Núi rừng Mường Phăng, non nước Điện Biên vẫn nhớ về Đại tướng

Nguyễn Huệ |

(Soha.vn) - Tên tuổi của Đại tướng đã gắn liền với Điện Biên nên mỗi lần nhắc tới Điện Biên là cả thế giới đều nhắc tới Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Với mỗi người dân tỉnh Điện Biên, từ lâu trong tâm thức của họ luôn tâm niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã gắn liền với mảnh đất này, nơi Đại tướng đã sống những ngày “máu trộn bùn non” để làm nên một chiến công vang dội khắp hoàn cầu. Còn với Mường Phăng, nơi có Sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ, Đại tướng đã giúp họ xây cái nhà, lợp cái mái ngói… và họ coi Đại tướng như người thân của mình. Chính vì thế sự ra đi của Đại tướng khiến những người dân nơi đây cảm thấy như có hòn đá nặng đè lên trái tim.

Tuổi trẻ Mường Phăng nghẹn ngào đứng trước dòng chữ Võ Nguyên Giáp do chính tay họ xếp thành từ hoa lá của núi rừng, mỗi người như thấy mình đang đứng trước linh cữu của vị anh hùng dân tộc.
Tuổi trẻ Mường Phăng nghẹn ngào đứng trước dòng chữ Võ Nguyên Giáp do chính tay họ xếp thành từ hoa lá của núi rừng, mỗi người như thấy mình đang đứng trước linh cữu của vị anh hùng dân tộc.

Những ngày này, núi rừng Mường Phăng, non nước Điện Biên vẫn thầm lặng trong nỗi nhớ Đại tướng. Là một người “canh giữ” nhiều những kỉ vật liên quan tới người anh cả của Quân đội nhân dân Việt nam, ông Vũ Nam Hải – Giám đốc Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ đã chia sẻ: “Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ liên quan tới chiến dịch Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, trong đó có sự đóng góp rất lớn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Tên tuổi của Người đã gắn liền với Điện Biên nên mỗi lần nhắc tới Điện Biên là không chỉ có dân tộc Việt Nam mà cả thế giới đều nhắc tới Đại tướng”.

Ông Hải cho biết thêm: “Sau khi Đại tướng mất, lượng khách tham quan bảo tàng cũng tăng lên. Vì trong không khí đau thương của cả dân tộc những ngày đưa tiễn Đại tướng về với đất mẹ Quảng Bình, tôi cũng tổ chức lập hai bàn thờ Đại tướng. Thứ nhất là tại đồi E của trung tâm cựu chiến binh. Khu vực này trước đây lượng khách ít nhưng sau khi lập bàn thờ Đại tướng tại đây, lượng khách tham quan và lên viếng người cũng đông hơn.

Trên đó, chúng tôi cũng cho trưng bày toàn bộ hiện vật, tư liệu của hội Cựu chiến binh 62 tỉnh thành tặng cho Điện Biên.

Sau nữa, tôi cũng cho đặt bàn thờ Đại tướng tại Sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, ngay trong phòng đón tiếp khách. Sau khi đưa tang Đại tướng, chúng tôi cho chuyển bàn thờ lên tầng hai cho tới bây giờ. Khách tới tham quan khu di tích vẫn hỏi và tới thắp hương Đại tướng.

Nhân dịp kỉ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 – 7/5/2014), tỉnh Điện Biên cũng có đề án, thành lập các phòng ban để tổ chức các hoạt động chuẩn bị cho ngày này”.

Đại tướng đã ra đi, chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ đã là một kí ức, nhưng mỗi hiện vật, kỉ vật, tư liệu, tài liệu liên quan tới con người ấy, chiến dịch ấy luôn là những câu chuyện đầy xúc động.

Ông Vũ Nam Hải – Giám đốc Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (tỉnh Điện Biên)
Ông Vũ Nam Hải – Giám đốc Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (tỉnh Điện Biên)

Bằng những tình cảm thiêng liêng nhất dành cho Đại tướng, ông Hải nói: “Tôi cũng đã đi khảo sát và dự định sẽ làm 4 việc trong thời gian tới để tướng nhớ Đại tướng. Thứ nhất, chuẩn bị vào khoảng trung tuần tháng 3/2014 sẽ tổ chức một cuộc triển lãm ảnh và tư liệu về Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Hiện tại, chúng tôi có hai bộ ảnh: Một là:“101 khoảnh khắc về vị tướng huyền thoại Võ Nguyên Giáp” do ông Triệu Tuấn tặng; hai là, bộ ảnh về Đại tướng – Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp do Cục Thông tin đối ngoại của Bộ thông tin và Truyền thông tặng. Cùng một số ảnh tư liệu và những ảnh Đại tướng lên Điện Biên tham quan và thăm lại chiến trường xưa và một số hiện vật liên quan tới Đại tướng.

Thứ hai, tôi sẽ tham mưu, đề xuất với ngành chức năng đặt tên một con đường ở Điện Biên mang tên Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Hiện tại, tôi đang nghiên cứu để tìm được con đường mang “trọng trách” đó.

Thứ ba, tôi sẽ tham mưu lên tỉnh và các ngành chức năng xây dựng một đài tưởng niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại khu di tích Mường Phăng.

Thứ tư, về lâu dài, tôi sẽ trình các đơn vị chức năng xây dựng một tượng đài về Đại tướng ở tỉnh Điện Biên”.

Đông đảo các cơ quan, đoàn thể, người dân Điện Biên tới viếng Đại tướng trên đồi E2 (TP Điện Biên Phủ).
Đông đảo các cơ quan, đoàn thể, người dân Điện Biên tới viếng Đại tướng trên đồi E2 (TP Điện Biên Phủ).

Và để mỗi du khách khi tới với các di tích lịch sử trên mảnh đất Điện Biên sẽ không bao giờ quên một người con của dân tộc mà chiến công của ông đã hòa cùng với mảnh đất này, vị giám đốc bảo tàng cho biết, từ ngày 21/10, bảo tàng đã tổ chức lớp học nghiệp vụ trưng tập được 65 học viên. Trong đó, lấy nòng cốt là nhân viên trong bảo tàng và một số nhân viên trong ngành văn hóa, một số tình nguyện viên là sinh viên các trường cao đẳng, trung cấp trên địa bàn tỉnh ra trường nhưng chưa tìm được việc làm. Chương trình học sẽ kéo dài trong một tuần và tài liệu học tập đã được giám đốc bảo tàng chỉnh lí lại và nhấn thêm về Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại