Sau tiêm phòng bao lâu trẻ sẽ không lây sởi?

Để bệnh nhân lây chéo trong bệnh viện và tử vong khi đã được điều trị là điều cần phải rút kinh nghiệm sâu sắc. Đây là vấn đề nghiêm trọng trong ngành y.

Trả lời PV, GS.TS Lê Đăng Hà, nguyên Viện trưởng Viện Y học lâm sàng các bệnh nhiệt đới cho biết từ 7-10 ngày sau tiêm vaccine sởi, cơ thể trẻ đã có thể miễn dịch.

Trẻ chưa tiêm phòng phải tiêm sớm

Theo GS Lê Đăng Hà, các bé bỏ không tiêm sởi khi 9 tháng, cần phải đưa đi tiêm phòng sớm ngày nào hay ngày đó. Trước khi cơ thể bé có thể tự phòng vệ với bệnh sởi, cần hạn chế cho bé đi tới các nơi đông người để tránh bị lây nhiễm.

Nếu tuân thủ đúng kỳ tiêm chủng. 9 tháng tiêm mũi 1, 18 tháng tiêm mũi 2, vaccines tốt và được bảo quản đúng cách thì tỷ lệ mắc sởi là cực thấp. Khi trẻ tiêm mũi 1, khả năng miễn dịch với bệnh sởi đã đạt 90%.

Tức là từ 7 - 10 ngày sau tiêm vaccine, khả năng lây nhiễm sởi của bé ở mức 10%. Vì vậy, để củng cố miễn dịch, các bé cần tiêm nhắc lại mũi 2. Trẻ đã tiêm 2 mũi vaccine sởi có tỷ lệ miễn dịch đạt tới 99%.

GS Lê Đăng Hà dự đoán, quy luật bùng phát dịch sởi là vào mùa Đông - Xuân, vì vậy, nếu không có gì đột biến, cùng với chiến dịch tiêm miễn phí vacccine cho trẻ chưa tiêm phòng đang được Hà Nội triển khai rốt ráo, nhiều khả năng dịch sởi sẽ được kiềm chế trong tháng tới.

Phải chấm dứt lây chéo trong bệnh viện

Tuy nhiên, điều mà vị giáo sư đã từng có công lớn trong việc chặn đứng đại dịch Sars lo lắng hiện giờ là nguy cơ lây chéo giữa các bệnh nhân trong bệnh viện. Nếu cách ly, điều trị không tốt, không đúng phác đồ, chúng ta có thể có thêm các bệnh nhi tử vong mới, GS Hà nói.

Từ hôm qua (20/4), tại hầu hết các phường trên địa bàn Hà Nội, cán bộ phường đã đi từng nhà hoặc dán thông báo tiêm miễn phí vaccines sởi cho trẻ dưới 6 tuổi tại các khu dân cư nhằm khuyến khích các gia đình đưa trẻ đi tiêm tại Trung tâm Y tế Dự phòng Hà Nội (70 Nguyễn Chí Thanh).

Hiện số trường hợp mắc sởi của Hà Nội chiếm 30% trong tổng số ca của cả nước và tỷ lệ tử vong chiếm tới 50%.

Nếu quá tải, Hà Nội sẽ bổ sung điểm tiêm miễn phí khác. Trong 10 ngày gần đây, trung bình mỗi ngày thành phố có từ 20-22 trường hợp mắc mới bệnh sởi.

Theo GS Hà, Bộ Y tế và các cơ quan truyền thông phải xem lại cách tuyên truyền về bệnh sởi cho người dân, để họ không chậm trễ tiêm phòng và hiểu bệnh sởi có thể biến chứng.

Với kinh nghiệm từng chữa cho không dưới 10 nghìn bệnh nhân sởi, GS Hà cho biết: Sởi bao giờ cũng mọc từ đỉnh trán rồi lan dần xuống toàn thân. Ngày thứ nhất mọc đến cổ, ngày thứ hai mọc đến ngực, ngày thứ ba mọc đến tay, ngày thứ tư mọc ở chân. Nếu không mọc đúng theo theo quy tắc này thì không phải là sởi.

Nếu sởi mọc hết ra ngoài, mọc dầy thì nhẹ, không nguy hiểm, sau đó người mắc bệnh sẽ tự khỏi.

Nhưng nếu các nốt sởi chỉ mọc lưa thưa, hay mọc nửa người mà không lan xuống chân, mới đáng lo. Lúc đó sẽ cần phải đưa trẻ đi khám xem có bị sốt cao không, có vấn đề gì về phổi không. Nếu sau 5 ngày, trẻ đã hạ sốt mà bỗng nhiên sốt trở lại, thì hoặc là viêm tai, hai là viêm phổi, chắc chắn có biến chứng.

Những hình ảnh ghi nhận về bệnh sởi ở Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội).

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại