Resort vắng khách: Mặc cho nhện giăng tơ bắt muỗi

Hoàng Sơn |

(Soha.vn) - Thiếu quy hoạch, thiếu tầm nhìn, manh mún, chất lượng dịch vụ kém… đó là những nguyên nhân khiến một số resort nội địa đang bị khách du lịch dần quay lưng.

Từ cạnh tranh khốc liệt

Nếu như 10 năm về trước, resort còn là một khái niệm xa lạ với nhiều người, thì giờ đây nó đã trở nên quen thuộc, thậm chí không thể thiếu mỗi khi nhắc đến trong các tour du lịch.

Được phát triển một cách tổng thể với nhà hàng, khách sạn, hồ bơi, nhân viên phục vụ, hệ thống trang thiết bị, cây cảnh, vườn tược, bãi tắm, khu vui chơi, giải trí..., trên thực tế, resort là một loại hình tỏ ra khá phù hợp với Việt Nam – vốn được thiên nhiên ưu đãi nhiều lợi thế để phát triển du lịch, đặc biệt là thế mạnh về bờ biển và rừng.

Năm 1997, resort đầu tiên tại Việt Nam được đầu tư xây dựng và đưa vào hoạt động là ‘Coco Beach resort’ được đầu tư khai thác từ sự kiện nhật thực diễn ra tại bãi biển Mũi Né, Phan Thiết (tỉnh Bình Thuận), với quy mô ban đầu khá khiêm tốn chỉ với 34 phòng ngủ.

Từ đó đến nay, dù chưa có thống kê đầy đủ và chính thức, nhưng con số các resort lớn và nhỏ (thường tập trung ở các địa phương có tiềm năng du lịch) được xây dựng và đưa vào hoạt động trải dài suốt từ Bắc vào Nam không dưới hàng trăm, đó là chưa kể đến các khu du lịch sinh thái có quy mô nhỏ.

Có thể liệt kê những thương hiệu resort khá nổi tiếng như Furama (Đà Nẵng), Sài Gòn - Phú Quốc (Kiên Giang), Ana Mandara, Vin Pearl (Nha Trang – Khánh Hòa), Victoria, Sài Gòn - Mũi Né, Palmira, Blue Ocean, Coco Beach, Sea Horse, Phú Hải Resort… (Phan Thiết – Bình Thuận), Life Resort (Quy Nhơn – Bình Định), An Bình Resort, Long Hải Resort…(Bà Rịa – Vũng Tàu), Hội An Riverside (Quảng Nam)…

Mỗi resort đều có thế mạnh riêng, từ việc thiết kế, sản phẩm, dịch vụ, phong cách phục vụ cho đến những chương trình khuyến mãi, quảng bá, làm đa dạng, phong phú loại hình du lịch, vui chơi giải trí tại Việt Nam.

Một góc bể bơi nằm trong hệ thống resort Mũi Né.
Một góc bể bơi nằm trong hệ thống resort Mũi Né.

Tuy nhiên, cùng với sự phát triển về mặt số lượng thì sự cạnh tranh giữa các resort về chất lượng, dịch vụ, giá cả, nguồn khách… cũng ngày càng gay gắt hơn. Hiện nay, resort không còn là ‘sân chơi tự do’ và có phần ‘dễ chịu’ như vài năm trở về trước nữa, nó đã bắt đầu có sự chọn lọc khốc liệt, trong đó quyết định đến sự ‘sống còn’ của các resort lại chính là các du khách.

Thực tế thì các điểm du lịch hấp dẫn mang tính truyền thống và được ‘thiên nhiên ưu đãi’ như Phú Quốc, Đà Nẵng, Quy Nhơn, Hội An, Mũi Né, Nha Trang, Côn Đảo… vẫn là điểm đến được nhiều du khách lựa chọn, song điều đó không có nghĩa là những resort được đầu tư xây dựng tại đây không phải chịu những sức ép lớn.

Làm thế nào để giữ chân du khách và phát triển mang tính bền vững đang là vấn đề được đặt ra với các địa điểm du lịch trọng điểm này. Có một thực trạng chung là không phải lúc nào các resort lớn ở đây cũng hoạt động hết công suất, trừ những kì nghỉ, lễ tết hay theo mùa vụ, còn lại những ngày bình thường các resort này chỉ hoạt động cầm chừng với số lượng khách du lịch (cả nội địa lẫn nước ngoài) hết sức khiêm tốn.

Thêm vào đó, cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay cũng tác động lớn đến hoạt động kinh doanh của các resort khi mà người dân buộc phải tiết kiệm trong chi tiêu, cắt giảm những chi phí không quá cần thiết, trong đó có du lịch. Điều đó khiến các tổ chức, cá nhân đầu tư vào resort không còn dám ‘mạnh tay’ như trước mà buộc phải e dè tính toán.

Đến ngấp nghé phá sản

Bên cạnh những resort vẫn ‘ăn nên làm ra’ nhờ thế mạnh về vị trí địa lý, cơ sở vật chất, chất lượng dịch vụ tốt thì cũng có không ít resort điêu đứng, ngấp nghé bên bờ vực phá sản vì không thu hút được khách du lịch.

Được xem là một trong những resort có ‘tuổi đời’ lớn nhất ở Ninh Bình, nhưng giờ đây ‘Vân Long resort’ (Gia Viễn – Ninh Bình) lại lâm vào tình thế bi đát nhất: hoạt động cầm chừng vì không có khách du lịch và ngấp nghé bên bờ vực phá sản.

Là nơi hội tụ được khá nhiều các lợi thế để phát triển du lịch như: gần khu du lịch sinh thái đầm ngập nước Vân Long, gần các di tích như chùa Bái Đính, chùa Địch Lộng, nằm sát Tràng An và Tam Cốc – Bích Động, và nhất là lại gần tuyến quốc lộ 1A – thuận tiện cho giao thông đi lại, song sau hàng loạt những quảng cáo rầm rộ một thời, ‘Vân Long resort’ đang khiến nhiều du khách quay lưng bởi chất lượng dịch vụ quá kém.

Khu resort Vân Long là một trong những resort ra đời sớm nhất ở Ninh Bình nhưng giờ chỉ hoạt động cầm chừng vì không có khách.
Khu resort Vân Long là một trong những resort ra đời sớm nhất ở Ninh Bình nhưng giờ chỉ hoạt động cầm chừng vì không có khách.

‘Khách sạn ma’ – đó là cụm từ mà những du khách từng đến ‘Vân Long resort’ nhận xét khi mà cả một hệ thống tổng thể bao gồm khách sạn, nhà hàng, bề bơi, khu vui chơi – giải trí… được đầu tư hàng trăm tỷ đồng nằm im lìm không một bóng người, gần như bỏ hoang để mặc nắng mưa và… nhện giăng tơ bắt muỗi!

Trong vai khách đi du lịch, khi vào khu resort Vân Long chúng tôi rất ngạc nhiên phong cách phục vụ ‘không giống ai’ ở đây: phòng lễ tân khách sạn bỏ trống, không ai trực. Sau hàng tiếng đồng hồ mới thấy nhân viên khách sạn uể oải bước ra với câu hỏi mở đầu: “Các anh cần gì?”. Càng ngạc nhiên hơn nữa khi dù đang là kì nghỉ nhưng khách sạn vắng lặng, chỉ lác đác một vài khách trọ.

Dù đang là kì nghỉ lễ 30/4 nhưng khách sạn vắng hoe.
Dù đang là kì nghỉ lễ 30/4 nhưng khách sạn vắng hoe.

Phải mất thêm gần 30 phút chúng tôi mới có thể chọn được một phòng ở khách sạn bởi lý do phòng thì bụi bẩn, phòng thì mất điện, phòng thì mất nước, phòng thì không có điều hòa,…

Như để giải thích thắc mắc của chúng tôi, lễ tân khách sạn cười: “Các anh thông cảm cho, tại khách sạn lâu nay không có khách, không có người ở nên nó… thành ra thế đấy. Các anh ở được thì ở…”. Cũng theo nhân viên khách sạn, tình trạng trên đã diễn ra từ nhiều năm nay, chủ đầu tư cũng chẳng để ý đến nữa, gần như hoạt động cầm chừng vậy, nhiều lúc bỏ hoang.

Phòng lễ tân bụi bặm, không có nhân viên lễ tân lẫn nhân viên bảo vệ trực. Nhiều du khách rất bức xúc với phong cách phục vụ 'không giống ai' của nhân viên khách sạn này.
Phòng lễ tân bụi bặm, không có nhân viên lễ tân lẫn nhân viên bảo vệ trực. Nhiều du khách rất bức xúc với phong cách phục vụ 'không giống ai' của nhân viên khách sạn này.

Anh Đinh Văn Thanh (30 tuổi, trú xã Gia Vân, Gia Viễn, Ninh Bình), một trong những người được chủ đầu tư thuê để xây dựng khách sạn Vân Long từ những ngày đầu cho biết: “Trước kia khu resort này hoành tráng lắm, khi chưa có khu Tràng An thì đây là địa điểm nhất của đất Ninh Bình đấy. Nhưng giờ thì chuẩn bị phá sản rồi.

Chắc các anh ở xa đến nên không biết chứ khách du lịch hay đến Ninh Bình giờ họ ‘kiềng’ khách sạn này ra rồi. Phục vụ kém như thế thì ai còn đến nữa. Lúc trả phòng để đi ai cũng bảo họ bị lừa…”.

Thực tế không chỉ khu resort Vân Long (Ninh Bình) lâm vào tình thế ‘dở sống dở chết’ mà rất nhiều khu resort ở một số địa phương khác cũng đang lâm vào hoàn cảnh tương tự. Những resort này thường rơi vào những trường hợp khi đầu tư xây dựng thiếu quy hoạch, thiếu tầm nhìn, manh mún, chất lượng dịch vụ kém,… khiến khách du lịch dần quay lưng lại.

Đã không ít nhà đầu tư phải ngậm ngùi chia tay ‘sân chơi’ resort hoặc chuyển đổi mục đích sử dụng sang lĩnh vực khác vì không thu hút được khách du lịch. Để đầu tư phát triển resort, vị trí địa lý đẹp, gần các địa điểm du lịch hấp dẫn, vốn đầu tư lớn,… là những điều kiện cần thiết, song chưa đủ. Yếu tố con người rất quan trọng.

Xu thế phát triển các resort hiện nay đang dần hướng đến chiều sâu, đáp ứng nhu cầu và thị hiếu của du khách một cách đầy đủ và tốt nhất, nó không còn là ‘phong trào’ như trước. Và càng không phải là câu chuyện ‘thấy người ăn khoai cũng… vác mai đi đào’!

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại