GS Phan Huy Lê: Môn Sử chưa được đặt đúng vị trí

Thiên Di |

(Soha.vn) - “Điều tôi quan tâm là môn Sử chưa được đặt đúng vị trí của nó trong nền giáo dục phổ thông và chế độ thi cử nặng nề đã tác động đến động cơ học tập của học sinh theo chiều hướng tiêu cực”.

Đó là chia sẻ của GS.NGND Phan Huy Lê – Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam về tình trạng dạy và học Sử hiện nay trong buổi lễ vinh danh học sinh đoạt giải quốc gia môn Sử năm 2013 tại Văn Miếu Quốc Tử Giám sáng nay (4/5).

<a  data-cke-saved-href=

GS Phan Huy Lê, GS Đinh Xuân Lâm cùng lãnh đạo Bộ GD và 5 em học sinh giải Nhất QG Sử dâng hương tại điện thờ Chu Văn An.

Đây là năm thứ 2 Qũy phát triển Sử học của Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam phối hợp với Bộ GD&ĐT tổ chức lễ trao giải thưởng cho học sinh giỏi quốc gia môn Lịch sử, góp phần tạo sự cổ vũ, động viên và khuyến khích học sinh đam mê môn Sử và thay đổi tích cực việc dạy và học sử trong nhà trường.

Được biết, năm nay có tổng 170 học sinh đoạt giải, trong đó có 5 giải nhất, 34 giải nhì, 78 giải ba và 89 giải khuyến khích. Đặc biệt, tỉnh Nam Định có 2 giải nhất.

GS Phan Huy Lê (ngoài cùng bên phải) trao bằng khen cho 5 em giải nhất cuộc thi học sinh giỏi quốc gia môn Sử năm 2013.

GS Phan Huy Lê (ngoài cùng bên phải) trao bằng khen cho 5 em giải nhất cuộc thi học sinh giỏi quốc gia môn Sử năm 2013.

Trao giải cho những học sinh đạt giải nhì HSG QG môn Lịch sử.

Những học sinh đạt giải nhì HSG QG môn Lịch sử.

Đánh giá về cuộc thi học sinh giỏi quốc gia năm nay, GS Phan Huy Lê nói: “Giáo dục môn Lịch sử trong các trường phổ thông chưa được cải cách và phần lớn học sinh vẫn chưa tìm thấy hứng thú trong học Sử thì những học sinh tự nguyện và đạt kết quả như trên là đáng được biểu dương. Đó là nỗ lực lớn của học sinh trong cố gắng tạo ra niềm hứng khởi, trong tìm đọc thêm sách báo tham khảo để nâng cao hiểu biết, rèn luyện tư duy Sử học”.

Theo GS thì không phải do bản thân môn Sử, nội dung lịch sử mà do sách giáo khoa và phương pháp dạy sử hiện nay khiến học sinh phổ thông không thích môn Sử, thậm chí là chán.

Và câu chuyện hàng trăm học sinh Trường Nguyễn Hiền (TP.HCM) reo hò vui mừng xé giấy ném xuống sân trường ăn mừng không phải thi tốt nghiệp môn Sử vừa qua gây xôn xao dư luận là một ví dụ.

Về vấn đề này, GS chia sẻ: “Điều tôi quan tâm là môn Sử chưa được đặt đúng vị thế của nó trong nền giáo dục phổ thông và chế độ thi cử nặng nề đã tác động đến động cơ học tập của học sinh theo chiều hướng tiêu cực”.

Hơn nữa, GS cho biết, hiện nay các trường đại học ngành Lịch sử còn thiếu sức hút với học sinh, nhiều học sinh chọn đi vào ngành Sử chỉ là một phân số rất nhỏ. Đây là điều hơi đáng buồn nhưng đó là chuyện bình thường vì đó là yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực cho sự phát triển đất nước.

Khẳng định vai trò của môn Lịch sử, GS nhấn mạnh: “Chức năng của môn Sử không phải chỉ trang bị một số kiến thức lịch sử cần thiết, chọn lọc cơ bản mà còn là bồi dưỡng tinh thần yêu mến lịch sử dân tộc, trân trọng giá trị lịch sử và văn minh nhân loại, rèn luyện tư duy sử học, giáo dục truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Và ở nhiều nước tiên tiến trên thế giới, môn Sử được coi là môn cơ bản, bắt buộc trong giáo dục phổ thông”.

Mặc dầu thực trạng dạy và học Sử còn nhiều bất cập, nhưng GS.NGND Phan Huy Lê luôn đánh giá cao số học sinh tham gia kỳ thi quốc gia môn Sử nhất là những em đoạt giải. Bởi đó là chứng cứ cho thấy không phải tất cả học sinh đều ghét bỏ môn Sử và nếu dạy tốt, học tốt, môn Sử có đầy đủ khả năng tạo sự hứng thú trong học sinh và hoàn thành chức năng của nó trong nhiệm vụ giáo dục thế hệ trẻ.

5 học sinh đoạt giải nhất quốc gia môn Lịch sử 2013:

Trần Thanh Quang (17 điểm), Lớp 12 chuyên Sử, THPT Chuyên Lê Hồng Phong, Nam Định

Phùng Thị Bích Phương (17 điểm), Chuyên Lê Hồng Phong Nam Định

Nguyễn Xuân Hải (17 điểm) THPT Chuyên Lương Văn Tụy, Ninh Bình

Phạm Văn Hưng (16,5 điểm) THPT Chuyên Biên Hòa, Hà Nam

Phạm Thị Thúy (16,5 điểm), THPT Chuyên Quảng Bình

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại