Vợ chồng giả

lenhi |

Đã có không ít trường hợp kết hôn giả, gặp khó khăn, rắc rối, thậm chí lâm vào cảnh “tiền mất tật mang”.

Tháng trước, sau khi đi dự đám cưới con gái của một người quen về, cậu tôi tỏ ra không vui: “Cậu buồn cho sự đời. Sao bây giờ cái gì cũng làm giả được, đến vợ chồng cũng giả. Để rồi bây coi, cái gì giả cũng để lại hậu quả nặng nề…”.

Thực tế đúng như lời cậu tôi nói, đã có không ít trường hợp kết hôn giả, gặp khó khăn, rắc rối, thậm chí lâm vào cảnh “tiền mất tật mang”.

Đòi làm chồng thật

T.N.Hà, làm y tá trong một bệnh viện công tại TP.HCM, cha mẹ mất sớm, các anh chị đều đã định cư ở nước ngoài. Được sự đồng ý và giúp đỡ của các anh chị về tài chính, Hà đã nhờ người mai mối để kết hôn giả với một Việt kiều có quốc tịch Mỹ. Mục đích là để bảo lãnh xuất cảnh sang Mỹ, chứ không chung sống thành vợ chồng. Sau khi định cư, đủ thời hạn ly hôn theo pháp luật của nước sở tại thì các bên sẽ ra tòa làm thủ tục ly hôn. Việc kết hôn, làm thủ tục, vấn đề tiền bạc, chi phí đi lại cho “chú rể”… đều có thỏa thuận, lập thành văn bản viết tay với các điều khoản rõ ràng.

Nhờ được chuẩn bị kỹ nên các thủ tục, từ nghi thức cưới xin đến các giấy tờ tài liệu, hình ảnh… mọi thứ đều giống như thật. Chính vì “kịch bản” này mà trong thời gian lưu trú ở Việt Nam, “chú rể” đã… phải lòng “cô dâu”. Sau lễ cưới, “chú rể” không chịu về lưu trú tại khách sạn như thỏa thuận, mà ở hẳn trong nhà của Hà.

Cũng không biết nghe ai đó bày vẽ: “Đã là vợ chồng thì phải chụp cảnh hai người ở chung, ngủ chung trông thật… sexy, thì khi phỏng vấn người ta mới tin tưởng và cấp vi-sa”, Hà đã mua máy ảnh về để hai người dàn cảnh chụp tự động. Hà có ngờ đâu, đây là giai đoạn mà “chú rể” đã “bẻ chìa” đòi làm chồng thật, và đêm hôm ấy “tai nạn” đã xảy ra. Biết nói với ai, tố cáo với ai đây trong khi hai người đã chính thức đăng ký kết hôn và làm đám cưới (!?). Bức xúc vì bị lạm dụng tình dục, Hà đã tìm đến luật sư tư vấn, đòi “chú rể” phải bồi thường và xin hủy việc kết hôn.

Với cách thức tương tự, con gái chị T.M.Ly (Q.Phú Nhuận, TP.HCM) đã được xuất cảnh sang Canada và du học hai năm nay. Thời gian ở xứ người, con gái chị Ly gặp nhiều chuyện khó xử từ “đối tác”. Chị cho biết: “Hoàn cảnh gia đình tôi khó khăn, nhưng đứa con gái của tôi tha thiết muốn đi du học. Nghe nói nếu có chồng (hoặc vợ) ở nước mà mình du học, thì sẽ được giảm thiểu những chi phí cho việc ăn ở, sinh hoạt và học tập, nên con gái của tôi đã lên mạng làm quen với nhiều người bạn là Việt kiều. Cuối cùng con tôi đã chọn Kha là Việt kiều Canada. Con gái tôi cũng nói rõ nguyện vọng của mình cho người bạn này biết, và người bạn này cũng đồng ý giúp, không đặt điều kiện gì. Mọi thủ tục kết hôn, xuất cảnh đều đã trót lọt.

Tuy nhiên, sau khi được xuất cảnh sang Canada thì Kha đã không giữ lời hứa, giở trò đòi làm chồng thật hoặc chỉ “đòi” để thỏa mãn nhu cầu sinh lý. Nếu không đồng ý thì Kha gây khó đủ điều, thậm chí có lần còn dọa sẽ tố cáo việc kết hôn giả. Hoàn cảnh đã đưa con tôi vào thế khó và phải “ngậm bồ hòn làm ngọt”! Giờ đây, con tôi sắp hết khóa học, có lần đề nghị ly hôn nhưng Kha không đồng ý và tỏ thái độ bất hợp tác”.

Khác với hai trường hợp trên, chị Đoan (ở Tiền Giang) có các anh chị đang định cư ở Mỹ. Do thời gian bảo lãnh đoàn tụ gia đình theo diện “anh chị em” khá lâu, nên chị Đoan đã thỏa thuận kết hôn trên mặt pháp lý với người em họ là con của người dì ruột, cũng là Việt kiều đang định cư ở Mỹ. Mục đích là để bảo lãnh đoàn tụ, sau đó sẽ ly hôn. Mọi thủ tục đăng ký kết hôn, phỏng vấn kết hôn đều suôn sẻ. Tuy nhiên, đến giai đoạn bảo lãnh xuất cảnh thì chị Đoan bị từ chối cấp vi-sa, do viên chức lãnh sự nghi ngờ việc kết hôn giả tạo nhằm đối phó với luật nhập cư của Mỹ. Cơ quan lãnh sự quán cũng đã có công văn tiến hành xác minh, kết quả là hai người có quan hệ huyết thống trong phạm vi ba đời. Giờ đây, chị Đoan đang loay hoay tìm cách “xé hôn thú”, nhưng chị không biết phải làm thủ tục thế nào cho đúng.

Khắc phục hậu quả

Điều 4, Luật Hôn nhân và gia đình quy định: “Cấm kết hôn giả tạo”, nên việc thỏa thuận kết hôn giả là vi phạm pháp luật, và việc sử dụng giấy chứng nhận kết hôn đó để bảo lãnh xuất cảnh, du học… về nguyên tắc cũng là vi phạm luật nhập cư của các nước. Tuy nhiên, trong thực tế rất khó phát hiện và nhận biết được việc kết hôn giả, vì việc kết hôn này thường được sắp đặt, dàn dựng kỹ.

Trường hợp của chị Hà và “chú rể”, con của chị Ly và anh Việt kiều Canada, về mặt pháp lý họ đã là vợ chồng của nhau. Nếu không có bằng chứng nào cho rằng việc kết hôn là giả tạo và cũng không có cơ quan chức năng nào xử lý, như là hủy bỏ hoặc thu hồi giấy chứng nhận kết hôn, thì hôn nhân của hai người mặc nhiên được pháp luật công nhận và bảo vệ.

Lẽ tất nhiên, những cuộc hôn nhân giả tạo, giữa họ thông thường đều có thỏa thuận, ràng buộc hoặc cam kết với nhau. Có thể bằng miệng hoặc bằng văn bản, song những thỏa thuận này chỉ mang tính nội bộ giữa hai người với nhau; khi có tranh chấp xảy ra, không ai dám lấy ra làm bằng chứng để nhờ pháp luật can thiệp, phân xử. Hoặc dù các bên có đưa ra văn bản thỏa thuận, thậm chí có hợp đồng về hôn nhân đi nữa, thì đều vô hiệu, do vi phạm điều cấm của pháp luật. Hậu quả là có nhiều người bị lâm vào cảnh “tiền mất tật mang”: sau khi đưa tiền cho người ở nước ngoài, người đó từ chối bảo lãnh; hoặc bị lừa dối, bị lạm dụng tình dục, bị tống tiền; đòi làm chồng thật, không đồng ý ly hôn theo thỏa thuận…

Để chấm dứt quan hệ hôn nhân này, tùy từng trường hợp cụ thể mà có cách giải quyết khác nhau. Theo quy định của pháp luật Việt Nam hiện nay, có ba cách giải quyết chấm dứt hôn nhân như sau:

- Việc kết hôn của các bên đương sự nếu không vi phạm các điều kiện kết hôn theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình, hồ sơ và thủ tục đăng ký kết hôn là hợp pháp, đúng theo quy định của pháp luật về đăng ký và quản lý hộ tịch, thì sẽ giải quyết ly hôn theo thủ tục chung.

- Đối với các trường hợp kết hôn nếu có đăng ký kết hôn đúng theo nghi thức do pháp luật quy định, nhưng vi phạm các điều kiện kết hôn, chẳng hạn như: chưa đủ tuổi kết hôn; bị cưỡng ép, bị lừa dối; vi phạm chế độ một vợ một chồng; có quan hệ huyết thống về trực hệ, có họ hàng trong phạm vi ba đời; bị mất năng lực hành vi dân sự; kết hôn cùng giới tính… thì sẽ giải quyết hủy việc kết hôn trái pháp luật.

- Việc kết hôn nếu vi phạm quy định về đăng ký kết hôn như: sửa chữa, tẩy xóa, làm sai lệch nội dung giấy tờ để làm thủ tục đăng ký kết hôn; sử dụng giấy tờ của người khác để làm thủ tục đăng ký kết hôn; làm giả hoặc sử dụng giấy tờ giả mạo để làm thủ tục đăng ký kết hôn; cam đoan không đúng về tình trạng hôn nhân để làm thủ tục đăng ký kết hôn… thì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo điều 11, Nghị định 60/2009/NĐ-CP, ngày 23/7/2009 của Chính phủ (quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tư pháp), với mức phạt thấp nhất là 100.000 đồng, mức phạt cao nhất lên đến 10 triệu đồng. Và biện pháp khắc phục hậu quả kèm theo sẽ là thu hồi và hủy bỏ giấy chứng nhận kết hôn đã cấp.

Sự giả tạo nào, sớm muộn rồi cũng bị phơi bày sự thật, người trong cuộc cũng phải gánh chịu hậu quả. Nhưng sự giả tạo trong hôn nhân không ngừng lại ở người trong cuộc với những tâm lý bất ổn khó phai, mà có thể còn để lại hậu quả cho thế hệ con cái, và quan trọng hơn cả, sự giả tạo ấy khiến người ta dễ mất niềm tin vào con người, vào cuộc sống.

THeo PNOL

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại