10 đột phá trong cuộc tập trận quanh đảo Đài Loan (Trung Quốc)

Minh Hạnh |

Bắc Kinh đã khai màn các cuộc tập trận quân sự quy mô lớn để đáp trả chuyến thăm Đài Loan (Trung Quốc) của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi. Các cuộc tập trận diễn ra ở 6 khu vực quanh đảo Đài Loan (Trung Quốc), và tạo ra 10 bước đột phá trong lịch sử quân đội nước này, theo CGTN.

1. Hải quân Trung Quốc áp sát bờ biển đảo Đài Loan của nước này

10 tàu chiến của Trung Quốc đã tiến hành một cuộc tập trận "định hướng thực chiến" gần đảo Đài Loan của nước này vào ngày 5/8.

Hình ảnh từ cuộc tập trận do Bộ Tư lệnh Quân khu phía Đông công bố cho thấy đường bờ biển và những ngọn núi trên đảo Đài Loan (Trung Quốc) có thể nhìn rõ từ tàu chiến.

Động thái này nhằm chứng minh Đài Loan là một phần của Trung Quốc, và việc một hạm đội hải quân Trung Quốc hoạt động trong lãnh hải nước này là điều bình thường.

10 đột phá trong cuộc tập trận quanh đảo Đài Loan (Trung Quốc) - Ảnh 1.

Lính hải quân Trung Quốc nhìn về phía hòn đảo bằng ống nhòm. Ảnh: CGTN

2. Không quân nhìn thấy đường bờ biển Đài Loan (Trung Quốc) bằng mắt thường

Tham gia cuộc tập trận còn nhiều máy bay chiến đấu. Trong đó các phi công báo cáo rằng họ có thể nhìn thấy đường bờ biển và núi trên đảo Đài Loan (Trung Quốc) bằng mắt thường.

Tương tự trường hợp của các tàu chiến, động thái này ngụ ý rằng cái gọi là "vùng lãnh thổ trên không của Đài Loan (Trung Quốc)" do phe ly khai tạo ra hoàn toàn vô nghĩa.

3. Tên lửa bay qua Đài Loan (Trung Quốc)

Quân đội Trung Quốc đã phóng nhiều loại tên lửa về phía đảo Đài Loan của nước này. Đây là lần đầu tiên tên lửa Trung Quốc bay qua hòn đảo và nhắm trúng các mục tiêu trên biển.

10 đột phá trong cuộc tập trận quanh đảo Đài Loan (Trung Quốc) - Ảnh 2.

Một tên lửa được phóng trong hoạt động diễn tập hôm 4/8. Ảnh: CGTN


4. Máy bay tàng hình J-20 tham gia tập trận

Loại máy bay chiến đấu mới nhất của Trung Quốc – J-20 – đã ra mắt trong các cuộc diễn tập quanh đảo Đài Loan của nước này.

Sự xuất hiện của J-20 đã phá vỡ thế độc tôn của Mỹ trong lĩnh vực máy bay chiến đấu tàng hình, rút ngắn khoảng cách giữa không quân Trung Quốc và các lực lượng không quân tiên tiến nhất trên thế giới.

"Cuộc tập trận này là một bài thử nhỏ với J-20, nhưng vẫn đủ để gây áp lực tâm lý nặng nề lên phe ly khai ở Đài Loan (Trung Quốc)", trang web Yuyuan Tantian nhận định.

Các máy bay Trung Quốc tham gia tập trận. Nguồn: CGTN

5. Xóa nhòa "đường trung tuyến" trên Eo biển Đài Loan

Cái gọi là "đường trung tuyến" ở Eo biển Đài Loan chỉ tồn tại trong trí tưởng tượng của phe ly khai, Yuyuan Tantian viết.

Trước khi khai màn cuộc tập trận, Bắc Kinh đã đưa ra cảnh báo cho các tàu thuyền và máy bay rằng hoạt động diễn tập sẽ được tiến hành ở 6 khu vực xung quanh đảo Đài Loan (Trung Quốc). Trong đó, 5 khu vực nằm ở phía Đông cái gọi là "đường trung tuyến", còn khu vực thứ 6 nằm trên ranh giới này.

Yuyuan Tantian nhận định "cuộc tập trận đã cho thấy Trung Quốc toàn quyền kiểm soát Eo biển Đài Loan. Các hoạt động huấn luyện quân sự ở phía Đông giới tuyến sẽ trở thành hoạt động bình thường trong tương lai gần."

6. Cuộc tập trận gần nhất Đài Loan (Trung Quốc)

Một trong 6 khu vực tập trận chỉ cách đảo Đài Loan (Trung Quốc) 20km, đánh dấu cuộc diễn tập gần hòn đảo nhất từ trước đến nay.

Với tốc độ thông thường, một chiếc máy bay J-20 có thể bay 20km trong vòng chưa đầy nửa phút.

10 đột phá trong cuộc tập trận quanh đảo Đài Loan (Trung Quốc) - Ảnh 5.

6 khu vực tập trận. Ảnh: Tân Hoa Xã

7. Không có sự can thiệp từ bên ngoài

Quân đội Trung Quốc đã cố gắng đẩy lùi sự can thiệp từ bên ngoài trong hoạt động diễn tập ngày 4/8, theo Bộ Tư lệnh Quân khu phía Đông.

Một trong những khu vực diễn tập nằm ở phía Đông Bắc đảo Đài Loan (Trung Quốc), gần với Okinawa do Nhật Bản kiểm soát.

Theo một nguồn tin quân sự giấu tên, nếu Mỹ và Nhật Bản "muốn can thiệp vào quá trình thống nhất của Trung Quốc", họ sẽ điều động máy bay chiến đấu từ căn cứ quân sự ở Okinawa.

Một khu vực diễn tập khác nằm trong kênh Bashi, ngăn chặn việc tiếp cận Đài Loan (Trung Quốc) từ Biển Đông.

8. Chặn đường thoát hiểm

Một khu vực diễn tập đã được thiết lập ở phía Đông đảo Đài Loan (Trung Quốc), chặn đường thoát thân của lực lượng ly khai.

Với những khu vực này, hòn đảo gần như bị quân đội Trung Quốc bao vây, không còn đường tháo chạy.

9. Cuộc diễn tập răn đe đầu tiên với tàu sân bay

Trong quá trình tập trận, Trung Quốc cũng điều động đội hình tàu sân bay để thực hiện nhiệm vụ răn đe – lần đầu tiên trong lịch sử quân đội.

Zhang Junshe, chuyên gia tại Học viện Nghiên cứu Hải quân cho biết tàu ngầm hạt nhân thường di chuyển cùng tàu sân bay trong các nhiệm vụ kiểu này.

10. Một cuộc tập trận toàn lực của quân đội Trung Quốc

Đây là lần đầu tiên trong năm 2022, quân đội Trung Quốc ra quân với cả 5 lực lượng: lục quân, hải quân, không quân, lực lượng tên lửa và lực lượng hỗ trợ chiến lược.

Lục quân cũng điều động tất cả các loại vũ khí bao gồm hàng không mẫu hạm, máy bay chiến đấu, hệ thống rocket tầm xa và tên lửa.

Ngoài ra, quân đội cũng thực hiện tất cả các loại nhiệm vụ như phối hợp phong tỏa, răn đe và tấn công các mục tiêu trên bộ, trên biển, trên không.

“Tất cả những điều này đã cho thấy một điều rõ ràng rằng sự thống nhất của Trung Quốc chắc chắn sẽ đạt được”, Yuyuan Tantian nhận định.

Một số hình ảnh từ các lực lượng tham gia tập trận. Nguồn: CGTN

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại