Zircon biến hệ thống phòng thủ tên lửa phương Tây trở nên “lạc hậu”

Hà Lan |

Theo tờ Washington Times, quân đội Nga mới đây tuyên bố đã thử nghiệm thành công tên lửa siêu thanh Zircon với tốc độ lên tới 7.400 km/h, gấp 6 lần tốc độ âm thanh.

Giới phân tích quân sự nhận định, thành tựu này của tên lửa Nga sẽ làm cho hệ thống phòng thủ tên lửa của phương Tây trở thành lạc hậu...

Không có đối thủ

Nga luôn coi việc Mỹ triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa là mối lo ngại an ninh lớn, có thể đe dọa phá vỡ thế cân bằng chiến lược trên thế giới.

Tổng thống Nga Vladimir Putin từng cho biết, Moskva sẽ không ngồi im trước việc Mỹ đưa các bộ phận của hệ thống phòng thủ tên lửa ngày càng tiến sát tới biên giới Nga và sẽ có biện pháp đáp trả. Rõ ràng tên lửa siêu thanh chính là câu trả lời cho hành động đáp trả từ phía Moskva.

Theo nguồn tin của Washington Times, Nga đang tìm kiếm "các vũ khí phi đối xứng" có khả năng đánh bại các hàng không mẫu hạm của Mỹ và bảo vệ đất nước trước đòn tấn công hạt nhân của quốc gia khác. 

Vũ khí siêu thanh là "bước nhảy vọt" theo hướng này. Được biết, ngay trước khi cuộc thử nghiệm này được công khai, tờ Daily Mail khẳng định rằng, chỉ cần một đòn đánh của tên lửa này cũng đủ khiến siêu tàu sân bay của Mỹ hoặc Anh phải nằm lại đáy biển.

Zircon biến hệ thống phòng thủ tên lửa phương Tây trở nên “lạc hậu” - Ảnh 1.

Một vụ phóng tên lửa đối hạm của Nga. Ảnh: Sputnik

Zircon bay nhanh hơn bất cứ tên lửa nào trên thế giới với tốc độ lên tới 7.400 km/h, gấp 6 lần tốc độ âm thanh, nhờ đó nó khó bị phát hiện và đánh chặn. 

Để đạt được tốc độ có một không hai như vậy, tên lửa Zircon sử dụng động cơ phản lực tĩnh siêu thanh cải tiến, vốn lấy oxy cần thiết cho quá trình đẩy ngay từ không khí chứ không phải từ thùng oxy dự trữ sẵn như các tên lửa thông thường. Đây là lý do khiến Zircon có thiết kế nhỏ hơn, nhẹ hơn và bay nhanh hơn các tên lửa khác.

Tim Ripley, nhà phân tích quốc phòng của hãng tin DW nhận định, với ưu điểm này, tên lửa Zircon sẽ khiến các loại tên lửa phòng không gắn trên các hàng không mẫu hạm của phương Tây, như hệ thống phòng thủ tên lửa trên tàu sân bay HMS Price of Wales và HMS Queen Elizabeth của Anh trở nên "vô dụng vì quá lỗi thời". 

"Sự xuất hiện của tên lửa Zircon sẽ khiến phương Tây có ít thời gian hơn rất nhiều để triển khai các biện pháp phòng vệ", nhà phân tích Ripley nhấn mạnh.

Mặc dù truyền thông thế giới sớm đưa tin về quá trình Nga phát triển tên lửa siêu thanh Zircon, song điều đáng chú ý là vụ thử nghiệm thành công diễn ra sớm hơn một năm so với dự kiến ban đầu. 

Chuyên gia quân sự Vladimir Tuchkov cho rằng, hệ thống tên lửa Zircon có thể được đưa vào biên chế trong giai đoạn khoảng từ 2018 đến 2020. Tên lửa siêu thanh có tầm bắn 400 km này có thể lắp đặt trên tàu tuần dương chạy bằng năng lượng hạt nhân Pyotr Veliky của Nga.

Cuộc chạy đua ngầm

Báo cáo đánh giá về sự phát triển vũ khí siêu thanh trên thế giới của các chuyên gia thuộc Ủy ban Nghiên cứu Không quân Mỹ mới đây đã thừa nhận sự thụt lùi của Mỹ trong lĩnh vực này. 

Các chuyên gia cho biết, Mỹ đã đạt được một số thành công nhất định trong việc phát triển thiết bị bay không người lái với tốc độ gấp 2 - 3 lần tốc độ âm thanh, tuy nhiên dự án tên lửa siêu thanh có khả năng "xứng tầm" với tên lửa Zircon của Nga đang bị chững lại và có nguy cơ thất bại.

Trong cuộc phỏng vấn trên tờ The National Interest, chuyên gia Không quân Mỹ Geoffrey Zacharias dự đoán, Mỹ phải đợi thêm ít nhất 15 năm nữa để có thể đạt được những tiến bộ đáng kể về vũ khí siêu thanh và sớm nhất tới năm 2040 họ mới có thể sở hữu loại máy bay không người lái siêu thanh.

Trước đó, tờ báo Đan Mạch Jyllands-Posten cũng từng có bài phỏng vấn người đứng đầu bộ phận không quân của Học viện Quân sự Đan Mạch, ông Carsten Marrup về các mối nguy hại đối với Mỹ và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), xuất phát từ loại tên lửa siêu thanh thế hệ mới mà Nga đang phát triển. 

Ông Marrup cho biết, giới công nghiệp quốc phòng Nga đang phát triển tên lửa hạt nhân siêu thanh, đe dọa toàn bộ hệ thống phòng thủ tên lửa của thế giới. 

Vị quan chức quốc phòng Đan Mạch cho biết, Moskva đã tiến rất gần tới việc chế tạo thành công tên lửa siêu thanh, có khả năng vượt qua các hệ thống phòng thủ tên lửa mạnh nhất của Mỹ như Patriot, THAAD hay các hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis trên các tuần dương hạm và khu trục hạm. 

Ông Marrup nhận định rằng, các tên lửa siêu thanh có thể rất nhanh chóng tấn công hạt nhân vào mọi mục tiêu, ở bất cứ nơi nào trên thế giới với tốc độ siêu cao, nhanh đến nỗi những hệ thống phòng thủ tên lửa không thể phát hiện và triển khai đánh chặn.

Tuy nhiên, không thể loại bỏ hoàn toàn khả năng phương Tây không ủ sẵn một dự án tối mật về tên lửa siêu thanh do Mỹ thực hiện, nhà phân tích Tim Ripley cho hay. 

Đồng quan điểm với ông Ripley, Tạp chí Washington Free Beacon khẳng định, Không quân Mỹ đã có hẳn một dự án bí mật chuyên nghiên cứu và thu thập thông tin liên quan tới các chương trình vũ khí siêu thanh mới đang thực hiện tại Nga. 

Trong khi đó, tờ Stratfor từng dẫn lời người đứng đầu Viện Nghiên cứu Không quân Mỹ, ông Thomas Masiello tuyên bố vào cuối tháng 2 vừa qua rằng, Không quân Mỹ dự định sẽ sở hữu các nguyên mẫu của tên lửa siêu thanh do nước này chế tạo và sẵn sàng để thử nghiệm chúng vào năm 2020. 

Stratfor cũng dự báo rằng Mỹ và Trung Quốc có thể sẽ có tên lửa hành trình siêu thanh tầm xa đầu tiên trong kho vũ khí vào năm 2025, nhiều năm trước Nga.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại