Làm giàu từ việc "trảm cậu ông giời"

camnhung |

Hàng chục năm qua, người dân làng Bách Lộc (xã Thọ An, huyện Đan Phượng, Hà Nội) vẫn coi công việc thịt ...cóc là nghề mưu sinh, làm giàu.

Phát tài nhờ… cóc

Người lạ đến làng Bách Lộc lần đầu thường không khỏi ngạc nhiên trước khung cảnh vắng vẻ, đìu hiu. Những ngôi nhà mái bằng khang trang nhưng cửa đóng then cài. Ban ngày, làng chỉ có trẻ con và người già.

Cụ Nguyễn Văn Thi, 79 tuổi một người dân làng lý giải: "Những người trẻ trong làng đều đi bán cóc từ lúc tờ mờ sáng đến tối mịt mới về. Nếu các chú muốn mua ruốc cóc thì phải đợi đến tối".

Phụ nữ làng Bách Lộc đi bán cóc dạo

Ở nhà anh Lê Văn Hưởng, mọi ngày anh thường đi bán đến tận tối mịt mới về nhưng hôm nay vợ anh đi thay nên anh được ở nhà chờ người đến đổ cóc bán buôn. Anh cho biết mới 40 tuổi nhưng đã có thâm niên 25 năm trong nghề bán cóc. Anh Hưởng kể: "Năm 15 tuổi, tôi đã theo ông nội đạp xe đi rong ruổi khắp các ngõ ngách ở Hà Nội để bán cóc. Ngày ấy, buổi sáng đi học, buổi chiều đi bán cóc. Dần dần cái nghề này lại trở thành cái nghiệp và gắn bó với tôi đến tận bây giờ".

Ông nội của anh - cụ Lê Văn Quý chính là "ông tổ" của nghề thịt cóc trong làng. Người làng kể lại, những năm 1970, cuộc sống của người dân Bách Lộc rất khó khăn. Thời điểm ấy, chăn nuôi gia súc, gia cầm còn hạn chế. Trẻ con trong làng đứa nào đứa nấy gầy gò, ốm yếu. Nhiều đứa còn bị còi xương, suy dinh dưỡng nặng. Tuy nhiên trời đất run rủi thế nào mà đất Thọ An lại là nơi sinh sản thích hợp của "cậu ông trời". "Sau mỗi trận mưa, cóc bu đen ở các gốc cây như ruồi bâu mật. Thậm chí, nhiều khi cóc còn nhảy lên cả giường", một người già kể lại.

Cụ Quý là người đầu tiên bắt cóc đem làm thịt cho các cháu nội ăn. Một thời gian sau, mấy đứa trẻ từ suy dinh dưỡng nặng, gầy gò, ốm yếu bỗng nhiên da dẻ hồng hào, trắng béo hẳn lên. Mọi người dân trong làng cũng học theo cụ, bắt cóc làm thịt cho con cái ăn rồi mang đi bán dạo. Một người dân kể lại: "Đúng là cái khó ló cái nghề, do cuộc sống khó khăn thiếu thốn bỗng nhiên lại có cái nghề độc đáo này để mưu sinh".

Nhờ có nghề bán, làm ruốc cóc mà cuộc sống của người dân làng Bách Lộc đã thay da đổi thịt. Nhiều người xây nhà, mua xe cũng nhờ cái nghề chẳng giống ai này. Một số hộ gia đình như anh Lê Văn Lợi, Lê Hữu Huân... còn mở hẳn cửa hàng lớn chuyên phân phối thịt "cậu ông Trời" trong cả nước. Anh Lê Văn Hưởng cho biết, người trong làng thường xuyên được những người từ miền Trung, miền Nam mời vào hàng tháng trời để làm ruốc cóc. Mỗi lần đi như vậy, mỗi người được trả tiền công đến cả chục triệu đồng.

Đàn ông thì bán cóc dạo bằng xe máy

Chị Nguyễn Thị Thu, ngụ xóm 2, một người chuyên đi đến tận nhà khách làm ruốc cóc cho biết, bình quân mỗi ngày chị kiếm được 200 - 300 nghìn đồng.

Kỳ công chế biến "cậu ông Trời"

Được biết, giá ruốc cóc trên thị trường hiện tại dao động từ 100 - 120 nghìn đồng/lạng. Để làm ra 1 lạng ruốc phải cần đến hơn 1kg cóc tươi.

Tuy nhiên, đáng lưu ý là da, trứng, gan cóc cũng chứa chất bufotoxin, chất kịch độc có thể gây chết người ngay lập tức.

"Công nghệ" làm ruốc cóc khá công phu. Đầu tiên là công đoạn mổ, lột da cóc, chỉ giữ lại phần đùi và phần thân, toàn bộ các bộ phận khác vứt bỏ. Để khử mùi hôi, họ dùng nước cốt chanh hoặc dấm rửa thịt cóc rồi xả nước nhiều lần cho đến khi nước xả phải trong vắt. Anh Hường cho biết "Một điều đặc biệt lưu ý là phải mổ nhanh, tuyệt đối không cho nhựa cóc dính vào thịt có thể gây ngộ độc cho người sử dụng".

"Cậu ông trời" sau khi đã rửa sạch sẽ được cho vào nồi đun cạn cho đến khi nào thịt nhừ hẳn. Người ta dùng chày đập mềm xương và thịt cóc sau đó đưa cóc vào một chiếc chậu mà chỉ được làm bằng nhôm "đánh" đều đến khi nào thịt bông lên. Họ tách xương và thịt cóc riêng. Xương được cho vào máy xay nhuyễn thành bột. Đây được gọi là phần cam cóc, phần quý nhất của "cậu ông trời".

Hiện tại, làng cóc Bách Lộc đang đứng trước nỗi lo nguyên liệu để làm ruốc cóc ngày một cạn đi. Anh Lợi cho biết, mấy năm gần đây người dân trồng trọt dùng thuốc bảo vệ thực vật nên cóc chết nhiều. Hơn nữa, việc cả làng, cả xã thi nhau bắt cóc để làm ruốc bán cũng khiến cho chúng không sinh sản kịp. Bây giờ cóc chỉ xuất hiện ở bờ sông, cách làng mấy km vào những hôm mưa to.

Bác Lê Văn Vinh chỉ tay về phía cánh đồng lạc xanh mượt, đang chờ ngày thu hoạch buồn rầu bảo: "Làng Bách Lộc bây giờ "bói" chẳng được một con cóc. Tìm cóc khó ngang tìm vàng. Con nào ló đầu ra, trẻ con nó vồ sạch. Hiện nay để có cóc làm ruốc đem đi bán, chúng tôi phải ra tận ngoài ven sông hoặc đặt hàng từ các tỉnh lân cận như Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Thái Bình... với giá 50 nghìn đồng/kg". Chưa nói đến việc nhiều khi có tiền cũng không mua được vì các chủ nuôi rắn ở các vùng khác đặt mua cóc với số lượng, giá cao hơn hơn những người làm ruốc.

Ông Trần Văn Thanh, Phó chủ tịch xã Thọ An cũng cùng chung nỗi lo lắng này. "Hai năm nay, do nguồn cóc cạn dần nên công việc buôn bán cóc của làng cóc Bách Lộc cũng giảm đi. Cứ tình trạng này, không biết mấy năm tới chẳng biết người dân có còn giữ được nghề ruốc cóc?", ông nói.

Nhiều người dân trong làng đã tính đến một "phương án" khác: đi làm thịt cóc thuê. Anh Lê Văn Lợi, một người đã từng được mời đến nhiều vùng làm ruốc cóc cho biết: "Có khi người ở mãi trên Tây Nguyên mời vào vài ngày chỉ để tôi làm cho vài kg ruốc cóc, dù chấp nhận trả tiền triệu đi lại. Họ không chịu nhận ruốc mình làm ở nhà gửi vào vì sợ không đảm bảo chất lượng".

Thịt cóc - Lợi bất cập hại

Theo nghiên cứu khoa học, thịt cóc là thực phẩm giàu dinh dưỡng, có hàm lượng protit và lipit cao (53% protid, 12% là lipid), hàm lượng sắt và kẽm hơn hẳn các loại thịt thông thường (65% sắt và 10% là kẽm). Thịt cóc có nhiều Axit amin, có tác dụng bồi bổ, điều trị chứng còi xương, suy dinh dưỡng ở trẻ em.

( Theo Đời sống Pháp luật )

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại