Xử lý “chợ thần chết giữa Sài Gòn”: Rối như canh hẹ

Huy Thịnh |

Những rối rắm trong quản lý khiến việc xử lý tình trạng buôn bán hóa chất độc hại tại chợ Kim Biên (quận 5, TPHCM) chưa được giải quyết rốt ráo, mặc dù UBND TPHCM có văn bản yêu cầu và nhiều lần làm việc với cơ quan chức năng.

“Thần chết” vẫn ung dung

Ngày 23/5, Phó chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến tiếp tục làm việc với các sở ban ngành chức năng.

Theo báo cáo của Chi cục Quản lý thị trường (QLTT), TPHCM hiện có khoảng 600 đơn vị, cá nhân kinh doanh các loại hóa chất công nghiệp, phụ gia, hương liệu, trong đó có 344 tổ chức, cá nhân kinh doanh hoá chất công nghiệp, 63 tổ chức cá nhân kinh doanh hóa chất y tế, thực phẩm, 55 tổ chức cá nhân kinh doanh hóa chất ngành thủy sản, thú y, bảo vệ thực vật và 138 tổ chức cá nhân kinh doanh hóa chất tổng hợp.

Riêng chợ Kim Biên có 17 quầy sạp với 16 hộ tiểu thương kinh doanh các loại hương liệu, chất phụ gia thực phẩm, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh đã hết hạn cuối… năm 2014 chưa cấp lại.

Xung quanh chợ có 93 cơ sở kinh doanh hóa chất, trong đó có 56 cơ sở kinh doanh hóa chất công nghiệp tập trung trên các con đường Vạn Tượng, Phan Văn Khỏe, Hải Thượng Lãn Ông, Phùng Hưng, Gò Công,… thuộc hai phường 14, 15 (quận 5).

Chi cục trưởng QLTT TPHCM Phan Hoàng Kiếm cho biết chỉ tính riêng quý I/2016, kiểm tra 19 vụ thì có 15 vụ vi phạm, trong đó có 7 vụ kinh doanh hóa chất nhập lậu từ Trung Quốc với số lượng trên 5,3 tấn.

Chi cục QLTT đã chuyển hồ sơ đề nghị cơ quan điều tra Bộ Công an và Công an TPHCM xử lý 4 vụ có dấu hiệu vi phạm hình sự.

“Tình trạng nhập lậu, kinh doanh hóa chất hết hạn sử dụng diễn biến phức tạp. Người kinh doanh bất chấp luật pháp. Thành phố cần tạo điều kiện để chúng tôi kiểm tra, ngăn chặn” – ông Kiếm cảnh báo.

Phó giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Ngọc Hòa cho rằng bất cập là hiện nay chưa có quy chế quản lý kinh doanh hóa chất công nghiệp nên chưa ngăn chặn được việc nhiều đối tượng mua lẻ (số lượng ít) để sử dụng sai mục đích, thậm chí gây án.

Đùn đẩy và… rối

Để tiếp tục kinh doanh, các hộ tiểu thương tại chợ Kim Biên phải làm giấy cam kết.

Ông Nguyễn Ngọc Hòa cho biết Bộ Công Thương vừa có văn bản hướng dẫn các tiểu thương liên hệ với ngành y tế để được cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm.

BS Nguyễn Hữu Hưng, Phó giám đốc Sở Y tế phản ứng: “Dù là văn bản hướng dẫn của Bộ Công Thương, nếu cho rằng chất phụ gia trong chợ do ngành y tế quản lý tôi thấy chưa ổn.

Đó là trách nhiệm của Bộ Công Thương. Lúc chưa có Luật vệ sinh an toàn thực phẩm, giấy phép hết hạn do ngành y tế cấp còn có luật rồi ngành y tế không cấp lại được.

Theo quy định, tất cả các mặt hàng trong chợ, siêu thị do ngành công thương quản lý. Tôi không rõ căn cứ vào đâu để hướng dẫn như vậy”.

Theo Thiếu tướng Phan Anh Minh, Phó giám đốc công an TPHCM, lượng hóa chất nhập qua cửa khẩu TPHCM lớn nhất cả nước.

Không chỉ chợ Kim Biên, TPHCM còn có nhiều “điểm nóng” như khu vực đường Tô Hiến Thành (quận 10), các kho chứa hoá chất ở quận Bình Tân.

Việc quản lý hoá chất công nghiệp rất phức tạp. Sở Công Thương quản lý hóa chất công nghiệp; chất nổ, ma túy thuộc ngành công an còn tiền chất ma túy ngành y tế “quản”.

Rối không chỉ về thành phần hóa chất mà còn về hàm lượng.

Đơn cử như các oxit hóa gốc nitrat là tiền chất phân bón do ngành công thương quản lý nhưng một khi hàm lượng trên 45%, trở thành tiền chất thuốc nổ sẽ do công an quản.

Theo Tướng Minh, Nghị định 163 về thẩm quyền xử phạt vi phạm trong hóa chất và phân bón có nhiều sơ hở.

Ông Minh kể: Công an TPHCM khốn khổ vì các kết quả kiểm nghiệm mâu thuẫn nhau. Ban đầu, mình kiểm nghiệm phát hiện sử dụng chất cấm, đến lúc tái kiểm thì kết quả âm tính.

Mình giữ hàng hóa, người ta ngưng kinh doanh bị thiệt hại nên kiện bồi thường.

“Nhiều đơn vị kiểm định rất thiếu chính xác. Vừa rồi Công an TPHCM thấy Chi cục Thú y có khả năng xét nghiệm định danh nhóm có chất tăng trọng, tạo nạc phát hiện trong mẫu nước tiểu.

Công an căn cứ kết quả xét nghiệm giữ hàng hoá của cơ sở chế biến. Đến lúc xét nghiệm lại thì âm tính, phải xin lỗi, trả lại hàng và đang lo người ta đòi bồi thường” – Tướng Minh cho biết.

Theo Phó chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến, chợ hóa chất Kim Biên đang là nỗi bức xúc của xã hội.

Ông Tuyến chỉ đạo tạm ngưng cấp phép cho các hộ kinh doanh hóa chất của chợ Kim Biên và quy hoạch lại ngành hàng kinh doanh hóa chất, hương liệu trong và xung quanh chợ Kim Biên.

Ông Tuyến cũng yêu cầu Sở Công Thương lập và trình trước ngày 20/6 Đề án xã hội hóa theo hướng giao cho tư nhân xây dựng, kinh doanh và quản lý chợ hóa chất mới để xin chủ trương cấp thẩm quyền và xúc tiến mời gọi đầu tư.

“Nếu không có mô hình quản lý tốt, việc di dời chỉ giải quyết được nguy cơ cháy nổ ở quận 5, còn quận Bình Tân lại hình thành một chợ Kim Biên mới” – ông Tuyến nhận xét.

Thành ủy chỉ đạo UBND TPHCM xử lý vấn đề báo Tiền Phong nêu

Báo Tiền Phong ngày 28/3 có bài "chợ thần chết giữa Sài Gòn", ngay sau khi báo đăng, Thành ủy TPHCM đã có phiếu chuyển số 450/PC-VPTU của Văn phòng Thành ủy kèm bài báo, chỉ đạo UBND TPHCM xử lý.

Trên cơ sở đó, ngày 14/4, Văn phòng UBND TPHCM đã có văn bản số 3024/VP-TM truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó chủ tịch UBND TPHCM Lê Văn Khoa giao Sở Công Thương chủ trì phối hợp sở ngành liên quan đề xuất giải pháp xử lý tình trạng buôn bán hóa chất độc hại tại khu vực chợ Kim Biên theo phiếu chuyển.

Làm việc với Quận ủy quận 5 ngày 20/5, Bí thư Thành ủy TPHCM nói: "Chợ thần chết giữa Sài Gòn" nghe rất khủng khiếp. Thủ tướng cũng rất quan tâm không biết chợ hóa chất được quản lý như thế nào".


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại