Yêu cầu điều tra bổ sung vụ án lừa đảo hơn 295 tỷ đồng tiền chứng khoán

Đào Minh Khoa |

Viện Kiểm sát nhân dân (KSND) Tối cao vừa quyết định trả hồ sơ vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Công ty cổ phần Chứng khoán SME (Công ty SME) cho cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) – Bộ Công an để điều tra bổ sung.

Trước đó, ngày 15-8, cơ quan CSĐT – Bộ Công an đã kết luận điều tra và đề nghị truy tố 10 bị can về hai tội danh. Trong số này, có 6 bị can là lãnh đạo, cán bộ Công ty SME gồm: Phan Huy Chí - Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc; Phạm Minh Tuấn – nguyên Tổng Giám đốc; Nguyễn Thanh Nam - nguyên Giám đốc chi nhánh SMES TP Hồ Chí Minh và Nguyễn Huy Sơn, Trưởng bộ phận Dịch vụ Tài chính SMES; Nguyễn Phương Lan, Trưởng bộ phận lưu ký chứng khoán SMES. Bị can còn lại là Cao Tuấn Nghĩa - Giám đốc Công ty cổ phần tư vấn Anh cùng bị đề nghị truy tố tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, theo Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015.

4 bị can bị đề nghị truy tố về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” gồm: Chu Xuân Lai – nguyên Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tài chính Công đoàn dầu khí Việt Nam (PVFI); Lê Xuân Tân – nguyên Phó Tổng Giám đốc PVFI và Vũ Xuân Công, Vũ Thị Hồng Lan, nguyên Phó trưởng Ban và nguyên Trưởng Ban dịch vụ tài chính thuộc PVFI. Tuy nhiên, sau đó Viện KSND Tối cao đã trả hồ sơ vụ án này cho cơ quan CSĐT Bộ Công an để điều tra bổ sung về hai hành vi phạm tội nêu trên.

Trước đó, năm 2013, CQĐT đã có kết luận điều tra, đề nghị truy tố 6 bị can phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” liên quan đến vụ án.

Tuy nhiên, sau khi Viện KSND Tối cao trả hồ sơ, yêu cầu điều tra bổ sung, cơ quan CSĐT Bộ Công an đã ra quyết định nhập vụ án vào năm 2017 để điều tra hành vi “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” của những cá nhân liên quan.

Theo kết quả điều tra mới nhất, cơ quan CSĐT xác định do cần tiền để sử dụng cá nhân và trả các khoản nợ cũ, Phan Huy Chí, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần chứng khoán SME (SMES) và đồng phạm đã lợi dụng nhiệm vụ là đơn vị kinh doanh chứng khoán, cũng như lợi dụng sơ hở, thiếu sót của các đối tác trong kinh doanh chứng khoán để tạo dựng khách hàng, đưa các mã chứng khoán khống vào Hợp đồng hợp tác đầu tư chứng khoán niêm yết, Hợp đồng uỷ thác, cầm cố và xác nhận phong tỏa các mã chứng khoán khống để lừa đảo, chiếm đoạt của Công ty Cổ phần PVI hơn 107 tỷ đồng; Công ty Tài chính Dầu khí Việt Nam (PVFI) hơn 108 tỷ đồng và của Ngân hàng Habubank 80 tỷ đồng.

Trong tổng số hơn 295 tỷ đồng đã chiếm đoạt của các công ty, đến nay SMES và các bị can mới khắc phục cho PVI hơn 80 tỷ đồng, Habubank hơn 9,3 tỷ đồng, số tiền còn lại không có khả năng khắc phục.

Để các bị can trên thực hiện hành vi lừa đảo còn có hành vi không thực hiện đúng, đầy đủ trách nhiệm và quy trình hợp tác đầu tư chứng khoán niêm yết của các bị can nguyên là lãnh đạo PVFI gồm: Chu Xuân Lai, Lê Xuân Tân, Vũ Xuân Công và Vũ Thị Hồng Lan.

Năm 2010, bị can Chu Xuân Lai với tư cách là Tổng Giám đốc PVFI đã ký quyết định ban hành quy trình hợp tác đầu tư chứng khoán niêm yết, giao ban Dịch vụ tài chính làm đầu mối, giao Vũ Thị Hồng Lan chịu trách nhiệm chỉ đạo nhân viên tìm kiếm, gặp gỡ và thỏa thuận với khách hàng, lập hồ sơ hợp tác rồi chuyển lên Phó Tổng giám đốc Lê Xuân Tân kiểm tra trước khi trình Tổng Giám đốc.

Trên cơ sở đó, Chu Xuân Lai đã ký 6 hợp đồng hợp tác đầu tư chứng khoán niêm yết mà không kiểm tra, đối chiếu dẫn đến hậu quả PVFI bị Phan Huy Chí và đồng phạm lừa chiếm đoạt hơn 108 tỷ đồng…

Tuy nhiên, hiện luật sư của Chu Xuân Lai và các bị can khác trong vụ án này đã khiếu nại cho rằng các bị can đã làm hết trách nhiệm được phân công, không phạm tội thiếu trách nhiệm.

Để làm rõ, Viện KSND Tối cao yêu cầu điều tra bổ sung 3 vấn đề có liên quan. Ngoài ra, Viện KSND Tối cao cũng đề nghị cơ quan CSĐT Bộ Công an bổ sung nhiều nội dung cần làm sáng tỏ trong vụ án.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại