“Mắt tôi mù nên chỉ có thể ngồi đây và vái vọng về người”

K.Oanh |

(Soha.vn) - “Hôm nay là lễ viếng Đại tướng nhưng tôi chỉ có thể ngồi đây và vái vọng về người” - Ông Đào Huy Trịnh, nguyên Phó chủ tịch Thành hội Người mù Hà Nội nghẹn ngào.

Mặc dù bị hỏng cả 2 mắt nhưng cứ đều đặn 6h sáng hàng ngày, ông Đào Huy Trịnh, nguyên Phó chủ tịch Thành hội Người mù Hà Nội lại thức dậy để nghe chương trình thời sự của Đài Tiếng nói Việt Nam, hay trên VOV giao thông. Những ngày qua, khi nghe tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp – người anh Cả của Quân đội nhân dân Việt Nam qua đời, lòng ông Trịnh luôn trĩu nặng.

Tuy không thể nhìn cuộc đời bằng đôi mắt sáng như bao con người bình thường khác nhưng ông Trịnh lại có thể cảm nhận cuộc sống bằng đôi tai thính, bằng trái tim và cả với một tình yêu thương rộng lớn.

“Mắt tôi mù nhưng tai tôi không bỏ sót tin nào về Đại tướng. Hôm nay là lễ viếng Đại tướng tại Nhà tang lễ Quốc gia Trần Thánh Tông, khi nhân dân cả nước và thế giới đang kính cẩn nghiêng mình trước vong linh của vị tướng kiệt xuất, thiên tài của dân tộc Việt Nam thì tôi chỉ có thể ngồi đây nghe ngóng thông tin và vái vọng hướng về Người” – ông Trịnh nghẹn ngào nói.

Trong tâm thức của các trẻ em khiếm thị trường mù Nguyễn Đình Chiểu, hình ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp luôn hiện lên với mái tóc bạc, khuôn mặt gầy và nụ cười tươi rói. Còn trong trí tưởng tượng của ông Trịnh, vị tướng đại tài của dân tộc Việt Nam thì Bác lại là một người quắc thước, “rất nghiêm nhưng lại có một điều gì đó rất hiền từ và đặc biệt là rất thương dân, thương anh em đồng bào chiến sĩ”.

 

“Mắt tôi mù nhưng tai tôi không bỏ sót tin nào về Đại tướng”
 

Cứ đều đặn 6h sáng hàng ngày, ông Đào Huy Trịnh, nguyên Phó chủ tịch Thành hội Người mù Hà Nội đều lắng nghe thông tin về đám tang Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua đài.

Ông Trịnh tâm sự: “Trước đây, tôi thường nghe nhiều bài phát biểu của Đại tướng trên tivi hoặc trên đài, giọng của Bác rất truyền cảm như một người cha nói với người con bằng tất cả tình thương, sự ấm áp chứ không phải sự lạnh lùng của một vị tướng quân sự”.

Là một người khiếm thị, ông Trịnh biết đến bác Giáp chủ yếu nhờ chiếc radio thân thuộc của mình, hoặc nghe thông tin từ internet qua phần mềm đọc chữ trên máy tính cá nhân. Với ông, con người Bác thật đáng kính nể và khâm phục.

“Tôi cũng biết tin Bác nằm viện đã lâu. Thời gian vừa qua, trong thâm tâm, tôi vẫn biết là Bác rất mệt nhưng khi nghe tin Bác qua đời, thực sự, tôi rất hẫng hụt và vô cùng luyến tiếc” – vừa nhắc đến đây, giọng ông Trịnh như lạc đi.

Qua buổi trò chuyện với ông, chúng tôi hiểu hơn bao giờ hết lòng tiếc thương vô hạn mà một người khiếm thị dành cho Người.

Ngoài công việc hàng ngày mà ông đang làm (bấm huyệt chữa bệnh), cứ khi nào có thời gian rảnh là ông lại ngồi bên chiếc radio để lắng nghe thông tin từ Đại tướng.

“Những ngày qua, dù tôi không được tận mắt nhìn thấy hàng triệu người hàng nối hàng, đông nghịt trước cửa nhà Đại tướng chờ đến lượt vào viếng. Nhưng tôi mường tượng ra, có lẽ dòng người như dài như bất tận. Đặc biệt, tôi rất cảm kích với những hành động, nghĩa cử mà người dân Việt đã dành cho nhau. Tôi hiểu rằng, những người dân quanh khu phố Hoàng Diệu đã coi Bác như một người nhà, người thân của mình. Khi người thân chẳng may qua đời, nhiều khách khứa đến thăm viếng, họ mang nước tình nguyện đến tận tay cho mọi người và mời tận tâm như là khách của gia đình mình vậy!. Đó là một cử chỉ, một nét văn hóa rất Hà Nội mà rất lâu rồi, tôi chưa bao giờ bắt gặp” – ông Trịnh bày tỏ.

Đứng trước tấm gương của vị tướng vĩ đại Võ Nguyên Giáp, ông Trịnh khiêm tốn tự nhận mình là một người quá nhỏ bé. Mong mỏi cả đời của ông giản dị mà thiêng liêng: “Một dịp nào đó được đến cạnh Bác, nắm lấy tay và có đôi lời bày tỏ lòng mình với Bác”.

Giấc mơ tuy nhỏ nhoi vậy nhưng với ông Trịnh, dường như nó khó khăn quá đỗi! “Khi ông nằm viện ở 108, tôi cũng muốn đến thăm nhưng thấy mình nhỏ bé quá nên cũng chỉ dám ước mơ thôi, chứ không dám nghĩ đến điều gì lớn lao hơn” – ông Trịnh nói.

Hôm nay, khi cả nước tổ chức “quốc tang” tiễn đưa Bác, dù không được trực tiếp đến viếng tại Nhà riêng của Cụ hay hòa vào dòng người tại Nhà tang lễ Quốc gia nhưng ông Trịnh cũng chọn cho mình một cách riêng để tiễn biệt Người.

“Tôi sẽ ở đây và vái vọng về quê hương, nơi an nghỉ của Người, cầu mong cho Cụ được siêu thoát nơi cõi tạm. Và tôi cũng không quên, mở đài để cập nhật từng bước đi, từng đoàn xe lăn bánh đưa Người về nơi vĩnh hằng”…

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại