Đời kỹ nữ - Bên trời lận đận

Những cô gái “lưu lạc chốn phong trần”, xuất hiện cùng lời ca tiếng hát bên những buổi tiệc vui buồn bất tận.

Vì sao em đến nơi này ?

Điệu Nam ai man mác cất lên bởi giọng mộc tròn, sâu lắng của cô gái có tên Thiên Nga làm nhạt dần những câu chuyện của nhóm khách ngà say. Người ta nói ở nơi “xô bồ” cho mấy thì khi nghe điệu Nam ai, người vô tâm lắm cũng phải lắng lòng.

Sau bài hát đầy tâm sự, cô kỹ nữ tuổi 30 lại được mời uống, mời hát... Buổi tiệc kết thúc khi tiếng đờn, tiếng hát lạt dần theo đêm thâu... là lúc người và khách chếnh choáng hơi men.

Ở cuối con hẻm chằng chịt nhà trọ trên đường Nguyễn Văn Cừ (TP.Cần Thơ), tiếp khách không đờn, không phấn, Thiên Nga chẳng giấu rằng mình từng là “dân nòi”.

Theo cha ca hát, tham gia vào ban đờn ca tài tử ở địa phương bên kia sông Hậu. Ngoài những buổi sinh hoạt, thi thố, cô cũng đi hát phục vụ tiệc. Đến khi yêu rồi tan vỡ gia đình, Nga trở lại đời ca kỹ như một lựa chọn duy nhất để kiếm sống. Dù rằng so với xưa, nghiệp hát của cô đã khác đi nhiều.

Không có ban, có hội, không có sân khấu với sự kèm cặp của người cha. Cô theo chị em bạn tài tử kiếm tiền từ lời gọi của chủ các quán nhậu, những khách gần xa. Cuộc đời kỹ nữ của Nga bắt đầu từ đó.


	Không phải cô gái nào bước vào đời kỹ nữ cũng qua quãng đời lận đận - Ảnh: T.T

Không phải cô gái nào bước vào đời kỹ nữ cũng qua quãng đời lận đận - Ảnh: T.T

Nga kể, dù đã từng có thời gian ca hát phục vụ đám tiệc, lễ hội, nhưng cô không khỏi bỡ ngỡ khi bước vào đời kỹ nữ. Ngày trước hát xong thì nhận cát sê ra về. Bây giờ vừa hát, vừa hầu chuyện, tiếp rượu nhiều khi đến mỏi mòn.

Biết rằng làm kỹ nữ cũng là bán lời ca tiếng hát, nhưng khi lần đầu mở cánh cửa bước vào tiệc rượu, cô đã bị một khách say vồ thẳng vào... ngực. Theo phản xạ tự nhiên, cô đáp lại ông khách bằng một bạt tai trời giáng. Lần đó, Nga bị chủ quán đuổi thẳng và “cấm bén mảng tới quán”.

Trở về phòng trọ, cô khóc vật vã, trách phận đời, nhưng rồi hôm sau lại tìm đến các quán xin đi hát để kiếm tiền boa.

“Phải chấp nhận thôi, được bán nghề là tốt. Nhiều người còn bán thân nữa kìa...”. “Dù mình có mặc áo dài kín đáo, son phấn cũng giản dị, nhưng vẫn không sao tránh khỏi tai nạn khi bị ngộ nhận với... gái bia ôm”, Nga thở dài.

“Nhiều khách hiểu nghề của tụi em là phục vụ ca hát, chuyện trò đối ẩm mua vui thì cư xử đúng mực. Nhưng cũng có khách coi tụi em như gái bia ôm, dân nhậu mướn, thậm chí là cave... khiến em rất buồn. Đến giờ thì nước mắt không còn để khóc nữa”, Nga tâm sự.

Nga kể, ban đầu cứ tưởng chỉ có mình là số phận hẩm hiu. Nhưng bước vào nghề kỹ nữ, Nga thấy nhiều chị em cũng lận đận gấp nhiều lần mình. Trừ những cô gái mới lớn, tập tành ca hát, phấn son, nhiều chị em khác đều từng gãy gánh gia đình, nhiều chị em có chồng nhưng cũng bỏ đi làm kỹ nữ. Họ sống cuộc đời dằn vặt giữa hát ca, tiền bạc, tri âm và ghen tuông của chồng...

Nga nói, thỉnh thoảng lại nghe một vài bạn bị chồng hay người yêu đánh đập. Như cô, thôi chồng thì đôi khi về tủi thân gối chiếc, nhưng lại ngán ngại phải bước tới với một người nào nữa. Dù trên tiệc rượu, Nga đã quá quen rồi lời hứa hẹn trăm năm.

Lưu lạc phong trần

“Em vốn con nhà danh gia đài các, mỏi bước chân mới lưu lạc chốn phong trần, xin tao ngộ một lần, rồi lưu luyến muôn phần...”, lời ca của cô gái dạn dày, trong quán lá cũ kỹ bên QL1A (H.Mỹ Xuyên, Sóc Trăng) làm khách phương xa không muốn lên đường.

Hoa, theo chủ quán giới thiệu, mới trở về từ Campuchia đã nhanh chóng kéo khách tìm đến quán. Ngoài hai mươi tuổi, Hoa có nét đẹp quyến rũ, cứng cỏi. Chút dạ, chút vâng, mỹ miều cùng giọng hát rất “tươi” đưa cô nhanh chóng trở thành “hót gơ” quán lá.

Hoa ít ngồi bàn cố định mà chỉ phục vụ một, hai bài rồi đi bàn khác. Hôm vắng khách thì cô ngồi lại hàn huyên với khách. Lần đó, Hoa nói cô gãy gánh gia đình cũng vì “mê trai đẹp”.

Sang Campuchia làm ăn rồi có chồng ở tận biên giới Campuchia - Thái Lan. Hoa và “chồng đẹp” tạo dựng được một gia đình khá giả với hai mặt con. Thế nhưng, trong một lần phát hiện chồng có tình ái bên ngoài, Hoa lập tức ẵm con về lại nhà ba mẹ ruột là giáo viên ở Sóc Trăng. “Nói đi rồi là không trở lại, chồng em có qua kiếm em cũng không đi nữa”.

Trước, buồn tình Hoa thỉnh thoảng hay lui tới một quán nhậu quen. Nếu có khách ngồi bàn thì phục vụ hát hò. Không thì một mình cô cũng... nhậu. Ban đầu lân la cốt để có người bầu bạn. Riết rồi cô trở thành kỹ nữ chuyên nghiệp lúc nào không hay.

Trong số những kỹ nữ khắp nơi ở miền Tây, không chỉ có những cô gái có thân phận éo le, hay rơi vào nghịch cảnh phải “lưu lạc chốn phong trần”. Nhiều cô từng là nghệ sĩ nổi tiếng, là diễn viên triển vọng, hay xuất thân từ những gia đình khá giả cũng bôn ba vào nghề.

Ngọc Thu, một chủ quán ca cổ nhạc trên QL1A (H.Giá Rai, Bạc Liêu) nói chỉ cần cô gọi, từ các cô gái tài tử, thôn nữ bỏ chồng cho đến những cô gái trẻ, gia đình có trại tôm giống cũng sẽ có mặt. “Chủ yếu là họ mê văn nghệ. Nếu không có dịp đám tiệc, bình thường họ cũng mở tiệc nhậu nhẹt, hát hò. Còn tri kỷ tri âm thì có mấy khi...”.

“Chồng viên chức, vợ thợ may, gia đình có một con nhỏ... mình nhìn cặp đôi đẹp vậy mà ai ngờ lại đổ vỡ”, một đồng nghiệp ở Bạc Liêu tiếc nuối khi nhắc đến gia đình của Cẩm Thúy, một kỹ nữ đắt show ở Bạc Liêu.

Vẻ đẹp yêu kiều, Thúy hay kết thúc câu chuyện với những điều không rõ ràng. Như chuyện “mê ca hát mà bỏ chồng”, hay “chồng ghen quá không sống được”...

Từ quê nhà Vĩnh Hưng (H.Vĩnh Lợi, Bạc Liêu), Thúy bỏ luôn dàn máy may, dọn ra hẳn ở TP.Bạc Liêu để sống bằng nghề ca hát. Thúy, cũng như nhiều cô gái khác, đến với nghề kỹ nữ không phải vì hoàn cảnh đẩy đưa mà do một lựa chọn của mình.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại