Trẻ em chết vì sởi: Nước ta chưa có văn hóa quan chức xin lỗi dân

Trang Anh |

(Soha.vn) - Khi chia sẻ về trách nhiệm vấn đề nhiều trẻ em tử vong do sởi, BS. Nguyễn Trọng An cho rằng nước ta chưa có văn hóa quan chức cúi đầu xin lỗi trước nhân dân.

Bùng phát từ tháng 12.2013, tính đến nay đã có hơn 8.500 ca sốt phát ban dạng sởi trên cả nước, trong đó có 3.136 ca dương tính với sởi. 25 trường hợp tử vong do sởi đã xác định trên 112 trường hợp tử vong và nặng xin về liên quan tới sởi trong chưa đầy 3 tháng. Đáng chú ý là Thủ đô Hà Nội chiếm tới một nửa số ca tử vong đã khiến cho dư luận hết sức hoang mang và lo lắng.

Ngày 18/4, tòa soạn Trí thức trẻ Soha.vn đã tổ chức buổi giao lưu trực tuyến "NHIỀU TRẺ EM CHẾT VÌ SỞI - LỖI TẠI AI?" với sự tham gia của nhiều giáo sư, tiến sĩ và bác sĩ công tác trong và ngoài nước.

ThS.BS Nguyễn Trọng An, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Phát triển Cộng đồng, nguyên Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ và chăm sóc trẻ em - Bộ Lao động, thương binh và xã hội cũng có mặt tham gia trả lời các câu hỏi của độc giả.

- Nếu ông là Bộ trưởng Bộ Y tế, trong trường hợp này, ông có xin lỗi nhân dân hay từ chức không thưa bác sĩ An?

(Độc giả: Lê Trang My - Lai Châu)

BS Nguyễn Trọng An: Tôi rất ấn tượng với hình ảnh 1 quan chức Hàn Quốc cúi đầu vái nhân dân xin lỗi vì để xảy ra vụ đắm phà chở học sinh. Còn ở nước ta, hình như chưa có văn hoá này!

- Thưa ông An, dịch sởi bùng phát trong những ngày qua đã khiến hơn 8.000 trẻ nhiễm, gây tử vong cho hơn 100 trẻ em. Với tư cách là người từng làm công tác bảo vệ chăm sóc trẻ em, ông nhìn nhận thế nào về những con số này?

(Thu Trang - Cổ Nhuế, Từ Liêm, Hà Nội).

BS Nguyễn Trọng An: Quả là rất đau xót khi rất nhiều trẻ em đã bị mắc và chết do 1 căn bệnh thông thường mà chúng ta có thể chắc chắn phòng tránh được. Trong vòng hơn 3 tháng, hơn 8.500 người mắc, hơn 112 trẻ em tử vong được ngành y tế thông báo.

Còn bao nhiêu em bé nữa bệnh nặng quá gia đình xin về rồi tử vong tại nhà mà chúng ta không ghi nhận được?

Tại sao Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long phát biểu trong chuyến công tác tại Ninh Bình tháng 9/2013 là đang trên đà hân hoan công bố sẽ tiến tới thanh toán bệnh sởi ở Việt Nam vào 2015 mà lại để xảy ra tình trạng thương tâm thế này?

- Trước đây, khi còn đương chức, ông Nguyễn Trọng An có gặp phải nhiều tình huống tương tự không và trong trường hợp như trên, Bộ Y tế thường đưa ra giải pháp gì? Đối với tình trạng hiện nay, ông có lời khuyên gì cho các ông bố bà mẹ cũng như "kế sách" cho Bộ Y tế?

(Lan Anh - TP. Việt Trì, Phú Thọ).

BS Nguyễn Trọng An: Chúng ta đã có kinh nghiệm về dịch sởi bùng phát vào mùa xuân năm 1992 và sau đó 2009, trẻ em cũng mắc nhiều, tử vong ít hơn hiện nay... nhưng được ngành y tế công bố có dịch ngay và toàn bộ hệ thống chính trị của cả nước, các ngành và các địa phương đã vào cuộc tích cực, và chúng ta đã sớm khống chế được dịch.

Với Bộ Y tế, tôi không dám đưa ra kế sách vì bộ có một đội ngũ tham mưu "tài ba", tôi đưa ra thì khác gì "múa rìu qua mắt thợ".

Nhưng với tư cách của một chuyên gia cao cấp về bảo vệ chăm sóc trẻ em, tôi khuyên các bậc cha mẹ có con nhỏ, nếu chưa tiêm đủ 2 mũi vacxin phòng sởi thì phải khẩn trương đi tiêm ngay.

Nếu cháu bé có biểu hiện sốt hoặc có dấu hiệu mắc sởi, hãy bình tĩnh, tin tưởng và tuân thủ hướng dẫn của các thầy thuốc, khám và điều trị theo tuyến của địa phương, không nên đem con chạy lên các bệnh viện Trung ương tại Hà Nội, vì ở đây đã rất đông bệnh nhân rồi, nguy cơ lây chéo cho trẻ là rất cao.

- Khi chứng kiến dịch sởi bùng phát mạnh mẽ và gây hậu quả nghiêm trọng như hiện nay, BS An có suy nghĩ gì?

(Đức Giang - Văn Yên, Yên Bái).

BS Nguyễn Trọng An: Mấy ngày trước thì tôi băn khoăn và bức xúc vì sao ngành y tế phản ứng chậm trễ, đưa thông tin mập mờ có vẻ như không được minh bạch cho lắm. Tôi nói điều này vì thông tin do ông Trần Đắc Phu - Cục trưởng y tế dự phòng đưa ra tối 13/4 là 25 em tử vong đến tối 15/4 đã là108 em tử vong?

Tại sao? Phải chăng do chiều 15/4 phó TT Vũ Đức Đam đã "vi hành" viện Nhi TƯ và biết được sự thật?

Hai ngày nay tôi thấy yên tâm hơn vì Thủ tướng đã rất sáng suốt và kịp thời khi ban hành Công điện khẩn, chỉ đạo toàn hệ thống chính trị vào cuộc như Bộ Tài chính sung tiền cho máy thở, trang thiết bị thù lao cho cán bộ y tế theo chế độ chống dịch.

Bộ Thông tin - Truyền thông thì tuyên truyền cho người dân tránh gây hoang mang...

Bộ Y tế tập trung thầy thuốc giỏi, thuốc men và các phương tiện để điều trị có hiệu quả. Tiến hành tiêm vắc-xin phòng sởi và tiêm mũi 2 cho toàn bộ trẻ em tại cộng đồng.

BS Nguyễn Trọng An đang trả lời câu hỏi của độc giả.
BS Nguyễn Trọng An đang trả lời câu hỏi của độc giả.

- Thưa BS Nguyễn Trọng An, số trẻ tử vong do sởi tăng cao chứng tỏ các giải pháp vừa qua là chưa hiệu quả hoặc hiệu quả chưa cao có phải không, thưa ông?

(Thanh Thảo - TX Tam Điệp, Ninh Bình).

BS Nguyễn Trọng An: Đúng là chưa có hiệu quả vì lẽ ra giải pháp phải đồng bộ, các bộ ngành, các cấp phải vào cuộc, nhưng muốn làm như vậy thì Bộ Y tế phải công bố có dịch.

Tuy nhiên do sự chần chừ, chậm trễ vì 1 lý do nào đó, ngành y tế quay cuồng với việc cấp cứu và điều trị. Đồng thời bệnh nhân lại dồn tất cả lên tuyến trên như Bệnh viện Nhi TƯ nên mặc dù thầy thuốc rất giỏi, phương tiện hiện đại, nhưng quá tải, (phòng bệnh Khoa Truyền nhiễm 50 giường mà chứa tới 230 bệnh nhân), chính vì thế không đáp ứng kịp, dẫn đến bệnh viện trở thành ổ dịch, lây chéo sang các bênh nhân khác, và số trẻ em tử vong cao.

ThS. BS Nguyễn Trọng An giao lưu về bệnh sởi tại tòa soạn.

- Thưa BS An, ông đã nhìn thấy hình ảnh những ông bố, bà mẹ bồng xác con ra khỏi viện chưa? Cảm giác của ông thế nào?

(Nguyễn Văn Song - Thanh Hóa)

BS Nguyễn Trọng An: Tôi cảm thấy rất đau xót, thương cảm, và mong muốn được chia sẻ với các gia đình. Trước đây khi tôi còn là bác sĩ ở Bệnh viện Nhi, tôi đã từng trải qua và chứng kiến những hình ảnh thương tâm này, mong rằng những hình ảnh này ở bệnh viện sẽ giảm dần và không xảy ra nữa để các em bé, những thiên thần của tương lai, được sống an toàn và phát triển khoẻ mạnh.

- Xin cho tôi được hỏi ông Nguyễn Trọng An, tại sao để trẻ em tử vong nhiều vậy mà chưa công bố đại dịch. Trách nhiệm này thuộc về ai, giờ hậu quả nghiêm trọng như vậy thì cách khắc phục như thế nào?

(Độc giả Nguyễn Hồng Bảo Quân, Hà Nội).

BS Nguyễn Trọng An: Việc công bố dịch phải tuân thủ theo quyết định số 64, ngày 25/10/2010 của Thủ tướng đối với dịch sởi hiện nay.

Theo Bộ Y tế là chưa đảm bảo 3 yếu tố mà Thủ tướng quy định, đó là:

1. Số người mắc bệnh phải vượt quá số người mắc mà cơ quan y tế dự tính (có lẽ ngành y tế dự tính cao hơn con số 8.500 hiện nay?)

2. Có ít nhất 1 trong các yếu tố như quy mô, tính chất của bệnh vượt quá khả năng kiểm soát của cơ quan y tế tuyến tỉnh (59/63 tỉnh có người mắc sởi, bệnh viện tỉnh và TƯ quá tải do bệnh viện nhập viện nhiều, rất nặng, trong 3 tháng số người tử vong rất cao, 120 trẻ. Phải chăng vẫn đang trong tầm kiểm soát?)

3. Bộ trưởng Bộ Y tế phải xác định là có sự biến đổi tác nhân gây bệnh, nguy cơ tăng tỷ lệ tử vongg. Năm nay các chuyên gia y tế đều nhận định dịch sởi rất nguy hiểm và biến chứng rất nhanh phưng bộ y tế vẫn cho là virut đợt này chưa bằng lần trước?.

Cách khắc phục: Mặc dù Bộ Y tế không công bố dịch nhưng Thủ tướng đã ban hành ngay công điện khẩn và chỉ đạo giao nhiệm vụ cho các bộ ngành phải vào cuộc. Tôi tin tưởng rằng với sự chỉ đạo quyết liệt này dịch sởi sẽ được khống chế trong thời gian gần.

- Theo BS Nguyễn Trọng An, dịch sởi bùng phát như hiện nay ngoài những yếu tố chủ quan như trong quá trình chăm sóc, ăn uống, tiêm phòng... liệu yếu tố thời tiết có tác động đến dịch sởi không?

(Hồng Hà - Vĩnh Phúc)

BS Nguyễn Trọng An: Tất nhiền là yếu tố thời tiết lạnh, ẩm là yếu tố quan trọng gây mắc và lây lan sởi. Ở nước ta, hầu hết dịch sởi đều xảy ra vào những tháng sau Tết nguyên đán, khí hậu lạnh, mưa phùn ẩm ướt, ảnh hưởng tới sức khỏe của trẻ và là cơ hội để virut sởi phát triển và lây lan.

- Theo ông Nguyễn Trọng An, tình trạng bệnh sởi diễn biến trong thời gian qua đã được gọi là dịch chưa? Và dự đoán của ông về diễn biến tiếp theo của dịch bệnh?

(Thăng Chiến - Cà Mau)

BS Nguyễn Trọng An: Theo tôi đây đúng là dịch, xứng đáng phải công bố dịch theo quy định của tổ chức Y tế thế giới WHO năm 1981. Ông trưởng đại diện WHO tại Việt Nam phát biểu trong cuộc họp với Bộ trưởng Y tế chiều 16/4 chỉ cần 3 ca tử vong do sởi có thể công bố là dịch.

Tuy nhiên, ở nước ta muốn công bố là dịch thì phải tuân thủ theo quyết định 64/2010/QĐ-TTg ngày 25/10/2010 của Thủ tướng

- Mặc dù Bộ Y tế không công bố là dịch, nhưng bây giờ toàn bộ hệ thống chính trị của Việt Nam đang trong tình trạng chống dịch theo đúng công điện khẩn chỉ đạo của Thủ tướng vừa mới ban hành, do vậy tôi tin tưởng rằng dịch sẽ được khống chế trong thời gian gần.

- Việc chia sẻ thông tin tới toàn dân là một việc làm thiết thực. Tôi vẫn băn khoăn tại sao Bộ trưởng cùng các chuyên gia Bộ y tế không tập hợp lại cùng trả lời tất cả những vướng mắc của người dân qua kênh báo chí, truyền hình. Chúng ta chỉ cần một buổi họp báo là mọi chuyện thông tin có thể rõ ràng và đó cũng là hình thức tuyên truyền hiệu quả nhất. Những khó khăn ngành y tế cần trợ giúp từ chính phủ cũng có thể được đưa ra. Tôi vẫn tự hỏi sao hôm Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tới Viện Nhi TƯ thị sát sao Bộ trưởng không đi cùng để đưa ra giải pháp luôn mà hôm sau mới cùng đoàn tới? Sự phối hợp như vậy càng tăng tính hiệu quả trong công việc và tính truyền thông càng cao.

(Bùi Sơn - Long Thành, Đồng Nai).

BS Nguyễn Trọng An: Tôi tưởng chuyện đó bạn đã biết rồi, vì trước khi Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đi vi hành ở Viện Nhi TƯ, Bộ Y tế vẫn nói rằng bệnh sởi trong tầm kiểm soát và chỉ có 25 bé tử vong. Tuy nhiên khi Phó Thủ tướng nói là ông không tưởng tượng được là tình trạng lại trầm trọng và số tử vong lại cao như vậy (108 trẻ), thì lúc đó Bộ Y tế mới có các động thái tích cực như bạn đã thấy.

- Thưa ông Nguyễn Trọng An, đa số các trường hợp tử vong do sởi rơi vào trẻ em. Theo ông, trách nhiệm của các cơ quan chức năng trong việc này cần được xem xét như thế nào khi đã có đến 112 trẻ tử vong do sởi và các bệnh liên quan đến sởi? Có ý kiến cho rằng, Sở Y tế Hà Nội cần phải chịu trách nhiệm trước nhất về việc này. Ông có nghĩ như vậy?

(Tuấn Tú - Thị trấn Sapa, Lào Cai)

BS Nguyễn Trọng An: Tôi không nghĩ là Sở Y tế Hà Nội phải chịu trách nhiệm về trường hợp 112 trẻ tử vong, vì số tử vong của trẻ em Hà Nội chỉ chiếm 30% trong con số trên. Tuy nhiên Hà Nội cần phải sớm công bố dịch và triển khai chống dịch quyết liệt hơn vì Hà Nội tập trung rất nhiều các bệnh viện lớn về nhi khoa, đặc biệt là viện Nhi TƯ đóng trên địa bàn Hà Nội.

Bệnh nhân của tất cả các bệnh viện tỉnh khi nặng thì sẽ được chuyển về Viện Nhi TƯ, thậm chí là các trường hợp vượt tuyến cũng đổ về Viện Nhi TƯ. Do vậy Hà Nội có nguy cơ cao, dịch bùng phát mạnh và số tử vong cao.

- Đối với tình hình nghiêm trọng của dịch sởi hiện nay, Cục Bảo vệ và chăm sóc trẻ em cần có trách nhiệm và động thái gì thưa ông Nguyễn Trọng An?

(Hà Quân Dương - Móng Cái, Quảng Ninh)

BS Nguyễn Trọng An: Tôi nghĩ rằng cục đã có động thái phối hợp với Bộ Y tế để can thiệp với tình hình của dịch sởi này, ví dụ như gửi công văn chỉ đạo các Sở LĐ,TB&XH các tỉnh, thành phố, phối hợp với ngành y tế trong tuyên truyền phòng dịch, vận động các bậc cha mẹ tiêm chủng cho con đầy đủ, hỗ trợ cán bộ làm công tác phòng dịch ở cộng đồng, huy động nguồn lực hỗ trợ cho gia đình nghèo có con em bị sởi...

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại