"Mách" dân nhậu cách phân biệt rượu Vodka nhái để tránh ngộ độc

Y. Dương (Tổng hợp) |

(Soha.vn) - Về mùi vị, rượu vodka nhái thường có mùi cồn hoặc là mùi của sơn móng tay (acetone) khá nặng

Mới đây, Cục Sở hữu trí tuệ đã giám định và kết luận, sản phẩm rượu Men’s của công ty thực phẩm Đại La có mẫu mã “tương tự đến mức gây nhầm lẫn” với sản phẩm rượu Men’ Vodka của công ty Aroma.

Sản phẩm “nhái” có cấu trúc và cách trình bày tương tự: Sản phẩm đăng ký bảo hộ của công ty Arona gồm phần chữ MEN’ VODKA (nhãn hiệu) và phần hình là 7 người đàn ông ngồi trên lưng ngựa đứng trên con đường cách điệu giống như dải hình chữ nhật. Tất cả được đặt trên nền hình một người đàn ông nhìn nghiêng đội mũ có vành. Trong khi đó, phần chữ và phần hình ảnh trên bao bì của sản phẩm “nhái” gồm chữ MEN’S và hình mặt người đàn ông nhìn trực diện, đầu đội mũ có vành. Trên nên vai phải và vai trái người đàn ông có hình 8 người ngồi trên lưng ngựa. Thông tin trên tờ Đời sống & Pháp luật.

Men Vodka chính hãng (bìa trái) và rượu "nhái" (bìa phải)

Men' Vodka chính hãng (bìa trái) và rượu "nhái" (bìa phải)

Ngoài việc làm "nhái" nhãn hiệu Vodka như trên, tình trạng làm giả loại rượu này đang ngày một nhiều. Ngày 10-1, Phòng cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (PC46) Công an Hà Nội bắt quả tang ôtô tải 30V-4311 do lái xe Nguyễn Đình Chiểu (SN1969, ở Chương Mỹ) chở 2.520 chai rượu Vodka Hà Nội giả. Lái xe này khai nhận đã chở số rượu trên tại nhà máy sản xuất của Công ty cổ phần quốc tế Zuso (99 Giang Văn Minh,  Khu công nghiệp Ngọc Sơn, thị trấn Chúc Sơn, Chương Mỹ, Hà Nội) đi giao hàng theo chỉ đạo của giám đốc.

Để phân biệt rượu Vodka giả, thật, theo một số chuyên gia, dễ nhận thấy nhất là ngày sản xuất in trên nắp chai. Ở Vodka thật, nét chữ nhỏ, rõ nét còn ở rượu giả thì nét chữ nhòe mờ. 

Khi bóc nhãn mác của rượu Vodka, rượu giả sẽ trơn tuột, dễ bóc, còn Vodka thật sẽ để lại một lớp giấy bám chặt vào chai. Khi mở nắp chai, Vodka thật dễ mở, rãnh đứt sắc nét, có tiếng tách rất gọn. Với Vodka giả sẽ khó mở và dai hơn. Nếu như để ý kĩ phần nắp chai và đếm số rãnh đứt sẽ có 8 rãnh, còm rượu giả thì số rãnh không đều.

Về mùi vị, rượu Vodka giả thường có mùi cồn hoặc là mùi của sơn móng tay (acetone) khá nặng. Thường thì màu nước rượu giả ít sóng sánh, nếu lắc nhiều sau đó sẽ phát hiện những hạt cặn li ti từ từ rơi xuống đáy chai.

Dùng thử một mẩu giấy ăn nhúng vào rượu sau đó dùng bật lửa đốt, nếu thấy cháy bùng lên như xăng và ngọn lửa có màu hồng đỏ tức là rượu bị pha rất nhiều cồn và tạp chất.

Rượu Vodka nhái của Công ty thực phẩm Đại La.

Bên cạnh đó, các đối tượng làm hàng giả thường sử dụng lại nắp thật, hoặc nắp giả tuyệt đối. Nắp thật được sử dụng lại có thể còn lưu các vết xước nhỏ, còn màu sắc của nắp giả trông dại hơn. 

Trao đổi với PV Nguoiduatin.vn, ông Bùi Quang Thắng (Giám đốc bán hàng Công ty Cổ phần Rượu bia nước giải khát Aroma Việt Nam) cho biết, phía công ty ông đã biết về sự tồn tại của sản phẩm “nhái” này từ nhiều tháng về trước và cũng đã tiến hành hàng loạt động thái cứng rắn để bảo vệ thương hiệu của mình.

Ông Thắng cho biết, ngay khi tiếp nhận thông tin (tháng 11/2013), công ty Aroma đã gửi nhiều bộ hồ sơ lên các cấp có thẩm quyền để yêu cầu làm rõ hành vi này. Đến đầu tháng 4/2014, Viện khoa học sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công Nghệ) đã có văn bản chính thức kết luận về những sản phẩm nói trên.

Theo đó kết luận số: NH092-14TC/KLGĐ nêu rõ sản phẩm rượu Vodka Men’s của Công ty TNHH CB Thực phẩm Đại La đã xâm phạm quyền (quy định tại điều 11 Nghị định 105/2006 sửa đổi) đối với nhãn hiệu được bảo hộ theo GCNĐKNH số 85346 của Công ty Cổ phấn Rượu bia nước giải khát Aroma.

“Với kết luận trên, chúng tôi đã làm đơn khởi kiện công ty Đại La đồng thời tiếp tục kiến nghị các cơ quan chức năng vào cuộc làm rõ sự vi phạm này”, ông Bùi Quang Thắng nói.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại