"Không ít lái xe cố đâm chết người để trốn trách nhiệm dân sự"

Hoàng Đan |

(Soha.vn) - LS Trần Đình Triển cho rằng, trên thực tế, có không ít lái xe cố tình đâm chết người để tránh trách nhiệm chữa trị, chăm sóc, nuôi nạn nhân cả đời...

Thời gian qua, rất nhiều vụ tai nạn thương tâm do tài xế không hề ghê tay khi cố tình cán qua người nạn nhân nhiều lần cho đến chết. Trao đổi với chúng tôi, Tiến sĩ - luật sư Trần Đình Triển, Trưởng văn phòng Luật Vì dân (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho rằng, đây là một thực tế đáng buồn và cần hết sức lên án.

Luật sư Trần Đình Triển (người đứng).
Luật sư Trần Đình Triển (người đứng).

"Hiện nay một vấn đề đặt ra trong thực tiễn là tình trạng vi phạm pháp luật về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ ngày càng ra tăng và đó là nỗi bức xúc trong toàn xã hội. Rất nhiều những vụ tai nạn thảm khốc đã xảy ra.

Về mặt pháp luật, tại điều 202 Bộ Luật hình sự về Tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ đã nêu rõ trách nhiệm hình sự đối với tội này. Dù thiệt hại đến mức bao nhiêu về người thì cũng chỉ có mức hình phạt cao nhất là 15 năm tù.

Còn trong những trường hợp mà hậu quả tai nạn dẫn đến 1 người chết thì mức xử phạt tù ở đây thường chỉ từ 3 - 5 năm tù. Và ngoài chịu án hình sự thì tổng mức bồi thường cả về tinh thần, ma chay theo quy định chỉ ở mức cao nhất là 150 triệu đồng.

Tuy nhiên, trách nhiệm hình sự như vậy không phải là nặng nề mà trách nhiệm dân sự trong các vụ tai nạn giao thông mới là điều đáng ngại nhất. Ví dụ như gây tai nạn nhưng nạn nhân không chết mà chỉ làm cho người ta tàn tật, phải nuôi suốt cuộc đời thì tiền viện phí, chăm sóc được coi là một gánh nặng rất lớn đối với người lái xe.

Nhiều trường hợp, do gia cảnh quá nghèo nên lái xe phải vay mượn, cầm cố, bán sạch của cải, nhà cửa để có thể cứu chữa cho nạn nhân.

Chính vì điều này mà không ít lái xe điều khiển phương tiện giao thông hiểu được luật lệ thì có tâm lý chung là cố tình hành xử theo kiểu thà rằng, gây tai nạn rồi cố tình đâm chết người để phải chịu tù từ 3 - 5 năm tù và bồi thường tổng cộng cao nhất là 150 triệu đồng để không phải chịu trách nhiệm chăm sóc, chữa trị, nuôi dưỡng nạn nhân suốt cả đời.

Đây là những hành vi rất tàn ác và cần phải lên án mạnh mẽ", luật sư Triển nói.

Luật sư Triển cũng nhấn mạnh, đối với những hành vi này, cần căn cứ vào các kết quả điều tra của cơ quan chức năng để từ đó đưa ra được mức xử lý thích đáng, nghiêm khắc.

"Đối với những trường hợp này cần phải có kết luận điều tra cụ thể của cơ quan chức năng để xác minh chính xác hành vi của người điều khiển phương tiện. Nếu xác định đúng lái xe đã cố tình cán qua không chỉ một lần mà là hai, thậm chí ba lần để hại chết nạn nhân thì đây không còn là vụ tai nạn gây thiệt hại tính mạng nữa mà là một hành vi cấu thành tội giết người được quy định tại Điều 93, Bộ luật Hình sự.

Và mức cao nhất của tội này là tử hình. Ngoài ra vẫn phải chịu trách nhiệm bồi thường về tinh thần, ma chay cho nạn nhân.

Chính vì vậy, để tránh những trường hợp tương tự có thể xảy ra, các cơ quan chức năng cần tuyên truyền cho người điều khiển phương tiện hiểu rõ luật và nghiêm chỉnh chấp hành. Đối với những hành vi man rợ, cố tình giết người cần phải bị lên án và xử lý nghiêm minh, làm gương cho những đối tượng khác không còn dám có suy nghĩ như vậy...", luật sư Triển bày tỏ.

Liên quan đến vụ đâm xe ở Xã Đàn, luật sư Triển cho hay, ở đây, các cơ quan chức năng đã làm rõ lái xe không cố tình cán tiếp qua người nạn nhân nên việc Công an quận Đống Đa đã ra quyết định khởi tố vụ án "vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ" là đúng theo quy định của pháp luật.

Luật sư Triển cũng cho biết thêm, trong trường hợp này, có một số tình tiết tăng nặng đối với hành vi gây tai nạn của lái xe là: Lái xe đã sử dụng rượu trong quá trình điều khiển phương tiện, sau khi gây tai nạn lái xe đã bỏ chạy hoặc cố ý không cứu giúp nạn nhân. Vì thế, ở đây, có thể xem xét khởi tố lái xe theo khoản 2 điều 202 Bộ Luật Hình sự với mức phạt tù từ ba năm đến mười năm.

Điều 202. Tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ

1. Người nào điều khiển phương tiện giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ, tài sản của người khác, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến năm năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm:

a) Không có giấy phép hoặc bằng lái xe theo quy định;

b) Trong khi say rượu hoặc say do dùng các chất kích thích mạnh khác;

c) Gây tai nạn rồi bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn;

d) Không chấp hành hiệu lệnh của người đang làm nhiệm vụ điều khiển hoặc hướng dẫn giao thông;

đ) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.

3. Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm.

4. Vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ mà có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả đặc biệt nghiêm trọng nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.

5. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.

 

 

 

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại