Sự thật về tướng cướp Bạch Hải Đường (Phần 4)

Theo CA TP.HCM |

Trước khi trở thành đối tượng giang hồ khét tiếng, Bạch Hải Đường vốn là đứa trẻ có tuổi thơ đầy gian khó, lam lũ, nhưng rất hiếu thảo với cha mẹ, anh em.

Vì sao Bạch Hải Đường (BHĐ) lại nhanh chóng bước vào con đường tội lỗi? Sớm vào đời, sớm tiếp xúc với cuộc sống phồn hoa nơi phố thị? Hay chính sự bỏ mặc, thờ ơ của nhà cầm quyền chế độ cũ với những đối tượng như BHĐ đã tạo “điều kiện” cho y sớm trở thành tội phạm...?

Theo đường "bần cùng sinh đạo tặc"

“Trại tạm giam Công an tỉnh An Giang, phòng giam số 15, ngày... tháng... năm... Tôi tên là Nguyễn Ngọc Truyện, tự Bạch Hải Đường.

Kính thưa chính quyền cách mạng, từ ngày bị bắt đến nay, thật tình tôi đã hiểu rõ tội lỗi của tôi nên thật thà khai báo hết, chỉ rõ những đồng bọn, không còn giấu giếm điều gì... Kính mong được Đảng, Nhà nước khoan hồng cho tội lỗi của tôi...”.

Khi biết sức khỏe kiệt quệ, bệnh tật không còn chống chọi được nữa, những nét chữ cuối cùng của Bạch Hải Đường đã viết như thế.

... Vào những năm 1950, nơi cái xóm nhà lụp xụp của thị xã Long Xuyên, anh Nguyễn Văn Của và chị Lê Thị Huê gặp và kết duyên vợ chồng. Cuộc sống vô cùng nghèo khó, cả hai đã lam lũ, quần quật lao động để chuẩn bị cho tương lai của một sinh linh bé nhỏ đang lớn dần trong bụng chị Huê.

Anh Của nai lưng bốc vác, đẩy xe ở khu vực chợ Long Xuyên, bến xe, hay ai thuê bất cứ việc gì anh cũng lao vào làm để kiếm tiền. Chị Huê ngày ngày chầu chực bên cái thúng bánh mì với hy vọng có nhiều người qua đường ghé mua. Những đồng tiền ít ỏi kiếm được của anh chị là mồ hôi, nước mắt, là cuộc sống, hạnh phúc và hy vọng cho mai sau.

Bạch Hải Đường những ngày trong trại giam

Giữa năm 1950, đứa con trai đầu lòng chào đời. Nó khôi ngôi, tuấn tú, trắng trẻo vô cùng. Anh Của, chị Huê vui òa nước mắt. Đứa bé càng làm cho anh Của quên đi cái vất vả, nhọc nhằn, cho anh thêm sức mạnh để đương đầu với đời. Thằng bé ấy được anh chị đặt tên là Nguyễn Ngọc Truyện.

Ơn trời, Truyện mau ăn chóng lớn. Vợ chồng anh Của, họ hàng bên nội, bên ngoại ai nấy đều hạnh phúc vô cùng.

Cuộc sống gia đình cứ lặng lẽ trôi qua trong căn nhà lá ọp ẹp, chật chội nhưng đầy hạnh phúc ấy. Rồi Truyện đã là anh của bốn đứa em gái. Hai vợ chồng quần quật lao động để nuôi cho được năm miệng ăn đang tuổi ăn tuổi lớn.

Truyện là con trai duy nhất, nên tất cả tương lai của các em, hy vọng vào sự đổi đời cho số phận nghèo khổ của gia đình đều được bố mẹ đặt tất cả vào Truyện. Dù thiếu thốn trăm bề, nhưng Truyện được bố mẹ cho đến trường như bao đứa trẻ cùng trang lứa.

Hàng ngày, từ lớp học về, tiếng đánh vần i tờ của Truyện làm không khí gia đình càng ấm áp, hạnh phúc biết bao. Nhưng rồi, chỉ mới đến lớp bốn, cậu học trò này đã có biểu hiện lạ thường. Nó chán học, chán nhìn vào sách vở, nó chán cầm cây viết, chán ngồi nghiêm túc trong lớp nghe thầy cô giảng bài và cũng chán chạy lòng vòng trong sân trường chơi trò đuổi bắt với bạn học...

Anh Của, chị Huê khi biết tin nhà trường báo về là Truyện hay bỏ học, đi chơi với những nhóm trẻ con bên ngoài, họ đã đêm đêm lau nước mắt vì buồn. Bao nhiêu hy vọng, bấy nhiêu hy sinh của anh chị bây giờ chỉ thế thôi sao?

Anh Của kêu Truyện lại ngồi khuyên bảo nhẹ nhàng, Truyện hứa là sẽ đi học. Nhưng rồi, cái lối sống tụ tập, lê la ở những nơi đông đúc, náo nhiệt của những đứa trẻ bụi đời đã hấp dẫn Truyện hơn những lời dạy của thầy cô trong trường. Truyện không đến lớp nữa.

Anh Của nhiều đêm thức khuya hơn, tóc bạc nhiều hơn vì thằng con trai nối dõi tông đường mà anh và cha anh đã hy vọng. Mặt chị Huê cũng hằn thêm nhiều vết nhăn, bưng cái thúng bánh mì chị cảm thấy nặng nề hơn.

Truyện ngày càng cứng đầu, nó cứ lầm lỳ, ít nói, ít cười với cha mẹ, với các em. Nó cứ đi về một cách tự do, không giờ giấc, không cần xin phép ai. Những quán cà phê, những con hẻm có đá gà, đánh bạc, chơi bời... Truyện thường đến hơn.

“... Tôi học đến lớp 4, lúc 15 tuổi thì nghỉ học, theo đám lưu manh tụ tập, chơi bời...” - Truyện đã kể về ngày vào đời của mình như thế.

Rồi để chứng minh mình là đứa trẻ biết tự lập, không cần học hành mà vẫn... sống, Truyện đã chấp nhận tìm cho mình cái bao lác và cây sắt uốn cong một đầu.

Truyện gia nhập đám trẻ sống bằng nghề lượm ve chai khắp khu chợ, bến đò, bến xe, bến phà, hàng quán...; từ Long Xuyên đến Bình Thủy (một xã nay thuộc huyện Châu Phú - An Giang).

Vừa lân la lượm ve chai bán cho các chủ vựa kiếm tiền xài, vừa ăn ngủ vật vờ bất cứ đâu, cứ như là trẻ lang thang vậy. Có khi, Truyện xin được vào bốc vác cho chủ vựa ve chai, nhưng có lẽ cũng vì tính tình ngông nghênh nên họ sớm cho Truyện thôi việc.

Năm Truyện 16 tuổi, sắp trở thành gã thanh niên thì ông Của bắt đầu cái tuổi trung niên, yếu hẳn đi vì bệnh tật. Nhưng lúc đó, ông cũng phải đu mình vắt vẻo bên cửa những chuyến xe đò từ Long Xuyên đi Sài Gòn để kiếm sống.

Cái nghề làm lơ xe của bố có vẻ lại thích hợp với Truyện. Ông Của thuyết phục Truyện bỏ cái nghề lượm ve chai, tụ tập ăn chơi để theo ông lao động kiếm sống, để còn phụ cho cha mẹ nuôi bốn đứa em gái đang xếp hàng chờ ăn, chờ mặc. Nghe xong lời phân tích của bố, lần đầu tiên sau nhiều năm bỏ học, Truyện đã nghe lời bố.

Cần nói cho rõ, từ trước đến nay, nhiều sách truyện, phim ảnh đều cho rằng ông Của, cha của BHĐ là một tướng cướp, rằng BHĐ đã “nối nghiệp” cha là hoàn toàn không chính xác. Theo tất cả tài liệu mà chúng tôi có thì ông Của là một người có nghề nghiệp như trên, không phải là một tướng cướp.

Truyện bắt đầu lênh đênh trên những chuyến xe đò cùa hãng xe Tam Hữu (Long Xuyên) chạy từ Long Xuyên về Sài Gòn. Có lẽ đây là một trong những ngã rẽ cuộc đời chàng thiếu niên Nguyễn Ngọc Truyện. Ông Của đâu ngờ khi ông muốn đứa con trai có nghề nghiệp đàng hoàng thì môi trường làm việc ấy đã khiến cho Truyện nghĩ khác, làm khác.

Bôn ba trên những chuyến xe, vào ra bến xe, bến phà, chợ búa, từ Long Xuyên đến Sài Gòn, Truyện đều tiếp xúc, đều chứng kiến quá nhiều “anh chị”, đại ca ở những nơi như thế.

Cái cảnh những đại ca, “cai” bến trong bến xe, bến đỗ dọc đường, quán cơm, hù dọa, thu tiền “bến”, móc túi trấn lột trắng trợn các chủ xe, tài xế, và cả hành khách ngày ngày đập vào mắt Truyện. Chính Truyện cũng ngày ngày phải nhảy xuống xe, khúm núm trước mặt các “cai” bến để đưa tiền “hụi” cho chủ xe hàng ngày.

Tất cả làm cho Truyện trở nên lỳ lợm, oán hận, nuốt sự tức giận vào lòng. Và Truyện nghĩ, cần phải “làm cái gì đó” để chống trả lại sự ức hiếp của đám lưu manh có ở khắp nơi, dọc con đường mà hàng ngày Truyện phải đi qua.

Máu anh hùng, lòng tự ái, tự trọng cứ lớn dần cùng với sự bốc đồng trong chàng trai trẻ đang tuổi ăn tuổi lớn. Truyện đã tìm đến những trang sách, những bộ phim bạo lực, võ thuật để học hỏi các bậc tiền bối trong đó.

Rồi Truyện đến một võ đường ở Thốt Nốt (nay là Cần Thơ, hồi đó vẫn thuộc An Giang - N.V) xin vào làm đệ tử. Nhưng không phải dễ dàng được học võ. Truyện đã từng kể với một cán bộ Ban chấp pháp của Ty An ninh Long Châu Hà (năm 1975) rằng thầy dạy võ ở võ đường khi đó đã từ chối nhận Truyện. Nhưng vì lòng kiên trì đeo bám xin học, vị sư phụ kia cũng miễn cưỡng nhận. Nhưng trước khi nhận, thầy này đã nói với Truyện:

- Ta dạy võ cho con rồi có ngày con sẽ “phản” lại ta thôi!

Có lẽ vị sư phụ muốn nói đến sự “phản” lại của võ sinh đối với môn phái, khi ông nhận ra trong ánh mắt của cậu thanh niên ẩn chứa quá nhiều thù hận, không lương thiện. Trong khi cái đạo cao quý nhất của người học võ là để rèn luyện sức khỏe, để giúp dân, giúp nước và làm việc nghĩa chứ không phải “phản” là đánh lại thầy.

Nếu những lời tâm sự của BHĐ đúng thì sư phụ của võ đường năm xưa đã không sai, nếu ông biết được quá trình phạm tội của đệ tử sau này ghê gớm đến nhường nào.

Nguyễn Ngọc Truyện làm lơ xe được khoảng ba năm. Ba năm ấy như là một “trường đời” khủng khiếp đã dạy cho Truyện một bản tính lạnh lùng, chịu đựng, liều lĩnh, bất cần. Nhưng quan trọng nhất, khi đã 17 tuổi, Truyện vẫn là một người lương thiện.

Bước sang tuổi 18 (có tài liệu ghi 19), Nguyễn Ngọc Truyện trở thành chàng thanh niên mạnh khỏe, cao ráo, đẹp trai, lanh lợi, còn người đàn bà đầu tiên trong đời là Hồ Thị Lãnh. Đây là người vợ đầu tiên của BHĐ. Bà Lãnh đã sinh cho Truyện hai đứa con trai kháu khỉnh.

Truyện theo về sống ở quê vợ tại Thốt Nốt. Ở đó, vừa trốn quân dịch, chạy xe lôi kiếm tiền nuôi vợ con. Truyện lúc đó vẫn là người cha, người chồng có trách nhiệm, chăm lo gia đình. Nhìn hai đứa con trai lớn lên, vợ chồng Truyện rất hạnh phúc.

Nhưng rồi nghề chạy xe lôi của Truyện không đủ nuôi gia đình. Con cái lại đau lên ốm xuống. Cứ mỗi lần con ốm, Truyện bỏ việc, bế con vào bệnh viện. Nhưng rồi bao nhiêu lần phải bế con về nhà nằm chờ... hết bệnh, vì không có tiền để trả viện phí. Ôm con trên tay, nhìn cảnh đời ngang trái vì con nhà người khác lại được nằm viện, được bác sĩ chăm sóc, Truyện càng thấm thía nỗi nhục của cái sự nghèo khó.

Truyện đã “nếm” mùi khổ sở của một kẻ sống đầu đường xó chợ, bị những tên anh chị khắp Long Xuyên, Sài Gòn, Sa Đéc, Cần Thơ bắt nạt, coi thường... Truyện vẫn chịu đựng được. Nhưng thấy con mình bị đối xử như thế, Truyện không cam lòng.

Tự đáy lòng của một người cha, Truyện thầm nghĩ phải để con mình được như những đứa trẻ khác. Truyện đưa vợ con quay về Long Xuyên sống và vẫn thuê một chiếc xe lôi để chạy kiếm tiền.

Khoảng năm 1970 - 1971, Truyện kết thân với những đứa bạn tại Long Xuyên như Nguyễn Văn Năng, Sơn, Tâm, Trung, Triệu... Đứa nào cũng nghề nghiệp bấp bênh. Cuộc sống đã quá đỗi cùng cực.

Truyện và những đứa bạn ngày ngày chứng kiến cảnh sống giàu có, xa hoa của một tầng lớp khác tại Long Xuyên. Những bộ áo quần, những chiếc xe gắn máy sang trọng, những chiếc tivi, máy nghe nhạc... của những người giàu có cứ lồ lộ như một giấc mơ, một sự thách thức đối với Truyện, Năng, Tâm, Sơn...

Tối tối về nhà, nhìn cảnh con cái nằm co quắp, nheo nhóc, áo quần nhem nhuốc, màn che muỗi cũng không đủ..., sự thôi thúc bước chân vào con đường tội lỗi càng lớn lên trong Truyện.

“Cho đến một ngày đầu năm 1971, đứa con đầu đau nặng, không có tiền mua thuốc, tôi phải trốn quân dịch nên không chạy xe lôi được nữa, tìm chỗ làm ở đâu cũng không được, quá cùng đường, tôi quyết định đi lấy trộm xe máy người ta dựng ngoài đường để bán lấy tiền...” - Bạch Hải Đường nói về ngày đầu tiên bước vào “nghề” bất lương như thế.

Những tháng “ra quân” đầu tiên của nhóm tội phạm này được BHĐ kể lại: “Đầu năm 1971, tôi và tên Tâm vô nhà của người Mỹ tại Long Xuyên tám lần, lấy được năm cái tivi, năm máy thâu băng, ba cái radio, ba máy ảnh, bốn thùng rượu, hai thùng thuốc lá Mỹ. Số tiền bán được khoảng 300 ngàn.

Tháng tư năm đó, tôi và tên Năng lấy được bảy chiếc xe máy của người dân để ngoài đường, bán được mỗi chiếc từ 20 đến 25 ngàn đồng. Qua tháng 5-1971, tôi và Năng lấy được có 20 xe máy...

Qua tháng 6-1971 bị chiến dịch truy quét, Tâm bị bắt. Tôi và Năng, Trung tạm thời lánh nạn một tháng. Qua tháng 7-1971, mấy đứa tôi lại đi lấy đồ người khác...” - BHĐ nhớ lại “thành tích” những ngày đầu y và đồng bọn “vào nghề” như thế.

Trong vòng ba tháng, BHĐ và đồng bọn đã gây ra một loạt vụ án, lấy được một số lớn tài sản trong thị xã Long Xuyên. Những năm sau đó, BHĐ đã gây ra bao nhiêu vụ án, lấy được bao nhiêu tài sản, đến nay vẫn là một dấu hỏi.

BHĐ chỉ khai “sơ sơ” trong hai năm, riêng nhà của chuyên gia, cố vấn nước ngoài cho chính quyền cũ tại Long Xuyên, y đã đột nhập hơn bốn mươi lần. Trong đó có nhà của cảnh sát, bác sĩ, sĩ quan pháo binh, thiết giáp, nhà của phi công, dân biểu hạ viện, căn cứ quân sự, kho xăng..., những nơi mà điều kiện về an ninh vô cùng nghiêm ngặt.

(Còn tiếp) 

Chat sex

“Dày ăn, mỏng làm”, thích ăn ngon mặc đẹp nhưng lười lao động, không ít cô gái trẻ tuổi hiện nay đang “bán trôn nuôi miệng”.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại