Sinh viên sợ hãi kể chuyện trộm cầm dao ghé thăm nhà

Vũ Minh |

(Soha.vn) - Gần cuối năm, sinh viên Hà Nội phải chống chọi với nạn trộm cắp, cướp giật táo tợn hoành hành khắp mọi nơi.

Trộm cầm dao hỏi thăm nhà

Càng gần Tết nạn trộm cắp càng nhiều, sinh viên là đối tượng dễ bị nhòm ngó, lừa đảo nhiều nhiều nhất. Bởi xóm trọ sinh viên nhiều người ra vào, dễ lợi dụng, rình mò, thâm nhập trộm cắp.

Trước khi “cuỗm” đồ đạc của sinh viên, các tên trộm thường thăm dò nơi ở, cũng như địa bàn ở khu vực nhà trọ của sinh viên một cách kỹ lưỡng. Hầu hết kẻ gian thường “tìm hiểu” vào giờ nghỉ trưa hoặc chập choạng tối.

“Mình vừa mở cửa thấy ngay một thanh niên đang ngó ở cửa, mình hỏi thì nam thanh niên đó không nói gì chỉ lẩm bẩm đe dọa và có ý định lao vào mình. Mình sợ quá hét toáng lên, tên trộm thấy thế chạy đi, tay đang cầm cái vật gì xoay xoay trong bàn, mình đoán đó là một con dao”. – Võ Khánh Ly (sinh viên năm nhất – ĐH Công Đoàn) kể lại trong nỗi sợ hãi.

Để thuận tiện và đột nhập nhanh, những tên trộm cắp thường có đồ nghề hiện đại như kìm bẻ khóa, thép mở khóa, kéo cắt cửa...và mặc đồ đen, hành xử chủ yếu vào buổi tối. Vì vậy mà bất kỳ loại khóa nào những tên trộm đó cũng có thể phá để vào phòng được.

Những tên trộm dễ dàng phá khóa cửa ở khu trụ của sinh viên để trộm đồ.

Bạn Thái Bình Dương – Sinh viên ĐH Hòa Bình trọ ở Mai Dịch kể lại sự việc mới xảy ra ở xóm trọ của mình: “Cách đây mấy hôm, xóm trọ mình phát hiện có hai nam thanh niên đang cắt khóa một phòng trọ, nghe thấy tiếng người, hai thanh niên vội vàng vứt lại hai kìm cắt khóa rồi bỏ chạy”.

Thời điểm tên trộm thăm dò ở các xóm trọ sinh viên là những lúc sinh viên đi học, hoặc những dịp lễ tết sinh viên về quê. Ngọc Thùy - sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên Truyền trọ ở một xóm trọ nhà dãy nhiều tầng ở khu vực đình làng Hậu gần trường, sau khi cả phòng rủ nhau ra ngoài ăn uống, trở về thì hai chiếc laptop bị biến mất, tiền trong ví cũng theo laptop mà đi.

Trộm cắp không chỉ dấy lên ở các xóm trọ sinh viên mà còn hoành hành ngay ngoài đường, nhất là những chỗ đông người và tụ điểm nhiều sinh viên.

Bạn Nguyễn Thị Tâm – Sinh viên ĐH Văn Hóa Hà Nội, bỏ ví trong túi áo đi mua sắm quần áo vỉa hè ở chùa Bộc vào buổi tối. Sau khi chăm chú xem, chọn quần áo, thò tay lấy ví trong túi thì hốt hoảng cái ví đã “không cánh mà bay” từ lúc nào không biết. Mọi giấy tờ tùy thân và số tiền 500 nghìn cũng đi theo chiếc ví, bạn chỉ biết đứng méo mặt mà không dám trách ai ngoài bản thân mình không cẩn thận.

Trộm cắp, cướp giật xảy ra như cơm bữa ở xóm trọ, trên xe buýt, chợ sinh viên... khiến sinh viên choáng váng. Không chỉ thế, một số bạn sinh viên còn sẽ gặp những chiêu lừa đảo vào dịp làm thêm cuối năm như: nộp khoản phí cao, quà cuối năm, trúng thưởng,..

Khánh Ly – ĐH Công Đoàn vừa tan học ra đến cổng trường thì gặp ngay một thanh niên chặn đường rồi mời chào: “Em có đi làm thêm không? Chiều nay đi đến cửa hàng anh làm đi, cửa hàng anh ở Ngã Tư Sở bán đồ công sở”.

Thấy không đáng tin cậy, Khánh Ly từ chối ngay lời mời, phản ứng nhanh nhẹn nam thanh niên lại tiếp tục dụ dỗ: “Buổi chiều em cũng có làm gì đâu? em ở nhà ngủ thì vô ích, đến làm cho anh đi, lương cao, có gì anh ký hợp đồng luôn, chỉ phải nộp 200 nghìn cho anh làm thủ tục thôi”- Khánh Ly sợ hãi bỏ chạy bởi lời mời mọc làm thêm quá đáng này.

Sinh viên hốt hoảng phòng ngừa trộm cắp

Bị trộm dòm ngó ngay trước cửa nhà, tối hôm đó xóm trọ của Khánh Ly huy động toàn bộ số khóa có trong nhà, khóa xe, khóa cửa cận thận. Không chỉ khóa toàn bộ tài sản, các bạn còn bật điện sáng cả đêm để yên tâm đi ngủ.

Còn xóm trọ của bạn Thái Bình Dương ở Mai Dịch đã có “truyền thống” mất trộm nên các bạn đều mang đồ giá trị đi theo người hoặc đảm bảo luôn có người ở nhà, chủ nhà đã phải thay khóa cổng, căn dặn các phòng khóa cửa cẩn thận.

Sinh viên đầu tư khóa an toàn, khóa dây để chống trộm.

Sinh viên đầu tư khóa an toàn, khóa dây để chống trộm.

Để phòng ngừa trộm cắp cuối năm, Dương chia sẻ: “Trộm như thế mình không yên tâm chút nào, tài sản có cái gì có thể mang đi đâu được thì mang chứ để ở nhà nó mà vào lấy đi thì không có gì để dùng. Mấy ngày hôm nay mình toàn phải mang máy tính đi theo người”.

Và để chống trộm với chiếc xe máy, tài sản quý giá nhất đã từng bị trộm tăm tia, bạn Minh Ngọc – ĐH Hòa Bình đã sắm thêm một chiếc khóa chữ U to đùng để khóa bánh sau lại mỗi khi bạn về tới nhà.

Còn Đỗ Phương – sinh viên CĐ Sư phạm Trung ương để tránh trộm lấy tiền cả tháng bố mẹ trợ cấp, Phương thiết kế thêm một chiếc túi bé phía trong quần để nhét tiền vào đó mỗi khi ra ngoài.

Dịp cuối năm là thời gian các tên trộm cần tiền, nên sẽ có hành động liều lĩnh để cướp giật, trộm cắp tài sản của tất cả mọi người nhất là đối tượng sinh viên. Hơn bao giờ hết, tất cả các bạn sinh viên phải tự cận thận bảo vệ đồ đạc cá nhân của mình nhất là các đồ dùng quý giá như điện thoại, laptop, ví tiền, xe máy.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại