Dưới đây là 10 loại vũ khí quân đội Ấn Độ sở hữu làm các "hàng xóm" của quốc gia này phải kiêng dè.
1. Tên lửa siêu thanh BrahMos
BrahMos đạt tốc độ Mach 2,8 - 3, được Ấn Độ và Nga liên kết chế tạo. Với các biến thể sắp ra mắt (dự kiến vào năm 2017), Ấn Độ sẽ là nước duy nhất có tên lửa hành trình siêu thanh trang bị cho Lục quân, Hải quân và Không quân của họ.
So với các tên lửa cùng loại, BrahMos có vận tốc lớn hơn gấp 3 lần, tầm bay xa hơn 3 lần, tỷ lệ tìm kiếm và tiêu diệt mục tiêu hơn 4 lần.
Ngoài ra, tên lửa đảm bảo độ chính xác cực cao với tốc độ siêu thanh trong suốt hành trình bay. Toàn bộ dự án BrahMos dự kiến chi phí khoảng 13 tỷ USD.
2. Tiêm kích đa năng Sukhoi Su-30MKI
Sukhoi Su-30MKI là một siêu tiêm kích thế hệ thứ tư với 2 động cơ cực mạnh được phát triển bởi Hindustan Aeronautics Limited của Ấn Độ (HAL).
Phát triển từ Su-30MK của Nga, Su-30MKI (chữ I có nghĩa là India - Ấn Độ) đã được sửa đổi để phù hợp với nhu cầu chiến tranh, hệ thống điện tử do Israel và Ấn Độ hợp tác với mục tiêu tạo ra các biến thể cuối cùng của dòng Su-30 cho Ấn Độ.
Nó có thể tải đến 8 tấn vũ khí, sẽ được trang bị tên lửa hành trình BrahMos và Nirbhay. Với 314 máy bay, Ấn Độ là quốc gia sở hữu dòng Su-30 nhiều nhất thế giới.
3. Tàu khu trục INS Visakhapatnam (Dự án 15B )
Được đánh giá là lớp tàu khu trục tàng hình mạnh mẽ nhất và tiên tiến nhất, INS Visakhapatnam được hạ thủy ngày 20/4/2015.
Cho tới khi được đặt tên thánh và biên chế cho Hải quân vào tháng 5/2018, INS Visakhapatnam sẽ là khu trục hạm tiên tiến nhất Ấn Độ, có thể thực hiện hành trình tuần tra trên khắp các đại dương.
Tàu có chiều dài 163 m và nặng 7.300 tấn, trang bị 8 ống phóng tên lửa chống tàu BrahMos, 32 ống phóng tên lửa phòng không tầm trung Barak-8, hệ thống radar cảnh báo đa chức năng giám sát mọi mối đe dọa và 2 hệ thống phóng ngư lôi cùng trực thăng chống ngầm.
4. Tàu ngầm hạt nhân INS Chakra
Tên thánh của tàu ngầm là INS Chakra, còn tên thật của tàu ngầm này là Nerpa (thuộc Dự án 971, lớp Akula do Nga sản xuất ).
Chakra trang bị 36 ngư lôi chống ngầm và tên lửa chống tàu Klub, tiếng ồn cực kỳ nhỏ tới mức hầu như không có, mang theo thủy thủ đoàn 80 người. Ấn Độ đã đầu tư hơn 900 triệu USD nâng cấp vũ khí cho Chakra sau khi thuê lại của Nga liên tục từ năm 1984 đến nay.
5. Hệ thống chống tên lửa đạn đạo PAD/AAD
Quan ngại mối đe dọa tên lửa đạn đạo từ Pakistan và Trung Quốc, Ấn Độ đã tự nghiên cứu chế tạo hệ thống chống tên lửa đạn đạo (BMD) cho riêng mình.
Hệ thống BMD có thể hạ gục bất kỳ mục tiêu nào từ khoảng cách 5.000 km. BMD gồm 2 loại tên lửa là Prithvi Air Defence (PAD) để đánh chặn tầm xa và các tên lửa đánh chặn tầm thấp Air Defence (AAD). PAD có thể tiêu diệt mục tiêu từ 300 - 2.000 km ở tốc độ Mach 5.
Ấn Độ là quốc gia thứ tư trên thế giới triển khai thành công hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo. Nếu đưa vào sử dụng cùng lúc, PAD và ADD có thể tiêu diệt mục tiêu với độ chính xác đến 99,8 %.
6. Máy bay cảnh báo sớm AWACS Phalcon
AWACS là viết tắt của máy bay cảnh báo sớm và hệ thống radar được trang bị trên máy bay sử dụng để phát hiện các loại phi cơ, tàu, xe... Không quân Ấn Độ sở hữu dòng máy bay cảnh báo sớm AWACS tiên tiến nhất trên thế giới với 3 chiếc.
A-50 Phalcon AWACS trang bị radar Elta EL/W -2090 do Israel chế tạo gắn trên khung máy bay Il -76 của Nga.
Các AWACS hoạt động như trung tâm điều khiển hướng dẫn máy bay chiến đấu đánh chặn và lực lượng không quân chiến thuật trong chiến đấu, nó có thể phát hiện mục tiêu từ 400 km. Chúng được trang bị hệ thống tiếp nhiên liệu trên không và thiết bị tác chiến điện tử hàng đầu.
7. Tên lửa chống tăng NAG và hệ thống NAMICA
Được phát triển với chi phí 3 tỷ rupee, NAG là loại tên lửa chống tăng được Tổ chức Nghiên cứu và Phát triển Quốc phòng (DRDO) phát triển ở Ấn Độ, hoạt động theo cơ chế "phóng-quên".
Đây là tên lửa chống tăng duy nhất trên thế giới có cấu trúc hoàn toàn bằng sợi thủy tinh, NAG nặng 42 kg, tấn công mục tiêu ở khoảng 4 - 5 km với tốc độ bay 230 m/s, sử dụng hệ thống hình ảnh hồng ngoại.
NAMICA là xe bánh xích mang 12 tên lửa NAG, trong đó 8 hệ thống luôn trong chế độ sẵn sàng bắn. Khả năng đổ bộ đa dạng của NAMICA cho phép nó dễ dàng chinh phục bất kỳ mục tiêu trên bộ, trên sông và trên biển.
8. Tàu sân bay INS Vikramaditya
Là tàu sân bay lớn nhất và đắt nhất trang bị cho Hải quân Ấn Độ với lượng choán nước 45.000 tấn, quái vật biển này có thể mang tới 24 máy bay chiến đấu MiG-29K và 6 trực thăng chống ngầm.
INS Vikramaditya được trang bị bộ cảm biến tàng hình. Tàu được hoán cải từ tuần dương hạm Baku của Nga và được Nga bán cho Ấn Độ với giá 2,35 tỷ USD.
Con tàu chính thức vào biên chế Hải quân nước này ngày 14/6/2014. Hơn 70 % trang thiết bị trên tàu đã được tân trang lại và tuổi thọ của nó là hơn 40 năm.
9. Xe tăng T-90S BhiSHMA
Bhishma là cách gọi tiếng Ấn Độ cho dòng xe tăng T-90 do Nga chế tạo. Đó là sản phẩm tổng hợp công nghệ từ các dòng tăng T-80U và T-72B, T-90S có hệ thống điều khiển hỏa lực vượt trội và tính cơ động rất cao.
Xe tăng được trang bị các hệ thống gây nhiễu tiên tiến nhất, máy thu cảnh báo laser, hệ thống ngắm bắn ngày và đêm cho pháo 125 mm 2A46M nòng trơn có khả năng tản nhiệt cùng tổ lái 3 người.
Bhishma nặng 48 tấn, có thể vượt qua các chướng ngại vật, hào nước sâu 5 m và mang theo 1.600 lít nhiên liệu diesel cùng vỏ giáp hầu như bất khả xâm phạm.
Ngoài pháo 2A46M, Bhishma còn được trang bị súng máy 12,7 mm. 700 xe tăng dòng này đã được mua từ Nga và 347 chiếc chế tạo tại Ấn Độ. Quốc gia này có lực lượng xe tăng hiện đại lớn nhất ở Nam Á.
10. Hệ thống phóng rocket tự hành (MLRS) Pinaka
Các tổ hợp phóng rocket loạt (MLRS) Pinaka được sản xuất bởi Tổ chức Nghiên cứu và Phát triển Quốc phòng (DRDO) cho quân đội Ấn Độ.
Hệ thống này đã được thử nghiệm ở các vùng cao, giá lạnh trong cuộc xung đột Kargil năm 1999. Pinaka có thể phóng 12 tên lửa trong 44 giây với thời gian nạp thêm đạn rất ngắn chỉ 4 phút. Một hệ thống phóng lắp trên xe tải Tatra được nạp 12 tên lửa có tầm bắn 40 - 65 km.
Pinaka trang bị hệ thống dẫn đường quán tính (inertial navigation - INS) rất tiên tiến, trong đó sử dụng một máy tính, cảm biến chuyển động và cảm biến xoay để tính toán vị trí, định hướng và quỹ đạo của mục tiêu chuyển động.
Pinaka có khả năng làm việc trong các chế độ khác nhau: Chế độ tự động, chế độ độc lập, chế độ điều khiển từ xa và chế độ hướng dẫn.
Hiện DRDO cũng đang lắp đặt hệ thống dẫn đường GPS trên các tên lửa. Pinaka có giá rẻ hơn so với hệ thống cùng loại M270 của Mỹ khoảng 10 lần.