Nguyên Phó Thủ tướng Trần Phương: “Tôi nói người ta có nghe đâu”

Thiên Vũ |

(Soha.vn) - Bàn về bất cập giáo dục đại học Việt Nam, GS Trần Phương thẳng thắn: “Mình nói người ta có nghe đâu, tôi nói rất nhiều rồi. Theo tôi cần phát triển đại học theo hướng đại chúng”.

Giáo dục mình phải học Nhật Bản

Xoay quanh vấn đề chất lượng giáo dục đại học còn nhiều bất cập, khó khăn cho các trường ngoài công lập trong việc mở trường, đào tạo, nâng cao chất lượng…Và nhìn từ góc độ chính sách, GS Trần Phương - nguyên Phó thủ tướng Chính phủ cho rằng, một trong những nguyên nhân đó là do tư tưởng chiến lược của các trường ngoài công lập chưa rõ ràng và không thể phát triển theo hướng tinh hoa.

“Cả thế giới theo hướng đại chúng, mà 60 năm theo hướng tinh hoa có ra tinh hoa đâu? Theo tôi cần phát triển hướng đại chúng, phải làm sao đạt đến tỷ lệ 300-400 sinh viên/1 vạn dân thì mới là động lực phát triển xã hội được. Đại chúng bằng cái gì? Ngân sách nhà nước chỉ chi 20% thì không đủ rồi. Vậy phải theo con đường xã hội hóa”, GS giải thích.

Ông dẫn dụ, lý gì đất nước Nhật Bản giàu như thế mà 75 – 80% sinh viên học ở các trường tư. Tại sao? Mình phải để cho dân cùng đóng góp.

“Mình phải học nước Nhật vì mình nghèo hơn. Mình phấn đấu 75 -80% là do dân trả, chứ nhà nước thì không đủ sức. Tóm lại, để phát triển giáo dục theo hướng đại chúng thì phần lớn, đa số đều là các trường ngoài công lập”, GS khẳng định.

GS Trần Phương, nguyên Phó Thủ tướng cho rằng cần phát triển giáo dục đại học theo hướng đại chúng.

GS Trần Phương- nguyên Phó thủ tướng Chính phủ cho rằng cần phát triển giáo dục đại học theo hướng đại chúng.

Nhắc đến vấn đề ngân sách giáo dục, nguyên Phó Thủ tướng Trần Phương bức xúc: “Tôi không hiểu, tại sao trẻ con ở nước này phải nộp học phí, trong khi đó lại chi nhiều cho đại học. Tôi có rất nhiều cháu nội, cháu ngoại đi học đại học, nó nộp 300 nghìn đồng/ tháng, tôi nói thật không đủ cho nó tiền ăn quà, vậy chi làm gì? Tại sao không chi cho các cháu mầm non, tiểu học? Tôi cho rằng, hãy phát triển đại học theo hướng xã hội hóa. Người nông dân sẵn sàng cho con đi học đại học, cao đẳng”.

Con trâu đi trước cái cày?

GS Trần Phương - nguyên Phó thủ tướng Chính phủ là người sáng lập ra, hiện là hiệu trưởng Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội và có nhiều đóng góp cho sự nghiệp giáo dục.

Ông cho rằng, những chính sách về thuế, đất xây trường, tuyển sinh… do Bộ GD&ĐT quy định khiến các trường ngoài công lập bị buộc phải chạy theo lợi nhuận.

GS lập luận: “Bộ GD khuyến khích các trường ngoài công lập phi lợi nhuận nhưng tất cả các điều khoản đưa ra lại buộc người ta là phải có vốn đầu tư. Ví dụ anh phải có 50 tỷ mới được thành lập trường; sau 4 năm cấp phép phải có trường sở mới được giảng dạy. Đó là mâu thuẫn. Làm sao đặt con trâu đi trước cái cày được?”.

Bởi theo ông, trường đại học là của giới trí thức, chứ không phải của các nhà đầu tư. Ông thắc mắc, làm sao một giám đốc của công ty mây tre đan quản lý nổi một trường đại học? Để mở trường thì phải có 50 tỷ? Ai có 50 tỷ? Giới trí thức không có nhiều vốn.

“Lúc tôi thành lập trường, nhiều nhà đầu tư sẵn sàng bỏ mấy mét vuông đất, tiền tỷ nhưng tôi không đồng ý vì người nào có trí tuệ mới được vào hội đồng quản trị. Tôi quy định mỗi anh em sáng lập trường góp 10 triệu, có người 2 năm sau mới góp nổi. Trường của tôi nếu áp như điều kiện bây giờ thì chẳng xây nổi!

Những năm đầu, các nhân viên trường tôi chỉ nhận tiền công tác phí, chứ không có lương. Sau 7 năm trường có học trò, tôi mới trả lại lương của họ. Và tôi mất 7 năm để dựng trường. Bây giờ Bộ bảo 4 năm…thì là đánh đố các trường ngoài công lập rồi.”, GS Trần Phương nhấn mạnh.

Chưa kể bài toán về chất lượng đào tạo. Rõ ràng, năm 2012, nhiều cơ sở, trường đại học ngoài công lập bị đóng cửa. Và theo GS Trần Phương, chất lượng phải có lộ trình.

Ông cho rằng, một trường mới thành lập 4 -5 năm đã làm sao có chất lượng. Cái đó là đòi hỏi quá đáng, phi thực tế. Trường tôi sau 15 năm, tôi mới tập hợp được 200 nghìn GS, TS, ngay lúc đầu tôi chỉ có vài chục thôi. Hay như hiện nay, trào lưu các trường định hướng nghiên cứu mà lại mở nhiều ngành thực hành từ kế toán, kinh doanh, quản trị để… “sống” được.

Học phí là sư bất công cơ bản giữa trường ngoài công lập và công lập? (ảnh minh họa)

Học phí là sứ bất công cơ bản giữa trường ngoài công lập và công lập? (ảnh minh họa)

Ngoài ra còn vấn đề học phí cũng đang cho thấy sự bất công giữa sinh viên công lập và ngoài công lập. Đó là sự bất công cơ bản, bất bình đẳng đầu tiên.

“Ngân sách dành cho công lập phải xẻ dần cho ngoài công lập. Vì khi ra trường các sinh viên đều đóng góp cho xã hội cả, vậy tại sao lại phân biệt đầu tư cho công lập hay ngoài công lập? ”, ông thắc mắc.

Câu chuyện về sự bất cập đào tạo, phát triển giáo dục ngoài công lập không mới. Và bản thân GS Trần Phương cũng nói rằng: “Tôi đã nói rất nhiều lần rồi nhưng có ai nghe đâu. Tôi rất đồng tình với ý kiến của chị Nguyễn Thị Bình là ngành giáo dục cần nghe nhiều hơn nữa”.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại