Năm 2011: Ngành giáo dục sẽ tiêu tiền như thế nào?

vytran |

Theo Bộ GDĐT, tổng dự toán chi ngân sách nhà nước năm 2011 của Bộ GDĐT là 5.081,6 tỉ đồng, tăng 2,9% so với năm trước.

Ông Nguyễn Văn Ngữ - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính, Bộ GDĐT - cho biết năm 2010 do có sự điều chỉnh về mức thu học phí, lệ phí tuyển sinh nên khó khăn về kinh phí của các trường phần nào đã được giảm bớt, nguồn thu sự nghiệp của các đơn vị đã tăng so với các năm trước. Năm 2011 là năm đầu tiên của thời kỳ ổn định ngân sách (2011-2013) thực hiện quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp công lập. Tổng dự toán chi ngân sách của ngành giáo dục năm 2011 là 5.081,6 tỉ đồng, tăng 2,9% so với năm 2010.

Trong đó chi quản lý hành chính tăng 5,3%, chi sự nghiệp khoa học công nghệ tăng 8,1%, chi sự nghiệp bảo vệ môi trường tăng 5,3%, chi đầu tư xây dựng cơ bản giảm 11,8%... Trong số tổng chi đó, vốn trong nước là 4.137,849 tỉ đồng và vốn ngoài nước là hơn 943 triệu đồng.

Mức dự toán ngân sách phân bổ ngân sách chi thường xuyên cho các đơn vị sự nghiệp trực thuộc năm 2011 đã bao gồm kinh phí thực hiện mức lương tối thiểu 730.000 đồng/ tháng, trên cơ sở mức tự đảm bảo chi hoạt động thường xuyên từ nguồn thu của đơn vị và xác định mức ngân sách nhà nước đảm bảo đối với từng đơn vị.

Chi cho giáo dục luôn chiếm một phần quan trọng trong ngân sách nhà nước. Ảnh: G.H

Ông Nguyễn Văn Ngữ cho biết ngân sách được phân bổ theo nguyên tắc: Các trường phổ thông dân tộc, dự bị đại học dân tộc, ngân sách nhà nước đảm bảo toàn bộ chi phí hoạt động thường xuyên; các trường đại học, cao đẳng khối sư phạm, khối văn hóa - thể thao, khối nông - lâm - ngư; khối công nghệ - kỹ thuật ngân sách nhà nước đảm bảo một phần chi hoạt động thường xuyên; các trường đại học khối kinh tế - tài chính đảm bảo chi phí hoạt động thường xuyên, ngân sách nhà nước hỗ trợ một phần các hoạt động không thường xuyên.

Bộ dự kiến chi thường xuyên là 4.183,109 tỉ đồng, tăng 11,9% so với năm 2010, trong đó chi sự nghiệp giáo dục đào tạo 3.847,19 tỉ đồng. Phân bổ cho đào tạo học sinh, sinh viên trung cấp chuyên nghiệp, dạy nghề, cao đẳng, đại học và sau đại học là 1.765,68 tỉ đồng, trong đó chi bù học phí cho các trường sư phạm là 249,79 tỉ đồng. Ngoài ra, bộ còn “đảm trách” 2,8 tỉ đồng cho các trường phần cấp bù học bổng chính sách và tiền trợ cấp cho sinh viên học tại các trường dự bị dân tộc được chuyển sang học các trường ĐH, CĐ.

Trong năm 2011, chi phí đào tạo bình quân cho 1 HS, SV đã được nâng lên so với năm 2010. Mức tăng tính cụ thể theo từng trình độ đào tạo, với con số tính toán của bộ công bố tăng thấp nhất là 17% (đối với đào tạo trình độ CĐ) và cao nhất là 52% (đối với đào tạo trình độ tiến sĩ). Cụ thể như sau: Đào tạo tiến sĩ: Khoảng từ 10,29 - 12,04 triệu đồng/HV/năm, tăng 52%. Đào tạo thạc sĩ: Khoảng từ 7,13 - 8,18 triệu đồng/HV/năm, tăng 34%. Đào tạo đại học: Khoảng từ 5,83 - 6,53 triệu đồng/SV/năm, tăng 19%. Đào tạo cao đẳng: Khoảng từ 5,20 - 5,76 triệu đồng/SV/năm, tăng 17%. Đào tạo TCCN: Khoảng từ 3,41 - 3,90 triệu đồng/SV/năm, tăng 30%.Ngân sách cũng dành 38 tỉ đồng để hỗ trợ cơ sở vật chất, thiết bị cho 6 trường tự bảo đảm toàn bộ chi phí hoạt động thường xuyên (ĐH Mở TPHCM, Viện ĐH Mở Hà Nội, Trường ĐH Kinh tế quốc dân, Trường ĐH Hà Nội, Trường ĐH Ngoại thương, Trường ĐH Kinh tế TPHCM). Các chương trình tiên tiến của các trường trực thuộc bộ được chi hơn 99 tỉ đồng. Hai trường ĐH “đẳng cấp quốc tế” là Trường ĐH Việt Đức và Trường ĐH Khoa học - Công nghệ Hà Nội cũng được ngân sách dành cho 28 tỉ đồng...

Theo Lao Động

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại