Sinh viên ngành ngân hàng ra trường 2 năm vẫn chưa xin việc

kimngan |

(Soha.vn) - Ngân hàng tái cơ cấu, đào thải nhân viên, các trường không ngừng đào tạo dẫn đến sinh viên TC – NH bị “ế”.

Xin vào ngân hàng... ngày càng khó

Nguyễn T.Ngọc (sinh viên K47, ngành Tài chính Ngân hàng, ĐH Ngoại thương) ra trường với mong muốn xin được làm ở ngân hàng. Nhưng, tốt nghiệp từ tháng 6/2012 với tấm bằng khá nhưng Ngọc vẫn phải chấp nhận làm trái ngành ở công ty xuất nhập khẩu.

Gần 6 tháng đôn đáo “rải” hồ sơ nhiều nơi, Ngọc không ngờ tìm việc lại khó như thế này. “Ở đâu người ta cũng đòi hỏi kinh nghiệm từ 1 – 2 năm ở vị trí tín dụng hoặc khách hàng. Chúng em mới ra trường, dù tiếng anh có tốt nhưng vẫn bị “out”. Ngân hàng cổ phần đã khó vào chứ đừng nói đến ngân hàng quốc doanh lớn”, Ngọc chia sẻ.

Ngọc còn may mắn hơn rất nhiều bạn là xin được việc, đằng này Huyền cầm bằng khá khoa Tài chính – Ngân hàng, ĐH Thương Mại ra trường “chạy đua” vào ngân hàng suốt 2 năm nhưng vẫn thất nghiệp. Là người tỉnh lẻ lên thành phố, nhà không có tiền, không có “cơ” để xin việc nên trong 4 năm đại học, Huyền luôn phấn đấu, rèn luyện, trải nghiệm thực tế, năng động hơn với mong muốn làm đúng ngành mình mơ ước ở Hà Nội.

Nhưng Huyền đâu ngờ rằng xin việc ở thành phố lại chật vật đến như vậy. Cô cay đắng kể lại: “Lần đầu đi phỏng vấn tại một ngân hàng cổ phần tại Hà Nội, người tuyển dụng đã hỏi tôi rằng: “Nhà em có ai làm trong ngân hàng không? Bố mẹ làm nghề gì? Nhà có ở thành phố không?”. Và tôi trả lời rằng: “Không thưa chị, bố mẹ em chỉ là nông dân bình thường”. Sau đó, tôi biết, mình bị trượt”.

Thực tế cho thấy, đa số các ngân hàng tuyển dụng đều đòi hỏi ứng viên có kinh nghiệm từ 1 -2 năm, yêu cầu cao ngoài về học tập, tiếng anh, còn có ngân hàng đòi hỏi nữ cao trên 1 mét 6. Ở vị trí thấp nhất mới vào là tín dụng và khách hàng không đòi hỏi kinh nghiệm nhưng yêu cầu doanh số cao trong một tháng, nhiều sinh viên mới ra trường… khó mà đạt được chỉ tiêu đó.

“Bạn mình xin vào làm tín dụng, nhưng họ áp doanh số cao quá, “out” ra nhiều, gây ra áp lực nên tự đào thải thôi. Nếu làm vị trí chuyên ngành kế toán, tài chính thì đòi hỏi kinh nghiệm”, Phương – tốt nghiệp khoa Tài chính Doanh nghiệp, Học viện Ngân hàng chia sẻ.

Bản thân Phương cũng đang làm ở một công ty bất động sản. Phương nói rằng: “Hiện nay, xin vào ngân hàng rất khó, cạnh tranh rất cao. Mình đã gửi 3 – 4 hồ sơ nhưng không được. Dự định mình sẽ làm ngoài một năm, sau này sẽ xin vào ngân hàng làm đúng ngành nghề mình yêu thích”.

Nhân lực giảm xuống nhưng đào tạo thì không ngừng

Đó là ý kiến của TS. Đặng Ngọc Đức (Phó Viện trưởng Viện Ngân hàng Tài chính, ĐH Kinh tế Quốc dân) trong buổi trao đổi với PV Soha News về vấn đề dự báo năm 2013, hơn 10 nghìn sinh viên ngành tài chính ngân hàng sẽ thất nghiệp hoặc làm trái ngành.

Sinh viên ngành ngân hàng ra trường 2 năm vẫn chưa xin việc 1
Phó Viện trưởng Viện Ngân hàng -Tài chính, ĐH Kinh tế Quốc dân (ảnh Thiên Di).

Lý giải về thực trạng đó, Tiến sỹ Ngọc Đức đưa ra 3 nguyên nhân cơ bản:

Thứ nhất, giai đoạn vừa qua ngành ngân hàng bùng nổ, có thu nhập cao do đó thu hút rất nhiều người, ngành ngân hàng trở nên “đắt khách”. Ngành nào cũng thế, phát triển đến mức nào đó cũng phải “bão hòa” vì nó phụ thuộc vào nền kinh tế. Bối cảnh nền kinh tế giảm sút thì đương nhiên ngành ngân hàng cũng giảm xuống.

Nguồn nhân lực của hệ thống ngân hàng hiện nay đang có xu hướng giảm thấp xuống. Do quy mô hoạt động của ngân hàng hẹp lại, nhiều ngân hàng phải sắp xếp, cơ cấu lại, sáp nhập hoặc hợp nhất lại với nhau. Nhu cầu của nguồn nhân lực có thể giữ nguyên hoặc giảm xuống trong khi đào tạo thì không ngừng. Đây là bất cập!

Thứ 2 là hướng nghiệp của xã hội bao gồm cả cha mẹ, học sinh, sinh viên. Họ chỉ hướng nghiệp theo cái trước mắt chứ không phải lâu dài. Cứ thấy ngành nào hot, thu nhập cao là đổ xô vào, nhưng không nghĩ rằng 5 năm, 10 năm nữa… nền kinh tế cơ cấu sẽ thay đổi như thế nào. Đa số là bố mẹ làm trong ngành ngân hàng đều hướng con thi ngân hàng.

Thứ 3 là định hướng của nền kinh tế của xã hội, nhà nước. Ở nước ngoài, người ta hướng nghiệp từ năm cấp 3, được chia làm 3 nhóm. Để giải quyết triệt để vấn đề này nhà nước, phụ huynh, học sinh phải có định hướng chuẩn cho nghề nghiệp tương lai, lâu dài.

Không nhất thiết làm ngân hàng mới là đúng ngành

Đưa ra quan điểm lý giải tại sao sinh viên mới ra trường khó khăn trong việc xin vào ngân hàng, Phó Viện trưởng nói:

Thứ nhất, do thực tế, các ngành ngân hàng thắt chặt, giảm biên chế ngay cả ở ngân hàng quốc doanh. Họ đặt chỉ tiêu mỗi phòng giảm bao nhiêu phần trăm, thậm chí những nhân viên được đào tạo một thời gian cũng có thể bị đào thải.

Thứ hai, do các ngân hàng đều yêu cầu ứng viên có kinh nghiệm làm từ 1 – 2 năm. Nhưng sinh viên thì làm sao có kinh nghiệm?

Một là, chúng tôi không được hỗ trợ từ các ngân hàng, doanh nghiệp. Trong thời gian thực tập không cho các em làm thì không thể có kinh nghiệm. Nhận các em vào thực tập nhưng cho làm không là chuyện khác. Và đặc biệt là các em không được tiếp xúc với nguồn số liệu thực. Vì vậy, kinh nghiệm thực tiễn bị trống, thiếu.

Các trường đại học trên thế giới hình thành trung tâm đào tạo hướng nghiệp có hệ thống ngân hàng, sàn chứng khoán ảo, nhưng tác nghiệp thực tế vẫn ít. Còn ở Việt Nam thì đào tạo quá tải nên chất lượng đào tạo có vấn đề.

Sinh viên ngành ngân hàng ra trường 2 năm vẫn chưa xin việc 2
Sinh viên ngành NH -TC nên ý thức rèn luyện học hỏi, nghiên cứu để có nhiều cơ hội làm việc hơn (ảnh minh họa).

Hai là, ý thức sinh viên chưa có. Sinh viên phải tự giác học tập, tìm tòi, nghiên cứu… Đa số các em chưa tự giác, không nhận thức, bình luận về vấn đề được đưa ra bàn.

Thay cho lời kết, tiến sỹ Đặng Ngọc Đức đưa ra lời khuyên cho sinh viên ngành NH –TC đó là: “Những người được đào tạo ngành tài chính ngân hàng không nhất thiết làm việc trong các ngân hàng mới được gọi là đúng nghề. Họ có thể làm cả trong lĩnh vực doanh nghiệp để quản lý tài chính, thậm chí là tự tổ chức cơ sở sản xuất kinh doanh, phát huy những gì bạn được đào tạo. Bởi hệ thống doanh nghiệp ở Việt Nam hiện nay rất yếu quản lý kinh tế (yếu nhất quản lý tài chính). Và đây cũng chính là cơ hội các doanh nghiệp nâng cao về mặt quản lý tài chính bằng cách là tuyển dụng các sinh viên được đào tạo ngành TC – NH."

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại