Người phụ nữ từng nhận giải Kovalevskaya với gần 40 năm "chăm con thơ"

Nguyễn Huệ |

Năm 2005, bà Phạm Thị Đức Hòa vinh dự được nhận giải Kovalevskaya cho người mẹ tiêu biểu. Với bà Hòa, đó là vinh dự, là tình mẫu tử thiêng liêng.

Tình mẫu tử thiêng liêng

Hơn 30 năm nay, trong căn nhà ở khu tập thể chính sách ngõ 51, Lương Khánh Thiện (Hoàng Mai, Hà Nội), bà Phạm Thị Đức Hòa ngày ngày vẫn cất lên bài hát Ru con. Bài hát mà cả gia đình bà đều yêu thích bởi những ca từ như đang nói lên chính nỗi lòng của bà - nỗi lòng người mẹ của cô con gái sống thực vật và chàng trai khiếm thị do di chứng chất độc da cam để lại.

PGS.TSKH.NGƯT Nguyễn Hải Kế: Nhà giáo, nhà khoa học tận tâm, tận lực, người bạn tận tình PGS.TSKH.NGƯT Nguyễn Hải Kế: Nhà giáo, nhà khoa học tận tâm, tận lực, người bạn tận tình

Với cương vị là Chủ nhiệm Khoa, từ năm 2004, PGS.TSKH.NGƯT Nguyễn Hải Kế vững lái con thuyền Khoa Lịch sử ở vào thời điểm nhiều khó khăn khi lớp các thầy cô lẫy lừng lần lượt nghỉ hưu hay nhiều anh em bạn bè trang lứa chuyển sang đơn vị công tác khác.

Năm 2005, bà Phạm Thị Đức Hòa vinh dự được nhận giải Kovalevskaya – là giải thưởng thường niên của Hội LHPN Việt Nam nhằm tôn vinh những tập thể, cá nhân là các nhà khoa học nữ có thành tích xuất sắc trong nghiên cứu và ứng dụng khoa học vào thực tiễn cuộc sống, đem lại nhiều lợi ích trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội và văn hóa. Ở Việt Nam, giải thưởng còn dành tặng cho những tấm gương tiêu biểu trong đời sống xã hội. Bà Hòa được vinh danh là người mẹ tiêu biểu.

Nhưng bà Hòa không coi thành tích này là cái gì “ghê gớm” mà đơn giản đó chỉ là tình mẫu tử, là mỗi ngày khi nhắm mắt lại bà được nghe giọng nói của các con, khi mở mắt chào ngày mới cũng là lúc bà thấy con mình trưởng thành hơn.

Chị Nguyễn Thị Phương Thúy, con gái lớn của bà Hòa sinh năm 1975. Khi sinh ra, chị cũng đáng yêu, bụ bẫm như bao đứa trẻ khác. Nhưng được mấy tháng tuổi, chị đã không thể cử động được. Lúc ấy khái niệm “chất độc da cam” với bà Hòa nói riêng và rất nhiều gia đình khác nói chung còn rất xa lạ nên họ luôn tìm mọi cách chữa bệnh cho con. Bà Hòa chỉ nghĩ con bị bệnh liên quan tới vận động. Đến khi chị Thúy 6 tháng tuổi, mọi cử động tay chân hết sức yếu ớt, vợ chồng bà Hòa tìm thầy thuốc, vừa xoa bóp, châm cứu để con hồi phục các chức năng.

40 tuổi nhưng chị vẫn chỉ như đứa trẻ mấy tháng tuổi chỉ biết ê a. Không biết nói, không biết đòi hỏi, không biết cười, không nhận thức được ai xung quanh mình, chị chỉ biết khóc khi đói, khi đau. Vì thế nhiều khi bà chỉ ước được nghe một tiếng “mẹ ơi” từ cô con gái nặng hơn 10kg. Nhưng niềm mong mỏi ấy khiến bà phải nuốt nước mắt vào trong. Bởi lẽ, điều ấy dường như không thể với cô con gái sống thực vật đang thiu thiu đi vào giấc ngủ sau cơn đau. Ngôn ngữ để bà giao tiếp với con là… ánh mắt. Qua ánh mắt, qua tình yêu thương dành cho con, bà đã đọc được cảm xúc của con. Bà biết lúc nào con đói, khi con bị đau nhức, khi con muốn đi vệ sinh… Và 40 năm ấy cũng là 40 năm bà Hòa “chăm con thơ”.

Đã không ít lần bà tủi thân khi nhìn thấy con cái của bạn bè lần lượt xây dựng gia đình còn con mình vẫn như một đứa trẻ “đặt đâu nằm đó”. Những bộ váy bà tự tay may cho chị Thúy và ao ước một lần con khoác lên mình, được bà Hòa treo cẩn thận trong một ngăn tủ. Bà coi đó như niềm an ủi của mình.

24 tiếng trong ngày không đủ thời gian để bà Hòa chăm con vì chỉ cho chị Thúy ăn cơm, bà cũng phải mất ít nhất 2 tiếng đồng hồ. Rồi lại tắm rửa, vệ sinh cá nhân… Ngày nào bà cũng dậy từ 5h sáng nhưng chỉ quanh quẩn những việc ấy khi nhìn lại trời cũng đã xế trưa. Bà lại tất tả với việc nội trợ gia đình.

“Nhiệt độ trong phòng phải “đủ dùng” nếu không con lại bị ốm. Chăm Thúy không phải ai cũng làm được. Người con bé nhỏ đấy nhưng rất khó bế vì cứ bế là nó lại gồng lên, chân tay co cứng. Nhà tôi đã thành “bệnh viện” mini với đủ mọi loại thuốc cho con. Trước đây, vợ chồng tôi cũng phải đưa con ra viện nhưng nay những triệu chứng hắt hơi, sổ mũi, ốm vặt, động kinh co giật… của con tôi đã “nắm trong lòng bàn tay” nên có thể tự bốc thuốc cho con ở nhà” – bà Hòa cho hay.

Những nốt nhạc vui

Bà thường ví chị Thúy như một bông hoa. Nhưng: “Người ta trồng cây tới ngày hái quả, còn tôi trồng cây chỉ để ra hoa và ngắm. Lúc con khỏe mạnh cũng là lúc tôi thấy vui vẻ. Gần 40 năm nay, tôi vẫn thích ngắm con như thế và thấy con luôn xinh đẹp, đáng yêu. Tôi không hi vọng vào tương lai của con nhưng tôi luôn nuôi trong mình niềm mong mỏi một ngày được nghe Thúy gọi hai tiếng “mẹ ơi”. Lúc ấy, có lẽ cảm xúc trong tôi sẽ vỡ òa” – tâm sự của người mẹ ấy luôn mặn chát những ưu tư, những niềm mong mỏi.

Hàng ngày, bà Hòa vẫn vỗ về con bằng những câu chuyện đời, chuyện quá khứ, tương lai và cả những bản nhạc mà người con trai thứ hai của bà, anh Nguyễn Thanh Tùng (SN 1979), tấu lên bằng tiếng đàn bầu du dương.

Nhắc tới anh Tùng, bà Hòa không khỏi tự hào kể về những chiến tích của đứa con trai khiếm thị từ năm lên 8 tuổi cũng do di chứng chất độc da cam.

Bà Hòa đang chăm chị Thúy
Bà Hòa đang chăm chị Thúy

Bà Hòa kể, khi 1 tuổi, Tùng đã thích nghe nhạc. Đang khóc đòi mẹ nhưng chỉ cần tiếng nhạc cất lên, Tùng nín bặt và hóng tai nghe cho hết bản nhạc ấy rồi lại cười đùa. Bà Hòa thường dùng tiếng nhạc, đặc biệt là đàn bầu để ru con. Còn với Tùng, càng lớn, Tùng càng yêu da diết tiếng nhạc gần gũi, trầm bổng, ấm áp ấy.

Bố mẹ bận chăm chị và mưu sinh nuôi hai đứa con “tật nguyền” nên ông nội là người gắn bó nhiều hơn với Tùng trên chặng đường trưởng thành cũng như làm quen và gắn bó với âm nhạc. Năm 7 tuổi, lần đầu tiên Tùng bước lên sân khấu biểu diễn và giảnh giải nhất cuộc thi về văn nghệ. Lớn lên, Tùng còn giành được rất nhiều giải thưởng cả trong nước và quốc tế liên quan tới lĩnh vực âm nhạc.

Biết mẹ vất vả, Tùng thường làm vui mẹ bằng tiếng đàn. “Cả hai mẹ con đều thích bài Ru con. Và Thúy cũng thế. Mỗi lần nghe tiếng đàn của em trai cất lên, Thúy đang khóc cũng nín bặt. Nhiều lúc tôi cũng lo, lo sau này khi mình sức khỏe yếu sẽ không ai chăm con giúp, đặc biệt là Thúy vì không phải ai cũng chăm được con bé” – bà Hòa thở dài, trút tâm sự vào khoảng không yên tĩnh.

Còn với ông Nguyễn Thanh Sơn, dấu ấn thời gian đã khiến ông từng trải và có cái nhìn “rộng” hơn trước cuộc sống tưởng chừng như rất khắc nghiệt ấy. Quá khứ đã đi qua và để lại trong gia đình ông nỗi đau nhưng ông luôn lấy tiếng cười để khỏa lấp đi niềm đau khiến không khí gia đình lúc nào cũng vui vẻ.

Là trinh sát pháo binh tại chiến trường Quảng Trị, ông Sơn cùng đồng đội phải thường xuyên đối đầu với bom đạn, đặc biệt là tiếp xúc với chất diệt cỏ, bom napan. Chính chất độc hóa học đó đã để lại di chứng khủng khiếp cho các con ông cũng như con của rất nhiều đồng đội khác mà ngày ấy những người lính như ông Sơn không hay biết.

Dấu ấn thời gian đã in lại trên gương mặt, mái tóc của ông Sơn - bà Hòa nhưng không thay đổi được tình cảm họ dành cho nhau
Dấu ấn thời gian đã in lại trên gương mặt, mái tóc của ông Sơn - bà Hòa nhưng không thay đổi được tình cảm họ dành cho nhau

Năm 1975, ông Sơn về nghỉ phép và tổ chức đám cưới với bà Hòa, khi đó đang là công nhân may. Gần nhau chưa được 1 tuần, ông Sơn lại vào Nam tiếp tục nhiệm vụ của một người lính và trở về vào năm 1976 sau khi đứa con gái đầu lòng được 1 tuổi.

Trở về “gánh” những nỗi đau và vất vả cùng vợ, ông Sơn mưu sinh bằng nghề nhiếp ảnh. Dải đất hình chữ S không nơi nào là không có bước chân ông đi qua. Những khoảnh khắc, những nụ cười và cả “nỗi đau” của cuộc sống được ông nghi nhận qua những bức ảnh.

Câu chuyện tình yêu thương của ông bà cứ như dài mãi. Bỗng ông Sơn dừng lại, hỏi chúng tôi:

- Các cháu thích nhất hoa gì?

Chúng tôi kể ra một loạt tên các loài hoa mình thích: hoa hồng, hoa lan, hoa ly… Nhưng ông cười bảo:

- Tôi lại thích nhất và yêu nhất HOA HUYỀN!

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại