Vợ chồng… “cục cưng”

lenhi |

Nhiều người chồng mãi không lớn được vì được mẹ đẻ chiều.

Chồng như “cậu ấm”

Nhìn chồng cứ nhõng nhẽo với mẹ mà chị Hương thấy rất xấu hổ. Đã vậy, thi thoảng chồng còn nũng nịu với mẹ như đứa trẻ:“Mẹ ơi, con đói”.Lần đầu nghe mẹ chồng thì hỏi:“Nay thằng đán chưa đi làm về à?”làm chị Hương choáng váng (vì “thằng đán” chính là chồng chị).

Thi thoảng chồng vào phòng mẹ tưởng làm gì, hóa ra là để mẹ xoa lưng cho dễ ngủ. Đã vậy, mẹ chồng chị Hương còn cằn nhằn:“Từ ngày thằng Việt lấy vợ thì lơ mẹ luôn rồi, trước đây tối nào chả vào giường mẹ nằm cho mẹ xoa lưng, phải cái thằng quen hơi mẹ rồi”.Người đàn ông ngoài 30 tuổi đầu cứ xoắn lấy chân mẹ khiến chị Hương thấy khó chịu vô cùng.

Còn chị Vân thì lại ấm ức vì cái gì mẹ chồng cũng ghen với con dâu. Đi làm về, chồng thơm vào má vợ một cái thì mẹ chồng lườm nguýt, thế là chồng tự giác chạy lại ôm lấy mẹ hôn chùn chụt để mẹ vui. Bữa ăn của chồng luôn có chế độ đặc biệt còn cẩn thận hơn cả người ở cữ. Chị Vân đã quá quen cái câu mẹ chồng nhắc nhở:“Anh Sơn là con trai duy nhất và cũng là cháu đích tôn của dòng họ Trịnh nên phải được chăm sóc khác một chút”.

Ngày đầu mới về, mẹ chồng dặn dò nhớ hay mua đồ ăn riêng cho chồng vì:“Nó hay ăn vặt lắm, mẹ chiều từ nhỏ nên quen rồi”.Thế là người đàn ông cứng rắn, giỏi giang trong lòng chị Vân bỗng chốc “lột xác” thành “cục cưng” và được “nâng như nâng trứng”.

Cùng cảnh, chị Xuân cũng mệt mỏi vì chồng là “cậu ấm” của mẹ. Hôm mẹ chồng đến chơi, thấy con trai đáng lúi húi trong nhà tắm sửa cái vòi nước liền la toáng lên:“Chị Xuân đâu? Sao không gọi thợ mà để chồng mó vào mấy việc đó? Vất vả lắm”.Rồi bà xuýt xoa kéo con trai ra ngoài. Chị Xuân nhìn lắc đầu ái ngại:“Chỉ xem cái vòi nước mấy hôm nay sao lại bị tắc chứ có gì mà mệt hả mẹ?”.Bà giãy nảy lên:“Nhưng nó là con trời, tôi đi cầu xin mãi mới nặn ra được, có bao giờ tôi để nó làm gì vất vả đâu?”.

Chồng chị Xuân là “quý tử” nên hai vợ chồng có gì xích mích thì mẹ chồng sẽ “nhảy vào cuộc” để bênh con trai. Rõ ràng chồng sai lè lè, đã suốt ngày nhậu nhẹt về còn sinh sự với vợ mà mẹ chồng vẫn còn bao che:“Đàn ông ai chả thế? Vì sao nên nỗi anh ấy bê tha? Cơm nhà không ngon nên mới phải ra quán”.

Chồng cảm cúm sơ sơ do mắc mưa thế mà mẹ chồng xúm vào chê con dâu làm khổ con trai bà. Rồi vì có vợ con nên con trai bà hao mòn, cong mông lo kiếm tiền cho vợ tiêu pha. Chị Xuân tức nghẹn họng mà chẳng nói lại được lời nào.

“Cậu ấm” vớ phải “cô chiêu”

Hai vợ chồng Duyên mới cưới nhau chưa đầy 2 năm đã quyết định đưa nhau ra tòa. Hóa ra Duyên vốn là con gái duy nhất trong một gia đình giàu có, được nuông chiều từ nhỏ. Đi lấy chồng, hồi môn của cô là căn biệt thự đắt giá và mấy cây vàng. Còn chồng Duyên cũng là “quý tử”, gia đình ăn nên làm ra từ công ty kinh doanh vật liệu xây dựng.

Đôi trẻ về sống với nhau, mỗi người một tính, chẳng ai nhường ai nên “chành chọe” suốt ngày. Trong khi đó, bố mẹ vợ xót con gái nên thường xuyên nặng nhẹ với con rể. Bố mẹ chồng cũng chẳng kém, luôn chỉ trích con dâu không biết sống. Thế là cuộc hôn nhân của “cậu ấm, cô chiêu” đến bờ tan vỡ.

Tương tự, ngày chưa lấy chồng, Thảo cũng quen được chiều chuộng. Vậy nên lúc này cô thấy rất ấm ức khi bữa nào cũng bị mẹ chồng gọi dậy sớm để hầm gà cho chồng ăn sáng: “Mình là đàn bà nên chịu khó dậy sớm chút, nấu nướng xong xuôi hẵng gọi chồng dậy”.

Làm dâu trong gia đình “tam đại đồng đường” nên Thảo thấy rất vất vả, bởi lẽ vị trí của chồng cô càng thêm phần quan trọng, còn cô tự nhiên lại phải phục tùng chồng. Mọi sự quan tâm đều dành cho “cậu ấm” từ việc ăn món gì đến mấy giờ ngủ, mấy giờ dậy. Ngay đến chuyện phòng the của hai vợ chồng cũng bị “soi” khá kỹ càng và lên lịch sẵn.

Đến khi có con rồi mà chồng Thảo vẫn chẳng chịu thay đổi. Thế nên Thảo mong muốn mua nhà riêng để cho chồng biết rằng mình cũng là người như ai, cũng phải làm trách nhiệm của người chồng, người cha.

Còn anh Thắng thì khá mệt với cô vợ ướt át của mình. Có vợ là “cục cưng” nên suốt ngày mẹ vợ qua để chăm sóc con gái, lại còn sợ con khổ nên không cho vào bếp, dù chỉ nấu một món ăn thường ngày mà thuê ô sin. Do được chiều chuộng từ bé nên vợ anh khá ích kỷ, hơi tý là khóc nhè, chỉ cần chồng đi làm về muộn là sẽ khóc òa lên.

Ban đầu anh Thắng còn dỗ vợ như dỗ trẻ con. Nếu anh không làm lành hoặc quát to một tiếng là vợ sẽ bỏ về nhà mẹ đẻ để “lánh nạn” hoặc gọi điện cho mẹ đến để “chỉnh” con rể.

Không ít chị em ôm đồm hoặc tủi thân vì mẹ chỉ quan tâm đến chồng và em gái chồng thôi, còn mình thì như người ngoài hoặc bị xem là “bảo mẫu” của chồng vậy. Thế nên có người tìm cách để được ra ở riêng, mà phải tìm một cái nhà thật bé, chật chội để mẹ chồng không có cớ ở cùng.

Thực tế, nhiều cuộc hôn nhân khi “cậu ấm” vớ phải “cô chiêu” bị trục trặc hoặc có nhiều sóng gió vì cả hai chưa dung hòa được nguyên tắc “lúc cương lúc nhu”. Nếu chồng (hoặc vợ) là cục cưng của bố mẹ thì vợ chồng hãy là “cục vàng” của nhau.

Theo Eva

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại