Xe tăng nhỏ nhất thế giới nhưng phóng được tên lửa của Liên Xô

Nguyễn Tiến |

Vào đầu những năm 1960, các kỹ sư Liên Xô phát triển mẫu xe tăng nhỏ nhất thế giới được trang bị tên lửa thay vì đạn pháo như bình thường.

Các kỹ sư Liên Xô phát triển dòng xe tăng mang tên mã Objekt 775 (Đề án 775) vào đầu những năm 1960, đến năm 1964 nguyên mẫu của xe tăng này ra mắt. Đây là một trong những đề án phát triển xe tăng có khả năng mang tên lửa đầu tiên trên thế giới.

Đề án này xuất phát từ việc các kỹ sư Liên Xô quyết định thử nghiệm tích hợp cùng lúc 2 hệ thống tên lửa phòng không – Rubin và Astra, vào 1 chiếc xe tăng và Objekt 775 ra đời từ thử nghiệm này.

Objekt 775 có thiết kế khác biệt khá lớn so với những mẫu xe tăng kinh điển thời bấy giờ khi kíp lái của xe tăng này chỉ gồm 2 người ngồi trong khoang lái riêng của tháp pháo. Khi tháp pháo quay, chỗ ngồi của kíp lái cũng quay theo.

Xe tăng Objekt 775 có thiết kế bẹp khi so sánh với các loại xe tăng khác cùng thời – các kỹ sư giảm chiều cao của xe xuống còn 1,7 m, thấp hơn khoảng 1 m so với các loại xe tăng khác nhằm mục đích giúp tăng khả năng sống sót của Objekt 775 trên chiến trường.

Tuy nhiên, do Objekt 775 thấp nên điều này lại giảm tầm nhìn của kíp lái ngồi bên trong xe. Các chướng ngại vật cao thường xuyên gây khó khăn cho chiếc xe tăng có chiều cao chưa đầy 2 m này.

Tiến bộ lớn nhất của Objekt 775 là hệ thống vũ khí của xe tăng này, thay vì sử dụng pháo thông thường, các kỹ sư lắp ống phóng tên lửa có rãnh xoắn 125 mm trên tháp pháo đúc của xe tăng này. Ống phóng này có thể phóng cả tên lửa không dẫn đường lẫn tên lửa dẫn đường.

Xe tăng nhỏ nhất thế giới nhưng phóng được tên lửa của Liên Xô - Ảnh 1.

Mặt sau xe tăng Objekt 775. (Ảnh: Vitaly V. Kuzmin)

“Tên lửa dẫn đường được thiết kế với khối thuốc phóng và được điều khiển bằng hệ thống chỉ thị mục tiêu hồng ngoại. Tên lửa có thể bắn trúng mục tiêu ở khoảng cách 4 km và có khả năng xuyên 250 mm thép”, chuyên gia quân sự Viktor Litovkin của TASS cho biết.

Chuyên gia Viktor Litovkin cho biết thêm, xe tăng Objekt 775 có hệ thống nạp tự động và việc phóng tên lửa được thực hiện thông qua bảng điều khiển do kíp trưởng kiêm xạ thủ vận hành.

“Ngoài ra, các tên lửa không điều khiển của xe tăng còn được trang bị đầu đạn nổ mạnh phân mảnh, khi bắn trúng mục tiêu sẽ tung các mảnh vỡ trên khu vực có bán kính hàng chục mét và là vũ khí hiệu quả chống lại biển người của kẻ thù”, chuyên gia Viktor Litovkin nói.

Loại tên lửa này có thể tấn công đối phương ở khoảng cách 9 km, tương đương với các loại xe tăng hiện đại ngày nay.

Video: Những pha trình diễn khó tin trong giải đua xe tăng độc đáo ở Nga

Xe tăng Objekt 775 có thể mang theo 24 tên lửa dẫn đường và 48 tên lửa không dẫn đường, tổng số tên lửa mà xe tăng này có thể mang theo là 72. Thế nhưng bản thân thiết kế của xe tăng Objekt 775 lại chứa rất nhiều sai sót lớn.

Điểm yếu lớn nhất của xe tăng Objekt 775 là hệ thống chỉ thị mục tiêu hồng ngoại của chiếc xe tăng này. “Bất cứ trở ngại nào, như màn khói chẳng hạn, làm mù hoàn toàn các tên lửa dẫn đường của chiếc xe tăng này. Điều này khiến thứ đáng lẽ là điểm mạnh nhất của chiếc xe tăng này trở thành điểm yếu nhất”, chuyên gia Viktor Litovkin giải thích.

Xe tăng nhỏ nhất thế giới nhưng phóng được tên lửa của Liên Xô - Ảnh 2.

Mặt trước xe tăng Objekt 775. (Ảnh: Vitaly V. Kuzmin)

Thêm nữa, hệ thống tên lửa đắt hơn nhiều so với đạn pháo xe tăng bình thường, điều này làm cho chi phí vận hành của xe tăng Objekt 775 tăng lên đáng kể. Tháp pháo của Objekt 775 thấp khiến cho tầm nhìn kém khiến cho việc tích hợp tên lửa vào xe tăng trở nên không còn giá trị.

Do đó, các chỉ huy của quân đội Liên Xô quyết định hủy bỏ hoàn toàn dự án này và phủ quyết việc đưa xe tăng Objekt 775 vào sản xuất hàng loạt. Ngày nay chỉ còn duy nhất 1 mẫu thử nghiệm của xe tăng Objekt 775 còn sót lại và được trưng bày tại 1 bảo tàng ở Vùng Matxcơva, Nga.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại