Trước tướng Ngọ, đã có 3 tướng từ trần khi đang còn tại vị

Trang Anh |

(Soha.vn) - Trước Thượng tướng Phạm Quý Ngọ, Trưởng ban chuyên án điều tra sai phạm tại Vinalines cũng từng có 3 Thượng tướng cũng từ trần khi còn tại vị.

Thượng tướng Phạm Quý Ngọ từ trần sau thời gian chống chọi bệnh ung thư

Sau khoảng thời gian chống chọi với căn bệnh ung thư tại Bệnh viện Quân đội 108, Thượng tướng Phạm Quý Ngọ , Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XI, Thứ trưởng Bộ Công an đã qua đời vào hồi 21h05 ngày 18/2/2014.

Ông Phạm Quý Ngọ (24/12/1954 – 18/2/ 2014) sinh ra tại xã Đông Cường, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình là một Thượng tướng Công an Nhân dân Việt Nam.

Thượng tướng Phạm Quý Ngọ (Ảnh: CAND)
Thượng tướng Phạm Quý Ngọ (Ảnh: CAND)

Thượng tướng Phạm Quý Ngọ giữ chức vụ Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XI, Thứ trưởng Bộ Công an. Ông Ngọ là Trưởng ban chuyên án điều tra các sai phạm tại Vinalines (Tổng công ty Hàng hải Việt Nam).

Từ ngày 1/1/2010, ông được chuyển sang làm Tổng Cục trưởng Tổng Cục Cảnh sát Phòng chống Tội phạm. Ngày 12/08/2010, được Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm chức vụ Thứ trưởng Bộ Công an.

Ngày 22/7/2013, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã trao quyết định thăng cấp bậc hàm Thượng tướng cho 3 cán bộ cao cấp của lực lượng Công an nhân dân. Ông Ngọ vinh dự là một trong 3 cán bộ được thăng cấp bậc đợt này.

Thượng tướng Lê Minh Hương

Thượng tướng Lê Minh Hương sinh ngày 3/10/1936; quê quán xã Sơn Tân, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh; Ủy viên Trung ương Đảng các khóa VII, VIII, IX, Ủy viên Bộ Chính trị các khóa VIII, IX; nguyên Bí thư Đảng ủy Công an trung ương, Bộ trưởng Bộ Công an; Đại biểu Quốc hội các khóa IX, X, Ủy viên Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội khóa IX; Huân chương Quân công hạng ba, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng nhất; Huy hiệu 40 năm tuổi Đảng; do lâm bệnh nặng đã từ trần hồi 12 giờ 30 phút, ngày 23/5/2004 tại Bệnh viện Trung ương quân đội 108 (Hà Nội).

Ngày 30/7/2008, tại hội trường Bộ Công an, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan thay mặt Đảng, Nhà nước đã trao Quyết định truy tặng Huân chương Hồ Chí Minh cho Thượng tướng Lê Minh Hương, cố Bộ trưởng Bộ Công an.

Thượng tướng Lê Minh Hương (Ảnh: Tiền phong)
Thượng tướng Lê Minh Hương (Ảnh: Tiền phong)

Trong không khí trang nghiêm của buổi lễ, Trung tướng Lê Quý Vương, Tổng cục trưởng Tổng cục Xây dựng lực lượng CAND - Bộ Công an đã ôn lại tiểu sử và những cống hiến to lớn của cố Bộ trưởng Bộ Công an - Thượng tướng Lê Minh Hương, đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc.

Trung tướng Lê Quý Vương nêu rõ: “Ngày 5/3/2008, Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam đã ký Quyết định số 245/QĐ-KT-CTN về việc truy tặng Huân chương Hồ Chí Minh cho Thượng tướng Lê Minh Hương, nguyên ủy viên Bộ Chính trị khóa VIII, IX; ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VII, VIII, IX; nguyên Bộ trưởng Bộ Công an, đã có công lao to lớn, nhiều thành tích xuất sắc đóng góp vào sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc Việt Nam”.

Trên 50 năm hoạt động cách mạng, Thượng tướng Lê Minh Hương đã có nhiều đóng góp cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân. Để tỏ lòng tưởng nhớ Thượng tướng Lê Minh Hương, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quyết định tổ chức tang lễ đồng chí Lê Minh Hương theo nghi thức lễ tang cấp nhà nước.

Thượng tướng, Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Tính đột tử khi đi công tác

17h30 ngày 22/8/2006, Thứ trưởng Bộ Công an, thượng tướng Nguyễn Văn Tính đã đột ngột từ trần trong chuyến đi công tác tại Thanh Hóa, nhiều khả năng ông Tính đột tử do nhồi máu cơ tim. Trước đó, vị tướng 62 tuổi này khỏe mạnh và vẫn làm việc với lãnh đạo công an địa phương.

Thứ trưởng Nguyễn Văn Tính được phong hàm thượng tướng vào đầu năm 2005. Cho đến thời điểm từ trần thì ông phụ trách lĩnh vực hậu cần và khoa học kỹ thuật. Trong thời gian công tác tại ngành công an, ông từng đảm nhiệm chức giám đốc Công an tỉnh Thái Nguyên, tổng cục trưởng Tổng cục Xây dựng lực lượng.

Thượng tướng Nguyễn Văn Tính.

Thượng tướng Nguyễn Văn Tính (Ảnh: CAND)

Thượng tướng, Thứ trưởng Bộ Công an Thi Văn Tám

Thượng tướng Thi Văn Tám - Thứ trưởng Bộ Công an, vừa từ trần hồi 2 giờ ngày 12/12/2008 tại TPHCM, sau một thời gian lâm bệnh.

Đồng chí Thi Văn Tám, sinh ngày 19/8/1948 ở xã Hòa Khánh, huyện Đức Hoà, tỉnh Long An. Ra đời và lớn lên trong một gia đình và quê hương có truyền thống cách mạng, đồng chí Thi Văn Tám sớm giác ngộ và tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước anh dũng của dân tộc. Vào những năm đầu thập kỷ 60 của thế kỷ XX, khi cuộc chiến tranh bước vào thời kỳ nóng bỏng và khốc liệt, được sự giáo dục, dìu dắt của các cán bộ ở Hòa Khánh, lúc chỉ mới 13 tuổi, Thi Văn Tám đã tham gia hoạt động bí mật với nhiệm vụ canh gác cảnh giới cho các đồng chí cán bộ cách mạng hoạt động trong vùng bị địch tạm chiếm.

Đến tháng 6 năm 1966, đồng chí Thi Văn Tám thoát ly gia đình và được bố trí công tác ở Đội Cảnh vệ Công an huyện Đức Hòa, tỉnh Long An. Là một cán bộ An ninh trẻ tuổi, dũng cảm, gan dạ, đồng chí Thi Văn Tám luôn luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Do đó đến tháng 2/1968, tức là lúc chưa đầy 20 tuổi, đồng chí đã được giao nhiệm vụ Đội trưởng Đội Cảnh vệ Công an huyện Đức Hòa. Ngày 29/12/1968, đồng chí Thi Văn Tám vinh dự được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam.

Thứ trưởng Thi Văn Tám trao quà lưu niệm cho Đoàn cán bộ Công an Campuchia. Ảnh: CAND

Tháng 6/1970, trên đường đi công tác, trong một trận đụng độ với địch, đồng chí Thi Văn Tám đã dũng cảm đánh trả địch, sau đó bị thương và bị chúng bắt. Bọn địch tra tấn đồng chí Thi Văn Tám một cách dã man. Mặc dù đồng chí bị thương nặng, nhưng một lòng kiên trung với cách mạng, đồng chí kiên quyết không đầu hàng địch, không khai báo để bảo vệ an toàn cơ quan và đồng chí của mình.

Không khuất phục được Thi Văn Tám, bọn địch đày đồng chí ra đảo Phú Quốc. Trong những năm tháng bị địch giam giữ ở Phú Quốc, mặc dù bị địch tra hỏi và đày đọa, nhưng đồng chí Thi Văn Tám vẫn giữ vững khí tiết của người Cộng sản, của một cán bộ An ninh cách mạng.

Sau khi Hiệp định Paris được ký kết, tháng 3/1973, đồng chí Thi Văn Tám được trao trả. Tiếp đó, đồng chí được tổ chức đưa ra miền Bắc an dưỡng. Cho đến khi ra đi, trong đầu đồng chí vẫn còn một viên đạn chưa được lấy ra. Đồng chí Thi Văn Tám là thương binh hạng 3/4.

Đến tháng 4/1974, sau một thời kỳ an dưỡng và học tập, đồng chí Thi Văn Tám tình nguyện trở lại miền Nam để tiếp tục chiến đấu. Đồng chí được bố trí công tác tại đơn vị trinh sát thuộc Tiểu ban Bảo vệ chính trị thuộc Ban An ninh Trung ương cục miền Nam. Trong thời gian này, đồng chí đã góp phần tích cực trong công tác nghiệp vụ và lập được những thành tích xuất sắc.

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, đồng chí Thi Văn Tám được phân công làm cán bộ trinh sát thuộc Cục Bảo vệ chính trị I và công tác ở các tỉnh phía Nam. Với những phẩm chất tốt đẹp của một cán bộ An ninh trưởng thành và được tôi luyện trong cuộc kháng chiến, với tinh thần không ngừng học tập và nhất là tự nghiên cứu, đồng chí Thi Văn Tám trở thành một cán bộ lãnh đạo các cấp xuất sắc của lực lượng An ninh Việt Nam.

Trong thời gian kể từ sau ngày giải phóng miền Nam đến năm 1995, với cương vị từ một cán bộ trinh sát rồi được giao nhiệm vụ chỉ huy các cấp, đồng chí Thi Văn Tám đã trực tiếp tham gia hoặc chỉ đạo nhiều chuyên án, nhiều trận đánh với bọn gián điệp, biệt kích và phản động. Với sự nhạy cảm đặc biệt của một chiến binh, với tài thao lược trong chỉ huy, chỉ đạo thực tiễn, đồng chí Thi Văn Tám đã có nhiều thành tích xuất sắc. Có thể diễn ra một số thành tích nổi bật trong thời kỳ này, đó là:

Tháng 7/1980, do yêu cầu công tác đấu tranh với bọn gián điệp và bọn phản động ở miền Nam, Bộ Công an thành lập đơn vị An ninh K4/2 trực thuộc lãnh đạo Bộ, đồng chí Thi Văn Tám được bố trí công tác tại đơn vị này. Trong Kế hoạch CM-12 đấu tranh với tổ chức phản cách mạng "Mặt trận thống nhất  các lực lượng yêu nước giải phóng Việt Nam" do Lê Quốc Túy, Mai Văn Hạnh cầm đầu và được sự hậu thuẫn của các cơ quan tình báo, quân sự nước ngoài, đồng chí Thi Văn Tám trực tiếp tham gia chiến đấu ngay từ ngày đầu tiên khi bọn gián điệp biệt kích xâm nhập vùng biển Cà Mau vào ngày 12/5/1981.

Sau khi tham gia tiếp nhận, quản lý bọn xâm nhập bị bắt, đồng chí được Ban chỉ huy chuyên án phân công quản lý đối tượng, người sau này được ta sử dụng thành công trong việc móc nối liên lạc và phát hiện âm mưu, hoạt động của bọn phản động lợi dụng một tôn giáo lớn ở miền Nam.

Sau đó, đồng chí được phân công tham gia kế hoạch đấu tranh với bọn gián điệp biệt kích ngay tại địa bàn Minh Hải với nhiệm vụ phụ trách công tác kỹ thuật, hậu cần và trực tiếp phụ trách tổ thông tin liên lạc đặc biệt của Kế hoạch CM-12 tại Minh Hải. Đồng thời, do yêu cầu bí mật cao, đồng chí còn trực tiếp tham gia chiến đấu và tiếp nhận vũ khí, đạn dược, tiền giả hoặc dẫn giải bọn gián điệp biệt kích bị ta bắt trong hàng chục chuyến xâm nhập.

Kết thúc Kế hoạch CM-12, đơn vị An ninh K4/2 đã được Nhà nước tuyên dương danh hiệu Đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Đồng chí Thi Văn Tám là một trong những cán bộ An ninh có công lao to lớn trong Kế hoạch CM-12.

Sau khi tham gia Kế hoạch CM-12 và Kế hoạch ĐN-10 đấu tranh thắng lợi với bọn gián điệp biệt kích Lê Quốc Túy - Mai Văn Hạnh, năm 1989, đồng chí Thi Văn Tám được điều về công tác tại Cục Bảo vệ chính trị I. Năm 1990, được bổ nhiệm Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ chính trị I. Trên cương vị mới, đồng chí Thi Văn Tám trực tiếp chỉ huy đơn vị trinh sát và đi khảo sát các địa bàn trọng điểm, chủ động xây dựng các phương án phản gián, thế trận an ninh, do đó đã góp phần chủ động đấu tranh với nhiều vụ án chống phản động lưu vong, giành nhiều thắng lợi.

Lễ truy điệu Thượng tướng Thi Văn Tám, Thứ trưởng Bộ Công an tại trụ sở Bộ Công an, 44 Yết Kiêu, Hà Nội (Ảnh: CAND)

Lễ truy điệu Thượng tướng Thi Văn Tám, Thứ trưởng Bộ Công an tại trụ sở Bộ Công an, 44 Yết Kiêu, Hà Nội (Ảnh: CAND)

Trong chuyên án đấu tranh với tổ chức "Mặt trận quốc gia thống nhất giải phóng Việt Nam" do Hoàng Cơ Minh cầm đầu (Vụ án HM29 sau này gọi là HM26), bọn địch tổ chức các kế hoạch "Đông tiến" 1,2,3 với mục đích đưa lực lượng vũ trang vào trong nước, lập căn cứ ở Tây Nguyên. Tuy nhiên, ta đã biết được âm mưu của chúng, phối hợp với Quân đội tổ chức tấn công tiêu diệt và bắt sống bọn xâm nhập, trong đó có Hoàng Cơ Minh.

Đồng chí Thi Văn Tám đã trực tiếp đi đến vùng rừng núi ở biên giới Việt - Lào, phối hợp chỉ đạo di lý đối tượng về trại giam, chụp ảnh hiện trường nơi Hoàng Cơ Minh và đồng bọn bị tiêu diệt, chứng minh việc Hoàng Cơ Minh đã bị chết. Những tài liệu, bức ảnh này đã được công bố công khai trong kế hoạch đấu tranh chính trị và đạt được hiệu quả cao, làm cho nội bộ địch mâu thuẫn, rệu rã, không còn ảo tưởng về Hoàng Cơ Minh. Đồng thời, đồng chí Thi Văn Tám cũng trực tiếp tham gia xét hỏi các đối tượng bị bắt, góp phần tích cực cho việc truy bắt các đối tượng còn lẩn trốn và phục vụ kế hoạch đấu tranh lâu dài sau này.

Từ tháng 10/1987 đến  tháng 12/1988, đồng chí Thi Văn Tám được Bộ Công an cử đi làm chuyên gia An ninh tại Campuchia. Trong thời gian này, đồng chí đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, góp phần giúp nước bạn trong công tác đấu tranh với hoạt động phá hoại của bọn tàn quân Pônpốt và bọn phản cách mạng, được nước bạn đánh giá cao và tặng thưởng Huân chương Hữu nghị.

Trong chuyên án LĐ88 đấu tranh với tổ chức phản động người Việt lưu vong có danh xưng là "Quân đoàn nghĩa binh Việt" do Nguyễn Văn Chức, nguyên là Chuẩn tướng ngụy cầm đầu, đồng chí Thi Văn Tám được cử làm Phó ban Thường trực chuyên án. Chúng ta phát hiện âm mưu và kế hoạch hành động của chúng là đưa một số tên sĩ quan quân đội chế độ cũ từ các nước Mỹ, Ôtxtrâylia, Canada vào Thái Lan lập căn cứ, tuyển mộ lực lượng, tổ chức huấn luyện cho hàng trăm tên để đưa về biên giới Campuchia - Việt Nam, mặt khác bố trí lực lượng xâm nhập bí mật vào Việt Nam nhằm thực hiện chiến dịch "Nở hoa trong lòng địch", phối hợp trong đánh ra, ngoài đánh vào để lật đổ chính quyền cách mạng.

Với cương vị chỉ huy, đồng chí Thi Văn Tám đã mưu trí, sáng tạo đề ra các kế hoạch trinh sát thích hợp, chủ động phối hợp với Quân đội, lực lượng An ninh đã bắt và nắm hoàn toàn đường dây liên lạc và đưa người xâm nhập của địch, làm cho chúng sa vào bẫy giương sẵn của ta. Kết quả là ta đã bắt 97/105 đối tượng xâm nhập, phá 2 mật cứ của địch, đập tan hoàn toàn âm mưu và tổ chức phản cách mạng này.

Tiếp đó, gần như liên tục, đồng chí Thi Văn Tám với cương vị Phó Tổng cục trưởng và rồi là Tổng Cục trưởng Tổng cục An ninh, đã trực tiếp tham gia hoặc chỉ đạo lực lương An ninh phát hiện, đấu tranh với nhiều âm mưu chống phá cách mạng Việt Nam của các thế lực thù địch. Đó là các chuyên án đấu tranh với bọn gián điệp, bọn phản động Việt Tân, "Mặt trận nhân dân hành động", "Liên đảng cách mạng Việt Nam", "Mặt trận quang phục Việt Nam", "Mặt trận dân tộc tự quyết" trong cái gọi là "Chiến dịch Đông Xuân", "Mặt trận kháng chiến phục quốc Việt Nam" (Vụ án PQ55)…

Thắng lợi của lực lượng ANND làm thất bại âm mưu và hoạt động của các thế lực thù địch trong các chuyên án nói trên có sự đóng góp quan trọng trên cương vị chỉ huy của đồng chí Thi Văn Tám.

Với năng lực, phẩm chất tốt đẹp và sự cống hiến to lớn, được Đảng, Nhà nước và lực lượng CAND tin cậy, đã trao cho đồng chí Thi Văn Tám nhiều trọng trách: Năm 1996, được bổ nhiệm làm Phó Tổng cục trưởng Tổng Cục An ninh; năm 2001, là Tổng cục trưởng Tổng cục An ninh; năm 2002, được phong hàm Thiếu tướng; năm 2003, được Nhà nước phong tặng Danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân; năm 2005, được phong hàm Trung tướng; năm 2006, được bổ nhiệm Thứ trưởng Bộ Công an và được phong hàm Thượng tướng năm 2008.

Suốt những năm tháng chiến đấu và công tác, đồng chí Thi Văn Tám luôn luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, kiên quyết và chủ động trong việc lãnh đạo lực lượng An ninh thuộc Tổng cục An ninh cũng như Công an các địa phương thực hiện đúng đường lối, chủ trương công tác an ninh của Đảng, Nhà nước và Bộ Công an, góp phần vào thắng lợi to lớn trong sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia trong tình hình mới.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại