Đồng chí Tư Sang qua lời kể của đồng đội cũ

Hoàng Sơn |

(Soha.vn) - “Với chúng tôi, dù có ở cương vị Chủ tịch nước đi chăng nữa thì anh vẫn mãi là anh Tư Sang, mãi là người lính trung kiên” – đó là tậm sự từ đáy lòng mình của ông Trương Văn Hoạt, người bạn tù với đồng chí Trương Tấn Sang ở nhà tù Phú Quốc năm xưa.

Người cộng sản trung kiên

Kể về những năm tháng gian khổ trong nhà tù Phú Quốc của Mỹ - Ngụy năm xưa, ông Trương Văn Hoạt (trú tại tổ 7, P.Lệ Mật, Long Biên, Hà Nội) không nén được xúc động, bởi ký ức năm xưa lại ùa về.

Ông Trương Văn Hoạt - người cựu tù Phú Quốc, đồng đội cũ của đồng chí Trương Tấn Sang năm xưa (Ảnh: ông Hoạt cùng vợ - bà Nguyễn Thị Mạnh).
Ông Trương Văn Hoạt - người cựu tù Phú Quốc, đồng đội cũ của đồng chí Trương Tấn Sang năm xưa (Ảnh: ông Hoạt cùng vợ - bà Nguyễn Thị Mạnh).

Người cựu tù Phú Quốc năm nào bồi hồi nhớ lại: “Tôi sinh năm 1948, năm 1967 tôi nhập ngũ và đi B vào đầu năm 1968, giữa lúc chiến trường đang ác liệt bởi chiến dịch Mậu Thân đang diễn ra, chúng tôi là lực lượng được lệnh điều động chi viện cho hỏa tuyến gấp.

Vào đến miền Nam, chúng tôi đóng trên địa bàn tỉnh Quảng Nam. Khi đó, tôi thuộc C4, Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 220 của Tổng đoàn Hành lang và nhiệm vụ chính là làm giao liên đưa đón khách từ Bắc vào Nam và ngược lại.

Tháng 5/1968, trong một lần đi công tác ở huyện Thượng Đức (Quảng Nam) thì tôi bị rơi vào ổ phục của địch, bị thương nặng và bị bắt, sau đó địch đưa tôi ra giam ở nhà tù Phú Quốc. Và tôi đã gặp anh Trương Tấn Sang khi đó cũng bị địch bắt và giam trong này”.

Trại tù Phú Quốc khi đó phân chia mỗi trại có 4 phân khu, đặt tên theo thứ tự chữ cái A, B, C… Mỗi phân khu như thế gồm có 9 phòng, mỗi phòng có 3 dãy. Hai dãy bên là để cho tù binh nằm, dãy giữa làm lối đi. Mỗi phòng chỉ dài 20m, rộng 5m nhưng lúc cao điểm nhất, địch giam đến hơn 100 người. Trước năm 1969, địch giam chung tù binh hai miền Nam – Bắc với nhau.

Ông Hoạt đang tìm lại những tư liệu như thư từ và các bằng khen, huy chương được phong tặng trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ.Với ông, đây là những kỷ niệm không bao giờ quên.
Ông Hoạt đang tìm lại những tư liệu như thư từ và các bằng khen, huy chương được phong tặng trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ.Với ông, đây là những kỷ niệm không bao giờ quên.

“Khi anh em tù binh là chiến sĩ giải phóng hai miền ở cùng nhau thường xuyên trao đổi tin tức cho nhau biết và phối hợp cùng nhau đấu tranh. Khi đó, phong trào đấu tranh trong nhà tù của anh em tù binh khá mạnh, rất nhiều lần anh em còn tổ chức vượt ngục.

Ngoài ra, biết địch còn cho tay sai, mật thám giả dạng người tù để trà trộn vào với anh em nhằm thu thập tin tức và người lãnh đạo, anh em trong tù còn tổ chức đấu tranh, phát hiện và “cải tạo” những người này. Có những trường hợp tên tay sai rất ngoan cố, anh em trong tù buộc phải thủ tiêu để bảo vệ phong trào và tổ chức”, ông Hoạt chậm rãi kể.

Khẽ nhấp xong một ngụm nước, ông Hoạt kể tiếp: Địch biết điều này nên chúng khủng bố rất dữ. Những người bị tình nghi là lãnh đạo phong trào đấu tranh của anh em trong tù bị chúng bắt nhịn đói và đánh đập rất dã man.

Trong số rất nhiều anh em tù binh là chiến sĩ giải phóng miền Nam bị giam cùng phòng với chúng tôi khi đó có một đồng chí là đại đội trưởng quân giải phóng. Đó chính là đồng chí Tư Sang. 

Tôi nhớ khi đó anh Sang bị địch tra tấn dã man, chúng đã đánh anh đến nỗi bị thương rất nặng ở đầu, gần như bất tỉnh.

Tuy nhiên anh chỉ khai nhận mình là chiến sĩ, không hề nhận mình là đại đội trưởng và không khai thêm bất cứ điều gì nên địch đã không khai thác được thông tin gì từ anh và cũng không biết thêm thông tin gì về lực lượng quân giải phóng miền Nam.

“Khí tiết của anh Sang khiến nhiều bạn tù rất khâm phục. Sau này, khi gặp lại nhau, anh vẫn còn đưa tay chỉ cho chúng tôi xem vết thương năm xưa giờ đã thành vết sẹo ở trên đầu, và nói rằng đây là dấu ấn để anh mãi mãi ghi nhớ về những bạn tù năm xưa, về những ngày tháng gian khổ không thể nào quên”, ông Hoạt bồi hồi nhớ lại.

“Anh Tư Sang vẫn như xưa, gần gũi và rất giản dị”

Ông Hoạt cho biết, mỗi lần bị địch khủng bố như thế thì phải có những người dũng cảm đứng ra nhận mình đánh để bảo vệ anh em, bảo vệ tổ chức. 

“Phòng giam của tôi cũng từng tổ chức tiêu diệt tên mật thám của địch. Địch biết, chúng khủng bố rất dã man. Sau đó, đồng chí Nguyễn Văn Xuân (quê ở Ý Yên, Nam Định) và đồng chí Đặng Văn Xế (quê ở Thái Bình) đã dũng cảm đứng ra nhận mình đánh để bảo vệ anh em.

Hai đồng chí này sau đó bị địch đưa về xét xử ở tòa án binh Cần Thơ và đày ra Côn Đảo. Hiện nay, đồng chí Xuân thì vừa mất, còn đồng chí Xế thì bị tâm thần do hậu quả của những lần bị địch tra tấn”.

Với đồng đội cũ, đồng chí Tư Sang vẫn mãi là một người lính kiên trung, giản dị và gần gũi.
Với đồng đội cũ, đồng chí Tư Sang vẫn mãi là một người lính kiên trung, giản dị và gần gũi.

Theo ông Hoạt, sang đến đầu năm 1969 thì địch phân trại tù Phú Quốc ra làm 2 khu riêng biệt: một khu dành cho tù binh là chiến sĩ giải phóng từ miền Bắc và một khu là để giam các chiến sĩ giải phóng quân quê ở miền Nam. 

Việc phân khu và giam riêng tù binh nói trên là âm mưu hết sức thâm độc của kẻ địch. Chúng giam riêng tù binh là để kích động sự phân biệt hai miền và chia rẽ phong trào đấu tranh của anh em trong trại.

“Lúc này, anh Tư Sang vì là người gốc miền Nam nên bị địch chuyển sang khu trại giam tù binh là người miền Nam, tách ra khỏi chúng tôi là tù binh người Bắc. Cũng từ đó, chúng tôi ít gặp anh Tư Sang hơn. Đến năm 1973 thì tôi được trao trả theo quy định của Hiệp định Paris và trở ra Bắc, còn anh Sang thì vẫn ở lại miền Nam.

Gần hai chục năm sau ngày giải phóng, chúng tôi vẫn không có điều kiện gặp gỡ nhau, dù biết anh Tư Sang lúc này đã chuyển công tác ra ngoài này”, ông Hoạt cho biết.

Ông Trương Văn Hoạt (người đứng hàng trên, tay trái) chụp ảnh với các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước cũng từng là cán bộ chiến sĩ bị địch bắt giam và tù đày trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước (Ảnh tư liệu của gia đình).
Ông Trương Văn Hoạt (người đứng hàng trên, tay trái) chụp ảnh với các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước cũng từng là cán bộ chiến sĩ bị địch bắt giam và tù đày trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước (Ảnh tư liệu của gia đình).

Ông Hoạt cho kể: “Vậy mà mãi 31 năm, chúng tôi – những người cựu tù Phú Quốc năm xưa của hai miền Nam – Bắc mới có dịp gặp lại nhau trong đại hội cựu tù binh Phú Quốc tổ chức tại Bắc Ninh năm 2004. Trong đại hội này, chúng tôi cũng đã gặp lại người bạn tù “đại đội trưởng” năm xưa là anh Tư Sang, lúc này anh đang giữ vị trí quan trọng trong bộ máy lãnh đạo Đảng và Nhà nước.

Đến đại hội, anh em bạn tù gặp nhau ai cũng vui mừng, ôm hôn nhau thắm thiết, có người xúc động đã bật khóc.

Khi thấy anh Tư Sang đến, mọi người nhận ra ngay. Anh Tư Sang rất xúc động và anh có nói rằng: Hôm nay tôi đến đây với các anh em không phải để nói chuyện về chức về quyền mà tôi đến đây để gặp gỡ và nói chuyện với các anh em với tư cách và tình cảm của một người lính, một người cựu tù binh Phú Quốc năm xưa. Sau bao năm, anh Tư Sang vẫn như xưa, rất gần gũi và giản dị”.

Cuối câu chuyện với chúng tôi, khi được hỏi nếu có thể, ông muốn gửi gắm đến người đồng chí, người bạn tù năm xưa điều gì, ông Hoạt đã xúc động bày tỏ: “Tôi hi vọng dù ở bất kì cương vị nào, anh Tư Sang vẫn giữ vững khí tiết của người cách mạng, hoàn thành nhiệm vụ mà Đảng, nhân dân đã giao phó và không phụ niềm tin của những người bạn tù năm xưa đã gửi gắm”.

“Với chúng tôi, dù có ở cương vị Chủ tịch nước đi chăng nữa thì anh vẫn mãi là anh Tư Sang, mãi là người lính trung kiên”, ông Hoạt tâm sự.

Ông Trương Văn Hoạt sinh năm 1948. Hiện trú tại Tổ 7, phường Lệ Mật (Q.Long Biên, TP Hà Nội). Ông Hoạt nhập ngũ năm 1967. Năm 1968 thì ông bị địch bắt và giam ở nhà tù Phú Quốc. Năm 1973 được trả tự do theo quy định của Hiệp định Paris. Hiện ông đang là Phó ban Bảo vệ di tích đình chùa Lệ Mật. Trong thời gian bị địch giam giữ ở nhà tù Phú Quốc, ông Hoạt là người bạn tù của đồng chí Tư Sang (tức Chủ tịch nước Trương Tấn Sang hiện nay), lúc đó cũng bị địch bắt và giam giữ tại đây.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại