GS Phan Huy Lê: Nếu là học sinh, tôi cũng chán môn Sử

"Với tình hình giảng dạy môn Sử ở các trường THPT hiện nay, nếu tôi là học sinh, tôi cũng chán học môn này".

Hiện tượng nhiều học sinh trường THPT Nguyễn Hiền (quận 11, TP HCM) ném đề cương môn Lịch sử sau khi biết trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay không thi môn học này đang khiến dư luận xã hội quan tâm. Xung quanh vấn đề này, phóng viên VOV online phỏng vấn Giáo sư Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Sử học Việt Nam.

Thi theo bốc thăm chẳng thể chống được tiêu cực

PV: Thưa Giáo sư, hiện tượng nhiều học sinh trường THPT Nguyễn Hiền (quận 11, TP HCM) ném đề cương môn lịch Sử sau khi được biết trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay không thi môn học này. Nhìn nhận của Giáo sư về hiện tượng này như thế nào?

Giáo sư Phan Huy Lê: Là một nhà giáo và nghiên cứu lịch sử lâu năm, khi biết được thông tin trên, thực sự tôi rất đau lòng. Nhìn những bức ảnh, học sinh ném đề cương môn sử như tuyết rơi trắng xóa dưới sân trường, tôi nghĩ hiện tượng này đã gây bức xúc, xôn xa dư luận xã hội.

Thực ra đây là hành động bình thường thể hiện quan điểm, thái độ đối với một sự việc nào đó. Các em chỉ đáng trách là vứt giấy bừa bãi, gây mất trật tự, ảnh hưởng đến môi trường văn hóa-giáo dục của nhà trường.

Giáo sư Phan Huy Lê

Hành động của các em khiến chúng ta cần bình tĩnh suy nghĩ lại. Tôi thấy hiện tượng này có những nguyên do sâu xa và trách nhiệm không phải thuộc về học sinh. Có ý kiến cho rằng, việc nhiều học sinh ném đề cương Sử phản ánh sự chán ghét môn học này cũng có phần đúng.

Tuy nhiên, nói rằng học sinh chán ghét đến nỗi quay lưng lại với môn Sử thì tôi không đồng ý hoàn toàn với ý kiến đó. Tôi chắc chắn rằng, trong số học sinh trường THPT Nguyễn Hiền, không phải em nào cũng chán ghét môn học này.

Hiện tượng trên cần phân tích sâu sắc và theo tôi, nó phản ánh những “khuyết tật” của nền GD Việt Nam hiện nay.

Với tình hình giảng dạy môn Sử ở các trường THPT cũng như chương trình sách giáo khoa hiện nay, nếu tôi là học sinh, tôi cũng chán học môn này.

Hiện nay, sách giáo khoa biên soạn quá nặng nề, la liệt các sự kiện, sự phân tích khái quát rất chung chung, không gây được sự hứng thú học tập theo lối thông minh của học sinh và cũng không đạt được yêu cầu giáo dục phẩm chất, năng lực của thế hệ trẻ. Tôi và khá nhiều nhà sử học cho rằng, sách giáo khoa hiện nay gần như là tóm tắt sách lịch sử của người lớn và bắt học sinh phải học theo.

Việc Bộ GD-ĐT công bố 6 môn thi tốt nghiệp THPT, không có môn Lịch sử mà lại có môn Địa lý. Theo tôi, thi Địa lý, các em học sinh sẽ hứng thú hơn rất nhiều vì thi Địa dễ dàng hơn Lịch sử và dễ đạt được điểm cao. Đây là tâm lý rất tự nhiên của giới trẻ.

Mặc dù theo giải thích trên báo chí của một cán bộ Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng (Bộ GD-ĐT) cho rằng, việc không thi môn Lịch sử chỉ là hiện tượng bình thường, bởi đó là kết quả của việc bốc thăm theo xác suất.

Tuy nhiên, với những người có trách nhiệm với ngành GD thì phải suy ngẫm đằng sau tâm lý thích thi môn học dễ đạt điểm cao của học sinh. Tâm lý này đã phần nào phản ánh khía cạnh tiêu cực của nền GD Việt Nam.

Dù Bộ GD-ĐT đã và đang đẩy mạnh phong trào “Nói không với tiêu cực và bệnh thành tích trong giáo dục”, nhưng với lối thi cử hiện nay thì trên thực tế là tạo cho giới trẻ một động cơ học tập sai lầm. Đó là học để đi thi, thi để lấy điểm. Vì thế mà nhiều phụ huynh tất bật lo cho con em học đến nỗi bắt buộc phải cho học thêm và hệ quả là tình trạng học thêm-dạy thêm tràn lan không thể kiểm soát được, học sinh học ngoài giờ, học cả thứ Bảy, Chủ nhật, học đến mụ đầu, ảnh hướng đến sự phát triển thể lực và trí lực của thế hệ trẻ.

Nếu nền GD còn tiếp diễn theo lối đào tạo, thi cử như vậy thì có nghĩa là tự hạ thấp mục tiêu đào tạo và gây ra một động cơ học tập sai lầm, làm cho thui chột lý tưởng, hoài bão cao đẹp, niềm đam mê phát huy sở trường của lớp trẻ.

Cần xóa bỏ quan điểm môn chính, môn phụ

PV: Việc cán bộ lãnh đạo thuộc Bộ GD-ĐT giải thích năm nay, kỳ thi tốt nghiệp THPT không có môn Lịch sử là do bốc thăm ngẫu nhiên theo xác suất chứ không phải là do Bộ “lo sợ” học sinh thi môn học này sẽ có nhiều điểm 0. Ý kiến của Giáo sư về vấn đề này như thế nào?

Giáo sư Phan Huy Lê: Việc cán bộ lãnh đạo thuộc Bộ GD-ĐT giải thích như trên có phần đúng vì theo quy chế của Bộ GD-ĐT đưa ra, ngoài 3 môn chính là: Văn, Toán, Ngoại ngữ thì 3 môn còn lại sẽ phải bốc thăm theo xác suất.

Tuy nhiên, điều tôi muốn đề cập là từ sự kiện này đã bộc lộ thêm một yếu kém nữa của ngành GD trong việc đối xử với các môn học ở bậc phổ thông. Theo tôi, ở bậc phổ thông, không nên phân biệt môn học chính và phụ.

Trong hệ thống giáo dục phổ thông, môn nào cũng có vị trí của nó và đều cần thiết cho yêu cầu giáo dục phổ thông. Nhưng điều quan trọng là phải phân biệt chức năng của các môn học, trong đó phải quy định rõ có những môn học cơ bản, mang tính bắt buộc, không thể có năm thi, năm không được.

Trong hai năm nay, đóng góp vào dự thảo Đề án đổi mới cơ bản và toàn diện nền GD Việt Nam do Ban Tuyên giáo Trung ương và Bộ GD-ĐT đề ra, rất nhiều nhà khoa học, nghiên cứu lịch sử, giáo viên đều kiến nghị cần phải nhận thức lại vị thế môn học ở trường phổ thông, trong đó có quy định về các môn học cơ bản, bắt buộc.

Ban Tuyên giáo Trung ương đã đưa quan điểm này vào trong dự thảo Đề án, Bộ GD-ĐT chưa đưa quan điểm này vào nhưng không bao giờ chống lại. Tuy nhiên, rất tiếc là cho đến nay, Bộ GD-ĐT vẫn đang trong quá trình nghiên cứu, chưa quyết định. Như vậy là quá chậm chễ.

Mặc dù đổi mới cơ bản và toàn diện nền GD Việt Nam là quá trình thực hiện lâu dài và đến năm 2015, chúng ta mới viết lại sách giáo khoa. Tuy nhiên, điều gì đúng và cấp thiết thì phải thực hiện ngay, chứ không thể chờ nghiên cứu mãi như thế này thì sẽ ảnh hưởng rất lớn tới hiệu quả và chất lượng giáo dục.

Hiện nay, vị thế của môn Sử trong nền GD phổ thông đang bị coi là môn học phụ, nhiều nhà giáo nói là môn học bị coi thường nhất. Một sự đối xử như vậy thì làm sao đòi học học sinh yêu thích và hứng thú đối với môn học. Đây là một sai lầm rất nghiêm trọng. Điều này sẽ ảnh hưởng tới yêu cầu giáo dục thế hệ trẻ.

Các nước tiên tiến trên thế giới đều coi môn Sử cùng với môn Văn, Toán, có nước thêm Ngoại ngữ hay Tin học là những môn học cơ bản, bắt buộc trong nền giáo dục phổ thông. Chúng ta thử hình dung, các em lớn lên, trở thành công dân hoạt động trên các lĩnh vực của xã hội mà không biết hay biết lờ mờ, thậm chí sai lệch về quá khứ của Tổ tiên và các nền văn minh tiêu biểu của nhân loại thì sẽ hành xử như thế nào trong nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Theo ý kiến của tôi, Bộ GD-ĐT không nên bốc thăm các môn cho kỳ thi tốt nghiệp. Bởi vì giáo dục có phải là thi bóng đá đâu mà bốc thăm. Sự bốc thăm mang tính xác xuất hoàn toàn không phù hợp với việc quyết định đầy trách nhiệm về các môn thi tốt nghiệp. Ngoài những môn cơ bản bắt buộc phải thi, các môn khác cần cân nhắc lựa chọn hoặc ít nhất là luân phiên đưa vào các môn thi một cách công bằng.

PV: Có nhiều ý kiến cho rằng, thế hệ trẻ Việt Nam hiểu biết lịch sử các nước khác còn hơn nước mình. Giáo sư suy nghĩ như thế nào về vấn đề này?

Giáo sư Phan Huy Lê: Việc các bạn trẻ hiểu biết lịch sử các nước khác nhiều hơn lịch sử trong nước chủ yếu là thông qua phim ảnh. Điều đó không đáng trách vì các bạn trẻ biết nhiều về lịch sử các nước càng nhiều càng tốt và đáng hoan nghênh. Tuy nhiên, điều đáng suy ngẫm là tại sao chúng ta không có được các phương tiện thông tin đại chúng để góp phần phổ biến những kiến thức về lịch sử, giáo dục lịch sử dân tộc cho thế hệ trẻ. Điều đáng tiếc là cho đến nay, chúng ta chưa có được những bộ phim, cuốn tiểu thuyết lịch sử hấp dẫn, thu hút sự quan tâm về lịch sử dân tộc cho thế hệ trẻ.

Đến lúc nền giáo dục phải có cuộc cải cách toàn diện và triệt để

PV: Tình trạng học sinh chán ghép học sử và những cảnh báo về việc đào tạo cũng như chất lượng giảng dạy môn học này đã được báo chí đề cập đến nhiều lần nhưng vẫn chưa được cải tiến là bao. Theo Giáo sư, chúng ta cần làm gì để thế hệ trẻ không quay lưng lại và yêu thích môn Lịch sử?

Giáo sư Phan Huy Lê: Mặc dù nền GD Việt Nam đã có một số cải tiến nhưng vẫn còn nhiều bất cập và yếu kém, chưa đáp ứng được yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực của đất nước trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Theo tôi, đã đến lúc, nền giáo dục phải đổi mới cơ bản và toàn diện mà thực cất là cuộc cải cách toàn diện và triệt để.

Những khuyết tật của nền giáo dục đã bộc lộ rõ ràng và mang tính hệ thống nên những cải tiến bộ phận không thay đổi được toàn cục. Rất tiếc là công việc nghiên cứu và đề xuất một chương trình cải cách như vậy được toàn xã hội quan tâm, được nhiều nhà giáo, nhà khoa học trong và ngoài nước đóng góp, nhưng triển khai quá chậm. Việc cải cách môn sử không thể tách rời khỏi công việc cải cách toạn bộ nền giáo dục.

Riêng về môn Sử, theo tôi, không chỉ riêng ngành GD mà toàn xã hội cần nhận thức lại vị thế của nó cho đúng. Vấn đề cốt lõi là cần xác định dạy Sử và học Sử nhằm mục tiêu gì, từ đó, xác định dạy những gì. Lịch sử mênh mông, cần chọn lọc những tri thức cần trang bị cho học sinh và vốn tri thức đó cần thấm vào tâm trí học sinh, góp phần tạo nên những phẩm giá và năng lực của lớp trẻ.

Học sử tuyệt đối không phải là học thuộc lòng các năm tháng, sự kiện, tên tuổi nhân vật cùng với những con số khô cứng…, mà là hiểu biết một cách thông minh những diễn tiến cơ bản của lịch sử, thấm nhuần một cách hứng thú những giá trị tiêu biểu của lịch sử và văn hóa, xây dựng tư duy Sử học…

Do đó, dạy Sử không phải là sự truyền đạt kiến thức một chiều, càng không phải là áp đặt những khuôn sáo có sẵn… mà là sự đối thoại hai chiều giữa thày, cô giáo với học sinh để lớp trẻ đi vào môn sử một cách năng động, thích thú, thoải mái… Tôi biết một số thày, cô giáo đã có nhiều cố gắng cải tiến phương pháp giảng dạy theo hướng này nhưng còn ít ỏi quá.

Muốn thay đổi nội dung sách giáo khoa, phương pháp giảng dạy thì tất nhiên cần xây dựng lại chương trình môn Sử bậc phổ thông. Phương pháp giảng lại liên quan đến hệ thống các trường sư phạm đào tạo giáo viên dạy dạy Sử. Đây rõ ràng là một hệ thống liên hoàn mà trong cuộc cải cách giáo dục phải nghiên cứu và giải quyết toàn bộ.

Tuy nhiên, trong lúc chờ đợi một cuộc cải cách lớn như vậy thì khi phát hiện những cái gì sai sót, bất cập đã rõ ràng, ngành GD cần có giải pháp khắc phục ngay, không nên chờ đợi quá lâu.

PV: Xin cảm ơn Giáo sư!

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại