Kỳ 1: Đứa con bị “cướp” của người mẹ khuyết tật

Theo Phunuonline |

Ngày 25 Tết Quý Tỵ vừa qua, đi cùng bà T. núp bóng “từ thiện” để thăm con mình, tôi chết lặng khi không thấy đứa con bé bỏng của tôi đâu nữa.

Nguyễn Thị Sim (ảnh) ở Phú Sơn, Phấn Mễ, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên đã 32 tuổi mà chỉ cao bằng đứa trẻ sáu tuổi. Vì là trẻ mồ côi khuyết tật nên Sim được Trung tâm Vì Ngày Mai giúp đỡ suốt thời niên thiếu.

Cô kết hôn với một người khuyết tật rồi về quê sinh sống. Khi biết vợ mang thai, chồng Sim “quất ngựa truy phong”, bỏ mặc cô vượt cạn khi trong nhà không có nổi một ngàn đồng.

Từ đó, đời Sim rơi vào trầm luân, cô buộc phải vờ bỏ rơi con ở trung tâm bảo trợ xã hội để rảnh tay kiếm tiền, mong một ngày đón con về đoàn tụ. Mới đây, Sim chết lặng khi biết người ta đã đem con của cô đi cho tận trời Tây xa xôi nào đó...

Kỳ 1: Đứa con bị “cướp” của người mẹ khuyết tật

Màn kịch dựng sẵn?

Tìm đến văn phòng đại diện Báo Phụ Nữ kêu cứu, chị Sim tâm sự: “Bố mất khi tôi còn trong bụng mẹ. Mẹ lại mất khi sinh ra tôi. Cậu mợ tôi cũng nghèo, chật vật lắm mới nuôi bầy con nheo nhóc.

Tôi không dám phiền cậu mợ, nên xin cậu mợ gửi tôi vào Trung tâm (TT) dạy nghề cho người khuyết tật Vì Ngày Mai để học nghề.

Có nghề rồi, tôi lại mơ ước lớn hơn là được làm mẹ, làm vợ. Khi tôi yêu một người đàn ông bị khuyết tật vận động, các thầy cô đã đứng ra tổ chức đám cưới cho tôi.

Tôi mang thai đến tháng thứ bảy, siêu âm là con gái nên bị chồng tôi bỏ. Từ đó, tôi đã sống trong chuỗi ngày cơ cực. Nhà quá nghèo, tôi lại bơ vơ, sinh con trong cảnh cơm không đủ ăn, áo không đủ ấm.

Cực chẳng đã, tôi ôm con xuống Hà Nội nhờ bạn bè tìm việc làm, thầy cô lại cho mẹ con tôi tá túc ở TT Vì Ngày Mai. Tại đây, tôi được tiếp xúc với bà Hồ Thị T. (họa sĩ) ở Q.Đống Đa, Hà Nội.

Bà T. tuyển tôi và ba người bạn nữa cho một công việc đặc biệt: chế tác những con búp bê mặc trang phục dân tộc. Sản phẩm này thực chất là đồ lưu niệm cao cấp, được bán chủ yếu cho khách du lịch nước ngoài.

Vì tôi có con nhỏ, sợ ảnh hưởng đến công việc nên bà T. gợi ý tôi nên tạm gửi con vào TT chăm sóc trẻ tàn tật và người già Thụy An (xã Thụy An - Ba Vì - Hà Nội). Đây là TT bà T. thường lên làm từ thiện…”.

Sim suy nghĩ rất nhiều ngày. Bé Thu Hà là món quà vô giá cuộc sống ban tặng cho cô, nhưng cuối cùng cô cũng đồng ý, vì số phận của mẹ con Sim gần như đã phó mặc cho bà T. cả rồi.

Giữa năm 2009, bà T. đã lên kịch bản: Sim gửi con vào TT Thụy An bằng cách bỏ rơi con, bà sẽ giúp cô kiếm tiền đủ để nuôi con. Sau đó, bà sẽ can thiệp để cho Sim nhận làm mẹ nuôi của con mình, từ đó cô sẽ được sống với con suốt đời.

Sim kể: “Bà T. còn vẽ ra viễn cảnh chính bà sẽ nuôi con tôi ăn học đàng hoàng. Trước mắt, bà T. thuyết phục tôi chỉ để con vào TT Thụy An đến khi cháu học xong cấp I thì đón về ở cùng. Bà sẽ xin học cho con tôi ở trường dành cho người khuyết tật Xã Đàn.”

Bà T. là người trực tiếp liên hệ với một người đàn ông tên Hồng (sau này tôi mới biết ông Hồng là Giám đốc TT Thụy An). Ngày 7/11/2009, bà T. đã nhờ bà N. (là em gái), cùng bà Tr. (chị chồng bà N.) đưa hai mẹ con Sim lên TT Thụy An.

Bà T. nói: “Cô đã liên hệ trước với ông Hồng rồi, cháu là mẹ đẻ của bé Thu Hà, có hộ khẩu ở Thái Nguyên. TT của ông Hồng là TT của Hà Nội, nếu không phải là trẻ bỏ rơi thì họ không nhận đâu.

Bây giờ cháu đi cùng cô N., cứ để con cháu ngoài cổng TT Thụy An như trẻ bỏ rơi bình thường, họ sẽ nhận bé Thu Hà theo cách nhận một đứa trẻ bỏ rơi mới được”.

Kỳ 1: Đứa con bị “cướp” của người mẹ khuyết tật
Sim và người nhà tại Trung tâm Thụy An

Nước mắt chia lìa

Sim ứa nước mắt kể: “Tôi đau đớn quá. Đầu óc quay cuồng. Tôi ôm con trong lòng, ngồi trên xe của bà N. mà toàn thân tê dại.

Đến xã Thụy An, do chưa đến TT của ông Hồng bao giờ, nên ban đầu chúng tôi đã bỏ nhầm con ở một TT phục hồi chức năng cho người tàn tật Thụy An.

Đợi mãi không có người ra nhận, bà N. gọi điện thoại cho ông Hồng mới biết là đã nhầm. Qua điện thoại, ông Hồng chỉ đường chúng tôi đến TT.

Bà N. nói với tôi: “Bác Hồng bảo cháu cứ đặt con nằm ở cổng TT, sau đó người nhà lùi ra xa quan sát, khi nào TT cho người ra cổng bế cháu vào thì đi về”.

Không còn gì đau hơn cảm giác lúc đó của tôi. Thấy tôi khóc quá, người nhà bà N. phóng xe lao đi thật nhanh về Hà Nội.

Trên đường đi, tôi phát hiện ra đồ đạc của con vẫn còn trên xe, nên đòi quay lại đưa cho con nhưng bà N. nhanh chóng gọi cho ông Hồng, hỏi xem có cần làm như thế không. Ông Hồng cho biết là không nên mang vào vì sợ bị lộ chuyện con tôi còn có mẹ”.

Sau đó, bé Thu Hà được đổi tên là Uyển Nhi, với thân phận trẻ mồ côi, còn Sim trở thành người làm công trong nhà bà T. Bà họa sĩ này hứa mỗi năm sẽ cho cô hai lần lên thăm con gái bằng con đường đi làm từ thiện. Đổi lại, cô phải giữ bí mật chuyện bỏ rơi con.

“Tôi làm việc như người tù bị giam lỏng trong nhà bà T. Tôi không được giao tiếp với ai, kể cả ngày nghỉ, muốn đi thăm bạn bè ở TT cũ đối với tôi cũng vô cùng khó khăn.

Những người làm cùng tôi lần lượt ra đi hết, vì đây là công việc rất ít người làm được, nó đòi hỏi tính kiên nhẫn, sự khéo léo, cẩn thận, nên không phải người nào cũng trụ lại được.

Bà T. luôn lấy con tôi ra để uy hiếp tôi. Có lần do áp lực và mệt mỏi, tôi xin phép về quê vài ngày thì bà nói: “Cháu mà về thì đừng nghĩ đến chuyện gặp con”. Vì thế, tôi đã chịu đựng suốt ba năm, ba tháng mà không đòi hỏi điều gì.

Bà T. nói là trả lương cho chúng tôi hơn hai triệu/người, nhưng thực chất là bà trừ đầu, trừ đuôi, trừ tiền ăn và trừ cả tiền mà bà đem lên TT Thụy An để gửi cho con tôi... Tất cả bà đều tính vào lương của tôi, cuối cùng tôi chỉ nhận được cao nhất là 800.000đ/tháng.

Ngày 25 Tết Quý Tỵ vừa qua, đi cùng bà T. núp bóng “từ thiện” để thăm con mình, tôi chết lặng khi không thấy đứa con bé bỏng của tôi đâu nữa.

Cán bộ TT Thụy An lạnh lùng thông báo rằng, con tôi đã được cho đi làm con nuôi ở tận nước ngoài... Tôi khóc òa. Bà T. đưa lên phòng ông Hồng để hỏi cho ra lẽ.

Tại đây, tôi chính thức được ông Hồng cho biết, con tôi đã được đưa đi làm con nuôi ở Pháp được bốn tháng rồi. Kể từ hôm đó, tôi như người đã chết. Xin các anh chị cứu giúp tôi, xin hãy trả lại con cho tôi”!

Kỳ 1: Đứa con bị “cướp” của người mẹ khuyết tật
Sim và con gái
Kỳ 1: Đứa con bị “cướp” của người mẹ khuyết tật

Nghe câu chuyện của Sim, chúng tôi không sao cầm được nước mắt. Sự thật về chuyện tự đánh mất con của Sim còn nhiều uẩn khúc cần được làm rõ.

Tôi thoáng rùng mình, bởi cùng thời điểm Sim kêu cứu, chúng tôi cũng đang tiến hành điều tra một đường dây cho, nhận con nuôi nước ngoài là trẻ tàn tật với giá 200 triệu đồng/cháu.

Đường dây này được hé lộ từ một người đàn ông tự giới thiệu là chỉ cần có 200 triệu trở lên thì anh ta có thể lo thủ tục nhận một đứa con nuôi trong vòng nửa tháng (theo quy định là sáu tháng), nguồn là trẻ em tàn tật (và có HIV) trong các TT bảo trợ xã hội ở Hà Nội.

Từ lời kêu cứu của người mẹ tàn tật Nguyễn Thị Sim, chúng tôi đã đến làm việc với lãnh đạo TT Thụy An, sự thật đau lòng dần lộ ra...

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại