TS Trần Đình Bá gửi thư hiến kế cho Bộ trưởng Đinh La Thăng

Hoàng Đan |

(Soha.vn) - Theo TS Bá, các cơ quan quản lý hàng không ở Việt Nam cần phải nâng cao hơn nữa trách nhiệm trong công tác quản lý, điều hành để tránh gặp tai nạn đáng tiếc...

Liên tiếp các vụ tai nạn máy bay thương mại xảy ra trong thời gian qua đã khiến cho dư luận vô cùng quan ngại, lo lắng. Trao đổi với chúng tôi, TS Trần Đình Bá (Hội kinh tế vận tải đường sắt Việt Nam) cho rằng, hàng không là phương tiện vận tải nhanh nhất, an toàn cao nhất. Tai nạn hàng không trên thế giới ít khi xảy ra, nhưng khi xảy ra đều hết sức thảm khốc. 

"Thời gian từ tháng 2 trở lại đây đã xảy ra nhiều vụ tai nạn hàng không mà theo tổng kết của Hiệp hội Hàng không quốc tế ICAO thì số vụ tai nạn hàng không trong tháng 7 này đã cao hơn trung bình 12 tháng của 3 năm trước.​ Đây là một hiện tượng khá bất thường, một phần do biến động chính trị, chiến sự, khủng bố, do “thiên tai” nhưng cũng rất nhiều vụ do lỗi của “nhân tai“, liên quan đến việc sai phạm trong các quy trình quy phạm của kỹ thuật và điều hành hàng không.

Không tính vụ MH370, vụ MH17 có thể do khủng bố và bị bắn nhầm khi vào vùng chiến sự thì các vụ rơi máy bay thương mại khác có lỗi do kỹ thuật và do thiên tai như vụ  MD-83 của Air Algerie ở châu Phi khiến 116 người thiệt mạng, vụ ngày 23/7, máy bay ATR 72 của hãng hàng không TransAsia đã bị rơi khi cố gắng hạ cánh tại sân bay trên đảo Penghu khiến 48 người thiệt mạng và 10 người khác bị thương, các vụ tai nạn khác do lỗi kỹ thuật .

Hàng không là loại hình vận tải cao cấp đòi hỏi an toàn rất cao vì khi xảy ra tai nạn sẽ gây thiệt hại cho hành khách và con người sống dưới mặt đất. Số vụ tai nạn hàng không cao đang cảnh báo về nguy cơ mất an toàn hàng không và cần phải sớm có biện pháp ngăn chặn", TS Bá cho hay.

TS Trần Đình Bá

TS Trần Đình Bá

Cũng theo TS Bá, những vụ tai nạn đó tất nhiên có tác động tâm lý đến hành khách khi chọn loại hình vận tải hàng không nhưng không vì thế mà hoạt động hàng không bị đình trệ.

"An toàn trong hàng không vẫn là số một. Loại hình vận tải hàng không sẽ giúp giảm tải mật độ lưu thông trên đường bộ - nơi mà có tỷ lệ tai nạn rất cao.

Trong hàng không, các vụ tai nạn trong thao tác cất - hạ cánh thường chiếm tỷ lệ cao nhất, các thảm họa hàng không xảy ra nhiều ở thời khắc này. Vì vậy quy định về an toàn bay, cất - hạ cánh trong điều kiện tầm nhìn kém là tối kỵ.

Tất cả các sân bay dù bay ngày hay bay đêm cũng cần phải lắp hệ thống chiếu sáng an toàn. Người phi công dù nhìn thấy sân bay trên màn hình nhưng bị vướng sương mù, trời mưa không nhìn thấy đường băng hạ cánh là rất nguy hiểm.

Thực tế đã cho thấy rất nhiều vụ tai nạn đáng tiếc đã xảy ra do vấn đề này như vụ chiếc chuyên cơ chở Tổng thống Ba Lan cùng phu nhân và những quan chức cao cấp của chính phủ hạ cánh trong sương mù bị vướng vào ngọn cây bạch dương làm nổ máy bay. Không lâu sau đó, máy bay của Liên Hợp Quốc đã bị rơi khi hạ cánh trong mưa lớn ở thủ đô CHDC Congo làm 32 người thiệt mạng…

Tôi từng chứng kiến tại Liên Xô 1988 máy bay vận tải đặc biệt của Hoa Kỳ  chở thiết bị y tế , thuốc men đến Amenia – cứu trợ thảm họa động đất đáp xuống sân bay bị va quệt vào chướng ngại vật đã gặp tai nạn tang thương.

Việt Nam chúng ta cũng gặp sự cố vào năm 1988 khi hạ cánh xuống sân bay Pochentong Thái Lan trong khi trời mưa to. Vì vậy, an toàn hàng không tại các sân bay cần được đề cao không kém gì an toàn trên máy bay", TS Bá nhấn mạnh.

Từ thực tế liên tiếp các vụ tai nạn vừa xảy ra, theo TS Bá, các cơ quan quản lý hàng không ở Việt Nam cần phải nâng cao hơn nữa trách nhiệm trong công tác quản lý, điều hành của mình để tránh gặp phải những trường hợp đáng tiếc

"An toàn hàng không ở nước ta cũng đang có nhiều vấn đề mà trước hết là do thái độ thiếu trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước về an toàn hàng không.

Trong đó có những việc như cho xây đài điều khiển không lưu cao theo cấp phép vượt quá 9m, cho xây nhà cao tầng trong sân bay... Vấn đề quản lý điều hành không lưu cũng túng túng làm máy bay suýt đâm nhau, hạ cánh nhầm sân bay, mất liên lạc giữa cơ trưởng và đài chỉ huy như tại sân bay Vinh ngày hôm qua …

Vấn đề an toàn của phương tiện cũng rất đáng chú ý. Có máy bay đã già nhưng thiếu phương tiện thay thế , thiếu phụ tùng tới mức nổ lốp trên máy bay, nổ lốp khi hạ cánh , rơi lốp…

Tôi đã cảnh báo lãnh đạo Cục hàng không điều đó nhưng họ vẫn cho “bay vòng kinh tế hơn bay thẳng" nhưng thực tế, đường bay vòng lãng phí thì lấy đâu mà có hàng không an toàn .   

Tôi cũng vừa có thư kính gửi Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng đề nghị kiên quyết đổi mới Cục hàng không, đặc biệt là đảm bảo an toàn cho nhân dân khi sử dụng loại hình vận tải tiên tiến này. Trách nhiệm quản lý nhà nước của Cục Hàng không lúc này là rất lớn. Họ phải chịu hoàn toàn trách nhiệm trước Nhà nước và nhân dân về an toàn hàng không và sự nghiệp phát triển hàng không", TS Bá nói.

Trước sự lo lắng của người dân và hành khách, TS Bá cũng đưa ra lời khuyên, mọi người nên yên tâm sử dụng máy bay làm phương tiện đi lại.

"Không thể có lọai hình giao thông nào là tuyệt đối an toàn vì đều do con người điều khiển. Không phải thấy thảm họa hàng không mà sợ không sử dụng máy bay. Các hãng hàng không có trách nhiệm trước sản phẩm của mình. Khi có thảm họa họ điều tra nghiên cứu kỹ để tìm ra nguyên nhân và khác phục sau đó cho nên hành khách cứ yên tâm sử dụng loại hình này, đặc biệt trong hoàn cảnh quá tải đường bộ và thảm họa tai nạn giao thông trên đường bộ vẫn diễn ra hàng ngày", TS Bá khẳng định.

Ý tưởng “đường bay vàng” Hà Nội - TP.HCM được TS. Trần Đình Bá, Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam đề xuất vào năm 2012. Theo ông Bá, đường bay Hà Nội - TP.HCM hiện đang bay vòng, có khoảng cách dài hơn đường bay thẳng qua Lào và Campuchia và lãng phí 26 phút bay với máy bay Boeing 777, tính bình quân lãng phí 25% chí phí sản xuất. Đường bay Hà Nội - Cần Thơ cũng lãng phí 28%, đường bay Hà Nội - Phú Quốc lãng phí 38%.

Ông Bá cho rằng, đường bay hiện nay dài 1.556 km đang “đốt” trên 300 triệu USD/năm vốn của các hãng hàng không trên đường bay nội địa. Điều này lý giải vì sao đường bay quốc tế có lãi trong khi đường bay nội thua lỗ nặng nề.

Tuy nhiên đề xuất này của TS Bá vấp phải nhiều phản đối của nhiều chuyên gia hàng không khác.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại