Hạ nhiệt giá thuốc: Có cách không?

camnhung |

Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để quản lý được thuốc, để có thể hạ nhiệt cho mặt hàng này?

Kỳ 1: Méo mặt vì thuốc tăng giá

Giá thuốc tăng liên tục, người bệnh méo mặt, khốn khổ. Nhưng, cơ quan quản lý Nhà nước lại không thể bình ổn thị trường dược vốn được coi là loại hàng hóa đặc biệt.

Trong ba tháng đầu năm, thanh tra Sở Y tế Hà Nội nhận được báo cáo tổng hợp về biến động tăng giá thuốc của 20 công ty dược có điều chỉnh tăng giá khoảng 240/4000 loại thuốc với biên độ điều chỉnh từ 3-30%. Thực tế kiểm tra của Sở Y tế Hà Nội tại phố thuốc Ngọc Khánh cho thấy cáccửa hàngthuốc đều tăng từ 10 - 60%, cá biệt có loại thuốc bảo vệ gan tăng đến 90%.

Người dân than trời vì giá thuốc tăng chóng mặt. Ảnh: Như Ý.

Thuốc nội, ngoại đều tăng

Các thuốc tăng giá vẫn tập trung chủ yếu vào các nhóm: kháng sinh, vitamin và khoáng chất, thuốcgiảm đau, chống viêm, đông dược, tim mạch, ung thư, dịch truyền, tuần hoàn não, một số vaccine và sinh phẩm y tế.

Khảo sát nhiều cửa hàng thuốc tại phố Láng Hạ, Ngọc Khánh, Hai Bà Trưng, cho thấy, nhóm thuốc kháng sinh có các loại tăng như: clamoxyl 250 tăng từ 55.000 - 62.000 đồng một gói; ceclor 125mg của Italy tăng từ 80.000 – 95.000 đồng một gói. Thuốc hoạt huyết dưỡng não của Traphaco tăng 38.000 - 50.000 đồng mỗi hộp; boganic 38.000 - 40.000 đồng một hộp; B1 tăng từ 2.500 – 3.000 đồng một vỉ; các loại dầu gió tăng 20%.

Tại TP HCM, giá thuốc cũng nhảy múa tăng liên tục. Một chủ hiệu thuốc trên đường Hai Bà Trưng (quận 1, TP HCM), cho biết 100% thuốc nội đã tăng giá. Ngay từ trước Tết, cửa hàng đã nhận được bảng thông báo tăng giá nhiều mặt hàng thuốc nội. Tỷ lệ tăng trung bình khoảng 5%. Trong đó có loại tăng khá cao như Cades từ giá 19.000 đồng lên 43.000 đồng một hộp, Panadol Extra đã tăng thêm 15.000 đồng mỗi hộp. Nhiều mặt hàng thuốc kháng sinh cũng đã tăng giá với mức trung bình khoảng 10%. Các loại thuốc thông thường như thuốc ho, cảm sốt, các loại viên kẹo ngậm, thuốc bổ của các công ty nội địa sản xuất… trước đây khoảng nửa tháng cũng đã bán tăng giá 7-15%”.

Người bệnh than trời

Tại BV Y Phạm Ngọc Thạch, ông Phạm Văn Châu (58 tuổi, ngụ tại Quận 5, TP HCM) chia sẻ: “Tôi bị huyết áp mấy năm nay, mặc dù có BHYT chi trả một phần tiền thuốc nhưng mỗi tháng tôi cũng phải mất gần hai triệu đồng vì một số loại thuốc không có trong nhà thuốc bệnh viện, phải ra ngoài mua. Nhưng gần đây giá thuốc tăng cao, nên mỗi tháng tôi phải tốn gần ba triệu đồng”. Ông Châu ngao ngán nói: “Lúc trước tôi mua loại thuốc trị huyết áp Ex. của Pháp chỉ mất 540.000 đồng nhưng nay loại này đã tăng lên 590.000 đồng một hộp 28 viên”. Anh Hoàng Phước H. (Bình Thạnh, TP HCM) cho hay: “Loại thuốc hỗ trợ cho bệnh nhân cai nghiện hiệu Bông Sen (in trên nhãn: NSX Công ty Pataco Bến Tre) tăng giá cao vọt, từ ngày 1/3, giá bán thuốc này từ 1.580.000 đồng một hộp tăng lên 3 triệu đồng nhưng vì không thể ngưng điều trị nên đành phải bấm bụng mua”.

Một số bác sĩ tại BV Nhân dân Gia Định TP HCM thừa nhận, các loại thuốc đặc trị cho bệnh nhân tim mạch, thần kinh có giá rất cao nên người bệnh nghèo rất khó mua nổi nếu không có BHYT. Những bệnh nhân mắc bệnh mạn tính, ung thư phải sử dụng thuốc thường xuyên, hiện gặp nhiều khó khăn.

Gia đình của anh Tùng ở Hai Bà Trưng, Hà Nội cũng đang méo mặt vì thuốc. Cậu con trai chưa đầy 2 tuổi của anh nằm điều trị trong BV Nhi Trung Ương ba tuần với căn bệnh nhiễm trùng máu. Ngày nào con anh cũng phải tiêm gần 10 loại thuốc nhưng riêng lọ thuốc nhằm tái tạo máu đã có giá tới 5 triệu đồng một lọ. “Tôi phải vay mượn họ hàng và bán hết những gì có thể trong nhà để lấy tiền chữa trị cho con vì bệnh của cháu vẫn còn phải điều trị dài”, anh Tùng thở dài.Theo Sở Y tế TP HCM, hiện đã nhiều công ty sản xuất thuốc gửi hồ sơ xin tăng giá thuốc nhưng chưa được xét duyệt. Các mặt hàng thuốc nội do 22 doanh nghiệp sản xuất do Sở Y tế TP HCM quản lý được kiểm soát rất chặt, muốn điều chỉnh tăng giá phải thông qua hội đồng thẩm định. Riêng những công ty dược đã trúng thầu vào các BV phải giữ đúng giá theo hợp đồng và cung ứng đầy đủ. Công ty dược nào cố tình vi phạm sẽ đề xuất biện pháp xử lý mạnh. Tuy nhiên, hiện Sở Y tế chỉ đảm bảo được giá bán buôn còn giá bán lẻ ở các nhà thuốc là không thể quản lý.

Theo Đất Việt

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại