Món khoái khẩu của người Việt nhưng không tốt cho đường huyết, huyết áp
Ngày Tết sắp đến, ai cũng thích ăn những món muối chua cay để giảm bớt cảm giác ngán, gia tăng khẩu vị. Tuy nhiên, tiêu thụ dưa muối có thể là một phần đặc biệt phải lưu ý trong chế độ ăn của người mắc bệnh tiểu đường. Vì lượng muối và đường trong món ăn này có thể ảnh hưởng tới đường huyết cũng như huyết áp.
Những món có vị chua do trộn bằng giấm thường rất phổ biến, thậm chí còn là lựa chọn tốt cho người bệnh tiểu đường. Nghiên cứu từ các nhà khoa học Singapore và Canada còn chỉ ra rằng giấm có thể hỗ trợ làm giảm mức A1C trong máu, hỗ trợ kiểm soát bệnh tiểu đường. Lý do là giấm chứa axit axetic, một hợp chất có tác dụng làm chậm quá trình tiêu hóa tinh bột và đường, giảm sự phân hủy thành glucose, làm cho đường huyết tăng chậm hơn sau khi ăn. Ngoài ra, axit axetic còn kích thích sự hoạt động của AMPK và GLUT4, hai loại protein có vai trò quan trọng trong việc hấp thụ và sử dụng glucose trong cơ thể.
Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, các thực phẩm khác được lên men, tạo vị chua bằng muối hoặc mắm, đường… lại là thủ phạm tiềm ẩn, đem tới nguy cơ gia tăng đường huyết và huyết áp, không tốt cho cơ thể con người. Trong đó, củ kiệu thường được biết đến với vị chua chua cay cay, thường ăn kèm với bánh chưng trong ngày Tết, cũng là một nhân tố như vậy.
Những loại thực phẩm được ngâm bằng muối, mắm, đường như củ kiệu… thường chứa nhiều natri và đường, có thể tăng nguy cơ bệnh tim mạch và cao huyết áp. Việc kiểm soát lượng muối trong khẩu phần ăn là quan trọng, và người bệnh tiểu đường nên ăn dưa muối với lượng vừa phải để tránh tình trạng natri quá mức, cũng như đường huyết tăng vọt.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ khuyến nghị người bệnh tiểu đường nên ưu tiên ăn rau không chứa tinh bột, trái cây, protein nạc và ngũ cốc nguyên hạt. Hạn chế thức ăn có đường và các loại thực phẩm đã qua chế biến cũng giúp kiểm soát đường huyết hiệu quả. Điều này bao gồm việc tránh các thực phẩm như nước tăng lực, sữa có đường, nước hoa quả, soda thông thường, đồ ngọt, đồ chiên, và thực phẩm giàu tinh bột.
8 điều người tiểu đường cần chú ý khi ăn Tết
Người bệnh tiểu đường cần chú ý kiểm soát bệnh tiểu đường trong dịp Tết Nguyên Đán để tránh tăng đường huyết, gây nguy hại cho sức khỏe. Dưới đây là những cách kiểm soát bệnh tiểu đường trong dịp Tết:
1. Đo đường huyết thường xuyên
Người bệnh nên đo các chỉ số đường huyết, huyết áp trước bữa ăn sáng và tối ít nhất 2 lần mỗi ngày. Ngoài ra, nếu có dấu hiệu của hạ đường huyết (đói, mệt, vã mồ hôi…) hoặc tăng đường huyết (uống nhiều, tiểu nhiều, đau đầu..), người bệnh cũng nên theo dõi thường xuyên hơn.
2. Ăn uống đúng giờ
Vào những ngày Tết, bữa ăn chính của nhiều gia đình thường không cố định vì bận tiếp khách, ăn vặt nhiều, ăn sau đêm giao thừa, trước khi đi ngủ…. Người bệnh tiểu đường nên duy trì chế độ ăn lành mạnh, ăn đúng vào thời gian quen thuộc như ngày bình thường, không nên ăn trễ, bỏ ăn hoặc ăn uống linh tinh.
3. Tăng cường tập thể dục
Tập thể dục giúp tăng sự trao đổi chất, cải thiện đáp ứng của cơ thể với insulin, sự hấp thu glucose vào các cơ và cơ quan nội tạng, giúp kiểm soát đường huyết. Vì bạn có thể ăn nhiều hơn trong ngày Tết nên việc tập thể dục cũng giúp đốt cháy năng lượng thừa.
4. Chế biến món ăn phù hợp với thể trạng
Người bệnh tiểu đường nên ăn món luộc, hầm xương cho các món canh, hạn chế ăn các món chiên, xào. Người bệnh cũng có thể ăn giò nạc, giò bò, các loại nem nhưng với lượng vừa phải, chiên rán bằng dầu thực vật, ăn kèm nhiều rau củ.
5. Ăn với khẩu phần nhỏ
Trong ngày Tết có nhiều món ăn chứa nhiều tinh bột, cần để ý phần ăn, lấy mỗi thứ một phần nhỏ để tổng lượng tinh bột nạp vào cơ thể ngày Tết tương đương với ngày bình thường, tránh ăn quá nhiều gây tăng đường huyết.
6. Ăn chậm rãi, từng chút một
Tốc độ ăn chậm rãi với các món ăn phù hợp theo khẩu phần trong ngày để đảm bảo không làm thay đổi lượng đường huyết quá nhiều.
7. Rau xanh là thực phẩm không thể thiếu trong bữa ăn
Rau xanh là thực phẩm tốt cho sức khỏe, người bệnh có thể chế biến thành nhiều món ăn khác nhau từ rau củ như: rau luộc, salad. Rau xanh có lượng calo thấp, giàu chất xơ, ít tinh bột giúp no lâu mà không cần phải ăn quá nhiều món ăn có hàm lượng calo cao, nhiều chất béo.
8. Dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ
Lịch sinh hoạt hàng ngày trong dịp Tết thường bị xáo trộn khiến người bệnh quên uống thuốc, tiêm insulin hoặc có tâm lý “kiêng” uống thuốc vào ngày Tết, do đó làm lượng đường trong máu không được kiểm soát tốt, tăng đột ngột gây ra những biến chứng nguy hiểm. Người bệnh cần uống thuốc đều đặn, đầy đủ, đúng giờ theo chỉ định của bác sĩ để giữ đường huyết ổn định.
(Tổng hợp)