"Tôi tin chắc nhân viên ngành Y và Giao thông không có ai ngực lép"

Độc giả Lê Xuân Thành |

(Soha.vn) - "Với việc đề xuất trong dự thảo ngực lép không được lái xe thì tôi tin chắc rằng, nhân viên của hai ngành Y và Giao thông không có ai ngực lép cả", độc giả Lê Xuân Thành bày tỏ.

Ngay sau khi thông tin về việc trong dự thảo thông tư liên tịch của Bộ Y tế và Giao thông vận tải lại tái xuất đề xuất cấm "ngực lép" không được lái xe đã nhận được rất nhiều ý kiến, phản ứng mạnh mẽ của dư luận xã hội cũng như bạn đọc gửi về.

Một trong những ý kiến đó là của độc giả Lê Xuân Thành. Mời bạn đọc cùng theo dõi:

Những ngày qua, cũng như nhiều người dân khác, tôi đã theo dõi rất kỹ các thông tin xung quanh việc liên Bộ Y tế - Giao thông vận tải có dự thảo thông tư liên tịch về sức khoẻ người lái xe, trong đó có đề xuất "ngực lép" không được lái xe.

Thực sự, cá nhân tôi đã rất nực cười trước thông tin này. Tại sao ư? Bởi lẽ, như chúng ta đã biết, năm 2008, dự thảo quy định “ngực lép” không được lái xe do Bộ Y tế ban hành đã bị dư luận phản ứng mạnh mẽ. 

Ảnh minh hoạ.
Ảnh minh hoạ.

Không những vậy, chính sau đó, Bộ Tư pháp đã "tuýt còi" vì hạn chế quyền hiến định của công dân trong việc sử dụng tài sản, phương tiện tham gia giao thông; tạo sự đối xử không cần thiết với một số công dân...

Vậy mà đến nay, sau 5 năm, dự thảo với việc "ngực lép" không được điều khiển xe lại tiếp tục được đưa ra.

Tôi không hiểu trong câu chuyện này, các cơ quan chức năng của Bộ Y tế và Bộ Giao thông vận tải đã nghĩ gì khi lại tiếp tục đưa dự thảo về thông tin đã bị cả dư luận lên tiếng phản đối mạnh mẽ, thậm chí là "tẩy chay".

Cá nhân tôi, cũng như nhiều người dân khác trong câu chuyện này có quyền đặt câu hỏi rằng, ở đây, phải chăng, các cơ quan chức năng đã bất lực trước các vấn nạn về giao thông, đặc biệt là tình trạng tắc nghẽn giao thông ở các thành phố lớn nên đã quay trở lại với quy định này nhằm hạn chế người tham gia giao thông.

Nhưng cũng có những câu hỏi, vấn đề mà tôi nghĩ cần đặt ra ở đây, đó là không hiểu các cơ quan chức năng sẽ làm phương pháp như thế nào để đo rồi phân biệt "hàng thật", " hàng giả" để phạt người dân khi tham gia giao thông đây?

Rồi chưa kể, đối với những người không đủ tiêu chuẩn, không được lái xe máy thì họ sẽ đi bằng phương tiện gì? Các phương tiện giao thông công cộng như xe buýt liệu có đáp ứng được hết nhu cầu đi lại của những người đó không?

Không dừng lại, biết đâu tình trạng đi bơm ngực tại các thẩm mỹ viện, những kiểu gian lận, có những hành vi xấu, tiêu cực nhằm đạt được độ chuẩn về ngực sẽ lan tràn... Liệu câu chuyện "những trai xinh, gái đẹp" với vòng ngực đảm bảo tiêu chuẩn sẽ là "liều thuốc" đặc trị cho căn bệnh mãn tính về giao thông ở Việt Nam?

Cá nhân tôi, tuy không phải một chuyên gia nhưng tôi thấy rằng, thực tế, câu chuyện điều khiển xe phần nhiều để xảy ra những tai nạn đáng tiếc hay các vấn đề về giao thông đều xuất phát từ chính ý thức của người điều khiển. Tình trạng phóng nhanh, vượt ẩu, lạng lách, đánh võng... đâu có phải do "ngực lép" mà ra.

Chúng ta đưa ra những quy định mới là nhằm thực thi việc cải cách hành chính, nhằm mang lại thuận lợi cho người dân nhưng với quy định ngực lép như dự thảo thì chắc chắn, người dân chúng tôi sẽ tha hồ phiền toái.

Một thực tế mà cá nhân tôi thấy cũng cần đặt ra thêm ở đây, đó là thưa các quan chức đưa ra dự thảo ngực lép không được lái xe, các vị đưa ra đề xuất như vậy, thì có lẽ chắc chắn rằng, nhân viên của các ngành Y tế, Giao thông vận tải của các vị không có ai ngực lép cả.

Nếu đúng như vậy thì đó là một điều rất đáng để chúc mừng, để phấn khởi kính thưa các vị...

*/ Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại