng. Hơn thế nữa, bất cứ khi nào cảm thấy layout (bố cục) căn hộ có phần nhàm chán, mình sẽ có thể tuỳ ý thay đổi vị trí đồ nội thất, trang trí và dễ dàng làm mới không gian, tối thiểu chi phí”.
Cuối cùng, quá trình mua nhà có rất nhiều điểm cần lưu ý, cả trước - trong - và sau khi mua. Việc quản lý tài chính ở mỗi giai đoạn đều sẽ có cái khó riêng. Trinh Dương rút ra rằng nếu chỉ đơn thuần tích luỹ, vay và trả nợ, mua nhà rất dễ trở thành nỗi ám ảnh với nhiều người trẻ. Nhưng một khi bắt đầu tìm hiểu về tài chính cá nhân, biết phát triển những kênh đầu tư nói riêng và thu nhập thụ động nói chung, “gánh nặng" đó đã nhẹ hơn phần nào. Bạn cũng cần kết hợp với một kế hoạch chi tiêu bài bản, hạn chế tối đa việc mua sắm quá đà.
“Mình đã học cách kiểm soát thói quen mua sắm online vô tội vạ bằng cách áp dụng “quy tắc 5 ngày" cho tất cả những món đồ mà mình bỏ trong giỏ hàng. Nếu sau 5 ngày vẫn còn cảm thấy nó cần thiết, mình mới quyết định chốt đơn, chứ không đơn thuần chỉ mua theo cảm xúc”.