Vụ tranh chấp biển Đông, Mỹ đứng trung lập

camnhung |

Trong vấn đề tranh chấp biển Đông, Mỹ "không đứng về phía nào" và mong muốn giải quyết các vấn đề bằng hòa bình.

Đại sứ Mỹ Michael Michalak làm việc tại Việt Nam từ năm 2007 và trong 3 năm qua ông đã chứng kiến sự mở rộng vượt bậc trong mối quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Hoa Kỳ. Đại sứ Michalak cũng góp phần quan trọng trong sự phát triển về hợp tác giáo dục, với việc gia tăng số sinh viên Việt Nam đến Mỹ.

Trong cuộc trò chuyện cởi mở này, đại sứ Michalak đánh giá cao thành quả hợp tác kinh tế song phương giữa hai nước trong 15 năm qua đã tăng đột biến từ mức 450 triệu USD của năm 1995 lên 15,4 tỷ USD trong những năm vừa qua và triển vọng về cơ hội thúc đẩy quan hệ chưa từng có.

Đại sứ cũng cho rằng "nhìn chung bối cảnh kinh tế, xã hội ở Việt Nam là tích cực". Và nước Mỹ đang bày tỏ mối quan tâm hợp tác với châu Á, đặc biệt là khu vực ASEAN thông qua các biểu hiện như: tham gia diễn đàn khu vực ASEAN, ký hiệp định hợp tác thân thiện với Việt Nam, việc ngoại trưởng Hillary Clinton đã tới thăm Việt Nam 2 lần hay việc Mỹ tham gia hội đàm về Sáng kiến tiểu vùng sông Mekong với các đối tác như Việt Nam, Thái Lan, Lào, Campuchia...

Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Michael Michalak.Ảnh VNE

Đại sứ cũng khẳng định, "Mỹ là cường quốc trong khu vực châu Á Thái Bình Dương và sẽ tiếp tục đóng vai trò này trong khu vực".

Khi được hỏi về vấn đề an ninh hàng hải trên biển trong khu vực các nước ASEAN và Mỹ sẽ làm thế nào để tình hình ở đây an toàn cho các quốc gia này. Đại sứ Michalak tin rằng: "việc phát triển quan hệ quân sự với các nước trong khu vực là rất quan trọng đối với Hoa Kỳ, đối với việc cải thiện hòa bình và an ninh trong khu vực và trên thế giới".

"Cả Ngoại trưởng Clinton và Bộ trưởng Quốc phòng Robert Gates đều cho rằng an ninh hàng hải là cực kỳ quan trọng đối với Hoa Kỳ. Hoa Kỳ tin rằng tự do hàng hải ở vùng biển Đông Nam Á và trên thế giới là rất quan trọng. Chúng tôi mong các tranh chấp được giải quyết bằng các biện pháp hòa bình, xây dựng lòng tin và dựa trên luật biển quốc tế, trong đó có DOC (Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông- PV)".

"Các bên liên quan cần ngồi lại để bàn về các quan điểm khác biệt. Các tuyên bố chủ quyền trên biển cần dựa trên các cơ sở lãnh thổ trên đất liền" và "cam kết tiếp tục làm việc với các nước ASEAN và các đối tác trong cơ chế hội nghị Bộ trưởng quốc phòng ASEAN mở rộng và Hội nghị cấp cao Đông Á, các cơ chế song phương và đa phương để bàn về các vấn đề an ninh trong khu vực".

Câu hỏi về vai trò của Mỹ trong vấn đề tranh chấp biển Đông cũng được đại sứ Mỹ thẳng thắn trả lời trong buổi phỏng vấn. Theo đó, đại sứ Michalak cho rằng, Mỹ "không đưa ra những quan điểm về vấn đề sở hữu hay đòi hỏi về chủ quyền ở Biển Đông". Quan điểm nhất quán của Mỹ về vấn đề này là Mỹ "không đứng về phía nào" và mong muốn "mọi vấn đề về chủ quyền được giải quyết thông qua các biện pháp hòa bình và không sử dụng bạo lực... tất cả các yêu cầu về chủ quyền cần được giải quyết trong khuôn khổ phát luật quốc tế trong đó có luật biển. Hoa Kỳ ủng hộ các luật quốc tế trong đó có quy định của luật quốc tế về quyền tự do hàng hải.

Khi được hỏi về tương lai hơp tác quốc phòng giữa hai nước Việt Nam - Hoa Kỳ, đại sứ Michael Michalak đưa ra nhận định riêng cho rằng, mối quan hệ quốc phòng giữa Mỹ và Việt Nam đã được cải thiện kip thời và nhanh chóng. Trong những năm qua, hai nước đã trao đổi một loạt các chuyến thăm ngoại giao cao cấp và hai bên đã "đã nhất trí hợp tác trong nhiều lĩnh vực khác nhau trong đó các lĩnh vực chủ yếu bao gồm: hoạt động giữ gìn hòa bình, hoạt động đào tạo quân y, hợp tác tìm kiếm người mất tích, hợp tác đào tạo tiếng Anh, tìm kiếm cứu nạn".

Đại sứ tin rằng, trên cơ sở mối quan hệ tốt đẹp đó, cả hai bên sẽ "sẽ tiếp tục mở rộng và đưa vào chiều sâu mối quan hệ quốc phòng hai bên" thông qua cả các diễn đàn đa phương khác như ADMM+ hay qua hội nghị đối thoại Shangri-la cũng như các cơ chế đa phương khác. Đại sứ cũng tiết lộ thêm rằng, hiện phía Mỹ "đang thảo luận với Việt Nam để đưa mối quan hệ tiến theo hướng quan hệ chiến lược càng sớm càng tốt".

Ngoài ra, đại sứ Michalak cũng đánh giá cao thành công của Việt Nam cũng như những gì Việt Nam đã đạt được trên cương vị là Chủ tịch ASEAN trong 1 năm qua. Trong đó, Việt Nam đã tổ chức được hội nghị ADMM+ đầu tiên cũng như Việt Nam đã tạo được sự đồng thuận của các nước ASEAN trong việc mời Hoa Kỳ và Nga tham dự hội nghị cấp cao Đông Á.

Đại sứ tin rằng, "một đất nước Việt Nam vững mạnh và phồn vinh, độc lập thì sẽ có vai trò quan trọng trong sự phát triển khu vực và thế giới" và nước Mỹ "mong sẽ hợp tác với Việt Nam trong một loạt vấn đề".

Theo Bee.net

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại