Thủ khoa ĐH Bách khoa từng có ý định bỏ học

Ngọc Tú |

(Soha.vn) - Vì gia đình quá nghèo, đã có lúc Cường tính chuyện bỏ học. Nhưng được thầy cô, bạn bè động viên góp tiền, Cường lại cố gắng vươn lên để thành công như ngày hôm nay.

Đó là hoàn cảnh của em Trần Văn Cường (học sinh trường THPT Trần Phú, huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh). Trong kỳ thi đại học vừa qua, Cường đã thi vào ngành Kỹ thuật cơ - điện tử trường ĐH Bách khoa TP. HCM với tổng điểm 28,5. Cường đã là tân thủ khoa của trường với số điểm thi lần lượt là: điểm Toán: 9; Lý: 9,25 và Hóa: 10 điểm.

Nhà em nghèo nhất ở xã Trung Lễ nên có lẽ ai cũng biết đến em. Những ngày này, từ sáng sớm đến tận tối khuya, ngày nào nhà của Cường cũng có người thân, hàng xóm đến chúc mừng, chung vui.

Tuy nhà nghèo nhưng Cường rất chăm chỉ học hành.

Cường là con út trong gia đình có 5 anh chị em, bố mẹ Cường không có công việc ổn định nên hoàn cảnh rất khó khăn, mọi khoản thu chi đều trông chờ vào 8 sào rau ngoài ruộng. Các anh chị của Cường vì nhà hoàn cảnh nên phải rời quê hương đi tha hương kiếm sống từ khi học hết cấp 3. Đau lòng hơn là người bố của Cường đã 10 năm nay mắc bệnh tim và mất trí nhớ, mọi việc ở nhà chỉ trông chờ vào người mẹ tóc đã điểm bạc.

Mặc dù biết mình đậu Đại học lại là thủ khoa cao điểm nhưng 2 mẹ con Cường vẫn buồn rầu, lo âu.

Mặc dù biết mình đậu đại học lại là thủ khoa cao điểm nhưng 2 mẹ con Cường vẫn buồn rầu, lo âu.

Tâm sự với chúng tôi về thành tích vừa đạt được, Cường có vẻ buồn lo. Không phải em buồn vì chưa đạt điểm tuyệt đối, mà chỉ vì Cường lo khi đậu đại học rồi, mẹ em lại phải gánh thêm một gánh nặng dường như quá sức đối với bà. Những năm gia đình khó khăn, bố đau ốm, đã có lúc Cường chán nản và suy nghĩ sẽ bỏ học để ở nhà giúp gia đình. Nhưng rồi được thầy cô, bạn bè và gia đình quan tâm, động viên, Cường lại càng tự tin, cố gắng hơn trong học tập để được như ngày hôm nay.

“Thi xong em tính cũng được 28 điểm là chắc chắn đậu đại học rồi. Nhưng lúc đó em chẳng thấy vui tí nào. Em chợt nghĩ đến hoàn cảnh nhà mình nghèo. Một tay mẹ làm lụng nuôi cả nhà, giờ nếu em đi học đại học, mẹ lại càng vất vả hơn nữa”, Cường tâm sự.

Bố của Cường, ông Trần Văn Như (SN 1952) bị bệnh đã 10 năm nay nên không thể làm việc gì.
Bố của Cường, ông Trần Văn Như (SN 1952) bị bệnh đã 10 năm nay nên không thể làm việc gì.

Bà Nguyễn Thị Trung (58 tuổi, mẹ của Cường) chia sẻ: “Nhà nghèo, chỉ có mấy sào ruộng rau làm kiếm tiền cho gia đình ăn qua ngày. Ông nhà bị bệnh, không làm gì được. Nhà tôi khó khăn nhưng thằng Cường chăm học lắm, lúc nào cũng thế, đi học về lại quần quật phụ mẹ lo đồng áng. Bữa ăn thì thiếu thốn, chủ yếu là rau nhà trồng được nên nó chỉ có 45 cân. Thấy con chịu thiệt thòi hơn bạn bè, làm cha làm mẹ buồn lắm, giờ thấy nó đậu đại học rồi, tôi cảm thấy được an ủi rất nhiều”.

Thương bố mẹ nên Cường rất chăm ngoan, chịu khó. Hàng ngày, 1 buổi Cường đến trường, buổi còn lại em ra đồng làm rau, về nhà giúp mẹ việc trong gia đình. Tối đến, không cần ai nhắc nhở, xong việc giúp mẹ, Cường lại tự giác ngồi vào bàn học bài. Những tháng ngày chăm chỉ “cày” bài vở, Cường đã “sưu tập” 1 bảng thành tích dày đặc khiến nhiều người nhìn vào phải nể phục.

12 năm học, Cường thích nhất là môn Toán và em luôn là học sinh giỏi. Năm lớp 10, Cường đạt giải nhất học sinh giỏi tỉnh. Lên lớp 11, Cường đạt giải nhì học sinh giỏi tỉnh. Sang lớp 12, Cường đạt giải 3 môn Toán Quốc gia. Từ năm lớp 8, Cương đều giữ chức vụ lớp phó học tập của lớp.

Chia sẻ về bí quyết học tập của mình, Cường cho biết thích nhất môn học tự nhiên. Để học giỏi được cần phải rèn luyện khả năng tư duy logic. “Khi học ở trường, em chú ý lắng nghe bài giảng. Về nhà, em làm hết bài tập trong sách nâng cao rồi kết nối, xâu chuỗi các công thức của 3 môn học lại thành sơ đồ cho dễ nhớ. Cũng cần phải tư duy thật logic chứ không dễ bị nhầm anh ạ”, Cường nói.

Thầy Phan Đăng Nhân - Phó hiệu trưởng trường THPT Trần Phú, là thầy dạy môn Toán của Cường cho biết: “Cường là học sinh học đều các môn, đặc biệt có tố chất môn Toán. Cường có tư duy rất tốt, không cần học nhiều như các bạn khác nhưng chỉ cần nhìn sách là nhớ được các công thức để làm bài. Không chỉ học giỏi, mà trong lớp Cường rất hoạt bát, hòa đồng, tham gia nhiều phong trào nhất là các giải bóng đá của trường”.

Video người mẹ già nghẹn nước mắt khi nghĩ về tương lai ăn học của con. (Nguồn: Facebook).

Cũng theo thầy Nhân, biết nhà Cường nghèo nên mọi khoản đóng góp, trường đều cố gắng giúp đỡ để em không bị tự ti và phải bỏ học giữa chừng. Cũng vì biết gia đình mình nghèo nên có lần nhà trường gọi Cường đi ôn đội tuyển Quốc gia nhưng em đã từ chối. “Nhà trường đã miễn học phí, vận động giúp đỡ gia đình em. Có nhiều khi em không đủ áo ấm để mặc, sách vở cũng thiếu thốn. Vừa rồi, nhà trường cũng đã lo cho em được chiếc xe đạp để tiện đi lại”, thầy Nhân nói tiếp.

Tâm sự về nỗi buồn lo đang vẫn vơ trong đầu sau khi biết mình đậu đại học, Cường bảo: “Mấy đêm nay em nằm nghĩ mà giờ chẳng biết sao anh ạ. Em lo cho mẹ lắm, mẹ giờ già yếu rồi, bố thì đang bệnh. Không biết em có theo nổi vào đại học nữa không?”.

Mỗi lúc học hành mệt nhọc, Cường lại tự mày mò với cây sáo để lấy cảm hứng và tinh thần vững bước. (Nguồn Facebook).

Ngồi bên cạnh, bà Trung tiếp lời như để an ủi đứa con an lòng: “Nhà nghèo thật, nhưng giờ thấy nó đậu đại học tôi sướng lắm chú ạ! Khó khăn đến mấy tôi cũng phải vay mượn cho nó đi học. Kể cả phải cầm cố bìa đất tôi cũng cầm, vay tiền cho nó ăn học nên người”.

Đợt thi đại học vừa qua, ngoài Đại học Bách khoa, Cường thi vào Đại học Y Hà Nội. Cường dự đoán sẽ đạt trên 28 điểm của trường này.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại