Thế giới và mối lo về hiểm họa mang tên phóng xạ

camnhung |

Tại Đức người dân còn đòi đóng cửa nhà máy điện hạt nhân.

Đức: Người dân đòi đóng cửa nhà máy điện hạt nhân

Ngay sau khi một lò phản ứng tại Nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1 của Nhật Bản bị nổ do động đất và dẫn tới sự cố rò rỉ chất phóng xạ, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã tuyên bố Đức sẽ kiểm tra toàn diện tiêu chuẩn an toàn của 17 nhà máy điện hạt nhân tại nước này.

Thủ tướng Đức Angela Merkel (phải) và Phó Thủ tướng Guido Westerwelle tại cuộc họp báo ở Berlin. Bà Merkel cho biết Đức sẽ kiểm tra lại toàn bộ 17 nhà máy điện hạt nhân ở nước này sau các sự cố ở Nhật Bản

Phát biểu tại buổi họp báo sau hội nghị khẩn cấp tại thủ đô Berlin, Thủ tướng Merkel nói "sự cố xảy ra tại Nhật Bản là bước ngoặt đối với thế giới. Do sự cố liên quan tới nhà máy điện hạt nhân đã xảy ra tại Nhật Bản, quốc gia có tiêu chuẩn an toàn cao nhất, nên Đức cần phải kiểm tra toàn diện tiêu chuẩn an toàn các nhà máy điện hạt nhân của mình”.

Trong khi đó, tại thành phố Stuttgart ở miền Nam nước Đức, khoảng 60.000 người biểu tình đã nối thành hàng dài 45 km, yêu cầu lập tức đóng cửa tất cả các nhà máy điện hạt nhân.

Mỹ, Pháp khuyến cáo công dân không đến Nhật

Do lo ngại tình hình phức tạp tại Nhật Bản sau động đất và sóng thần cũng như nguy cơ rò rỉ hạt nhân, Mỹ và Pháp đã khuyến cáo công dân của mình không nên đến đất nước Mặt Trời mọc vào thời điểm này.

Mỹ và Pháp là hai nước đầu tiên khuyến cáo công dân không nên đến Nhật Bản sau thảm họa động đất và sóng thần ngày 11/3

Chính phủ Mỹ ngày 13/3 đã khuyến cáo người dân nước này tránh đi tới Nhật Bản sau trận động đất và sóng thần kinh hoàng vừa xảy ra. Một cảnh báo của Bộ Ngoại giao Mỹ nêu rõ: "Bộ Ngoại giao yêu cầu tất cả nhân viên chính phủ Mỹ không có nhiệm vụ quan trọng hoãn đi tới Nhật Bản, đồng thời thúc giục công dân Mỹ tránh đi du lịch và đi lại không cần thiết tới Nhật Bản vào lúc này".

Bộ Ngoại giao Mỹ cũng cho biết nhiều tuyến đường đã bị hư hại tại khu vực Tokyo và miền Bắc Nhật Bản, trong khi vẫn có thể xảy ra thêm những đợt dư chấn mạnh trong những tuần tới.

Pháp cũng khuyến cáo công dân nước này nên rời khu vực Tokyo do lo ngại nguy cơ tiếp tục xảy ra động đất và tình hình chưa rõ ràng tại các nhà máy hạt nhân bị hư hại. Thông báo trên trang web của Đại sứ quán Pháp ở Nhật Bản cũng khuyến cáo các công dân Pháp không nên tới Nhật Bản và hoãn mọi kế hoạch đi tới nước này.

Đổ nát và hoang tàn như những gì chỉ có trong các bộ phim chiến tranh

Hongkong bất an với thực phẩm từ Nhật Bản

Báo chí Hongkong dẫn thông báo của Trung tâm An toàn Thực phẩm thuộc Cục Thực phẩm và Vệ sinh môi trường Hongkong (Trung Quốc) cho biết sau sự cố nhà máy điện hạt nhân ở Nhật Bản, nên từ ngày 12/3, trung tâm này bắt đầu tăng cường giám sát và tiến hành kiểm tra mức phóng xạ trong các loại thực phẩm nhập khẩu từ Nhật Bản như sữa, rau củ, hoa quả

Ngoài ra, trung tâm sẽ liên hệ với chính quyền Nhật Bản để có thêm thông tin liên quan và theo dõi sát sao các diễn biến ở Nhật Bản để nắm chắc tình hình mới nhất.

Nguy cơ rò rỉ phóng xạ sau sự cố hạt nhân ở Nhật Bản đang khiến nhiều nước lo ngại

Trước tình hình thiếu hụt năng lượng nghiêm trọng sau động đất và sóng thần, Nhật Bản đã đề nghị Nga hỗ trợ thêm năng lượng. Tại cuộc họp đặc biệt bàn về hậu quả trận động đất vừa qua ở Nhật Bản, Thủ tướng Nga Vladimir Putin cho biết Nga sẽ làm mọi thứ để giúp đỡ đất nước láng giềng.

Trước đó, Phó Thủ tướng Nga phụ trách năng lượng Igor Sechin nói Nhật Bản đã đề nghị tập đoàn khí đốt Gazprom hỗ trợ thêm khí tự nhiên hóa lỏng cho nước này. Gazprom hiện đang xem xét điều hai tàu chở dầu vốn đang thực hiện theo những bản hợp đồng khác, về cung cấp dầu cho Nhật Bản. Trước mắt Nga có thể chuyển 500.000 tấn khí tự nhiên hóa lỏng sang Nhật Bản trong năm nay nếu các công ty Nhật Bản đề nghị và tiến hành đàm phán về việc này.

Nhật Bản đang phải gồng mình với tình trạng thiếu hụt nguồn cung năng lượng do rất nhiều nhà máy điện hạt nhân đã phải đóng cửa sau động đất và sóng thần. (Ảnh: Cây cầu Cầu vồng ở Tokyo bị tắt gần như toàn bộ đèn trang trí để tiết kiệm điện)

Bộ trưởng Công nghiệp Nhật Bản Banri Kaieda nói rằng các khu vực phía Đông và Đông Bắc nước này có thể rơi vào tình trạng "bất thường" do thiếu nguồn cung cấp điện. Trận động đất mạnh vừa qua đã tác động tới Nhật Bản và làm tê liệt các nhà máy điện hạt nhân ở phía Đông Bắc nước này. Có tới 11 trong khoảng 50 lò phản ứng hạt nhân ở Nhật Bản nằm tại các khu vực bị tác động nặng nề nhất đã phải đóng cửa sau trận động đất trên.

Công tác cứu hộ tại Nhật Bản đang tiếp tục chạy đua với thời gian để tìm kiếm những người sống sót 3 ngày sau trận động đất kinh hoàng mạnh 9 độ Richter hôm 11/3

Do một số nhà máy điện hạt nhân và nhà máy nhiệt điện, thủy điện ngừng hoạt động, bắt đầu từ ngày 14/3, Công ty điện lực Tokyo cho biết chỉ đáp ứng được 31 triệu kw so với nhu cầu sử dụng 41 triệu kw. Nhật Bản sẽ phải tiến hành cắt điện luân phiên mỗi khu vực 3 giờ, trong đó có thủ đô Tokyo.

Chánh Văn phòng nội các Yukio Edano không phủ nhận khả năng xảy ra vụ nổ thứ hai tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima 1, thừa nhận khả năng lò phản ứng hạt nhân số 3 có thể đã bị biến dạng, nhưng cho biết mọi việc vẫn đang trong tầm kiểm soát.

Trong khi đó, Cơ quan khí tượng Nhật Bản thông báo trong vòng 3 ngày tới, xác suất xảy ra dư chấn động đất mạnh cấp 7 là 70% và từ ngày 16-19/3 xác suât này là 50%. Các trận động đất có thể đi kèm với sóng thần và người dân nên hết sức cảnh giác, chuẩn bị đối phó.Đến chiều 13/3, đã thống kê được gần 2.000 người chết và mất tích, hơn 20.000 người hiện vẫn chưa thể liên lạc. Nếu dư chấn động đất mạnh tới cấp 7 xảy ra, thiệt hại về người và tài sản sẽ tăng do nhiều tòa nhà đã rạn lún sau các đợt động đất và dư chấn liên tục trong 3 ngày qua.

Theo Bee.net

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại