Uống tinh chất pha thành cà phê có nguy cơ ung thư

THANH HUYỀN |

Bác sĩ CKII Trần Ngọc Lưu Phương - Trưởng đơn vị Tiêu hóa can thiệp (Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, TP.HCM) cho biết như vậy.

Theo BS Phương, các chất độc hại từ “tinh chất” tích lũy vào gan, thận, não, cơ quan sinh dục gây suy gan, suy thận, mất trí nhớ, vô sinh, dị tật bẩm sinh… Nếu tích lũy lâu dài trong cơ thể thì có thể đột biến gây ung thư.

Tinh chất làm từ hương liệu tổng hợp

Từ vụ việc “tinh chất” pha thành cà phê được đưa đi kiểm nghiệm chỉ có mùi cà phê, hoàn toàn không có cà phê (Một giọt tinh chất pha thành một ly cà phê), BS Phương nhận định rằng cà phê đó chắc chắn là hóa chất vì nó không có caffeine.

Theo BS Phương, dù kiểm nghiệm có caffeine thì cũng chưa chắc là có cà phê thật, bởi caffeine không chỉ tìm thấy trong hạt cà phê mà còn nhiều loại khác nhau như hạt cola, lá chè, hạt ca cao… 

Và chất caffeine còn là một loại dược phẩm. Do đó, một ly nước lã và một ít dược liệu có caffeine thì khi đi kiểm nghiệm chắc chắn có caffeine.

Để làm giả cà phê nhiều người thường rang bột đậu nành, bột bắp cho có màu đen, vị đắng. Thường những chất rang đen, khét rất dễ gây ung thư. “Tinh chất” pha cà phê bản thân nó là hương liệu tạo mùi.

Hương liệu này thường có hai nguồn gốc: thiên nhiên và tổng hợp. Hương liệu thiên nhiên thường được chiết xuất từ các loại trái cây, đắc tiền, sản xuất số lượng nhỏ.

Hương liệu tổng hợp thường rẻ tiền, sinh nhiều lợi nhuận, sản xuất khối lượng lớn nên nhiều người chọn mua và đặt lợi ích của mình lên trên hết.

Hương liệu tổng hợp là các hợp chất este hoặc là các hợp chất có nhân thơm được tổng hợp từ sản phẩm của dầu hỏa và tạo ra nhiều mùi rất khác nhau.

Hương liệu tổng hợp muốn tạo ra mùi gì cũng đều được (mùi các loại cà phê, mùi các loại trái cây…). Trong ngành Công nghiệp thực phẩm, người ta tạo ra hương liệu dạng này rất nhiều.

Ở Việt Nam, bộ Y tế, Cục Vệ sinh an toàn thực phẩm đã đưa ra những quy định cụ thể danh mục những chất phụ gia được phép sử dụng và những chất phụ gia cấm lưu hành trong vệ sinh an toàn thực phẩm.

Những chất phụ gia được phép lưu hành phải được quy định rõ ràng về liều lượng (ví dụ tối đa bao nhiêu gam trên ki lô gam sảm phẩm), độ lẫn tạp chất, độ tinh khiết, được kiểm định chất lượng và xử lý theo luật các trường hợp sai phạm.

Nguy cơ mắc ung thư

Bs Phương cũng nhận định việc uống cà phê có thêm chất phụ gia thường nhất thời không gây ra các triệu chứng ngộ độc thực phẩm vì liều người ta pha thường không đến mức này.

Tuy nhiên, uống quá liều có thể gây dị ứng, ngứa ngáy.

Nhưng điều quan trọng nhất là nó sẽ tích lũy dần dần trong cơ thể nhiều kim loại nặng (chì, cadmium, thủy ngân…), tạp chất, các chất dung môi… mà không thải ra ngoài được. Và nếu cứ lặp đi lặp lại nhiều lần và sử dụng lâu dài sẽ rất có hại cho cơ thể.

Khi pha tinh chất thành cà phê thì phản ứng hóa học xảy ra giữa các chất thường sản sinh ra nhiều chất khác nhau. Đôi khi những chất đó có độc.

Đặc biệt, những kim loại nặng có thể có trong tinh chất pha thành cà phê tích lũy từ từ không thải ra ngoài được, đọng trong gan, trong thận gây suy gan, suy thận; đọng trong não gây mất trí nhớ, hay quên; tích lũy trong cơ quan sinh dục cả đàn ông và phụ nữ đều có thể gây quái thai, sinh non, dị tật bẩm sinh, vô sinh… 

Và nó tích lũy lâu dài gây ra nhiều loại ung thư cho cơ thể.

Trong nhiều trường hợp, trong khi chế biến cà phê người ta còn pha “chất tạo bọt” cho ly cà phê có vẻ thơm ngon hơn.

Nhưng “chất tạo bọt” này thường không dùng trong công nghiệp thực phẩm mà thường dùng trong công nghiệp xà phòng.

Việc sử dụng “chất tạo bọt” có nguy cơ gây dị ứng, lở loét da, lở loét miệng, loét dạ dày, loét ruột mà mình không biết được.

Đến khi đau bụng, đại tiện ra máu thì mới biết mình bị lở loét nhưng có thể chưa từng nghĩ đến nguyên nhân do mình đã uống “tinh chất” quá nhiều.

 

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại