Giáo dục đại học ngoài công lập vẫn đang lúng túng?

Thiên Di |

(Soha.vn) - GS Trần Hồng Quân – nguyên Bộ trưởng Bộ GD & ĐT cho rằng nguyên nhân các trường NCL khó khăn xét về chính sách là do chúng ta rón rén, coi các trường NCL không phải là của mình.

Khó khăn cho các trường ngoài công lập không còn là vấn đề mới, không ít lãnh đạo các trường ngoài công lập, lãnh đạo Hiệp hội NCL đã nhiều lần bày tỏ thẳng thắn với các nhà quản lý về khó khăn của các trường NCL. Một trong những bất cập đó là về góc độ chính sách.

Khó khăn từ chính sách vô lý

GS.TS Trần Hồng Quân - Chủ tịch Hiệp hội các trường ngoài công lập cho rằng giáo dục đại học ngoài công lập (NCL) vẫn đang lúng túng, hành lang pháp lý chưa chuẩn, mô hình còn chắp vá, lạc hậu…chưa có bước đi vững chắc, đột phá để phát triển.

GS Trần Hồng Quân - Nguyên Bộ trưởng Bộ GD& ĐT cho rằng giáo dục

GS Trần Hồng Quân - Nguyên Bộ trưởng Bộ GD& ĐT cho rằng giáo dục đại học ngoài công lập vẫn đang lúng túng.

Khẳng định vai trò của các trường NCL, GS cho rằng, các trường NCL hoạt động chủ yếu từ nguồn vốn ngoài ngân sách Nhà nước, thu hút các nguồn lực xã hội để làm giáo dục và là mô hình tự chủ, năng động, tự chịu trách nhiệm về tài chính.

Nêu ra một số vấn đề bức xúc về mặt chính sách, GS Hồng Quân thẳng thắn đề cập, theo Nghị định 69 của Chính phủ, Nhà nước cấp đất sạch giáo dục cho các trường NCL mà không cần phải trả tiền và Nhà nước có chính sách cho vay ưu đãi để xây dựng trường, miễn thuế.

“Đến nay chưa ai thực hiện cả. Phần lớn các trường NCL bị đánh thuế 25%, việc xây dựng trường sở cực kỳ khó khăn. Tiền lấy từ đâu ra? Từ đầu sinh viên, các trường bắt buộc nâng chi phí đào tạo. Tôi thấy cực kỳ vô lý, tại sao cùng là công dân nước Việt Nam mà sinh viên các trường NCL không được hỗ trợ chi phí đào tạo trong khi đó sinh viên công lập được hỗ trờ gần 70%. Như vậy hai sinh viên không bình đẳng”, GS Quân bày tỏ bức xúc.

Xét về chính sách, tại sao các trường NCL khó khăn? Theo GS thì đó là do: “Chúng ta rón rén, coi các trường NCL không phải là của mình, là ngoại lai. Hiện nay, rất nhiều nước có chính sách hỗ trợ các trường công như Đài Loan cho không đất, hỗ trợ kinh phí ban đầu cho các trường NCL hay Chính phủ Nhật Bản tài trợ cho các trường ĐH dân lập 30% kinh phí để hoạt động”.

Đồng tình với ý kiến đó, GS Chu Hảo bày tỏ quan điểm: “Chính sách đối với các trường NCL nằm trong hệ thống con của các trường đại học. Chính sách đề ra nhưng làm một nẻo, chẳng khác nào “đem con bỏ chợ”. Điểm mấu chốt theo tôi là do chính phủ thực hiện quá nhanh cơ chế thị trường đối với trường tư”.

GS Chu Hảo - nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học công nghệ cho rằng

GS Chu Hảo - nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học công nghệ cho rằng chính sách đề ra nhưng lại làm một nẻo.

Tuy nhiên, một thực tế rõ ràng, theo GS Chu Hảo là hiện nay các trường NCL chỉ mới là tự chủ nghĩa là chạy vạy, chứ chưa phải tự chủ để nâng cao chất lượng đại học. Thực tế, vấn đề chất lượng đào tạo, giảng viên chưa được khẳng định nên chất lượng đầu ra không đảm bảo, gây dựng niềm tin.

Đứng từ phía nhà trường - người lãnh đạo trực tiếp trường NCL, bà Trần Kim Phương – Chủ tịch HĐQT Trường Cao đẳng ASEAN nêu ra vài điểm bất cập về chính sách. Bà Phương cho hay: “Chúng tôi thấy oải vì chính sách. Gần 2000 sinh viên của tôi chưa nhận được chế độ ưu tiên nào của nhà nước. Giáo dục là một nghề kinh doanh đặc biệt, vì vậy Nhà nước phải có chính sách đặc biệt, muốn phát triển, muốn có sản phẩm tốt thì phải có hỗ trợ".

Bà Phương nói thêm, chính sách tuyển sinh là chính sách sống còn, nhưng năm vừa qua các trường công lấy hết lượng thí sinh.

Còn TS Lê Viết Khuyến - nguyên Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH , Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng chính sách đúng thì các trường NCL phát triển, còn nếu chính sách không đúng thì các trường tiêu vong.

Chính sách không phải gốc rễ vấn đề

Cũng đồng ý với quan điểm của hầu hết với các lãnh đạo các trường NCL, GS Lân Dũng cho rằng, hiện nay Bộ GD coi ngoài công lập như "con ghẻ", "con nuôi". Ví dụ như kỳ thi tuyển sinh năm 2012, các trường công lập "tranh" hết học sinh của các trường tư, trường trung cấp dạy nghề. 

“Trường tốt thì học sinh đến đông, chứ nếu Trường ĐH Hoa Tiên thủ khoa có 14 điểm, thì ai học. Nếu tất cả học sinh muốn học ngoại ngữ thì trường tư mở đào tạo chỉ chuyên ngoại ngữ. Tại sao không giỏi cái gì thì mở cái đấy? Theo tôi tại sao không có trường chuyên dạy trồng nấm?”, GS Lân Dũng đề xuất.

GS Lân Dũng đặt câu hỏi, tại sao các trường ngoài công lập không giỏi gì mở ngành ấy.

GS Lân Dũng đặt câu hỏi, tại sao các trường ngoài công lập không giỏi gì mở ngành ấy.

Tuy nhiên, một đại biểu gay gắt nói: "Chính những người sáng lập ra chưa hiểu rõ thì làm sao có thể định hướng, hoạch định được. Hiện nay không ít trường hoạt động mang tính chất doanh nghiệp, nhiều trường NCL bị Bộ GD tuýt còi vì vi phạm, vì không đủ điều kiện. Tôi không hiểu, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có tới 5 trường ngoài công lập, để làm gì?".

“Chúng ta phải bàn về gốc rễ của vấn đề, chính sách chỉ là giải quyết từ nhánh cây, chứ không phải từ gốc. Nền giáo dục đào tạo đại học hiện nay không có một thiết kế nào, không có hoạch định. Và bản thân các trường NCL không có thiết kế, chiến lược nào thì nhà nước đầu tư kinh phí làm sao được. Hàng năm, liệu các anh có tổng kiểm kê các trường NCL bao nhiêu, chất lượng như thế nào không?”, vị đại biểu thẳng thắn đề cập.

Vấn đề bất cập giáo dục trong việc đào tạo của các trường NCL không phải là không ít và cũng đã nói nhiều, một sớm một chiều có thể giải quyết được. Nhiều lãnh đạo các trường NCL bày tỏ rõ mong muốn Nhà nước nên thay đổi chính sách đào tạo, hỗ trợ, tạo điều kiện để các trường NCL phát triển.

Bà Phương – Chủ tịch HĐQT CĐ Asean bày tỏ: “Các nước phát triển đang chứng minh các trường NLC có chất lượng tốt. Tôi hoàn toàn tin tưởng sẽ có nhiều trường NCL ở Việt Nam có thương hiệu trong tương lai”, bà Phương tin tưởng.

Thay cho lời kết, GS Trần Hồng Quân cũng khẳng định: “Ở Hàn Quốc có 67% sinh viên học các trường ngoài công lập. Chúng tôi hoàn toàn có niềm tin các trường NCL vươn lên một trong tốp đầu các trường đại học ở Việt Nam”.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại