Thua độ bóng đá, thua lỗ trong đầu tư chứng khoán, tiền ảo, đất đai…được cho là nguyên nhân chính của những đôi dép bỏ lại trên cầu thời gian này. Ngoài ra, rất nhiều trường hợp tự sát vì chuyện tình cảm, vì mâu thuẫn cá nhân, vì áp lực học tập…
TS. BS CKII Nguyễn Văn Dũng, Phó Viện trưởng Viện Sức khỏe tâm thần – Bệnh viện Bạch Mai.
Phải chăng sức khỏe tâm thần con người trong xã hội hiện đang yếu đi? Hay chúng ta cần nhìn nhận hiện trạng tự tử đang gia tăng này như thế nào? Biến động xã hội đang tác động ra sao đến tình trạng rối nhiễu tâm lý hiện nay? Và cần những can thiệp cụ thể như thế nào để ngăn ngừa hành vi tự sát?
Phóng viên VOV2 đã có cuộc trao đổi với TS. BS CKII Nguyễn Văn Dũng, Phó Viện trưởng Viện Sức khỏe tâm thần – Bệnh viện Bạch Mai về vấn đề này.
PV: Thưa TS Nguyễn Văn Dũng, hiện nay, có những con số tổng hợp như thế nào về tình trạng tự tử ở nước ta và chúng ta có thể nhìn thấy những vấn đề gì qua con số này?
TS Nguyễn Văn Dũng: Trên thế giới, người ta ước tính hàng năm có khoảng 800.000 người tự sát và tử vong do tự sát chiếm 14% các ca tử vong nói chung. Ở Việt Nam, ước chừng có khoảng 14.000 người tự sát trong 1 năm.
Đây là một vấn đề rất lớn của xã hội hiện đại. Ví dụ như các cháu trẻ vị thành niên khi não bộ của các cháu chưa phát triển một cách đầy đủ thì dễ phản ứng với những sang chấn tâm lý do bố mẹ cãi vã, ly hôn hoặc là do gia đình gặp biến cố, mâu thuẫn với bạn bè.
Các cháu sẽ có biểu hiện rối loạn cảm xúc, lo lắng, buồn phiền và có hành vi tự làm đau cơ thể, rồi đến suy nghĩ những toan tính tự sát, chuẩn bị tự sát và tự sát.
Với lứa tuổi trung niên, là những sang chấn tâm lý do mâu thuẫn trong gia đình, thua lỗ trong làm ăn, kinh tế hoặc là sau những trận cá cược cũng có thể dẫn đến tự sát.
- 21h30 ngày 21/11, một nam thanh niên ở TP.HCM, khi đi đến giữa cầu Bình Triệu, bất ngờ bỏ lại tài sản rồi trèo qua lan can, nhảy xuống sông Sài Gòn.
- Cũng trong chiều hôm đó, một người phụ nữ ngoài 60 tuổi cũng mất tích sau khi bỏ lại xe máy trên cầu Sài Gòn rồi nhảy xuống sông.
- Tại Hà Nội, ngày 14/11, 1 người đàn ông ở Hà Nội cũng nhảy cầu Chương Dương tự tử, để lại 1 chiếc xe đạp, 1 chiếc điện thoại.
Sau khi về hưu, sự cô đơn một mình rồi sự mất người thân rồi sự thiếu hụt về kinh tế, sự bất đồng quan điểm giữa các thế hệ với nhau hay là bệnh tật kéo dài… cũng dẫn đến những cảm xúc, suy nghĩ tiêu cực và dẫn đến hành vi tự sát khi cảm thấy không còn lối thoát.
Trước đây, các rối loạn tâm thần, rối loạn về cảm xúc bị che đậy bởi các yếu tố không nhận thức được. Tuy nhiên, trong giai đoạn gần đây, xã hội phát triển tiềm thức của con người triển và người ta thường có những biểu hiện hành xác hủy hoại cơ thể cũng như là tự sát thành công.
PV: Một câu hỏi đặt ra là: cuộc sống xã hội hiện đại đang tạo ra nhiều thách thức hơn hay sức khỏe tâm thần của con người đang yếu đi, thưa ông?
TS Nguyễn Văn Dũng: Không. Nhận thức về tâm thần của chúng ta ngày một tiến bộ hơn, trước đây những biểu hiện rối loạn tâm thần thường bị kỳ thị, che đậy.
Tuy nhiên, nếu so sánh về mức độ phát triển, biến động xã hội thì nhận thức này vẫn chưa theo kịp. Đặc biệt dưới góc độ y tế, với quy mô quần thể dân cư Việt Nam thì chúng ta còn thiếu hụt các cơ sở y tế, bác sỹ chuyên ngành về tâm thần.
Theo thống kê, chỉ có 30% số người có hành vi tự sát là gọi điện cho bác sỹ. Trong khi đó bác sỹ chuyên khoa tâm thần chỉ chiếm 7% trong tổng số các bác sỹ của các chuyên ngành khác. Vì vậy, việc can thiệp sâu là điều rất khó khăn, mà mới chỉ dừng lại ở khuyến cáo hoặc khi có dấu hiệu của hành vi tự sát thì được quản lý.
Chúng ta vẫn còn thiếu hụt thông tin truyền thông và kiến thức cho nhân dân nên những các kiến thức về chuyên ngành tâm thần vẫn bị nhân dân kỳ thị cho rằng đó chỉ là lứa tuổi thôi, người già sáng nắng chiều mưa hoặc trẻ dễ bị thay đổi. Vì thế, khi đến bệnh viện thường đã quá muộn.
Xã hội phát triển thì các quan hệ sẽ càng phức tạp hơn, mâu thuẫn trong các cộng đồng dân cư sẽ là đa phương thức, đa chiều. Việc làm ăn ngày càng lớn hơn, các trận cá cược cũng tinh vi hơn, mâu thuẫn gia đình sẽ ngày càng căng thẳng hơn. Đó là những áp lực bùng nổ của cuộc sống hiện đại mà rất dễ dẫn đến hành vi tự hủy hoại bản thân.
PV: Thưa TS Nguyễn Văn Dũng, vì sao trong y khoa gọi tự sát là hành vi cấp cứu tâm thần? Chúng ta cần có những can thiệp y tế cụ thể như thế nào với những trường hợp có ý định tự sát?
TS Nguyễn Văn Dũng: Tùy theo từng lứa tuổi, từng ý nghĩ và hành vi tự sát để cho bác sỹ chuyên ngành cũng như bác sĩ nói chung có thể cấp cứu bệnh nhân.
Các cháu nhỏ, việc suy luận, phán đoán còn lệch lạc chưa đáp ứng được với thời cuộc, cái tôi lớn. Cháu đó có thể bột phát có những hành vi hủy hoại, dần dần tích lũy và trở thành mưu toan tự sát và tự sát. Vì thế, chúng tôi phải tiến hành cấp cứu cho bệnh nhân về trạng thái bình thường, xóa đi những ý tưởng tự sát.
Cụ thể, các gia đình phát hiện thấy cháu có những biểu hiện như mất ngủ, lo lắng, thu mình, né tránh, giảm tính tự trọng thì nên đưa con em mình đi khám chuyên khoa.
Các bác sĩ đầu tiên sẽ làm các liệu pháp tâm lý để các cháu dần dần giải tỏa cũng như là xóa bỏ dần ý tưởng hành vi tự sát. Sau đó, chúng tôi trị liệu theo mức độ về các liệu pháp về hành vi, về tái định hướng cộng đồng.
Nếu như trường hợp nặng, ý tưởng tự sát mãnh liệt, xuất hiện hành vi tự hủy hoại thân thể thì chúng tôi về trị liệu hóa dược, những liệu pháp hóa dược sẽ làm cho những người bệnh êm dịu hơn, thoải mái hơn và đi vào trạng thái hết căng thẳng. Từ đó chúng tôi phối hợp với các trị liệu tâm lý sẽ làm bệnh nhân ở trong trạng thái ổn định hơn về tâm thần.
PV: Cá độ bóng đá, thua lỗ trong đầu tư chứng khoán, tiền ảo, đất đai… có lẽ chỉ là một phần trong hàng vạn những vấn đề của cuộc sống. Xã hội hiện đại sẽ còn tiếp tục nảy sinh những phức tạp mới. Vậy bản thân mỗi người cần phải rèn luyện sức khỏe tâm thần cho chính mình như thế nào, thưa ông?
TS Nguyễn Văn Dũng: Áp lực của cuộc sống là liên tục suốt cả cuộc đời của một con người. Người ta tính rằng, có đến 50 % con người sẽ bị rối loạn cảm xúc ít nhất 1 một lần trong đời.
Một con người sẽ được hình thành toàn diện khi có một xã hội tốt, có thể chất tốt và tinh thần thoải mái.
với góc độ chuyên môn của một nhà chuyên khoa tâm thần thì tôi xin được khuyến cáo mọi người hãy sống thực tại. Phấn đấu cho nỗ lực của bản thân nhưng phải giữ gìn sức khỏe. Hãy tạo dựng một cuộc sống thật là thanh bình, tránh tạo áp lực quá lớn cho bản thân. Ngoài ra, cũng cần vệ sinh giấc ngủ thật tốt, ngủ đủ từ 7 đến 10 tiếng trong một ngày và đủ dinh dưỡng. Hãy nhận thức được sức khỏe tâm thần của chúng ta là vốn quý nhất và giữ thăng bằng cuộc sống.
PV: Xin cảm ơn bác sĩ!./.