Thầy giáo "hot boy" Khắc Hiếu: “Hươu tới tuổi không vẽ thì nó cũng chạy”

Huỳnh Anh |

(Soha.vn) - “Vì tư tưởng sợ vẽ đường cho hươu chạy nên người lớn cứ “im ỉm” trước những băn khoăn và sai lầm của giới trẻ”, Thạc sỹ Tâm lý Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu chia sẻ.

- Những clip gắn liền với chủ đề nóng như: Từ chối chuyện ấy, đối phó với yêu râu xanh, cách yêu không mù quáng… và được biết sắp tới thầy sẽ ra mắt bộ ảnh về chủ đề những người đồng tính… đều thu hút được sự quan tâm của nhiều bạn trẻ. Tại sao thầy lại lựa chọn những chủ đề “nhạy cảm” này thể hiện trong các clip của mình?

ThS Khắc Hiếu: Ừ thì vì nhạy cảm nên ít ai dám nhắc tới, mà có nhắc cũng không dám nói nhiều, nói sâu vì dễ nói sai và đặc biệt là dễ bị ném đá vì nó quá… nhạy cảm.

Thạc sỹ tâm lý Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu - giảng viên khoa Tâm lý học ĐH Sư phạm TP HCM.
Thạc sỹ tâm lý Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu - giảng viên khoa Tâm lý học ĐH Sư phạm TP HCM.

Vì nhạy cảm nên nó cũng rất khó nói, khó diễn đạt sao cho không thô, không khó hiểu. Vì vậy nếu nói người ta cũng hay nói tránh nói né nên dễ gây hiểu lầm.

Đặc biệt, đây là những chủ đề có thể gây hậu quả vô cùng lớn (nếu không có kỹ năng, bạn trẻ dễ dàng bị đeo ba lô ngược, bị cưỡng bức, bị thất tình, thậm chí tự tử…) nhưng lại ít được hướng dẫn, từ đó biết ít hoặc biết sai và hậu quả là hành động sai, hậu quả lớn.

Như vậy, những chủ đề ấy rất cần phải nói mà có ít người nói nên mình phải nói. Nếu không, bọn trẻ là người phải lãnh hậu quả vì sự im lặng của người lớn chúng ta.

Ngoài ra, tôi hiểu nhiều phụ huynh cũng muốn chia sẻ với con về giới tính, yêu đương, gia đình… nhưng không biết phải chia sẻ thế nào, nên mong những đoạn clip và bộ ảnh này sẽ “thay lời muốn nói” giữa mẹ cha và con cái.

- Việc truyền đạt những bài học “nhạy cảm” vào trong clip sao cho thấu đáo, phù hợp không phải là chuyện đơn giản. Thầy có thể chia sẻ bí quyết của mình?

ThS Khắc Hiếu: Clip hiện tại cũng chưa thấu đáo đâu, nếu muốn thấu và đáo thì chắc mỗi clip phải dài đến vài tiếng đồng hồ cơ đấy. Mà dài quá thì người xem tắt ngay khi vừa mở lên đã nhìn thấy thời lượng “khủng” của clip rồi. Thông thường, một buổi chuyên đề mình chia sẻ bên ngoài trung bình là 2 giờ, để gói gọn lại trong 10 phút đến 20 phút thì phải làm vài biện pháp nén nội dung:

- Thà dọn một bàn ăn có 3 món mà món nào cũng ngon. Còn hơn là dọn 10 món mà người ta ngán không thèm ăn. Nghĩa là phải chọn lọc những gì tinh nhất, cần nhất, đắt nhất đưa vào trong clip.

- Nói tình yêu là cái cần được nuôi dưỡng, cần được chăm sóc thì sẽ bị nhàm. Nói “Tình yêu như mầm cây, muốn lớn và khỏe mạnh thì phải có đất – nước – ánh sáng và không khí. Để cho nhau thở, đừng quản lý nhau như tù nhân, đó là không khí. Sự sáng tạo để giúp tình yêu không đi vào nhàm chán đó là dinh dưỡng của đất.

Yêu không phải chỉ mù quáng cho mình mà phải lắng nghe lời khuyên đúng đắn của bạn bè, thầy cô, ba mẹ, đó chính là ánh sáng. Một chút lãng mạn, một chút xúc cảm chính là nước làm cho tình yêu khỏi khô khan”. Nghe dễ nhớ hơn phải không nào? (cười). Bí quyết thứ hai là dùng hình ảnh ví von thay cho lời nói thông thường.

- "Bị đòi ấy" thì phải làm sao? Bị yêu râu xanh chặn đường thì làm thế nào?... Nói bằng thực tế tình huống thì dễ nói hơn là lý thuyết.

- Cuối cùng, để tránh phản cảm, mình hay dùng vài từ “thay thế”. Ví dụ như: “đeo ba lô ngược”, “thằng nhỏ của thằng nhỏ”…

- Có người cho rằng, tung những clip này lên cho giới trẻ xem chẳng khác gì “Vẽ đường cho hươu chạy”, thầy quan niệm như thế nào?

ThS Khắc Hiếu: Hươu tới tuổi không vẽ thì nó cũng chạy. Thậm chí chạy mạnh, chạy nhanh, chạy dữ dội nữa là khác! Thế sao ta không vẽ đường cho hươu chạy an toàn, vẽ đường nào nên chạy đường nào là ngõ cụt? Và cần phải vẽ cả hầm hố cạm bẫy để hươu biết mà hươu tránh? Vì tư tưởng sợ vẽ đường cho hươu chạy nên người lớn cứ “im ỉm” trước những băn khoăn và sai lầm của giới trẻ. Nếu giới trẻ sai thì cái lỗi đầu tiên là do người lớn đã không hướng dẫn.

Nên nhớ rằng, đôi khi 5 phút, 10 phút, 30 phút vẽ đường cho hươu chạy có thể cứu cả đời con hươu đó!

- Thầy có nhận định gì về giáo dục kỹ năng sống trong giới trẻ hiện nay?

ThS Khắc Hiếu: Cứ hình dung xã hội ngày nay như một cuộc đua mà mỗi người bơi phải trang bị cho mình một chiếc phao chắc chắn. Có thể ví von chiếc phao đó chính là những kỹ năng sống – công cụ sẽ giúp chúng ta tránh bị nhấn chìm ở giữa dòng đời. Tuy nhiên, do tình hình cầu thì 100 còn cung chỉ 1.

Thế nên giới trẻ tự tử, rạch tay, phát ngôn gây sốc, ca thán chuyện học hành, sầu đời chán sống, quan hệ tình dục rồi nạo phá thai… mới tràn lan như hiện nay. Giới trẻ đang chìm trong muôn vàn thử thách của cuộc sống hiện đại mà kỹ năng ứng phó thì hầu như có quá ít.

- Những câu hỏi nào về giáo dục giới tính, kỹ năng sống của học sinh khiến thầy ấn tượng nhất?

ThS Khắc Hiếu: Thầy ơi làm sao để giàu mà không cần phải học?

Thầy ơi làm sao để không cần phải học mà điểm vẫn cao?

Đó là câu hỏi khó đỡ nhất mà đến giờ tôi chưa tìm ra phương thuốc thần kỳ nào để thành công mà không cần học hỏi (cười).

Nhưng câu hỏi mà tôi trăn trở nhất là: Thầy ơi, ba mẹ em hay đánh, hay mắng chửi, bắt em nghỉ học, thậm chí đốt sách vở của em. Còn vô vàn những chuyện khác nữa... Làm sao để cha mẹ của mình thay đổi hả thầy?

Đó là câu hỏi mà sự trả lời nào của người ngoài cuộc như tôi cũng dường như bất lực. Tôi chỉ biết động viên rằng người lớn cũng có cái sai. Nếu những gì góp ý tâm sự được thì hãy làm, có thể nhờ thầy cô và người lớn tác động. Còn nếu ba mẹ không lắng nghe thì đành hiểu rằng: khi thực tế không thay đổi được, hãy thay đổi thái độ của mình.

- Nếu được nói ngắn gọn những lời nhắn nhủ đến các bạn trẻ về các vấn đề “nhạy cảm” thầy sẽ chia sẻ những gì?

ThS Khắc Hiếu: Nếu có hiểu biết, bạn sẽ giữ được cuộc đời.

Nếu thiếu hiểu biết, bạn chỉ có những bài học nhớ đời.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại