MỘT CUỘC GIAO LƯU ĐẶC BIỆT

Đại tá. Nguyễn Huy Toàn - Nhà nghiên cứu tư tưởng văn hóa quân sự |

Cả hội trường nhà hát lớn vô cùng xúc động khi nghe kể về những chiến công đặc biệt xuất sắc của Biệt động Sài Gòn, mà người tiêu biểu là anh Nguyễn Thanh Xuân...

Nhân kỷ niệm 30 năm giải phóng miền Nam (1975-2005), chương trình “Tiếp lửa truyền thống vang mãi khúc quân hành” tổ chức đón 1000 cựu chiến binh tiêu biểu của cả nước về Đền Hùng (Phú Thọ).

Tại đây, đoàn làm lễ dâng hương Vua Hùng, sau đó hành quân vào Thành phố Hồ Chí Minh dự Đại lễ 30 năm giải phóng miền Nam.

Chương trình do Thiếu tướng Nguyễn Quang Thống - Tổng Biên tập báo Quân đội nhân dân làm Trưởng ban tổ chức, ông Hồ Huy - Chủ tịch Tập đoàn Mai Linh, Phó Trưởng ban thường trực và là nhà tài trợ chính.

Ông Dương Văn Tính - Phó Tổng giám đốc, Bí thư Đảng ủy Tổng Công ty viễn thông Quân đội, Phó Trưởng ban thường trực và là nhà tài trợ thứ hai.

Là tác giả kịch bản và cố vấn về lịch sử của chương trình, tôi đã phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức cuộc giao lưu tại Nhà hát Lớn Hà Nội.

Tới dự cuộc giao lưu có Đại tướng Võ Nguyên Giáp, các vị lãnh đạo của Trung ương và Hà Nội, cùng đông đảo các cựu chiến binh, các nhà báo trong và ngoài nước.

Khách mời của chương trình có Đại tá Nguyễn Xuân Bột, nguyên Thuyền trưởng tàu phóng lôi 333 - nguyên Phân đội trưởng phân đội 3 đoàn 135 Bộ Tư lệnh Hải quân.

Đại tá Bột là người trực tiếp chỉ huy phân đội gồm có 3 tàu 333, 336, 339, ngày 2-8-1964 đã tấn công tàu Ma-đốc (Maddox) của Mỹ, khi chúng xâm phạm vùng biển của Việt Nam ở khu vực Hòn Nẹ (Thanh Hóa).

Vị đại tá này đã làm cho tàu Ma-đốc bị thương, phải rút chạy khỏi bờ biển Việt Nam.

Khách mời thứ hai là chiến sĩ tự vệ Ngô Thị Hiếu - công nhân nhà máy cơ khí Mai Động, đã cùng đơn vị Liên Cơ bắn rơi tại chỗ một máy bay F111A của Mỹ ngày 22-12-1972.

Khách mời đặc biệt là chị Vũ Minh Nghĩa và anh Nguyễn Thanh Xuân (Bảy B), hai vợ chồng đều là chiến sĩ biệt động Sài Gòn.

Anh Nguyễn Thanh Xuân, sinh năm 1930, nhập ngũ năm 1947. Trong Kháng chiến chống Mỹ, anh hoạt động trong lực lượng biệt động Sài Gòn.

Anh đã tham gia đánh bọn giặc Mỹ trong các trận Khách sạn Caravell (24-10-1964) và Khách sạn Prink (24-12-1964), diệt hàng trăm tên Mỹ.

Ngày 16-8-1965, anh tham gia đánh Tổng nha cảnh sát Sài Gòn diệt gần 100 tên. Ngày 4-12-1965, đánh bọn phi công Mỹ ở Khách sạn Metroponl, làm sập 4 tầng lầu, diệt 131 tên.

Ngày 31-3-1966, anh chỉ đạo đánh vào Khách sạn Vietoria, làm thương vong hơn 100 tên Mỹ.

Đặc biệt là trận đánh Đại sứ quán Mỹ ở đường Hàm Nghi lần 1 ngày 30-3-1965.

Sau khi bày đặt sự kiện Vịnh Bắc Bộ (8-1964), Thông điệp của Tổng thống Mỹ Johnson ngày 4-1-1965, khẳng định: “Mỹ phải có mặt ở miền Nam Việt Nam vì an ninh của bản thân nước Mỹ và hòa bình Châu Á…”.

Tòa Đại sứ ở Sài Gòn chứng tỏ sự hiện diện của đế quốc Mỹ ở miền Nam nước ta.

Maxwell Taulor Đại sứ Mỹ tại miền Nam Việt Nam nhận chức ngày 14-7-1964. Biệt động Sài Gòn quyết định đánh “dằn mặt” ông ta.

10 giờ 55 phút ngày 30-3-1965, Nguyễn Thanh Xuân lái chiếc xe Frigate lao thẳng vào hông tòa nhà Đại sứ Mỹ.

Một tay Xuân tung cửa, một tay giật nụ xòe, để làm nổ 150kg thuốc nổ được cấu tạo lõm, thổi tập trung vào phòng giữa, làm sập tất cả tường phía trong của các lầu 1-2-3, mấy chục chiếc xe đỗ trong sứ quán bị cháy rụi.

Phó đại sứ Mỹ Alexis Johnson từ trong đống gạch đổ nát được dìu ra, mặt bê bết máu. Trong trận này gần 200 quan chức, nhân viên Mỹ bị thương và chết.

Sau khi bom nổ, Thanh Xuân rút êm, đồng chí Trần Văn Thế yểm trợ cho Tư Việt xong, cũng lên xe gắn máy chạy về an toàn.

Tư Việt lên xe Mobilet rút sau cùng, nhưng bị bọn cảnh sát đuổi rát, anh quay lại bắn chúng và bị một mũi cảnh sát phía sau bắn bị thương và bị bắt cách rạp Kim Châu khoảng 200 mét.

Sau hơn một tuần, anh bị tra tấn dã man, không khai thác được gì, chúng đã đưa anh Tư Việt ra xử án tử hình…

Trước tình hình ấy, đồng chí Nguyễn Đức Hùng (Tư Chu), là chỉ huy trưởng lực lượng biệt động quân khu Sài Gòn - Gia Định, đã đề nghị quân khu tìm cách cứu Tư Việt.

Có một sự trùng hợp lý thú là:

Vào thời điểm ấy, tại cơ quan đại diện Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam tại Algerie, ông Nguyễn Văn Tâm được Tổng thống Bel Bella mời lên Dinh tổng thống bàn về việc trao đổi tù binh giữa Mỹ và “Việt cộng”.

Khi ông Tâm đến nơi thì thấy có ông bố vợ của em cố Tổng thống Mỹ Kennedy (do Tổng thống Algerie giới thiệu).

Ông ta khẩn thiết muốn được trao đổi chiến sĩ biệt động (người đã đánh sập tòa Đại sứ quán Mỹ ở Sài Gòn bị kết án tử hình đang giam ở Côn Đảo), với con trai của ông ta là Trung tá Gustar Herel (tên này bị biệt động Sài Gòn bắt ở ven đô).

Bên ta đặt điều kiện phải 1 đổi 3. Ngoài anh Tư Việt, còn hai cán bộ khác do ta chọn. Phía Mỹ chấp nhận và xin chịu phí tổn cho ta là một triệu đô la.

Được biết tin này, cơ quan Hồng thập tự Quốc tế xin làm trung gian trong cuộc trao đổi.

Người Pháp đề nghị lấy Pari làm nơi trao đổi, còn Thái tử Norodom Sihanouk lại sẵn sàng cho lấy thủ đô Pnom-pênh làm địa điểm gặp gỡ thì thuận tiện hơn.

Nhưng khi ta dẫn tù binh Mỹ đến địa điểm trao đổi, trên đường đi Trung tá Gustar Herel bị sốt rét ác tính và bị chết.

Cuộc trao đổi không thành!!!

Cả hội trường nhà hát lớn vô cùng xúc động khi nghe kể về những chiến công đặc biệt xuất sắc của Biệt động Sài Gòn, mà người tiêu biểu là Nguyễn Thanh Xuân, trong trận đánh đó, anh đã được tặng thưởng Huân chương Quân công hạng Ba.

Người dẫn chương trình Lê Thanh Loan hỏi chị Vũ Minh Nghĩa - vợ của anh Nguyễn Thanh Xuân:

- Thưa chị Nghĩa, chị có thể nói về tình yêu của chị với anh Xuân trong hoàn cảnh hoạt động bí mật thế nào không?

Chị Nghĩa nói: Tôi sinh năm 1947, năm 1965 làm chiến sĩ đội 5 biệt động, do Nguyễn Thanh Xuân chỉ huy.

Lúc đầu làm giao liên giữa Sài Gòn và căn cứ Củ Chi. Nhiệm vụ chuyển vũ khí, chất nổ và thư từ vào Sài Gòn.

Tham gia phục vụ các trận đánh Tổng nha cảnh sát Ngụy (16-8-1965), Khách sạn Metropen (4-12-1965), Khách sạn Vietoria (31-3-1966).

Phục vụ đánh các bốt ngã tư Xóm Gà, bốt cảnh sát Thị Nghè, bốt cảnh sát đường Phan Thanh Giản, bốt cảnh sát đường Lò Siêu (1966).

Trong trận đánh Tổng nha cảnh sát, Nghĩa đóng vai cô dâu ngồi trên xe du lịch, tới cầu Phan Thanh Giản thì xuống xe, để xe ô tô đi đến điểm đánh, Nghĩa lấy xe Molbillet đến điểm hẹn, tại đó đã có 2 xe máy nữa.

Khi đánh xong, các chiến sĩ đến điểm hẹn lấy xe máy rút lui an toàn. Chuyện đóng vai cô dâu đó không ngờ lại thành sự thật.

Nghĩa và Thanh Xuân yêu nhau, cuối năm 1965 được tổ chức cho phép họ thành vợ thành chồng và vẫn ở trong nội thành hoạt động.

Năm 1966, sau khi đánh trận Vietoria, Nguyễn Thanh Xuân bị địch bắt giam ở Côn Đảo, mãi đến năm 1973 mới thả.

Trong những năm tháng đó, chị Nghĩa vẫn hoạt động trong đội 5 biệt động Sài Gòn và có vinh dự được tham gia trận đánh vào Dinh Độc Lập, trong cuộc tổng tiến công năm 1968.

Trong trận này, đội 5 có 19 chiến sĩ do đồng chí Tô Hoài Thanh chỉ huy, đồng chí Trương Văn Rồi là chính trị viên, trung đội chỉ có một nữ là chị Vũ Minh Nghĩa.

Theo kế hoạch tác chiến, đội 5 dùng một xe ô tô chở một thùng phuy chứa 200kg thuốc nổ mạnh, sẽ áp sát vào cổng chính cho nổ để phá cửa, hai xe ô tô phía sau chở các chiến sĩ có vũ khí bộ binh.

Riêng chị Nghĩa được trang bị 1 khẩu cacbin, 1 khẩu K54, tiếp sau sẽ xông vào, yêu cầu đội 5 cần giữ được 15 đến 20 phút thì sẽ có lực lượng tiếp ứng.

Nhưng không phá được cổng Dinh Độc Lập, lực lượng tiếp ứng cũng không vào, các chiến sĩ đội 5 phải luồn vào trong Dinh Độc Lập tác chiến và giữ được đến 2 giờ sáng ngày mùng ba Tết.

Trong trận này đã giết và làm bị thương gần 100 tên Mỹ và Đại hàm, phá 2 xe GMC, 2 xe zip. Do không có lực lượng tiếp viện nên đội 5 đã anh dũng hy sinh gần hết.

Khi đã hết cả đạn, lại nhiều đồng chí bị thương, địch đã bắt được bảy người, đó là các đồng chí: Trương Văn Rồi, Nguyễn Đức Hòa, Vũ Minh Nghĩa, Nguyễn Thanh Vân, Phan Văn Khôi, Nguyễn Văn Luân, Nguyễn Văn Lực.

Các chiến sĩ đội 5 đã trải qua các đòn khảo tra của địch qua các nhà lao Thủ Đức, Tân Lập và Côn Đảo từ năm 1968 đến tháng 3 năm 1973 địch mới trao trả theo Hiệp định Pari.

Khi từ Côn Đảo trở về, Nghĩa được giao công tác ở Ban tình báo Miền, tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh. Khi Sài Gòn giải phóng, chị được giao nhiệm vụ tiếp quản kho quân cụ Gò Vấp.

Tiếp tục công tác cho đến khi về hưu. Chị đã được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhì.

Trong buổi giao lưu hôm đó, Đại tướng Võ Nguyên Giáp dự từ đầu đến cuối. Khi lên phát biểu ý kiến, ông rất xúc động.

Ông hoan nghênh sáng kiến tổ chức cuộc hành quân “Vang mãi khúc quân hành” và nhắc nhủ các đồng chí cựu chiến binh hãy mãi mãi xứng danh “Bộ đội Cụ Hồ”, còn các thế hệ trẻ phải ghi nhớ:

Thế hệ cha anh đã xóa được nỗi nhục mất nước.

Các thế hệ trẻ phải xóa đi nỗi nhục nghèo nàn, lạc hậu, tôn trọng quá khứ hào hùng của dân tộc, tiến vào làm chủ khoa học kỹ thuật, hội nhập quốc tế.

Từ đó để xây dựng nước ta ngày càng giàu đẹp văn minh, thực hiện lời dạy của Bác Hồ: “Làm cho dân tộc Việt Nam bước tới đài vinh quang, để sánh vai với các cường quốc năm châu”.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại