Thầy rắn Nguyễn Tiến Hòa: “Vua” trị rắn độc và chuyện li kì

Thầy lang Hòa đặc biệt nổi tiếng trong các các lĩnh vực: nắn bó gãy xương; các chứng phong đau nhức; bỏng các loại; các vết hoại tử; gan, thận...

Cứu những ca thập tử

Những bệnh nhân đến điều trị tại nhà ông phần lớn là bị rắn độc cắn đến thập tử nhất sinh. Nhờ bàn tay kỳ diệu của ông cùng với phương thuốc gia truyền, ông đã đưa họ từ cõi chết trở về.

Ông chia sẻ kinh nghiệm đề phòng rắn cắn: “Nọc độc của rắn là loại chết người, nên phòng tránh rắn cắn là tối ưu nhất. Rắn ở khắp nơi. Hãy đề phòng cẩn thận khi đi đường, khi lao động ở vườn, ruộng, cả khi đi ngủ. Và không được bắt rắn. Rắn chỉ cắn để tự vệ. Và khi bị rắn cắn thì nhanh chóng đưa đến bệnh xá gần nhất để họ buộc ga-rô, sơ cứu trước khi uống thuốc chữa trị”.

“Sở dĩ sách nói rắn cạp nong độc hơn rắn hổ chúa là như vầy, thả vào lồng hai loại rắn đó, dù hổ mang chúa bự hơn, nhưng nó phải sợ nằm im trước rắn cạp nong - Loài rắn sợ nhau qua hơi độc. Nếu chúng cắn nhau thì con nào nọc độc yếu hơn sẽ chết, con độc mạnh sẽ không hề hấn gì. Nếu cạp nong gặp hổ mang, nhắm nuốt được là nó trườn tới cắn rồi nuốt liền, còn lớn quá mới thôi” - thấy Hòa nói.

Cùng GS, TSKH Nguyễn Tài Thu, thầy của con gái ông đang theo học châm cứu - Ảnh do nhân vật cung cấp

"Theo ông tổ Tuệ Tĩnh: “Nam dược trị Nam nhân” (thuốc Nam chữa người Nam). Cây thuốc quanh ta nên trồng một số cây thuốc dễ sống quanh nhà mình để phòng các bệnh cảm cúm, ho, đau họng... như xả, kinh giới, tía tô, dâu tần, gừng, ngải cứu..." - thầy Hòa cho biết thêm.

Ca cứu anh Nguyễn Hữu Cát (40 tuổi) là bộ đội phục viên bị rắn chàm quạp cắn vào ngón tay khi hái điều. Đầu tiên gia đình đưa anh đến bệnh viện huyện Phước Long, anh không chết nhưng vết thương nhiễm trùng lở loét chảy nước vàng. Bác sĩ nói có thể tháo ngón. Anh Cát sợ trốn về, chạy chữa ba bốn thầy cũng không hết, may nhờ xem truyền hình Bình Phước mà tìm đến Thầy rắn, chỉ sau một tuần uống thuốc và đắp lá, giờ tay anh đã khô. Anh Cát nói với tôi:

- Thầy bảo vài hôm nữa em có thể về. Thầy sẽ cho thuốc tự đắp tự uống, tuần nữa là khỏi. Không phải tháo ngón em mừng lắm! Em ơn thầy lắm! Thầy Hòa có những toa thuốc gia truyền rất hay.

Mỗi thầy thường giỏi một hay vài phương thuốc - Tây y gọi là chuyên khoa. Thầy Hòa giỏi về xương khớp, phong thấp, còn giỏi trị chất độc nguy hiểm như ung nhọt, bướu, thối rửa… Như trường hợp chị Phan Thị Lịch, người ở thôn 9 xã Long Hà, huyện Phước Long, tỉnh Bình Phước bị ung tuyến vú đã đến thời kỳ sưng mủ lở loét nhìn mà sợ. Chị Lịch đến Trung tâm Ung bướu TP.Hồ Chí Minh chữa trị, cuối cùng bác sĩ quyết định cắt bỏ một bên vú. Phẫu thuật rất tốn kém, biết đâu lại di căn sang chỗ khác. Có chữa trị được cũng mất thẩm mỹ. Trong lúc gia đình chị Lịch đang đắn đo dồn tiền thì có người mách đến thầy Hòa. Thầy Hòa xem bệnh nói chữa được. Sau đó hàng ngày thầy chạy xe 5 cây số đến nhà chị Lịch để rửa vết thương, đắp thuốc và cho uống thuốc, chỉ một tháng là khỏi. Công lao và thuốc thang như thế mà thầy Hòa chỉ lấy 1 triệu. Gặp thầy ham tiền thì ca đó chữa xong muốn lấy bao nhiêu mà chẳng được. Tôi nhấn mạnh điểm này để nói ngoài cái Tài ra thầy Hòa còn có cái Tâm rất lớn. Thầy không kể đâu mà chính những bệnh nhân của thầy kể lại.

Cứu mẹ Việt Nam Anh hùng

Câu chuyện được nhiều người nhắc mãi, đó là chuyện ông trị rắn độc cắn Mẹ Việt Nam anh hùng Phạm Thị Thung, 86 tuổi.

Chị Nguyễn Thị Hồng, Phó chánh án huyện Phước Long, tỉnh Bình Phước, kể lại cho chúng tôi nghe: “Ngày 6 tháng 4 năm 2000, tôi đang làm việc thì nghe điện thoại báo: Mẹ tôi bị rắn độc cắn, đang nằm bệnh viện Phước Long. Tôi vội chạy xe đến bệnh viện, gặp bác sĩ trực là Ngọc Hòa (ông vốn quen tôi trong quan hệ công tác) Bác sĩ Hòa nói: “Cụ bị rắn hổ lửa cắn vào ngón chân trỏ, trúng động mạnh nên nọc chạy lên tim rất nhanh - dù đã kịp cột garô ngăn nọc. Bệnh viện huyện mình chỉ có thể sơ cứu truyền huyết thanh, cần phải đưa cụ lên Bệnh viện Chợ Rẫy gấp - ở đó mới đủ thuốc men và phương tiện chữa trị”. Tôi gật đầu, lo lắng bước vào phòng cấp cứu, thấy mẹ tôi đã mê sảng, nọc độc quá mạnh khiến mẹ phát điên loạn. Ở tuổi 86 mà bà co giật mạnh dễ sợ! Bà giật đứt dây chuyền huyết thanh, đánh xé y tá bác sĩ và con cháu nào tới gần. Phải ba bốn thanh niên mới giữ nổi bà để bác sĩ chích thuốc ngủ. Khi mẹ tôi nằm im, thân thể đã tím nửa phần dưới. Lúc đó tôi nghĩ chắc mẹ mình sẽ chết trước khi đến Bệnh viện Chợ Rẫy. Từ Phước Long tới đó 180 cây số lận mà!

Bỗng tôi chợt nhớ trước đây mình có thời gian công tác ở xã Long Hà, nghe đồn ở đó có ông thầy Hòa chuyên chữa rắn cắn. Chính tôi có lần gặp người bị rắn cắn kể lại đã được thầy Hòa cứu. Không phải một người kể mà là nhiều người cũng xác nhận vậy. Đến ông là khỏi, lại đỡ tốn kém.

Lương y Nguyễn Tiến Hòa - Ảnh T.KHANH

Tôi nhìn mẹ mình rồi nghĩ tiếp, Mẹ mình 86 tuổi rồi, giờ đã chết nửa người, đến Chợ Rẫy chắc là không kịp, chi bằng thử chở đến thầy Hòa xem sao? Đây tới Suối Cạn chỉ hai chục cây số. Thế là tôi nói ý định của mình với bác sĩ Ngọc Hòa. Dẫu quen tôi nhưng ông không chịu: “Mẹ chị là Mẹ Việt Nam Anh hùng, có tới bốn người con hy sinh. Đã tới đây thì chúng tôi có bổn phận và trách nhiệm phải lo cho cụ. Không dám để chị đưa cụ đi chữa chỗ khác đâu. Chữa thuốc ta không bảo đảm”. Tôi hết sức năn nỉ. Bác sĩ Hòa thông cảm tôi nhưng sợ trách nhiệm, cuối cùng ông đề nghị: “Nếu gia đình nhất quyết như vậy, thì chị viết cho cái giấy cam đoan, để chúng tôi đỡ trách nhiệm nếu cụ có mệnh hệ nào. Sau đó tôi cho xe cứu thương chở cụ đi, trên đường đi đến ngã ba Bù Nho, ta sẽ rẽ vào nhà thầy lang Hòa. Nếu ông ấy nhận chữa được thì ở đó chữa. Không thì sẽ đi thẳng đến Bệnh viện Chợ Rẫy”.

Tôi đồng ý vì đề nghị quá hợp lý. Thật ra chẳng còn cách nào tốt hơn.

Xe cứu thương đến nhà thầy Hòa, lúc đó mẹ tôi đã tiểu ra máu. Ai thấy cũng nghĩ chắc chết. Thầy Hòa chỉ nhìn qua, nói ngay: “Còn chữa được. Tin tôi thì tôi chữa”. Sự tự tin quyết đoán của thầy làm tôi mừng và hy vọng. Tôi đưa giấy cam đoan cho bác sĩ Ngọc Hòa, rồi đưa mẹ tôi vào nhà.

Trong số bảy lương y tiêu biểu được vinh danh thì đã có hai cha con: lương y Nguyễn Tiến Quế (thứ nhất từ trái sang) và ông (thứ hai từ trái sang) chụp trước Phủ Chủ tịch nước - Ảnh do nhân vật cung cấp

Thầy lang Hòa cho mẹ tôi uống vài viên thuốc gì đó - phải tán ra đổ vào miệng bà. Rồi ông đắp lá thuốc bó lại chỗ vết rắn cắn đang tươm máu. Ông nói: “Chừng 7 giờ sáng mai cụ sẽ tỉnh”.

Đêm ấy, thầy Hòa cho mẹ tôi uống thuốc lần nữa, tự tay thay lá thuốc, khi rỡ ra máu đen dính đầy. Đêm đó thay tới ba bốn lần. Thầy Hòa và tôi dường như thức suốt đêm.

Sáu giờ sáng hôm sau mẹ tôi đòi ngồi dậy, bà đã nhận ra tôi. Lúc đó tôi mới tin mẹ mình còn sống. Tôi vô cùng biết ơn và phục tài thầy Hòa. Tôi giục thầy đi ngủ cho lại sức, thầy nói: “Tôi mừng quá không ngủ được”.

Tôi hỏi thầy: “Lúc mẹ tôi đến, thầy chưa bắt mạch, chưa xem vết thương, mà đã nói chữa được. Sao thầy giỏi vậy?”. Thầy Hòa nói: “Tôi thấy cụ tiểu ra máu đỏ là còn chữa được. Chớ tiểu ra máu đen là hết cứu. Bởi máu bên trong đã đông”.

Bệnh nhân thành anh em

Ngoài vợ chồng chị Nguyễn Thị Hồng nhận thầy lang Hòa làm anh kết nghĩa thì còn có chuyện anh Đinh Tiến Dân hiện đang ở Hà Nội. Hai mươi năm trước, anh Đinh Tiến Dân bị rắn độc cắn. Sống chết chỉ trong gang tấc. Gia đình ở Bình Phước, cách nhà thầy lang Hòa hai mươi cây số, vội chở ngay đến thầy lang Hòa. Ông xem qua, sau khi nặn máu độc, ông lấy thuốc gia truyền đắp vào vết rắn cắn. Cảm cái ơn cứu mạng, anh Đinh Tiến Dân bái lạy kết nghĩa anh em với thầy lang Hòa.

Lương y Nguyễn Tiến Hòa và Cup vinh danh - Ảnh T.KHANH

Với những đóng góp thiết thực cho cộng đồng, xã hội, lương y Nguyễn Tiến Hòa đã được vinh danh. Tại lễ tôn vinh “Thương hiệu truyền thống, gia truyền nổi tiếng và Thương hiệu phát triển bền vững” lần thứ III-2013 do báo Người Hà Nội tổ chức ngày 8-3-2014. Ông được gọi là vị “lương y chuyên nọc độc rắn, gãy xương, bỏng. Các bệnh về gan, thận. Lương y Nguyễn Tiến Hòa luôn nỗ lực phấn đấu phát huy các giá trị cha ông để lại, cống hiến cho nền Y học cổ truyền nước nhà”.

Đặc biệt, tại lễ vinh danh,ông cùng người con là lương y Nguyễn Tiến Quế được Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đón tiếp tại Phủ Chủ tịch. “Đó là niềm vinh dự, hạnh phúc nhất của gia đình tôi. Tôi là đời thứ bảy, con trai tôi là đời thứ tám. Cả hai cha con được vinh dự này là phần thưởng lớn nhất đời tôi”- Lương y Nguyễn Tiến Hòa tâm sự.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại