Hình ảnh Đại tướng đưa vào SGK Lịch sử như thế nào sau 2015?

Thiên Di |

(Soha.vn) - Theo Chủ tịch Hội đồng bộ môn Lịch sử (Bộ GD&ĐT), PGS.TS Nghiêm Đình Vỳ, hình ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp sẽ đưa vào một chuyên đề về các nhân vật lịch sử trong SGK.

Vừa qua, Ban Tổ chức Lễ quốc tang Đại tướng Võ Nguyên Giáp do Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị rút kinh nghiệm việc tổ chức Lễ quốc tang Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Theo đó, Ban Tổ chức lễ tang cũng kiến nghị cấp có thẩm quyền giao cho cơ quan chức năng đưa tên Đại tướng gắn liền với các chiến công lịch sử của dân tộc vào sách giáo khoa (SGK) phổ thông.

Trao đổi với chúng tôi, PGS.TS Nghiêm Đình Vỳ - Chủ tịch hội đồng bộ môn Lịch sử của Bộ GD&ĐT, đơn vị trực tiếp viết chương trình đổi mới SGK phổ thông sau năm 2015 cho biết, hình ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp sẽ được đưa đậm nét, nói rõ công lao và vai trò của Đại tướng trong SGK Lịch sử chương trình phổ thông sau năm 2015.

PGS.TS. Nghiêm Đình Vỳ khẳng định hình ảnh Đại tướng sẽ đậm nét trong chương trình SGK lịch sử phổ thông sau 2015.

PGS.TS. Nghiêm Đình Vỳ khẳng định hình ảnh Đại tướng sẽ đậm nét trong chương trình SGK lịch sử phổ thông sau 2015.

PGS.TS Nghiêm Đình Vỳ nguyên là Chủ nhiệm Khoa Lịch sử (Trường ĐH Sư phạm Hà Nội), nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội (1992 – 1997), nguyên Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương. Ông khẳng định: “Hình ảnh Đại tướng có đưa vào SGK hiện hành cả về mặt kênh hình và kênh chữ nhưng chưa thực sự đậm nét, chứ không phải “bỏ quên” như nhiều người đã nói”.

Cụ thể, trong chương trình Lịch sử Việt Nam, hình ảnh Đại tướng xuất hiện trong phần cơ bản và nâng cao SGK lớp 9, lớp 12.

Bức ảnh thứ 1: Ảnh chụp Đại tướng đứng với hàng quân vào ngày 22/12/1944, thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, hình ảnh rất rõ về Đại tướng.

Bức ảnh thứ 2: Hội nghị Họp thường vụ Trung ương trong đó có chụp ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp với các lãnh đạo khác.

Bức ảnh thứ 3: Họp Bộ Chính trị định ra chiến lược tác chiến Đông Xuân 1953 – 1954.

Ngoài ra, trong SGK Lịch sử lớp 12, có dẫn 6 dòng về chiến lược tác chiến trong chiến lược Đông Xuân 1953 – 1954 được trích trong cuốn sách về Đại tướng.

Bức ảnh có hình ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong SGK lịch sử phổ thông hiện ảnh.

Bức ảnh có hình ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong SGK lịch sử phổ thông hiện hành.

Lý giải nguyên nhân tại sao hình ảnh Đại tướng lại xuất hiện chưa thực sự đậm nét trong SGK phổ thông hiện hành, PGS.TS Nghiêm Đình Vỳ giải thích: “SGK có quy định về khuôn khổ, hạn chế số trang nên không thể đưa nhiều được. Tác giả SGK muốn đưa rất nhiều, không những hình ảnh Đại tướng mà còn hình ảnh những nhân vật lịch sử khác.

Việc lồng ghép hình ảnh Đại tướng với sự kiện lịch sử có thể giúp cho giáo viên, học sinh tự học được. Bởi phương pháp tự học không chỉ viết trên kênh chữ mà qua kênh hình giáo viên đưa cho học sinh để hỏi. Ví dụ ảnh Đại tướng trong buổi họp Bộ Chính trị, giáo viên có thể hỏi học sinh chỉ tên lãnh tụ Đảng ta thời kỳ đó…”.

Tuy nhiên, việc lồng ghép, làm đậm nét vai trò của Đại tướng nêu trong SGK Lịch sử sau 2015 sẽ không phải là bài toán dễ khi mà với chương trình SGK được giảm tải hiện hành, nhiều giáo viên kêu "giảm tải mang tính cơ học" gây khó khăn cho người dạy. Câu hỏi đặt ra, các nhà biên soạn sách sẽ đưa như thế nào vào SGK Lịch sử sau năm 2015?

Trả lời về điều này, PGS.TS Nghiêm Đình Vỳ cho biết: Việc thêm hình ảnh, làm rõ nét vai trò của Đại tướng sẽ không ảnh hưởng gì đến chương trình giảm tải. Tùy từng bài, giáo viên cũng có thể linh động bổ sung hình ảnh, kiến thức về các nhân vật lịch sử.

“Một bài tóm tắt về Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong tương lai có thể viết được và không chỉ có hình ảnh Đại tướng mà còn có các lãnh tụ khác. Chúng tôi sẽ nghiên cứu trong việc biên soạn SGK Lịch sử phổ thông sao cho hợp lý.

Hiện nay, chương trình lịch sử ở tiểu học, các em sẽ học theo thông sử theo thời đại, đồng tâm với chương trình THCS, THPT. Sắp tới, chúng tôi có thay đổi hướng sắp xếp chương trình dạy lịch sử theo 3 cấp”, PGS nói.

Cụ thể, theo ông, ở bậc tiểu học sẽ có sự kết hợp giữa học thông Sử với hình thức kể chuyện (chủ yếu là hình thức kể chuyện) để giúp việc học nhẹ nhàng. Ví dụ câu chuyện về quốc kỳ Việt Nam, cờ đỏ sao vàng, quốc huy là như thế nào, tên gọi đất nước ta qua các thời đại Lý, Trần, Lê…. Hoặc kể chuyện nhỏ, ngắn gọn về các cuộc chiến, về phát triển văn hóa và đặc biệt nhấn mạnh về danh nhân lịch sử trong đó có Trần Hưng Đạo, Võ Nguyên Giáp…

Chương trình THCS sẽ học thông sử: từ lịch sử loài người hình thành cho đến hiện nay, trong đó có thể nói về Đại tướng trong chiến dịch Điện Biên Phủ.

Còn ở THPT sẽ không học lại những kiến thức đã lặp lại từ cấp 2, mà học theo chủ đề, chuyên đề. Ví dụ lịch sử Việt Nam về các dân tộc Việt Nam, sự phát triển văn hóa, các nhân vật lịch sử Việt Nam và thế giới… Trong đó, hình ảnh Đại tướng sẽ là một trong những nhân vật được nhắc đến.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại