Việt Nam: Kích hoạt chống dịch Ebola cấp độ 2

Nhằm chuẩn bị đối phó trước thực trạng dịch Ebola ngày càng lan rộng, Việt Nam đã kích hoạt một số tình huống cấp độ 2.

Cần diễn tập thành thục

Theo PGS.TS. Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), tính đến thời điểm này, đã có hơn 9.200 người mắc Ebola với hơn 4.600 người thiệt mạng tại 8 quốc gia; trong đó, có hơn 400 cán bộ, nhân viên y tế bị lây nhiễm và hơn 200 người tử vong.

Đáng lưu ý, số ca mắc Ebola đã lan ra ngoài khu vực Tây Phi, ngay cả những nước tiên tiến như Mỹ, Tây Ban Nha, đã có ba y tá chăm sóc bệnh nhân Ebola bị lây bệnh. “Nguy cơ lây nhiễm dịch Ebola vào Việt Nam là có thể xảy ra bởi hàng ngày tại các cửa khẩu đều tiếp nhận nhiều khách xuất nhập cảnh qua vùng dịch về Việt Nam”, ông Phu lo lắng.

Trước thực trạng này, Bộ Y tế và các tổ chức quốc tế đã liên tục họp khẩn để đưa ra những biện pháp ứng phó. Bộ Y tế đã thành lập bốn đội phản ứng nhanh phòng, chống dịch bệnh Ebola và công bố bốn cơ sở đủ khả năng xét nghiệm xác định virus Ebola là: Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư (Hà Nội), Viện Pasteur TP HCM và Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM.

Tính đến nay, đã có 277 hành khách đến từ các quốc gia đang có dịch bệnh Ebola nhập cảnh Việt Nam được giám sát, theo dõi sức khỏe. Trong đó có 248 người đã qua 21 ngày và 29 người đang tiếp tục được giám sát tại cộng đồng.

 

Trao đổi với PV, PGS.TS. Nguyễn Văn Kính, Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư cho biết, bệnh viện vừa tiếp nhận hai bệnh nhân nghi ngờ liên quan đến bệnh Ebola.

Hiện, một người được xác định sốt virus, người còn lại bị viêm phổi và cả hai đã được xuất viện. Bệnh viện đã được trang bị đầy đủ cơ số thuốc, hóa chất, vật tư, trang thiết bị y tế; bố trí sẵn sàng buồng cách ly áp lực âm di động và buồng cách ly áp lực âm; trang bị thiết bị phòng hộ cá nhân chuẩn cho nhân viên và chuẩn bị tiếp nhận 1.000 bộ trang phục chuẩn theo hướng dẫn của Tổ chức Y tế thế giới.

Với cơ sở vật chất hiện có, kinh nghiệm phòng chống nhiều đợt dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như: SARS, H5N1, H1N1…, ông Kính tin tưởng: “Nếu cách ly tốt và phòng hộ an toàn thì việc điều trị, phòng tránh lây nhiễm dịch bệnh Ebola là không đáng lo ngại”.

Ông Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, hiện các bệnh viện được phân công tiếp nhận bệnh nhân nhiễm Ebola trên địa bàn (như Bệnh viện Đa khoa Đống Đa, Đức Giang, Hà Đông, Thanh Nhàn và Bắc Thăng Long) đều có phương án, tổ chức tập huấn cho nhân viên y tế, sẵn sàng nhân lực, vật lực để tiếp nhận bệnh nhân Ebola.

Hai cô gái tung tin “nhảm” về dịch Ebola ở Việt Nam là ai? Hai cô gái tung tin “nhảm” về dịch Ebola ở Việt Nam là ai?

(Soha.vn) - Hai phụ nữ tung tin đồn thất thiệt về dịch Ebola xuất hiện tại Hà Nội đã bị công an triệu tập để làm rõ động cơ.

Sẽ có quy trình cách ly, phòng hộ mới

Mặc dù các bệnh viện đã sẵn sàng thu dung, điều trị bệnh nhân Ebola, nhưng theo ông Nguyễn Trọng Khoa, Cục phó Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế), do Ebola là dịch bệnh cực kỳ nguy hiểm, nên các quy trình cách ly, phòng hộ sẽ cần “mạnh” hơn so với quy trình của các dịch bệnh truyền nhiễm khác.

Ông Khoa dẫn lời của đại diện WHO, đường lây virus Ebola là qua tiếp xúc trực tiếp với chất tiết của người bệnh, do đó cần lưu ý, nếu người bệnh nôn, ho, hắt hơi với chất tiết có nồng độ virus cao mà người tiếp xúc lại có những trầy xước trên da hoặc niêm mạc tổn thương thì cũng có thể bị virus xâm nhập.

Ngày 21-10, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã ban hành quy trình cách ly, phòng hộ dịch bệnh Ebola mới nên trong vài ngày tới, Cục sẽ khẩn trương phát hành sổ tay chi tiết phòng lây nhiễm Ebola; cách ly, xử lý vệ sinh môi trường, diệt khuẩn chất thải người bệnh Ebola; hướng dẫn chi tiết các bệnh viện quản lý người bệnh; hướng dẫn sử dụng trang thiết bị bảo hộ cá nhân an toàn, vận chuyển an toàn người bệnh… tới các cơ sở y tế.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại