Xứng danh đặc công biệt động…

Thu Sa |

"Đơn vị chúng tôi có những cái nhất trong huấn luyện, rèn luyện bộ đội và được ví như "lò luyện đặc công"-Đại tá Nguyễn Công Long, Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn Đặc công Biệt động 1 (Binh chủng Đặc công) giới thiệu với chúng tôi như vậy. Được "thực mục sở thị" công tác huấn luyện, SSCĐ, thực hiện nhiệm vụ… của đơn vị, chúng tôi thêm hiểu và khâm phục những người lính ở binh chủng đặc biệt.

Chúng tôi đến lữ đoàn khi các cơ quan, đơn vị trực thuộc đẩy mạnh thi đua và các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao… hướng tới kỷ niệm 50 năm Ngày thành lập đơn vị (15-4-1968/15-4-2018). Nghe danh về "lò luyện đặc công" đã lâu, nhưng lần này chúng tôi mới được ra bãi tập, chứng kiến hoạt động huấn luyện, luyện tập các kỹ thuật chuyên ngành của cán bộ, chiến đấu viên (CĐV) nơi đây.

Phía xa, cán bộ, CĐV Đội 7 (Đội Chống khủng bố) thoăn thoắt bám theo dây chống sét leo lên tầng thượng của tòa nhà cao 10 tầng, rồi nhanh chóng dùng dây để đổ bộ từ sân thượng xuống các tầng của tòa nhà, đột nhập, khống chế đối tượng "khủng bố", giải cứu con tin theo tình huống giả định.

Cạnh đó, một số cán bộ, CĐV đang rèn các thế võ đối kháng, một đánh hai, đánh ba... Ở một khu vực khác, các CĐV mang theo vũ khí đang vượt qua hàng rào thép gai bùng nhùng, dày đặc chông và thực hiện động tác kỹ thuật vượt tường một cách nhẹ nhàng…

Cán bộ, chiến sĩ của lữ đoàn còn được huấn luyện các nội dung đổ bộ đường không bằng dù, thả dây từ máy bay, đáp ứng yêu cầu tác chiến nhanh, tạo yếu tố bí mật, bất ngờ.

Trong những bộ quân phục dã chiến, chúng tôi khó phân biệt đâu là chiến sĩ nữ, chiến sĩ nam, khi chứng kiến những màn đấu đối kháng mạnh mẽ, dứt khoát; những pha bay người hạ gục đối thủ mau lẹ… do chính những "bóng hồng" đặc công thể hiện.

Lau vội những giọt mồ hôi trên mặt, Thượng úy QNCN Phạm Thị Nhài, thuộc Đại đội 18, bộc bạch: "Cùng với hoàn thành nhiệm vụ chuyên môn, chị em còn thường xuyên tham gia huấn luyện, SSCĐ, diễn tập, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ".

Những năm qua, lữ đoàn được Bộ tư lệnh Đặc công lựa chọn, giao nhiệm vụ huấn luyện và thực hiện nhiệm vụ chống khủng bố, chống bạo loạn… Đội chống khủng bố đầu tiên của Binh chủng Đặc công cũng được thành lập tại lữ đoàn.

Nhiều năm liền, lữ đoàn được Bộ Quốc phòng tặng Cờ "Đơn vị huấn luyện giỏi", đạt đơn vị vững mạnh toàn diện, dẫn đầu Phong trào Thi đua Quyết thắng của binh chủng, cùng nhiều thành tích cao trong tham gia các hội thi, hội thao...

Không chỉ huấn luyện giỏi, những năm qua, lãnh đạo, chỉ huy lữ đoàn đã triển khai đồng bộ nhiều chủ trương, giải pháp nâng cao hiệu quả phong trào phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, góp phần nâng cao chất lượng huấn luyện SSCĐ, đồng thời giúp cán bộ, CĐV làm chủ, khai thác, sử dụng hiệu quả và phát huy tính năng của các loại vũ khí, trang bị...

Gần trưa, trên bãi tập, Đội 74 đang huấn luyện bắn đạt thật thì một khẩu súng K54 bị hỏng. Tuy nhiên, chỉ hai phút sau, sự cố đã được khắc phục nhờ thiết bị "Bộ vam tháo lắp bộ phận búa, chốt, lò xo súng K54".

Nói về sáng kiến của mình, Thiếu tá QNCN Nguyễn Mạnh Hùng, nhân viên quân khí Đội 7, cho biết: "Quá trình tháo lắp súng K54 thường bị hỏng bộ phận búa, phải đưa về xưởng. Từ thực tế đó, tôi đã nghiên cứu, hoàn thành sáng kiến, vừa thuận tiện khi sửa chữa tại chỗ, lại tiết kiệm nhiều thời gian và nhân công".

Được biết, sáng kiến đã đoạt giải A cấp binh chủng và giải B cấp toàn quân năm 2016; được ứng dụng hiệu quả vào thực tiễn huấn luyện.

Đại úy Nguyễn Hồng Phong, Tổ trưởng thuộc Đội 54 đã nghiên cứu sáng kiến "Dụng cụ đào đa năng" sử dụng trong huấn luyện dã ngoại, diễn tập trú quân. Với tính năng gọn nhẹ, dễ sử dụng, sáng kiến này giúp chiến sĩ thuận tiện trong đào bếp Hoàng Cầm, hầm bí mật, công sự chiến đấu, phục vụ sinh hoạt dã ngoại...

Đó chỉ là hai trong số hàng trăm sáng kiến phục vụ hiệu quả việc học tập, huấn luyện của bộ đội đặc công được đơn vị nghiệm thu, đưa vào ứng dụng hiệu quả trong những năm qua, góp phần nâng cao chất lượng huấn luyện, hệ số kỹ thuật của vũ khí trang bị, bảo đảm an toàn và sửa chữa tại chỗ kịp thời khi có các tình huống kỹ thuật phát sinh trong quá trình huấn luyện.

Nhờ vậy, công tác kỹ thuật của đơn vị những năm qua có chuyển biến, tiến bộ rõ nét, góp phần tạo đột phá trong thực hiện nhiệm vụ.

Có được kết quả trên, theo Đại tá Hoàng Ngọc Thanh, Chính ủy lữ đoàn, nhận thức rõ tầm quan trọng của hoạt động nghiên cứu, sáng kiến cải tiến kỹ thuật, lãnh đạo, chỉ huy lữ đoàn luôn động viên, khuyến khích cán bộ, chiến sĩ chủ động khắc phục khó khăn, tích cực nghiên cứu các giải pháp, sáng kiến nâng cao chất lượng huấn luyện, bảo đảm kỹ thuật; kịp thời biểu dương, khen thưởng các cá nhân có sáng kiến, giải pháp kỹ thuật có giá trị đưa vào ứng dụng thực tiễn…

Đó là một trong những hoạt động thiết thực kế thừa, phát huy truyền thống "Đặc biệt tinh nhuệ; anh dũng tuyệt vời; mưu trí táo bạo; đánh hiểm thắng lớn" của Bộ đội Đặc công.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại