Huyền Chip: “Đội mũ bảo hiểm để tránh gạch đá”

Thiên Di (ghi) |

(Soha.vn) - Đó là lời chia sẻ của Huyền Chip – tác giả của cuốn sách "Đừng chết ở châu Phi" trước khi giải đáp nghi vấn của hàng trăm độc giả về chuyến hành trình đi 25 nước.

Đừng chết ở châu phi là hành trình thử thách bản thân của cô gái 23 tuổi qua những vùng đất khắc nghiệt và hoang dã ở châu Phi. Trong buổi họp báo sáng nay, ngày 19/9 tại Hà Nội, cô bé 9X Huyền Chip nổi tiếng với cuốn sách “Xách ba lô lên đường và đi” (Tập 2 – Đừng chết ở châu Phi) đã gây “bão” trong cộng đồng giới trẻ trong thời gian qua.

Thậm chí, có người cho rằng, Huyền Chip đã nói dối về những gì viết trong cuốn sách. Trước khi “giải trình” lần lượt câu hỏi từ việc xin visa các nước, kiếm việc làm ở các nước châu Phi, cô chia sẻ: “Trước khi đến đây, tôi rất run. Nhưng khi đứng trên đây, tôi rất bình tĩnh vì có nhiều người bạn ủng hộ, động viên tôi. Bạn bè còn khuyên đùa tôi hãy đội mũ bảo hiểm để tránh gạch đá”.

Huyền Chip cho biết, ban đầu khi nghe thông tin “ném đá” như vậy, cô rất bực vì “Mình không làm gì sai cả. Mình nên làm cái gì đó để mọi người hiểu mình hơn”.

Sinh ra và lớn lên tại làng quê nhỏ ở Nam Định, Huyền Chip – tên thật là Nguyễn Thị Khánh Huyền (SN 1990). Huyền Chip không học đại học, cô quyết định xách ba lô lên đường chu du hơn 25 nước trên thế giới với số tiền ban đầu là 70 nghìn USD. Việc xin visa như thế nào, kiếm tiền như thế nào ở nước châu Phi là câu hỏi thắc mắc của nhiều bạn đọc.

Huyền Chip trả lời thắc mắc của mọi người trong buổi họp báo sáng nay.

Huyền Chip trả lời thắc mắc của mọi người trong buổi họp báo sáng nay.

“Tôi không nói dối”

Xin visa đi các nước không dễ, nhiều người nói bạn "ăn vạ" để xin visa,“Thánh xin visa”, bạn thấy sao ?

Huyền Chip: Đúng, mình xin visa 25 nước. Mình thừa nhận việc xin visa từ Việt Nam rất khó. Nhưng không phải tất cả các nước đều khó! Ở các nước đang phát triển xin visa không cần chứng minh tài chính, mình có thể mua visa tại biên giới. Bằng chứng là mình đã đi sang châu Á, châu Phi và chưa sang châu Âu. Và mình cũng không xin visa được 3 nước ở Châu Phi trong đó có Nam Phi. Vì thế mình quyết định về Việt Nam.

Nhiều người nói mình là “Thánh xin visa” hay “ăn vạ xin visa”. Câu đó bắt nguồn từ lần mình có dịp gặp bác Vũ Khoan trong một hội thảo. Bác ấy có hỏi mình xin visa như thế nào, mình trả lời là “cháu ăn vạ xin visa”. Câu nói đó đã khiến Huyền bị chỉ trích.

- Vậy còn nghi vấn đi 25 nước chỉ với 700 USD, bạn giải thích như thế nào?

Huyền Chip: Đó là số tiền bắt đầu chứ không phải là toàn bộ các nước. Số tiền bao nhiêu không quan trọng hay số lượng nước mà mình đi không phải để lấy thành tích, không phải để chứng minh điều gì.

- Tổng kinh phí cho cả chuyến đi thì sao?

Huyền Chip: Mình không tính. Mình tính toán ngân sách khi có ngân sách, còn không có thì không thể tính toán, có những nước mình có thể sống với 5-10 USD một ngày, có những nước mình 2-3 ngày mình không tiêu một xu nào.

Gia đình mình không phải là đại gia, số tiền mình đi là số tiền mình kiếm được.

GS Nguyễn Lân Dũng cho mọi người xem hộ chiếu của Huyền Chip để giải đáp việc cô bé đã xin visa như thế nào.

GS Nguyễn Lân Dũng cho mọi người xem hộ chiếu của Huyền Chip để giải đáp việc cô bé đã xin visa như thế nào.

- Cơ hội kiếm việc làm ở nước ngoài không dễ, nhiều người nghi ngờ tại sao một người trẻ tuổi như bạn lại có thể làm việc ở sòng bạc tại châu Phi chẳng hạn?

Huyền Chip: Phần lớn công việc mình tìm đều bán thời gian và không theo quy tắc truyền thống mà phụ thuộc năng lực của bản thân. Có lúc mình hỏi 50 người mới có một người cho mình công việc.

Chưa bao giờ mình nói xin việc dễ, mình cũng phải trầy trật để xin việc làm. Mình hết tiền mình sẽ đi tìm việc. Công việc của mình ở sòng bạc được trả 150USD/ tuần; ở Nepan mình tổ chức sự kiện cho CLB đêm hay viết bài cho trang web…

Bố mẹ “thót tim” khi đọc cuốn sách của mình

- Thực hiện chuyến hành trình qua 25 nước, dám trải nghiệm những vùng đất nguy hiểm, thậm chí bạn từng bị cướp, bị đói, hết tiền, Huyền Chip có bao giờ nghĩ đến không?

Huyền Chip: Mình không được lo xa như người khác, không lên kế hoạch lâu dài, nếu đã đâm lao thì theo lao. Chỉ có điều mình có tính toán những nguy hiểm trước mắt mà có thể gặp phải trên đường.

- Bố mẹ bạn chắc chắn phải lo lắng, ngăn cấm chứ?

Huyền Chip: Bố mẹ mình không biết mình đi như thế, khi mình về bố mẹ mới biết. Bố mẹ mình ở quê và không có cơ hội biết về thế giới bên ngoài. Sau khi mình trở về Việt Nam, cuốn sách ra đời, bố mẹ mới hiểu được. Khi mẹ đọc mẹ nói rằng thót tim và nói mình ở nhà, không nên đi nữa.

Huyền Chip và chuyến hành trình qua vùng đất đầy khắc nghiệt và hoang dã châu Phi.

Huyền Chip và chuyến hành trình qua vùng đất đầy khắc nghiệt và hoang dã châu Phi.

- Bạn bỏ đại học, bố mẹ bạn có buồn, thất vọng không? Huyền có bao giờ thấy hối tiếc vì chuyến đi?

Huyền Chip: Bố mẹ mình rất buồn vì mình nói không học đại học. Bố mẹ muốn mình đi đường bằng phẳng. Mọi người sốc khi mình không học đại học vì ở Việt Nam cần bằng cấp.

Bố mẹ không biết mình đang ở đâu, bố mẹ càng lo hơn. Mỗi lần gọi điện về nhà mình buồn vì để mẹ lo. Nhưng mình nghĩ để mẹ vui hay mình sẽ hối tiếc cả đời? Trong chuyến đi có những lúc mình rất muốn về nhà, cảm giác bị kẹt ở châu Phi. Và mình có buồn, có nhớ nhà nhưng không bao giờ hối tiếc.

Tại sao bạn đặt tên cuốn sách là “Đừng chết ở châu Phi”?

Huyền Chip: Trong cuộc hành trình, mình bị đói 1 vài ngày ở châu Phi. “Đừng chết ở châu Phi" là cảm xúc của mình khi ở đó. Mình muốn nói rằng, khi nhìn thấy cái chết thì mình trân trọng sự sống hơn.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại