Lợi dụng nước lụt để “hôi tôm”

Hành vi “hôi tôm” của một số người ở thôn Hải Tân (xã Phổ Quang, huyện Đức Phổ, Quảng Ngãi), vẫn còn gây bức xúc trong chính quyền và nhân dân địa phương.

Trong trận “đại hồng thủy” hồi trung tuần tháng 11 vừa qua tại Quảng Ngãi, trong khi chính quyền và nhân dân tìm mọi cách cứu hộ, cứu nạn để giảm thiểu thiệt hại về người và của, thì lại có một số kẻ thừa cơ hội đi bắt trộm tôm của người khác.

Thừa nước lụt “hôi tôm”

Tuy sự việc đã xảy hơn 1 tháng, nhưng hành vi “hôi tôm” này của một số người ở thôn Hải Tân (xã Phổ Quang, huyện Đức Phổ, Quảng Ngãi), vẫn còn gây bức xúc trong chính quyền và nhân dân địa phương. Gia đình bị thiệt hại nặng nhất là ông Huỳnh Tấn Lập (ở thôn Bàn An, xã Phổ Quang) đã làm đơn tố cáo và đang được ngành chức năng điều tra để xử lý.

Ông Lập cho biết, do bận chăm sóc vợ đang mang trọng bệnh ở Bệnh viện đa khoa Trung ương Quảng Nam (huyện Núi Thành, Quảng Nam) nên ông phải liên tục chạy ra chạy vào để cùng người làm công ở nhà chăm sóc 2 hồ tôm có diện tích khoảng 5.000m2, ở thôn Hải Tân (xã Phổ Quang), đang chuẩn bị thu hoạch. Hôm xảy ra vụ việc (ngày 15.11), cũng là hôm xảy ra trận lũ, lụt lớn ở tỉnh Quảng Ngãi, nhưng ông không có ở nhà mà chỉ có 2 người làm công trực tiếp xoay sở ở hồ.

Anh Lê Anh Bản, người làm công cho ông Lập kể, khoảng 6 giờ sáng hôm đó (15.11), nước lũ tràn về rất lớn gây vỡ đê sông bên ngoài khiến nước tràn vào các hồ tôm ở thôn Hải Tân, trong đó có hồ ông Lập. Lúc này có khoảng chục người chèo ghe từ ngoài sông theo đoạn bờ đê vỡ vào các hồ tôm bên cạnh để chài lưới bắt tôm nhưng do tôm nhỏ, không bắt được nên họ tiếp tục đến hồ khác.

Sau trận “hôi tôm” gây thất thoát hàng trăm triệu đồng, ông Lập còn phải bỏ nhiều tiền bạc, công sức để tôn tạo lại hồ.

Khoảng 7 giờ, họ chèo ghe tới hồ tôm ông Lập. Thấy có tôm lớn, khoảng 40-50 người khác cũng thi nhau chèo ghe tới để tranh nhau “hôi tôm”. Lúc này nước mới dâng lên cao hơn bờ hồ khoảng 20cm, nhưng do vẫn còn hệ thống lưới dày giăng xung quanh bờ hồ nên tôm không ra được.

“Thế nhưng họ tranh nhau quăng lưới khiến bờ hồ bị sụt lún, cọc giăng lưới xung quanh hồ để ngăn tôm ra bị ngã đỗ. Thậm chí họ còn cắt phá lớp lưới giăng trên mặt hồ (để không cho chim, cò xuống bắt tôm) để quăng chài, lưới cho thuận tiện”, anh Bản kể.

Cũng theo người làm công này thì những người “hôi tôm” còn gọi cả một số người mua tôm chèo ghe đến tận nơi để bán tôm. Một số khác thì mang đến nhà tư thương hoặc ra chợ bán để được giá cao hơn. Do lúc đó chỉ có 2 người, lại bị nước chia cắt, không có phương tiện để tiếp cận nên những lời kêu gào can ngăn đến năn nỉ, van xin của anh Bản không có tác dụng gì với đám người đang say máu “hôi tôm”.

Thậm chí đến khoảng 8 giờ 30, khi những người có hồ tôm xung quanh chèo ghe ra cùng với người làm công cho ông Lập ra sức can ngăn nhưng những người “hôi tôm” vẫn không bỏ đi mà còn hăm dọa: “Khôn hồn thì ngồi yên còn không sẽ túm cổ quăng xuống sông”.

Đến khoảng 10 giờ trưa, khi vét cạn hồ tôm và có sự ngăn cản ngày càng đông của những người nuôi tôm xung quanh kéo đến nên đám người “hôi của” mới chịu rút đi dần. Đến khi ngành chức năng xã Phổ Quang nhận được tin báo của quần chúng, phóng loa kêu gọi thì đám người này mới chính thức rút đi hết.

Cần xử lý nghiêm

Với kinh nghiệm mấy mươi năm nuôi tôm của mình, căn cứ vào lượng tôm đã thả và lượng thức ăn tôm đã ăn hết, ông Lập tính toán, 2 hồ tôm đang trong giai đoạn chuẩn bị thu hoạch này chắc chắn sẽ được 5 tấn tôm (loại 50-60 con/kg). Sau cuộc “hôi tôm” kinh hoàng, gia đình ông bắt vét lại còn được 1,3 tấn, tức đã thất thoát hơn 3,5 tấn tôm với giá thị trường lúc bấy giờ là hơn 180.000 đồng/kg, thiệt hại hơn 600.000.000 đồng.

Bức xúc trước một số tài sản lớn bị thất thoát do hành vi xem thường pháp luật của những người “hôi tôm”, ông Huỳnh Tấn Lập đã có đơn tố cáo gửi đến ngành chức năng.

Trao đổi với chúng tôi, ông Võ Bảy, Trưởng Công an xã Phổ Quang, cho biết, sau khi nhận được đơn của ông Lập, Công an xã đã phối hợp với cán bộ Công an huyện Đức Phổ đứng chân địa bàn, nắm thông và đã mời gần 20 người có liên quan (cả người “hôi tôm” và người mua tôm) đến làm việc và bước đầu họ đều thừa nhận hành vi của mình.

“Trong thiên tai, Đảng và Nhà nước cũng như chính quyền địa phương luôn huy động tối đa lực lượng để cứu hộ, cứu nạn, giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản cho nhân dân thế mà lại có những người thừa cơ hội này đi “hôi của” là hành động rất đáng chê trách, vừa trái với đạo đức vừa trái với chủ trương chính sách pháp luật. Do đó, Công an xã đã củng cố hồ sơ ban đầu, chuyển lên Công an huyện Đức Phổ đề nghị xử lý thích đáng những người này để giáo dục, răn đe, tránh tái diễn tình trạng này”, ông Bảy nhấn mạnh.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại