Nỗi lòng người mẹ có con làm nhiệm vụ trên tàu CSB 8001

Hải Nguyên |

(Soha.vn) - Hai lần vào gặp con dâu tương lai, bà Kim Anh đều đi 1 mình. Con trai bà đang làm nhiệm vụ trên tàu CSB 8001 tại nơi TQ hạ đặt giàn khoan trái phép vào vùng biển VN.

Khi xem truyền hình, thấy cảnh tàu hải cảnh của Trung Quốc truy đuổi và áp sát tàu Cảnh sát biển của Việt Nam, bà Đỗ Kim Anh (khu tập thể Công ty Cổ phần Cơ khí Đại Mỗ, tổ dân phố Nhuệ Giang, phường Tây Mỗ, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) dù rất lo lắng nhưng vẫn cố gắng giữ bình tĩnh để chứng kiến hết sự kiên cường, khéo léo của con trai và đồng đội đang làm nhiệm vụ trên các tàu cảnh sát biển. Dù rất tự hào về nhiệm vụ cao cả của con nhưng khi chỉ có một mình, bà đã khóc rất nhiều vì nhớ con trai. Rồi bà vội nhắn tin động viên "con dâu tương lai". "Con dâu tương lai" là cách gọi thân mật của bà Kim Anh dành cho Trần Nguyễn Nhật Linh (SN 1990, Tây Ninh), là người yêu của trung úy Trần Trường Giang.

Hiện tại, trung úy Trần Trường Giang (SN 1985) đang làm nhiệm vụ trên tàu CSB 8001 tại vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, nơi Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981.

Mỗi lần nhắc tới con trai bà Kim Anh đều khóc
Mỗi lần nhắc tới con trai bà Kim Anh đều khóc

Trong ký ức của bà Kim Anh, lúc nào cuộc điện thoại của con trai trước ngày lên đường làm nhiệm vụ cũng như còn văng vẳng bên tai với những lời dặn dò mẹ giữ gìn sức khỏe. Nhưng bà đâu ngờ, sau đó, mỗi khi bà gọi điện cho con chỉ là những tiếng tút dài. Càng bất ngờ hơn khi bà nghe tin con đang thực thi nhiệm vụ tại tàu CSB 8001. Lúc hay tin ấy, bà Kim Anh đã òa khóc.

Đôi mắt đỏ hoe, bà Kim Anh cúi xuống để ngăn dòng lệ nhưng bà không ngăn nổi tiếng nói nghẹn ngào phía sau những lo toan: “Lần đầu con đi công tác xa như vậy nhưng tôi lại không dặn dò được nhiều. Nếu biết con đi công tác ngoài Hoàng Sa tôi sẽ dặn con nhiều hơn. Vì nó có nói cho tôi là nó đi làm nhiệm vụ tại khu vực đó đâu. Từ nhỏ, Giang không chỉ là người con mà còn là người bạn chia sẻ với tôi mọi khó khăn trong cuộc sống. Giờ mỗi lần mở điện thoại, tôi chỉ mong có con sóng nào đó đưa tin con về bên cạnh tôi”.

Cầm trên tay bức ảnh trung úy Trần Trường Giang ngày mới nhập học, bà Kim Anh không khỏi tự hào. Sinh con và đặt tên Trường Giang, bà không nghĩ cuộc đời đứa con trai duy nhất sẽ gắn liền với tiếng sóng biển Đông.

Trung úy Trần Trường Giang khi mới đi học
Trung úy Trần Trường Giang khi mới đi học

Học xong THPT, năm 2004, Trần Trường Giang thi đỗ vào Học viện Khoa học quân sự, khoa tiếng Trung. Năm 2009, Giang ra trường, được điều về công tác tại Phòng Pháp luật, Vùng 3, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển. Ngày 22/11/2012, anh cùng đồng đội dũng cảm, mưu trí, bắt sống 11 tên cướp biển quốc tế, lập chiến công xuất sắc, được lãnh đạo Đảng, Nhà nước, quân đội biểu dương, khen thưởng. Lần về nhà gần đây nhất là đợt nghỉ phép cuối năm 2013, Giang chỉ kịp giúp mẹ sửa lại mái nhà bị dột, mua những tấm xốp để ốp xung quanh nhà cho đỡ nóng.

Nhắc lại những lần gặp con, bà Kim Anh lại nghẹn ngào trong câu chuyện đi hỏi cưới cho con chỉ có một mình.

“Nghe tin con có người yêu, gia đình tôi ai cũng mừng. Sau Tết tôi vào Sài Gòn để xin phép gia đình nhà gái cho đôi trẻ được tìm hiểu nhau. Thế nhưng, vào đến nơi thì Giang đã cùng đơn vị đi công tác ngoài biển nên chỉ mình tôi vào xem mặt con dâu tương lai. Lần thứ hai là vào dịp 30/4, Giang cũng hẹn tôi cùng nó vào đó xin cưới. Nhưng cũng như lần trước, tôi chỉ kịp gặp con trên tàu rồi nó lại cùng đồng đội nhanh chóng ra khơi làm nhiệm vụ đột xuất. Hai lần đi qua những rặng cao su để vào nhà bạn gái của con là cháu Trần Nguyễn Nhật Linh, lòng tôi buồn và sống mũi cay cay. Nhưng tôi hiểu đó là nhiệm vụ của con trai mình và gia đình cháu Linh cũng thông cảm vì điều đó. Giang cũng hẹn mua nhẫn cưới cho Linh nhưng mãi vẫn chưa thực hiện được”, bà Kim Anh tâm sự khi cho chúng tôi đọc những dòng tin nhắn hỏi thăm của con dâu tương lai gửi tới mình.

Trong căn nhà cấp 4 với 4 bức tường được ốp bằng những miếng xốp, mặc dù không có con trai bên cạnh nhưng “hơi ấm” của tình làng nghĩa xóm vẫn nhóm lên cùng niềm tin của từng thành viên trong gia đình bà Kim Anh vào ngày con trai mang nhẫn cưới tới trao cho Linh.

Cái tình làng nghĩa xóm ấy được bà Kim Anh vô cùng trân trọng. “Những ngày mưa bão, mọi người ở đây, từ cán bộ địa phương tới người dân đều tới thăm hỏi gia đình. Thậm chí sự thăm hỏi ấy còn đến ngay lúc giông bão”, bà Kim Anh tâm sự.

Mọi người ở tổ dân phố Nhuệ Giang chuẩn bị đồ để bà Kim Anh mang vào Đà Nẵng cho Trung úy Giang và đồng đội của anh
Mọi người ở tổ dân phố Nhuệ Giang chuẩn bị đồ để bà Kim Anh mang vào Đà Nẵng cho Trung úy Giang và đồng đội của anh

“Tôi luôn muốn gửi tới con và đồng đội của con lời nhắn nhủ các con hãy yên tâm công tác. Bố mẹ ở nhà đã có hàng xóm, láng giềng giúp đỡ và chia ngọt sẻ bùi”. Nói rồi, bà Kim Anh nở nụ cười khi tay vẫn không rời bức ảnh của con trai.

Con gái út của bà đôi mắt cũng thâm nhiều vì lo cho mẹ những ngày mệt, những khi bệnh tái phát. Tâm sự với bạn bè, cô gái sinh năm 1989 ấy cũng từng nói không muốn đi làm xa vì muốn bên cạnh động viên bố mẹ. Cả cuộc đời bố mẹ đã vất vả vì hai anh em. Một phần cũng là để thực hiện lời nhắn gửi của anh trai là thay anh chăm sóc bố mẹ.

Cả một đời gắn bó với quân ngũ, “chất lính” trong con người vợ chồng bà Kim Anh và ông Trần Văn Bộ đã giúp họ vững tâm hơn trong những ngày con trai đang thực thi nhiệm vụ tại vùng “nóng” của biển Đông. Từ trong sâu thẳm người mẹ ấy luôn muốn Trung Quốc phải sớm rút giàn khoan Hải Dương 981 khỏi vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam để cuối năm bà sẽ cưới vợ cho con trai.

Và tất cả những tấm lòng, những chia sẻ ấy sẽ là hậu phương vững chắc để không chỉ trung úy Trần Trường Giang mà tất cả những người lính sẽ vững tâm thực hiện nhiệm vụ thiêng liêng mà Tổ quốc đã trao cho họ.

Clip: Bà Đỗ Kim Anh nói về con dâu tương lai

Xem toàn bộ VIDEO HOT trên SOHA

 

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại